Chúng tôi bước trên con đường bê tông dẫn vào Đài chứng tích Thành cổ Quảng Trị. Có một cơn mưa vừa đi qua, những lá cỏ xanh biếc vẫn đầm đìa ướt. Phía trước chúng tôi chừng vài mét, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đang lặng lẽ cắm cúi bước. Đầu ông hơi cúi xuống, mái tóc đã điểm bạc lòa xòa trong gió. Đêm trước, ông cùng đoàn công tác của Hội bay từ TP Hồ Chí Minh ra Huế, rồi từ đó đi taxi về Đông Hà để kịp dự Lễ ra mắt của Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức vào sáng hôm sau.
Nguyễn Quang Thiều kể, cả đêm qua mình không hề chợp mắt được, có cái gì đó cứ xôn xao, nôn nao trong lòng và khi mở cửa sổ nhìn ra ngoài, nhà thơ thấy có những bóng người mang áo cỏ bay trên mái phố nhấp nhô. Có lẽ, họ là lính, những người lính trận đã ngã xuống trên mảnh đất một thời đạn bom rất khốc liệt này, trong đó có anh trai của nhà thơ. Một người con làng Chùa rời quê ra trận khi còn rất trẻ. Theo Nguyễn Quang Thiều thì “họ muốn ở lại để nhắc những người đang sống về những gì mà những người lính và những người dân Quảng Trị đã phải trả giá cho nền hòa bình...”. Chắc chắn rồi, không thể nào nói khác được. Cái giá của hòa bình kể bao nhiêu cho hết, cho đủ. Như mảnh đất thiêng mà chúng tôi đang đến để thắp hương cho những người ngã xuống bên dòng sông Thạch Hãn đã thấm biết bao máu của chiến sĩ, đồng bào. Những dòng máu thanh xuân đã thấm, đã ngấm rất sâu, rất lâu vào mạch đất thiêng này.
Từ trên Đài chứng tích Thành cổ, tôi nhìn xuống, nhìn ra xa chỉ thấy cỏ. Cỏ nối nhau, nối nhau dọc ngang thành một miền xanh thắm thiết. Tôi chưa bao giờ đi hết được miền diệp lục lạ kỳ đó, hình như thế. Dẫu rằng, những gì xảy ra với vùng đất rộng chưa đến ba cây số vuông này ở nửa thế kỷ trước người ta đã kể lại nhiều. Trong muôn vàn câu chuyện về thành cổ được nghe, tôi thực sự ám ảnh với câu nói của một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở đây năm 1972. Nguyên văn câu anh nói: “Nhà thơ ạ, năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị rêu cũng đỏ như máu”. Tôi nhập dẫn tâm thức vào câu nói của anh để bật ra hai câu khai mở cho bài thơ “Thắp cho Thành cổ” sau đó của mình: "Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm". Rêu và máu. Cỏ và chiến binh. Tám mươi mốt ngày đêm. Mùa hè năm 1972. Mùa hè đỏ lửa. Xin nhắc lại vài con số để bạn đọc dễ hình dung ra sự khốc liệt của cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đối phương đã không hề tiếc đạn bom giội, trút, đổ xuống nơi này. Từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, kẻ thù đã “dành” cho thành cổ 328.000 tấn bom đạn; tính ra mỗi chiến sĩ ta phải chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo. Thành cổ Quảng Trị thành một “túi bom” khổng lồ và đương nhiên là khủng khiếp với 150 đến 170 lần máy bay phản lực cùng 70 đến 90 lần “pháo đài bay” B-52 ném bom mỗi ngày đêm. Báo chí phương Tây thời đó đã tính ra rằng, lượng thuốc nổ Mỹ dùng ở Thành cổ Quảng Trị bằng 7 quả bom nguyên tử mà họ đã ném xuống thành phố Hiroshima của nước Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ đó hình dung ra sức chịu đựng phi thường của những chiến sĩ Giải phóng quân. Lòng yêu nước không hề bị nung chảy trong biển lửa. Sự dũng cảm của chiến sĩ, đồng bào ta nói bao nhiêu cũng không hết.
