Ở vùng quê trung du, những đứa trẻ chúng tôi thường được chào hè bằng vụ gặt xuân hè. Nhà tôi chỉ có một mảnh ruộng hơn 4 sào chuyên để cấy lúa, một năm hai vụ. Bố mẹ tôi đều công tác ở cơ quan trong huyện nên mẹ luôn phải tính toán để gặt vào ngày nghỉ. Trước ngày gặt cả tuần, mẹ đã qua nhà anh em, làng xóm hỏi han rồi nhờ các bá, các cô gặt giúp, gặt đổi công, các chú, các anh thì nhờ gánh, tuốt lúa. Có năm trùng ngày gặt của các nhà, mẹ lại phải tìm thuê thêm người. Ngày gặt, đám trẻ con chúng tôi tíu tít mang nước uống ra đồng, rồi háo hức đợi các bá, các cô gọi cho những xâu muỗm béo múp. Lúc nấu cơm, đem muỗm nướng trên than hồng, thơm lừng cả bếp. Đến giờ, tôi vẫn tin đó là đặc sản mùa gặt đi mãi theo ký ức của bất cứ đứa trẻ nào đã từng được trải qua.
Những gánh lúa theo vai các bố, các anh về xếp gọn thành từng cầu cao ở một bên sân. Tối, cơm nước xong, bố mẹ lắp máy tuốt lúa. Đống thóc tươi còn lẫn những lá vàng cao dần lên rồi lại được san ra sân. Những lượm rơm được ném thành đống dưới góc sân chờ phơi.
Trước vụ gặt, ông nội đã mang đống chổi xuể mẹ mới mua ra xếp buộc lại. Cái này quét sân, cái kia quét thóc... Những ngày này, nhiệm vụ to đùng của tôi là ở nhà quét sân, chờ nắng lên cào thóc ra phơi. Thỉnh thoảng có hôm mẹ sẽ tranh thủ giờ nghỉ, về trợ giúp. Buổi trưa, mẹ thường không ngủ để tranh thủ lúc nắng to cày thóc cho khô đều. Nhà đón hướng Tây, chiều muộn nắng tắt mới lại cào thóc gọn thành đống như ngọn núi vàng ươm mọc lên giữa sân.
Phơi thóc mùa này, nếu thời tiết thuận thì chỉ vài nắng là thóc có thể mang quạt sạch cất vào thùng. Sợ nhất chính là giữa buổi phải chạy thóc khỏi mưa. Tôi nhớ câu ca ông nội hay ngâm nga:
Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy
Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi
Cơn đằng Tây mưa dây bão giật
Cơn đằng Bắc xúc thóc ra phơi
Cứ vin vào đó mà có lần tôi đủng đỉnh khi thấy cơn mưa từ đằng Nam rồi mếu máo vì không kịp chạy thóc.
Sân rộng, chiếc chang gỗ vốn đã nặng với đứa trẻ học cấp 2, mỗi lần chẳng kéo được mấy thóc. Tôi cào đến đâu, ông quét sạch gọn đến đó. Ông nội ngoài 70 tuổi chỉ có thể ngồi xổm cầm chiếc chổi xuể quét từng cái dài hết sải tay. Hôm nào trời mưa, thấy mẹ kịp về "cứu" thóc, hai ông cháu mừng rơn. Đến khi đống thóc được che đậy cẩn thận, trời sầm lại, những hạt mưa lộp độp rơi xuống như những bông hoa cúc in trên nền sân, cả nhà mới thở phào. Ông ngồi trên bậu cửa cầm chiếc quạt nan nhanh nhanh tay quạt. Mẹ lại đội nón cẩn thận đi chặn chèn từng góc bạt cho khỏi ướt thóc.
Lúc nhỏ, tôi thường thầm than khi đống thóc to, mỗi lần cào thóc thật mệt làm sao. Lớn thêm một chút, tôi hiểu hơn những câu chuyện được nghe bên bờ ruộng của các bà, các mẹ, lẫn trong giọng nói trầm xuống còn có tiếng thở dài vì năm nay đống thóc nhỏ hơn mọi năm. Tôi hiểu rằng, chỉ cần mùa năm nay nhiều thóc hơn một chút thì tháng Ba ngày Tám năm sau mẹ còn có thể đem bán bớt vài bao thóc đỡ mùa giáp hạt.
Thấm thoắt đã đôi chục năm đi qua, làng quê giờ đã đổi thay chóng mặt. Máy gặt đến từng ruộng, chỉ việc đợi mang thóc về phơi. Mấy năm nay, những khu công nghiệp, khu dân cư mới dần mọc lên trên những cánh đồng cũ. Năm nay, về quê đúng mùa gặt, sân nhà rộng hơn xưa nhưng sân thóc mẹ phơi nhỏ lại gấp mấy lần. Nhìn cảnh ấy, tôi bỗng thấy nhằm nhặm trong lòng.
DƯƠNG THU