Tranh cổ động là một thể loại mỹ thuật ứng dụng đặc thù, ra đời gắn liền với lịch sử cách mạng và kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Đó là một hình thức truyền thông thị giác, tác động trực tiếp đến thị giác, cảm xúc, suy nghĩ của người xem. Trải qua gần một thế kỷ phát triển, tranh cổ động không chỉ là công cụ tuyên truyền mà còn là bản sử bằng hình ảnh của đời sống chính trị-xã hội Việt Nam, phản ánh tinh thần thời đại, khát vọng độc lập-tự do-phát triển của đất nước.
Từ những năm 30 của thế kỷ 20, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh, nhiều họa sĩ yêu nước đã tận dụng tranh vẽ, áp phích, hình ký họa để truyền bá tư tưởng yêu nước, kêu gọi đấu tranh chống áp bức. Dù chưa định hình rõ ràng là tranh cổ động nhưng những tác phẩm đầu tiên của các họa sĩ nổi tiếng đã đặt nền móng cho mỹ thuật phục vụ cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tranh cổ động chính thức trở thành một vũ khí tuyên truyền chủ lực của Nhà nước cách mạng non trẻ. Đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tranh cổ động được in trên báo, dán lên tường làng, treo ở chợ, mang ra chiến khu... với những khẩu hiệu như: “Toàn dân kháng chiến!”, “Phá tan âm mưu địch!”, “Thi đua ái quốc là yêu nước!”.
    |
 |
Tác phẩm tranh cổ động dự thi đề tài thương binh, liệt sĩ của tác giả Nguyễn Duy Thành (Hà Nội) dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022).
|
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tranh cổ động bước vào thời kỳ đỉnh cao cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Với khẩu hiệu “Văn hóa, văn nghệ cũng là mặt trận”, các họa sĩ cách mạng đã sáng tạo hàng nghìn bức tranh mang tính chiến đấu cao, tuyên truyền sâu rộng cho các phong trào: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... Nhiều bức tranh mang phong cách đặc trưng: Hình khối mạnh, gam màu đỏ, vàng, đen, xanh đậm, sử dụng biểu tượng như lá cờ, súng đạn, gương mặt chiến sĩ, tay nắm chặt, hậu phương sản xuất...
Tiêu biểu trong hai giai đoạn này là các họa sĩ danh tiếng như: Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Huỳnh Văn Gấm (1922-1987), Tô Ngọc Vân (1906-1954), Lương Xuân Nhị (1914-2006), Phan Kế An (1923-2018), Lê Lam (1931-2022), Trần Từ Thành, Nguyễn Thụ...
Tranh cổ động về thương binh, liệt sĩ bắt đầu xuất hiện từ những năm kháng chiến, với các khẩu hiệu như: “Đền ơn đáp nghĩa-Trách nhiệm của toàn dân”, “Thương binh tàn nhưng không phế”... Những tác phẩm ấy không tô vẽ bi thương, mà tôn vinh tinh thần vượt khó, ý chí sống và cống hiến của những người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường.
Dù trong điều kiện in ấn thô sơ, các họa sĩ vẫn truyền tải được hình ảnh người thương binh đi bán báo, người mẹ thắp hương bên bàn thờ liệt sĩ, lớp học mang tên anh hùng... bằng những đường nét giản dị, mạnh mẽ, đầy cảm xúc. Tranh không chỉ tuyên truyền mà còn nuôi dưỡng tình cảm yêu nước, thắp sáng lòng biết ơn trong trái tim bao thế hệ.
Khi đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn kiến thiết, tranh cổ động vẫn tiếp tục đồng hành với các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" như: Xây nhà tình nghĩa, chăm sóc thương binh, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Các khẩu hiệu như: “Lao động là vinh quang”, “Toàn dân chăm sóc người có công” được thể hiện bằng phong cách đồ họa ngày càng hiện đại, gần với thiết kế công nghiệp.
Nhiều họa sĩ nổi tiếng đã tạo nên các tác phẩm mạnh mẽ về hình khối, đậm chất cổ động, góp phần nâng cao tinh thần kháng chiến toàn dân. Tiêu biểu như Hà Huy Chương, Nguyễn Phúc Khôi... đã tạo nên các tác phẩm mạnh mẽ về hình khối, đậm chất cổ động, góp phần nâng cao tinh thần kháng chiến toàn dân. Tranh cổ động, theo cách đó, đã âm thầm làm thay đổi nhận thức của hàng triệu người, từ thụ động sang chủ động, từ vô cảm sang có trách nhiệm, giúp người dân ý thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tranh cổ động không chỉ tuyên truyền mà còn là tác phẩm nghệ thuật cách mạng, lưu lại trong bảo tàng, lưu bút ký ức của cả một thời đại. Những nội dung của tranh cổ động từ thời chiến đến thời bình vẫn còn vang vọng như lời tri ân lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, nhắc nhở thế hệ hôm nay về bổn phận với những người đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên các chiến trường.
