Tôi từng ở Trường Sa trong những năm 1984-1989. Ngày ấy, theo tiêu chuẩn, mỗi người chỉ có 5 lít nước trong một ngày, nếu “hoang phí” một chút sẽ lâm vào cảnh "khát" nước. Mong một trận mưa giữa biển khơi để hứng chút nước mà thật khó, bởi mưa trên biển thật nhanh, cứ rào rào một lúc là tạnh. Vì thế, mỗi lần được thông báo sẽ có tàu ra cung cấp nước ngọt, tiếp thực phẩm là anh em chúng tôi nhảy múa, hò reo rầm trời.

Tàu tới đảo đều phải neo cách mớn nước để tránh va phải đá ngầm. Chuyển nước vào nhà chòi không thể dùng đường ống bởi khoảng cách khá xa và các loại ống thời đó khan hiếm. Cách thuận tiện nhất là bơm nước lên xuồng rồi chở vào đảo. Một xuồng chở được khoảng 500 lít. Khi cáp nối từ chân đảo ra tàu đã sẵn sàng, đảo trưởng sẽ phân công người ngồi trên xuồng ra lấy nước. Yêu cầu phải bảo đảm mọi yếu tố an toàn. Người lấy nước phải tắm rửa thật sạch sẽ để không ảnh hưởng đến nước ngọt.

Khi tàu đã thả neo, công việc nhận nước ngọt bắt đầu. Mấy anh em chèo xuồng sát phần đuôi tàu để nhận nước bơm xuống. Khi được 2/3 xuồng nước, mấy anh em lần theo sợi dây nối từ tàu đến đảo để trở về. 

Mỗi chuyến dong xuồng ra tàu và mang nước trở lại nhà chòi mất cả tiếng đồng hồ, khiến lòng bàn tay đỏ ửng rồi phỏng rộp lên, mọng nước, song tất cả đều cố gắng. Không chịu khổ, không chạy đua với thời gian thì khi thủy triều xuống sẽ phải đợi đến ngày hôm sau mới có thể tiếp tục. Nhưng tàu ra cấp nhu yếu phẩm và nước ngọt chỉ neo đậu ở mỗi đảo trong khoảng thời gian ngắn ngủi vì hải trình còn dài.

Mỗi tàu từ đất liền ra phải lênh đênh trên sóng hàng tháng trời, cấp nhu yếu phẩm, gạo, nước cho cả chục điểm đảo. Vậy nên tất cả đều phải khẩn trương ở mức độ cao nhất. Xuồng tới chân nhà chòi, ngay lập tức anh em dùng xô múc nước đổ vào téc. Tôi cứ gập người xuống để nhận nước và chuyền lên cho người khác, đến mức hai bên hông mỏi nhừ. Lấy được 7 xuồng tính ra cũng được gần 3.000 lít, lúc ấy thủy triều xuống, không thể kéo xuồng được nữa thì công việc chuyển nước cũng kết thúc. Mấy anh em nằm vật ra sàn thở dốc, bàn tay ai nấy đều xước xát, rớm máu... Chúng tôi nhìn nhau cười rồi tự động viên: Thế là đủ nước uống mấy tháng rồi!

leftcenterrightdel

Cán bộ Viện Hóa học môi trường Quân sự lấy mẫu nước để phân tích tại vùng biển Trường Sa. Ảnh: TRƯỜNG SỰ 

Những buổi chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, nhìn về phía đất liền, lòng trào lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết; nhưng đặc biệt thay lại nhớ nhiều đến những trận mưa hơn cả. Những cơn mưa phùn thối đất, thối trời ở miền Bắc, gần như suốt cả mùa xuân. Rồi những cơn mưa trắng trời, trắng đất mỗi khi mùa ngâu đến, lại nhớ câu thành ngữ “Tháng Bảy nước chảy qua bờ”.

Thời điểm ấy, mỗi lần nhớ đến mưa, lại khao khát: Giá mà ngoài này cũng có những trận mưa như thế! Nhưng rồi lại tự hỏi mình: Mưa như trong đất liền thì lấy gì để hứng nước khi cả điểm đảo này chỉ có hai cái téc, chứa được 3.000 lít và 3 cái thùng phuy? Những ước mơ kèm theo câu hỏi ấy cứ theo tôi mãi đến sau này thì mới có các bể chứa nước được xây dựng. Tuy vậy, do ít mưa, nước hứng được không nhiều nên anh em lính đảo vẫn phải chờ đợi nguồn nước từ đất liền.

Nhằm khắc phục khó khăn, khan hiếm nước ngọt cho bộ đội và nhân dân trên đảo, có thời gian, Cục Hậu cần, nay là Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân đã đưa ra "thiết bị” lọc nước biển đơn giản bằng hai tấm thủy tinh ép hai mặt vào nhau, mỗi tấm rộng khoảng 1 mét vuông. Hai cạnh song song, mỗi cạnh được gắn miếng bao tải sạch; một phía nhúng vào nước biển, rồi đem phơi ngoài nắng. Nước biển thẩm thấu qua vải bao tải, vào kẽ của hai tấm kính thủy tinh rồi nhỏ từng giọt đã thành nước ngọt sang phía bên kia. Mỗi “thiết bị” này lọc được khoảng 2 lít nước có vị hơi ngòn ngọt. Cả cụm đảo phía Nam Đá Lớn của chúng tôi chỉ được cấp 3 “thiết bị” này; hì hục cả ngày may ra được 5-6 lít nước, nhưng chỉ cần sơ ý là kính vỡ nên chỉ dùng được một thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi phải bảo quản cẩn thận "thiết bị" lọc nước.

Thời gian trôi qua, tôi trở lại thăm đơn vị cũ sau hơn 20 năm xa cách, được cán bộ ở Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đón tiếp, đồng thời thông báo về tình hình sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên các đảo mới thấy yên lòng. Được biết, mọi nhu yếu phẩm từ đất liền đã bảo đảm kịp thời về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, nguồn nước ngọt ở Trường Sa hiện nay đã được giải quyết hầu như triệt để. Đây chính là nguồn động viên lớn đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở tuyến tiền tiêu của Tổ quốc.

Dẫu biết nước ngọt cho cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân ở Trường Sa nay đã được cải thiện rất nhiều, nhưng với tôi, mỗi lần nhìn mưa trắng trời ở bất kỳ vùng đất liền nào thì tôi vẫn cứ ước: Giá như trận mưa này ở Trường Sa! Hình như, ước mơ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, nhắc nhở tôi luôn hướng về quần đảo thân yêu, nơi mà tôi đã gắn bó một thời trai trẻ: Trường Sa-vùng đất thiêng của Tổ quốc!

NGUYỄN HOÀNG NGUYÊN