Trung sĩ An vốn nổi tiếng hấp tấp, liền kêu trời: "Nấu cơm không nồi! Thế nấu bằng cái gì? Bằng lá chuối à?". Trung sĩ Luân vốn mưu mẹo, lắm sáng kiến, cười bí hiểm, nhẹ nhàng nói: "Đừng lo, sẽ có cách".  Còn Hạ sĩ Tân hiền lành, gãi đầu: "Chuyện này nghe lạ lắm...".

Một tuần trước khi cuộc thi bắt đầu, các đội lao vào "nghiên cứu" địa hình, tìm kiếm "nguyên liệu". Trong quá trình chuẩn bị, đội của An vô tình tìm được một cái thùng sắt cũ nên hí hửng ra vẻ đắc thắng. Đội của Tân gấp rút chuẩn bị ống tre làm sạch và lấy thêm một ít lá dong bánh tẻ lót vào trong với khí thế phấn khởi. Còn đội của Luân thì bí ẩn, án binh bất động.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MẠNH TIẾN

 

Ngày diễn ra hội thi, từ sáng sớm, không khí đơn vị đã náo nhiệt, các chiến sĩ rộn ràng, tất tả với công việc được phân công. Gần trưa, thời gian thi nấu cơm đã hết, Ban giám khảo tiến hành nghiệm thu, chấm điểm kết quả của các đội. Vừa nhìn thấy cơm của đội An, Trung đội trưởng Huy "sốc" vì cơm vừa sống, vừa có mùi cháy khét, hạt cơm lại lấm lem.

      - Các cậu dùng cách nào nấu cơm mà dẫn đến kết quả thế này?

An mặt mũi nhọ nhem khói bếp, bước ra trình bày:

      - Dạ, hôm trước đội vô tình tìm được một thùng sắt cũ đã quyết định thử nghiệm phương pháp nấu cơm bằng thùng sắt. Để tránh cơm bị cháy, đội dùng lá chuối lót vào đáy thùng. Tuy nhiên, do thùng sắt cũ khiến cơm bị ám mùi gỉ sét. Lá chuối không đủ dày nên không thể bảo vệ cơm khỏi nhiệt độ cao của thùng sắt, khiến cơm bị cháy ở đáy thùng.

Nói đến đây, mặt An méo xệch, buồn bã.

Trái ngược với cơm của đội An, cơm của đội Tân hạt chín đều, dẻo thơm, có màu vàng nhạt, quyện mùi thơm đặc trưng của cơm lam. Thử ăn một miếng, Trung đội trưởng Huy tấm tắc:

      - Ngon! Các cậu làm thế nào mà nấu được cơm ngon thế?

Tân bước ra lễ phép, từ tốn:

      - Dạ, chúng em học theo cách nấu cơm lam của đồng bào ạ. Ban đầu đổ gạo, nước vào ống tre, bịt kín miệng ống bằng lá dong, rồi buộc chặt bằng dây lạt. Sau đó đặt ống cơm nướng trên than hồng. Trong quá trình nướng, liên tục lật ống, kiểm tra độ chín của cơm. Tuy nhiên, cũng có một chút sự cố, trong lúc nướng, một vài ống tre bị nứt, khiến nước cơm trào ra, khói bốc lên nghi ngút, khiến cả đội ho sặc sụa.

Nghe kể đến đây, mọi người ồ lên cười nhưng cũng rất ấn tượng trước tinh thần học hỏi và sự khéo léo, sáng tạo của đội Tân.

Bước đến đội của Luân, giám khảo khá bất ngờ khi thấy gói cơm vẫn bọc kín trong chiếc khăn. Được gọi lên thuyết trình, Luân tự tin:

      - Thưa Ban giám khảo! Đơn vị huấn luyện trong địa hình rừng núi nên chúng tôi mạnh dạn sáng tạo cách nấu mới dựa trên phương pháp đắp bùn nướng gà của người dân Nam Bộ. Chúng tôi bọc gạo trong chiếc khăn, ngâm trong nước. Đợi một khoảng thời gian rồi lấy ra bọc lớp đất sét dày khoảng hai đốt ngón tay. Sau đó, lấy củi về, nổi lửa lên đốt xung quanh. Vải được bảo vệ bằng một lớp đất đủ dày nên không bị ảnh hưởng, nhiệt độ vừa phải, cơm sẽ... Nói đến đây, Luân bất ngờ mở tấm vải ra, hơi tỏa nghi ngút, hương thơm, cơm dẻo ngon. Mọi người xung quanh vỗ tay rần rần.  

Nghe vậy, Trung đội trưởng Huy càng gật gù:

      - Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn mà nấu cơm bằng vải bọc đất là cách làm rất sáng tạo. Vậy nên, Ban giám khảo quyết định chấm đội đồng chí Luân đoạt giải nhất.

Cuộc thi khép lại nhưng dư âm nhanh chóng lan tỏa khắp đơn vị. Cuộc thi đã chứng minh rằng, sự sáng tạo và khéo léo có thể mang lại những kết quả bất ngờ; những kiến thức dân gian, kinh nghiệm truyền thống có thể được áp dụng một cách hiệu quả trong cuộc sống hiện đại. Cuộc thi nấu cơm không chỉ mang đến những giây phút thi đua sôi nổi, vui vẻ mà còn là một bài học về sự sáng tạo và tinh thần đồng đội.

 

Truyện vui của PHƯƠNG NHI