Năm 1986, đất nước bước vào đổi mới, tranh cổ động tiếp tục đảm nhiệm vai trò truyền thông chủ trương, đường lối mới. Ngôn ngữ đồ họa thời kỳ này bắt đầu đổi mới, hiện đại hơn, giàu biểu cảm và gần với ngôn ngữ thiết kế công nghiệp.
Trong dòng chảy tri ân ấy, tranh cổ động không chỉ là một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động mà còn là một phương tiện nghệ thuật đặc biệt, góp phần khắc sâu Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lan tỏa những giá trị nhân văn đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tranh cổ động về chủ đề thương binh, liệt sĩ không đơn thuần là hình ảnh tuyên truyền. Đó là một hình thức nghệ thuật, chính trị giàu cảm xúc, vừa trực tiếp, vừa ẩn dụ, tạo nên sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Từ những bức tranh thời chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với dòng khẩu hiệu như “Đền ơn đáp nghĩa-Trách nhiệm của toàn dân”, “Thương binh tàn nhưng không phế”... đến những tấm pa nô trên đường phố ngày nay vào mỗi dịp 27-7, tất cả như một bản trường ca của lòng biết ơn, khơi dậy nhận thức cộng đồng về sự hy sinh cao cả.
Có thể nói, tranh cổ động đã góp phần “giữ lửa” cho Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” suốt nhiều thập kỷ. Mỗi bức tranh là một lời nhắc nhở rằng tự do hôm nay có giá bằng máu. Đằng sau mỗi dòng chữ đơn sơ ấy là hình ảnh người lính trở về với đôi chân không còn nguyên vẹn, người mẹ già thắp hương bên di ảnh con, hay thế hệ trẻ cúi đầu trước bia mộ chưa tên.
Đầu năm 2022, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022). Cuộc thi nhận được gần 500 tác phẩm của hơn 200 tác giả trên toàn quốc. Hội đồng nghệ thuật đã chấm chọn 16 tác phẩm đoạt giải và 75 tác phẩm tiêu biểu để tổ chức triển lãm cổ động trực quan và phục vụ công tác tuyên truyền. Hoạt động này đã để lại ý nghĩa sâu sắc trong tuyên truyền, tạo hiệu ứng cho công tác đền ơn đáp nghĩa lúc bấy giờ và dư âm vẫn đến hôm nay.
Để tranh cổ động về đề tài thương binh, liệt sĩ tiếp tục mang lại hiệu quả tuyên truyền, cần có sự đầu tư như một loại hình nghệ thuật kết hợp giữa mỹ thuật, ký ức và truyền thông. Họa sĩ phải là người hiểu tinh thần dân tộc, chạm được chiều sâu của sự hy sinh và sáng tạo ra biểu tượng gợi mở, vượt qua lối minh họa thô cứng.
Trong kỷ nguyên số, tranh cổ động không còn chiếm vai trò độc tôn trong truyền thông thị giác như trước kia. Song, không vì thế mà vai trò giảm sút. Trái lại, khi mạng xã hội dễ làm con người sao nhãng, thì những tấm tranh cổ động truyền thống lại trở thành “điểm neo” nhắc nhớ về đạo lý làm người. Muốn tranh cổ động “sống” được trong tâm trí công chúng, cần thay đổi cách tổ chức và tiếp cận. Đó là: Đặt hàng theo chủ đề trọng tâm thay vì chạy theo phong trào. Ví dụ: “Thương binh làm kinh tế giỏi”, “Làng quê của các bà mẹ liệt sĩ”, “Thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống”... Gắn tranh cổ động với không gian công cộng đa dạng: Không chỉ là pa nô lớn ven đường mà còn là tranh tường, poster triển lãm ngoài trời, không gian văn hóa 3D, sản phẩm đồ họa số, video cổ động, digital art... để phù hợp với thị hiếu đa tầng lớp. Khơi dậy từ chính cộng đồng: Tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi thiết kế tranh cổ động dành cho học sinh, sinh viên, chiến sĩ trẻ... để biến tranh cổ động về đề tài thương binh, liệt sĩ thành nơi gửi gắm cảm xúc thật, qua đó lan tỏa tinh thần tri ân trong toàn xã hội.
Họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG