Phiên bản châu Á của huyền thoại David và Goliath

Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng cứ dịp tháng Tư, sự kiện mà hãng tin Pháp AFP ngày 1-5-1975 đánh giá là “nổi bật nhất châu Á trong năm 1975”, là “cơn dư chấn rung động địa cầu” lại được báo chí thế giới nhắc đến. Khó có thể thống kê hết số lượng bài báo, phóng sự, hình ảnh... về sự kiện này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông quốc tế từ đó đến nay. Mỗi tác phẩm phản ánh một góc nhìn khác nhau nhưng hầu hết đều có chung một nhận định: Chiến thắng 30-4-1975 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm, có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới.

Tháng 10-1975, khi đề cập đến sự kiện 30-4-1975, tạp chí châu Âu (Pháp) đánh giá: “Sau 30 năm chiến đấu-những cuộc chiến đấu lạ lùng-từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”.

leftcenterrightdel
 Diễu hành mừng Chiến thắng 30-4 trên đường phố thủ đô Paris (Pháp), ngày 1-5-1975. Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+

Báo Tin tức Ai Cập số ra ngày 7-5-1975 thì ca ngợi: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30-4-1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.

Nhìn nhận về sự kiện 30-4-1975, ông Juan Meriguet Martinez, Ủy viên Trung ương Đảng Cách mạng Công dân Ecuador cho rằng, phía sau đoàn Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn tháng 4-1975 có bóng dáng của những đoàn quân trong lịch sử. Đó là những chiến sĩ xông lên cắm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castries trong Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là những dân quân tay cầm vũ khí thô sơ quyết đấu với đội quân viễn chinh Pháp và trước đó nữa là những dũng tướng cưỡi ngựa, cưỡi voi xông pha trận mạc trong suốt 1.000 năm chống ngoại xâm. Vì thế, theo ông Juan Meriguet Martinez, cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài hơn 20 năm kết thúc bằng chiến thắng 30-4 của Việt Nam được coi là một cuốn sử thi đương đại. Thắng lợi này khẳng định quyền dân tộc tự quyết, đó là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của mình trên cơ sở chủ quyền quốc gia.

Nhiều thập kỷ sau Đại thắng mùa xuân 1975, tờ The Asahi Shimbun của Nhật số ra ngày 1-5-2000 vẫn đăng bài xã luận về sự kiện này với với sự khâm phục và kính trọng. Bài báo viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”. Tờ Người lao động, cơ quan Trung ương của những người lao động Cuba, thì nhận xét: “Ngày 30-4-1975, những hình ảnh chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới. Cảnh tượng những tên lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên những chiếc máy bay trực thăng Black Hawk trong một cuộc tháo chạy trước sức tiến công thần tốc không gì ngăn cản nổi của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, vẫn còn nguyên đó như những bằng chứng hùng hồn của ngày hai miền Nam Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất”.

Còn với nhà báo người Pháp Alain Thomas, ngày 30-4-1975 không chỉ là một cột mốc lịch sử mà còn là “một hình ảnh mang tính biểu tượng”, hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập. Với ông, khoảnh khắc đó đã khép lại hàng thập kỷ chịu sự chi phối của các thế lực bên ngoài, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ và đánh dấu sự toàn thắng của một dân tộc đã tuyên bố độc lập từ năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đó là thời khắc người Việt tự quyết định vận mệnh chính trị và kinh tế của mình, không còn phụ thuộc vào bất kỳ thế lực nước ngoài nào”, ông Alain Thomas khẳng định. Theo ông, cuộc kháng chiến của Việt Nam như một phiên bản châu Á của huyền thoại David và Goliath, trong đó David-với chỉ một chiếc ná thun nhỏ-đã đánh bại gã khổng lồ bất khả chiến bại Goliath. Ông nhấn mạnh: “Sự kiện 30-4 là chiến thắng của ý chí dân tộc trước sức mạnh quân sự và công nghệ vượt trội của Mỹ”.

Nguồn sức mạnh cho Việt Nam phát triển

Không chỉ ca ngợi, dư luận quốc tế còn cho rằng, chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn là niềm tự hào, là động lực để nhân dân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường vinh quang và hạnh phúc.

Đánh giá Chiến thắng 30-4-1975 như nguồn sức mạnh cho Việt Nam phát triển, Tiến sĩ G.Weerasinghe, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka cho rằng, kể từ đó tới nay, Việt Nam đã có những bước tiến to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang theo đuổi con đường phát triển có chủ quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp hóa với các ngành kinh tế nông nghiệp và dịch vụ đáng kể. Rõ ràng, những bài học của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được áp dụng cho sự phát triển của Việt Nam ngày nay. Các thành phần của xã hội đã tham gia vào phát triển kinh tế bằng cách mở ra nhiều con đường khác nhau một cách hiệu quả. Các chính sách áp dụng ở cấp khu vực và quốc tế đã mang lại kết quả to lớn cho sự phát triển cùng có lợi của Việt Nam.

Từng đến Việt Nam từ đầu những năm 2000 và đã nhiều lần trở lại “đất nước hình chữ S” này, nhà báo Pháp Alain Thomas rất ấn tượng với sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội Việt Nam. Từ một đất nước phần lớn là nông thôn, Việt Nam đã vươn lên thành “một trong những con rồng kinh tế của châu Á”. Ông Alain Thomas nhấn mạnh đến sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại các đô thị, với mức sống ngày càng cải thiện rõ rệt và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó là sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Ông khẳng định: “Người Việt Nam là một dân tộc từng chiến thắng các cường quốc ngoại bang và tinh thần đó vẫn được khắc sâu trong tâm thức tập thể”. Theo ông, chính bản lĩnh, sự gắn kết và tinh thần kiên cường ấy sẽ tiếp tục là động lực giúp Việt Nam vượt qua những thách thức sắp tới trên hành trình phát triển và hội nhập toàn cầu.

Là người có nhiều năm nghiên cứu Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, kể rằng, điều khiến ông ấn tượng nhất là mỗi lần đến thăm “dải đất hình chữ S”, ông đều thấy Việt Nam “thay da đổi thịt” mạnh mẽ. Giáo sư cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều bài học từ chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 cần được nhìn nhận và phát huy. Việt Nam cần giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn chủ động, không được để mất nền văn hóa, đồng thời phải luôn có khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình khi theo đuổi tầm nhìn chiến lược dài hạn. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác, nhưng phải luôn bảo đảm lợi ích quốc gia của mình. Điều này đòi hỏi sự ổn định chính trị, đoàn kết nhân dân, khả năng thích ứng liên tục và có những đổi mới quan trọng. Ông bày tỏ tin tưởng vào tương lai xán lạn của Việt Nam, bởi “Việt Nam luôn đón nhận những thách thức và biến chúng thành cơ hội”.

Còn ông Ezequiel Ramoneda, Điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, cho rằng, trên nền tảng chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam đã xây dựng đất nước ngày một phát triển, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Trong những thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn ở mức cao, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên bình diện quốc tế, vai trò và vị thế của Việt Nam cũng ngày càng được khẳng định.

TƯỜNG LINH