Ẩm thực Việt không chỉ là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống mà còn là văn hóa tinh thần. Qua ẩm thực, tính cách, đạo lý, truyền thống... của người Việt được thể hiện rõ nét với những đặc trưng được coi như “linh hồn” của từng món ăn.

Đặc trưng rõ nét nhất của ẩm thực Việt là tính hòa đồng. Đặc trưng này có lẽ xuất phát từ thực tiễn lịch sử đất nước. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với cộng đồng lên tới 54 dân tộc, đồng nghĩa 54 nền văn hóa khác nhau. Cùng sinh sống trên một mảnh đất, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc là điều tất yếu. Ẩm thực cũng không ngoại lệ. Nhiều món ăn nhờ sự kết hợp giữa ẩm thực của các dân tộc, các vùng miền mà trở nên đặc sắc.

leftcenterrightdel

 Ẩm thực Việt phong phú và hấp dẫn. Ảnh: VĂN THANH

Mặt khác, Việt Nam là mảnh đất nhiều lần bị ngoại bang xâm lược. Sự tiếp biến văn hóa nói chung, ẩm thực nói riêng cũng là điều tất yếu. Trong đó, có hai nền ẩm thực ảnh hưởng sâu sắc tới ẩm thực Việt là Trung Hoa và Pháp. Tuy nhiên, người Việt không dừng lại ở việc chế biến theo nguyên bản. Ẩm thực Trung Hoa và Pháp đã được Việt hóa bằng gia vị, cách chế biến đặc trưng và đặc biệt là khẩu vị của người Việt. Thậm chí, vượt qua khỏi nguyên bản, một số món ăn có nguồn gốc nước ngoài đã được người Việt biến thành món ăn Việt nổi tiếng khắp năm châu như bánh mì kẹp...

Nét độc đáo nhất của ẩm thực Việt là gia vị. Ẩm thực Việt sử dụng rất nhiều gia vị. Mỗi món ăn lại nổi lên những gia vị đặc trưng, thậm chí trở thành “biểu tượng” của món đó và đi vào ca dao, tục ngữ: “Ăn thịt trâu không tỏi như ăn gỏi không lá mơ”, “Cá bống kho tiêu, cá thiều kho ngọt”, “Thịt gà chấm muối, cơm nguội trộn tương”, “Thịt không hành, canh không mắm”...

Hơn thế, người Việt khi dùng gia vị đặc biệt quan tâm tới sự cân bằng. Mỗi loại nguyên liệu dùng trong ẩm thực lại đi kèm với những gia vị nhằm cân bằng tính nóng, tính hàn hoặc làm tăng thêm hương vị. Ví dụ, những thực phẩm có tính hàn như thịt vịt, ốc thường được chế biến kèm với các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm, sả, ớt... Đó là cách cân bằng âm dương rất thú vị.

Một đặc trưng rõ nét khác của ẩm thực Việt là ăn theo mùa. “Cua tháng Tám, rạm tháng Tư, ếch tháng Ba, gà tháng Mười”, “Tháng Chín ăn rươi, tháng Mười ăn nhộng”... dựa vào kinh nghiệm ngàn đời, người Việt biết chọn những thời điểm các thực phẩm ngon nhất, tốt nhất để chế biến món ăn.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học nông nghiệp, các loại thực phẩm trái mùa khá sẵn nhưng nguyên tắc “mùa nào thức nấy” vẫn luôn được các bà nội trợ coi trọng.

Cùng với các món ăn là văn hóa ẩm thực vật thể, người Việt còn sở hữu văn hóa ẩm thực phi vật thể. Trong đó, đặc trưng dễ nhận biết nhất là tính cộng đồng. Trên một mâm cơm thường chỉ có một bát nước chấm. Mọi thành viên trong gia đình và cả khách đều chấm chung một bát. Truyền thống này vẫn đang được duy trì ở thời hiện tại và thể hiện tính cộng đồng rất sâu sắc.

Văn hóa ẩm thực của người Việt còn thể hiện ở cách ứng xử bên mâm cơm. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng, từ bản thân đến trong gia đình, rồi các mối quan hệ ngoài xã hội. Hay như cách ứng xử kính trên, nhường dưới cũng được áp dụng bên mâm cơm. Trong gia đình, thức ăn ngon thường được nhường cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ, thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương.

Bữa cơm còn được xem là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình quây quần, chia sẻ những câu chuyện hằng ngày. Vì thế, đây cũng là dịp gia tăng sự gắn kết tình cảm gia đình.

Ẩm thực Việt Nam không thuần túy chỉ là những món ăn đa dạng, hấp dẫn. Đó còn là bức tranh đầy màu sắc, nêu bật lên bản sắc riêng của từng dân tộc, vùng miền nhưng vẫn mang trong mình cốt cách, linh hồn Việt đồng nhất.

TRANG ANH