Ngày 13-7-2025, Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris (Pháp) đã thông qua quyết định công nhận Vườn quốc gia Hin Nam No của Lào là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới cùng với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam. Nằm ở trung tâm dãy Trường Sơn, Hin Nam No và Phong Nha-Kẻ Bàng hợp thành một trong những khu cảnh quan đá vôi lớn nhất toàn cầu với diện tích lên tới 217.000ha.
Vườn quốc gia Hin Nam No là khu Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Lào, trải rộng trên diện tích hơn 82.000ha, có giá trị địa chất độc đáo. Đến nay, đã có 173 hang động và những vách đá cao tới 300m được phát hiện trong khu vực, tạo nên môi trường sống an toàn cho 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 25 loài dơi, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá và hơn 520 loài thực vật.
    |
 |
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hơn 368 hang động với tổng chiều dài khoảng 231km. Ảnh: VĂN LONG
|
Cùng với hệ động, thực vật phong phú, độc đáo, Vườn quốc gia Hin Nam No còn có tiềm năng lớn về du lịch tự nhiên với hệ thống hang động đá vôi tuyệt đẹp, gồm: Hang Nangen, hang Trời, động Vua, động Konglor và động Xebangpha...
Đối với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi đây được mệnh danh là "Vương quốc hang động" của thế giới. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, Vườn có hơn 368 hang động với tổng chiều dài khoảng 231km. Trong đó, hang Sơn Đoòng được đánh giá là hang động lớn nhất thế giới và có đặc điểm địa chất, địa mạo tiêu biểu.
Về hệ sinh thái, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sở hữu 15 kiểu sinh cảnh với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng, che phủ 93,5% diện tích. Trong đó, hơn 90% diện tích của Vườn là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại mà hầu hết chưa bị tác động. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện bảo tồn thành công quần thể cây bách xanh đá-loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam-khoảng 500 tuổi trên diện tích hơn 4.000ha. Đây được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, có tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có hệ động vật vô cùng đa dạng với 1.394 loài, trong đó có 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, trong khoảng 20 năm qua, đã có thêm 42 loài mới lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, bao gồm 38 loài động vật và 4 loài thực vật.
Về hệ thực vật, tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các nhà khoa học đã ghi nhận 2.952 loài thực vật bậc cao, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Ngày 3-7-2003, tại Kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Lần thứ hai Vườn được ghi danh vào ngày 3-7-2015, tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No là những cảnh quan karst đá vôi, hệ sinh thái nổi bật và nguyên vẹn nhất trên thế giới. Hai vườn cũng thuộc vào những hệ thống karst nhiệt đới ẩm ướt nguyên vẹn lớn nhất toàn cầu. Địa hình đặc biệt và sự đa dạng của cảnh quan karst được hình thành từ sự xen kẽ phức tạp của karst đá vôi với đá phiến, đá cát và đá granite.
Hoạt động quản lý chung Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No đã được các địa phương của hai nước Việt Nam và Lào ký kết từ nhiều năm qua, trong đó đưa ra những hoạt động chung về việc thực thi pháp luật và phát triển kế hoạch hành động nhằm bảo vệ các giá trị của di sản. Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã phối hợp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử lên UNESCO. Đầu năm 2023, Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương về việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No (Lào) là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Việt Nam).
Việc UNESCO ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào không chỉ khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của hệ sinh thái khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No mà còn là minh chứng cho nỗ lực hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Thành quả này đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững, du lịch sinh thái và tăng cường vai trò của các quốc gia trong việc gìn giữ các giá trị di sản chung của nhân loại. Qua đó, góp phần tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết bền chặt giữa Việt Nam và Lào.
TRẦN VĂN LONG