Lúa vừa trổ, bông lúa trắng như thạch trong ngần. Hàng trăm hạt đang ngậm phấn hoa, nép mình vào nhau đều như xếp hàng tăm tắp trên một bông lúa. Lúa vừa trổ, bông lúa như trẻ sơ sinh nõn nà, mềm mại vươn lên. Cả đồng lúa trổ bông, những bông lúa tinh khôi phảng phất theo gió đưa, hoa phấn từ bông lúa bay sang nhau, thụ phấn tự nhiên vào nhau theo gió trời đưa đẩy. Lúc ấy hương lúa cũng đung đưa, đung đưa trên thân cây lúa, đung đưa theo gió bay tỏa khắp đồng. Cả cánh đồng mùi lúa thơm ngầy ngậy, nồng nồng, cái mùi thơm ấy quyến rũ lòng người, mùi thơm chỉ phảng phất nhè nhẹ vương vào tà áo, rồi theo làn gió bay xa...
Tháng Tám, đêm trời trong veo, những ngôi sao nhấp nháy trong màn trời xanh thăm thẳm. Lũ trẻ chúng tôi rủ nhau ra ngồi bên bờ giếng làng, xung quanh là lúa. Trên thảm cỏ xanh mịn màng, chúng tôi ngả mình ngắm trăng, nằm nghe tiếng lúa xào xạc trên đồng, hương lúa tỏa bay quanh người. Đêm trăng thanh, lũ trẻ trâu nghịch ngợm thế mà nằm không cựa mình, nằm nghe hương lúa đang tỏa trên đồng. Hương lúa quện với hương cỏ mật ngạt ngào. Ôi cái mùi hương lúa, mùi nuôi sống người dân quê tôi, nuôi người công nhân trong nhà máy, nuôi anh bộ đội đang cầm súng nơi biên giới, biển, đảo xa. Cái mùi mà cha ông đã truyền dạy từ ngày xửa, ngày xưa: “Có thực mới vực được đạo”. Cái mùi mà khi đã thành hạt gạo lại được ví như hạt ngọc. Không, nó còn hơn thế nữa, hơn cả vàng, cả ngọc.
|
|
Hương lúa đồng làng. Ảnh: NGỌC VŨ
|
Một ngày đã xa lắm rồi, tôi bưng bát cơm lên, đôi bàn tay non nớt vô ý đánh đổ bát cơm, cơm trộn đất, bà tôi cúi xuống nhặt từng hạt, vừa nhặt bà vừa giảng giải. Bà bảo, năm 1945, nhiều người tay cầm vàng, vàng mười vàng óng, vậy mà chết đói, vì có gạo ăn đâu. Người ta chỉ cần có một bơ gạo, họ sẽ đổi chỉ vàng, cầm vàng trong tay mà chết đói, thật đau lòng nên gạo quý hơn vàng đấy cháu ạ.
Ngày tôi còn bé, bố tôi cũng kể cho tôi nghe trong một đêm trăng tháng Tám vằng vặc soi, bố kể mà giọng bố nghèn nghẹn xúc động. Bố bảo, cả một đơn vị hàng trăm con người, một tháng không có hạt gạo nào nấu cơm, cả đơn vị ăn măng rừng, rau rừng thay cơm, những thân hình trai tráng tuổi 20 gầy xanh như tàu lá, từng chiếc xương sườn trơ ra trong màu áo xanh bạc, ánh nắng nhòa nhạt mùa mưa nên da mặt lính càng xanh. Nhìn những thân hình người lính mà lòng từng người quặn lại, đã có người ra đi vì kiệt sức.
Không thể để lính chết đói, đơn vị mở đường máu đi lấy lương thực. Lại có người hy sinh khi vòng vây của địch giăng kín các trục đường về, hy sinh khi bồng gạo còn lặc lè trên lưng, có anh hy sinh khi trong miệng vừa kịp nhai nắm gạo sống. Bố nói mà nước mắt bố rơi, thương lắm, đau xót lắm mỗi khi bố nhớ về những người lính ấy.
Tháng Tám lại về, bà tôi đã nằm yên nghỉ ngoài đồng, bố tôi giờ đã lọm khọm. Dù gạo bây giờ không thiếu, mỗi bữa bố tôi cũng chỉ ăn lưng bát cơm, ấy vậy mà ông vẫn nhắc chúng tôi về hạt gạo, hạt vàng. Ông quý hạt gạo đồng làng hay ông quý mồ hôi của người làm ra hạt gạo một nắng hai sương và quý từng tấc đất trên những cánh đồng mang màu thóc óng vàng?
Hôm nay, tôi đi trên cánh đồng lúa vừa trổ thoát và đang vào mẩy, đã có bông chớm ánh vàng của nắng tháng Tám, màu nắng vàng ươm, hạt thóc bắt đầu căng mọng. Bông lúa bây giờ không còn như người con gái mới sinh, mà như người đàn bà cứng cáp đầy năng lượng, chăm cho hạt thóc mẩy hạt chắc bông.
Tôi bước mà quanh tôi, hương lúa vẫn bám theo, vẫn phảng phất theo. Nhưng hương lúa giờ không còn ngầy ngậy hương sữa, không còn nồng nồng khêu gợi, quyến rũ như ngày mới trổ thoát, mà hương lúa đang mỗi ngày một cô đọng lại, cô đọng như người ta chưng cất thời gian, để hương lúa đậm đặc hơn, đậm đặc mùi hương lúa chín. Trong đồng lúa bao la, tôi bước và dang tay cất lên tiếng gọi: Ôi hương lúa đồng làng!
Tản văn của VŨ NGỌC THƯ