Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Vũ Anh Mạnh, giảng viên Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhắc nhiều đến khát khao vươn lên của Tạ Xuân Phước, một sĩ quan thuộc Lữ đoàn 513 (Quân khu 3), từng bị thương mù cả hai mắt khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn tồn sót sau chiến tranh. 

Đó là vào buổi sáng 4-11-2006, trên một quả đồi cao ở bản Pẹc Nả, xã Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh), Trung đội trưởng Vũ Anh Mạnh được giao nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội đi khắc phục hậu quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Anh Mạnh mang theo máy dò mìn và một số dụng cụ, phương tiện di chuyển đến vị trí tác nghiệp, đánh dấu vị trí phát hiện. Cùng lúc đó, Tạ Xuân Phước cũng chỉ huy một tổ phía sau thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ. Đến vị trí đánh dấu, anh dùng thuốn sắt xiên nhẹ vào mặt đất, kiểm tra xung quanh, tìm kiếm quả mìn. Gần một giờ đồng hồ tập trung cao độ cho công việc đầy hiểm nguy, khi Mạnh đang ở xa đội hình của Phước thì sau lưng anh vang lên một tiếng nổ khô khốc. Nhìn về hướng tiếng nổ, sống lưng anh lạnh toát vì không thấy bóng dáng quen thuộc của Phước mà thay vào đó là một đám khói trắng ngà lởn vởn. Anh bật người, lao về phía tiếng nổ. Phước nằm ngửa trên mặt đất, mặt rỉ máu. Lập tức, Mạnh xốc Phước lên lưng, chạy băng băng xuống đồi, đi về phía chiếc xe cứu thương đang đợi sẵn để di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Móng Cái. Sau khi sơ cứu, xe tiếp tục đưa Phước đến thẳng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sau câu chuyện của Vũ Anh Mạnh không lâu, tôi tìm được thông tin của Tạ Xuân Phước. Ở thời điểm đó, Tạ Xuân Phước là Chủ tịch Hội Người mù huyện Vũ Thư. Đến đầu tháng 7 vừa rồi, khi về nơi anh sinh sống thì cũng là lúc Hội giải thể được mấy ngày và anh đang tập trung cho công việc làm chủ cơ sở dịch vụ tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt, chườm đá nóng, giác hơi ở xã Vũ Tiên, tỉnh Hưng Yên.

Trong căn phòng khách giản dị, Xuân Phước tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu. Anh cởi mở chia sẻ về bước ngoặt không mong muốn của cuộc đời mình và những năm tháng đã qua.

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh năm 2001, Xuân Phước về công tác tại Lữ đoàn 513, làm Trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 23. Nhiệm vụ của Phước lúc đó rất đa dạng, khi thì chỉ huy bộ đội làm công trình ngầm, khi thì đi dò, gỡ bom, mìn tồn sót sau chiến tranh ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Năm 2005, Phước là Phó đại đội trưởng. Tháng 11-2006, Phước cùng đơn vị đi dò gỡ bom, mìn ở Quảng Ninh.

leftcenterrightdel

Tạ Xuân Phước (thứ ba, từ phải sang) trong một buổi huấn luyện khi công tác tại Lữ đoàn 513, Quân khu 3. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Phước kể, hôm ấy tỉnh lại thấy trên tay dây dợ lằng nhằng. Sờ tay lên mặt thì thấy có gì đó che kín tất cả. Phước lấy tay dứt chúng ra thì y tá la toáng lên. Lúc ấy, anh mới biết mình bị thương và đang được điều trị, chăm sóc đặc biệt. Sau này, đồng đội vào thăm kể lại cho Phước nghe, quả mìn nổ gây ra áp lực khiến khuôn mặt anh bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt, đôi mắt anh vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Hơn 3 tháng điều trị, chàng trai 29 tuổi đời với 11 năm tuổi quân phải âm thầm chống chọi, làm quen với bóng tối nghiệt ngã. Anh ngại tiếp xúc với người thân, bạn bè. Khi sức khỏe ổn định, Phước trở về gia đình với kết luận thương binh nặng và có chế độ người chăm sóc. Phước chia sẻ với tôi rằng, ngay từ khi còn học ở Trường Sĩ quan Công binh, các thầy dạy môn chuyên ngành đã khuyến cáo, dò mìn tồn sót sau chiến tranh là công việc phức tạp, rủi ro rất cao, thậm chí có thể hy sinh tính mạng. Mục đích của các thầy là giúp người học định hình công việc và luôn phải tuân thủ tuyệt đối mọi quy tắc an toàn. Thế nên, Phước cũng không quá bi ai bởi anh đã làm chuẩn mọi quy định bảo đảm an toàn nhưng rủi ro vẫn xảy ra.