    |
 |
Các cựu chiến binh thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: MINH THÀNH
|
Tỉnh Quảng Trị nơi tôi đang sống bây giờ được ví như một bảo tàng chiến tranh sống động mà mỗi ngọn núi, dòng sông, xóm mạc ở đây là một chứng tích về tình yêu Tổ quốc, sự can trường, hy sinh lớn lao của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất cho đất nước. Ở đây có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia mà người ta không thể quên được. Đó là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9; mỗi nơi có hơn mười nghìn ngôi mộ. Với tôi, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là một địa chỉ vô cùng thiêng liêng khi soi chiếu với những gì mình có được trong cuộc đời sáng tác văn học. Trước hết, tôi là người lính Trường Sơn nên hết sức thấm thía rằng, để làm nên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối liền miền Bắc hậu phương lớn với miền Nam tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bất chấp bom đạn, mưa nắng dữ dội của miền Trung để chiến đấu, lao động quên mình. Và, hơn hai mươi nghìn chiến sĩ Trường Sơn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải, tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mới có hơn mười nghìn đồng đội chúng tôi được quy tập về yên nghỉ. Còn khoảng mười nghìn liệt sĩ nữa chưa được quy tụ về đây.
Có câu chuyện này, tôi xin kể lại. Năm 1996, tôi được Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời đi tham gia trại viết ở Đồ Sơn. Trong một đêm thao thức, trước mắt tôi bỗng dưng hiện lên những ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và thật bất ngờ khi các câu thơ vang lên sau đó. Tôi bật dậy, lấy giấy bút chép lại những câu thơ “rất lạ” đó... "Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa"... Chưa hết, mạch thơ bỗng dưng rẽ qua nẻo khác, vang lên day dứt như một mách bảo, một nhắc nhở cảm động: "Mười nghìn tấm bia còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/ Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng/ Mười nghìn khát vọng được về bên nhau". Bài thơ "Khát vọng Trường Sơn" đã dừng lại ở câu ấy: "Mười nghìn khát vọng được về bên nhau".
Trước đó và sau này, trong nhiều bài thơ thuộc đề tài chiến tranh cách mạng, khát vọng trở về của những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc luôn ám ảnh tôi. Và tôi hằng tin, các anh chị đã được trở về trong tâm tưởng, trong sự tôn kính, biết ơn của dân tộc, của chúng ta-những người được sống trong hòa bình hôm nay. Bằng thi ca, tôi thấy đồng đội đang trở về, đã trở về nơi mình đã ra đi. Đó là quê hương yêu dấu với những người thân đang mong mỏi chờ đợi họ lâu nay. Tôi hình dung trong cuộc trở về vĩnh hằng đó, trên tay mỗi người lính có một bông huệ trắng tinh khiết, thơm tho. "Những người lính tay cầm bông huệ trắng/ Trở về nơi mình đã ra đi/ Các anh lẫn trong vách đất thầm thì/ Các anh hòa vào mái tranh thủ thỉ/ Cây của mẹ gọi anh về xanh lại/ Trái cuối mùa thêm lần nữa mẹ sinh anh"... Các anh, các chị trở về nơi mình đã ra đi để cho cuộc đời có thêm những giấc mơ nhân hậu, để làm dịu lại nỗi đau sau chiến tranh, để cho cuộc sống vỗ cánh bay về tương lai tươi đẹp trong bầu trời hòa bình bát ngát và ánh sáng nhân văn chan hòa.
Những hy sinh cao cả sẽ được ghi nhận, đền đáp xứng đáng. Không chỉ một thời điểm nào đó mà mãi mãi, là công việc thường ngày của xã hội chúng ta. Đó cũng là đạo lý, là nét đẹp của cuộc sống hôm nay và mai sau. Nó xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam đối với các liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, với Tổ quốc. Đấy là công việc thiêng liêng mà mỗi đóng góp của chúng ta không chỉ tạo nên Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” rộng rãi, có hiệu quả lâu bền mà còn là biểu hiện của lòng nhân đức cao cả. Và như vậy, quá khứ không bao giờ bị lãng quên, truyền thống trở thành năng lượng sạch cho cuộc sống hiện tại và tương lai, khi dân tộc Việt Nam anh hùng cất cánh bay vào kỷ nguyên phát triển mới. Một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, nhân dân được hạnh phúc trên mảnh đất vốn chịu đựng nhiều đau thương, tang tóc từ chiến tranh là khát vọng lớn lao của dân tộc. Đấy cũng là khát vọng cao cả của bao thế hệ đi trước, trong đó có những người lính đã ngã xuống trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