Hà Nội có nhiều tuyến phố trồng cây đặc chủng, nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong ký ức của tôi lại là những cây hoa gạo trồng ở đường Hoàng Hoa Thám hay trong vườn ươm cây Laforge cạnh Công viên Bách Thảo. Số cây không nhiều lắm, nhưng cây nào cũng to, cao vút. Khác với rất nhiều loại cây to có hoa khác, hoa gạo nở khi lá gần như đã rụng hết. Hoa gạo có năm cánh, bông rất to, màu đỏ rực, nhất là khi trên cây chỉ có hoa mà hầu như chẳng còn chiếc lá nào. Cả cây hoa gạo đỏ rực không lẫn một sắc xanh. Đến khi có hoa phượng đỏ rực rỡ trong nắng đầu hè, màu hoa có thể cạnh tranh với màu đỏ của hoa gạo thì hoa gạo đã rụng hết. Nếu coi nữ hoàng của mùa hè là hoa phượng thì hoa gạo xứng đáng là hiệp sĩ của mùa xuân. Quả của cây hoa gạo khi già sẽ vỡ bung ra và thả những sợi bông trắng nõn bay khắp nơi trong gió. Hạt hoa gạo nằm lẫn trong bông được gió cuốn đi sẽ rơi xuống những nơi xa, gieo mầm cho những cây gạo mới...

Những năm sống ở gần trường Chu Văn An với bà nội, chị em tôi hay đến những gốc cây hoa gạo này nhặt hoa về chơi, xếp hình trên mặt đất. Đến đầu mùa hè, khi có quả gạo vỡ rơi xuống thì nhặt bông gạo đem về cho bà nội nhồi làm ruột gối.

Cây gạo to, thân gỗ nhưng lại mềm, không dùng để đóng đồ gỗ được. Người ta dùng gỗ cây gạo phổ biến cho nghề khắc dấu, khắc tranh gỗ. Nghệ nhân dùng gỗ cây gạo dễ chế tác, dùng cho con dấu gỗ hay tranh khắc gỗ thì cũng đủ độ bền. Quanh thân cây hoa gạo có rất nhiều mấu gai to để bảo vệ cây chống động vật. Gỗ của các mấu gai này dùng cho khắc gỗ cũng rất tốt. Em trai tôi có chút hoa tay về điêu khắc, thời còn học sinh rất hay lấy gai cây hoa gạo và gỗ gạo để làm tranh điêu khắc. Hình vẽ các nhân vật trong truyện tranh "Tam quốc" ngày xưa như Quan Vân Trường, Triệu Tử Long, Mã Siêu... được em tôi vẽ lại trên tấm gỗ cây gạo rồi khắc, vừa để chơi, vừa đem tặng bạn bè trong lớp. Chúng bạn thích lắm, vì chỉ cần bôi mực màu lên đó rồi in ra giấy là được một tờ tranh đẹp...

Cây hoa gạo còn được gọi là hoa mộc miên, hồng miên. Ngày đi bộ đội, hành quân qua nhiều nơi, tôi thấy nhiều vùng đất trồng cây hoa gạo như Phú Thọ, Hà Nam... Thường gặp nhất là trên ngả đường từ ruộng hay là một cây hoa gạo to đứng lẻ loi cạnh đường, gần bến đò, bến nước. Người ta bảo cây hoa gạo được trồng án ngữ ở những nơi như thế để trừ ma quỷ: "Thần cây đa, ma cây gạo".

Khi tôi vào chiến đấu ở Tây Nguyên, biết cây hoa gạo có tên là hoa pơ lang, theo tiếng đồng bào bản địa. Hầu như ở đầu bản làng nào cũng trồng một cây hoa pơ lang to. Người Tây Nguyên coi hoa pơ lang là hoa đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp con gái. Đất Tây Nguyên có hai loại cây to đặc trưng. Đó là cây pơ lang và cây kơ nia. Cây pơ lang trồng ở đầu bản, còn cây kơ nia thì lại đứng trơ trọi trên nương.

Mỗi lần ngắm hoa pơ lang ở Tây Nguyên tôi lại nhớ Hà Nội đến xót xa, khi trong một trận đánh, đại đội tôi bị hy sinh tới hơn chục chiến sĩ trước một hỏa điểm địch đặt sau cụm ba gốc cây pơ lang. Đó là trận đánh vào làng Bảo Đức bên đường 5A ở phía Tây Pleiku (Gia Lai) tháng 7-1974. Địch có một đại đội đóng quân tại đây. Tiểu đoàn tôi chọn hướng mở cửa theo bản đồ, khi xung phong vào căn cứ, quân ta vấp phải một ổ hỏa lực có tới hai khẩu đại liên M60 của địch đặt sau ba gốc cây pơ lang chụm vào nhau. Đến mấy đợt xung phong, dùng cả B40 và B41 bắn vào đó cũng không tiêu diệt được địch. Hơn chục chiến sĩ ta hy sinh ngay trên cửa mở. Mãi sau trung đoàn điều được một khẩu DKZ 82 lên, nã chính xác được một phát vào đúng cái khe ba cây pơ lang đó, dập tắt cả hai khẩu đại liên của địch, chúng tôi mới xung phong được vào và tiêu diệt căn cứ này.

Mấy tháng sau trận đánh, đơn vị tôi hành quân qua đây, lúc này đã là vùng đất của ta. Nhìn lại mấy cây pơ lang đã nở hoa đỏ ối, nhưng dưới gốc vẫn còn dấu vết đạn làm vỏ cây tướp táp như xơ mướp mà chợt thấy nhớ mấy cây hoa gạo thời tuổi thơ ở Hà Nội, thấy xót xa, nhớ những đồng đội không trở về.                  

VŨ CÔNG CHIẾN