Về nhà, Phước dò dẫm tập đi. Thời gian đầu đi trong nhà, sau đó đi ra ngõ, ra đường. Thời gian trôi qua, anh cũng quen với điều kiện sinh hoạt mới. Một hôm, Phước quyết định gọi điện tới Tổng đài 1080 để hỏi xem có nơi nào hỗ trợ người mù. Họ nói với anh ở Thái Bình có hội chăm lo, giúp đỡ người mù. Thế là anh nhờ người thân đưa đến. Rồi anh quyết định tham gia khóa học chữ nổi, học sử dụng máy vi tính, học nghề xoa bóp, bấm huyệt... Sau 6 tháng kiên trì, anh đã thành nghề và tham gia Hội Người mù huyện Vũ Thư. Tháng 12-2007, anh có quyết định xuất ngũ.  

Sau một thời gian dài nỗ lực, cố gắng, Xuân Phước được cử đi học lớp cán bộ và tháng 6-2016, anh đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Người mù huyện Vũ Thư. Với sự hỗ trợ của một cán bộ, anh đã tập hợp những người có khuyết tật về mắt để xây dựng tổ chức hội. Thời cao điểm, Hội thu hút hơn 260 hội viên. Anh cùng với Ban Chấp hành Hội tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống hội viên, liên hệ vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, thông qua và đào tạo việc làm cho người khiếm thị trên địa bàn.

Hội có tổ tẩm quất gồm 8 người làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xoa bóp, bấm huyệt, chườm đá nóng, giác hơi với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính giúp hội viên bảo đảm cuộc sống.

leftcenterrightdel

Thương binh Tạ Xuân Phước xoa bóp, bấm huyệt và tẩm quất cho khách hàng. Ảnh: ĐỨC HÙNG 

Tổ dịch vụ sản xuất tăm tre gồm 6 người, hằng năm sản xuất khoảng 25-27 vạn gói tăm, mang về thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Thương binh Tạ Xuân Phước chủ động xin phép các cơ quan chức năng được đào tạo, cấp chứng chỉ cho 47 hội viên làm nghề xoa bóp, bấm huyệt, giúp họ có thu nhập ổn định. Anh kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội lập dự án cho 20 hội viên vay vốn với số tiền 600 triệu đồng, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp người mù bảo đảm thu nhập, phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, anh cùng Ban Chấp hành Hội tổ chức viết thư kêu gọi, gặp gỡ, vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị trao các phần quà tặng người mù. Mỗi năm có từ 500 đến 600 lượt người mù được tặng quà trị giá 400.000 đồng/suất. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị mù và bị các bệnh về thần kinh hoặc khuyết tật khác, Tạ Xuân Phước cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành mang quà đến tận nhà trao tặng.

Khi biết Tạ Xuân Phước bị thương nhưng không ngừng vươn lên, đồng đội trong khóa học Trường Sĩ quan Công binh ở các đơn vị toàn quân đã ủng hộ anh rất nhiệt tình. Các anh Dương Văn Trúc và Nguyễn Văn Trung ở Học viện Kỹ thuật Quân sự đã hỗ trợ kinh phí thành lập hai câu lạc bộ tẩm quất gồm 47 thành viên và Câu lạc bộ Phụ nữ mù gồm 39 thành viên.

Tạ Xuân Phước tâm tình, sau khi bị thương và biết mình bị mù hai mắt vĩnh viễn, anh tưởng như cánh cửa tương lai đã đóng sập với mình. Thế nhưng, với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, Xuân Phước quyết định phải đứng dậy, làm một việc gì đó có ích, nuôi sống bản thân, như lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế". Quyết định đó chính là ngã rẽ để Phước vượt lên nghịch cảnh và có cuộc sống, công việc ý nghĩa như hôm nay.

Từ tấm gương và nghị lực của Tạ Xuân Phước, trong tôi có thêm niềm tin mới về cuộc sống tươi đẹp!

MẠNH THẮNG