Có nhà nước thì ắt có quân đội. Đó là một điều tất yếu. Manh nha lúc đầu đội quân ấy có thể là một số người biết “đánh đấm” để bảo vệ lãnh thổ. Sau dần có hẳn đội quân chuyên trách, nhà nghề, hay được gọi là đội quân thường trực hoặc tổ chức LLVT theo biên chế chặt chẽ, không những để bảo vệ lãnh thổ, cương vực, bảo vệ chế độ chính trị mà còn làm nhiều việc nữa, gọi chung là làm hậu thuẫn cho đối nội, đối ngoại. Từ thời cổ đã là như thế! Thế nhưng, LLVT cách mạng của nước ta được hình thành rất đặc biệt.

 Sự đặc biệt ấy được thể hiện từ khởi đầu là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (chủ yếu nhất là Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua vào những ngày thời dựng Đảng đầu Xuân Canh Ngọ 1930. Trong văn kiện này, Đảng xác định phương pháp cách mạng bạo lực, rồi dự kiến một xã hội tương lai khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì dựng xây một chính phủ công nông binh và đội quân vũ trang công nông binh.

Tiếp theo và ngay sau sự kiện Xuân Canh Ngọ ấy là phong trào cách mạng năm 1930-1931, mà điển hình là một số làng quê ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lập các Xô viết (Xô viết là theo cách gọi của Bác Hồ trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản sau đó ít hôm), tức là các chính quyền cách mạng công nông (Xô viết Nghệ-Tĩnh). Các đội “tự vệ đỏ” được lập ra để bảo vệ chính quyền cách mạng cũng như mọi hoạt động của chính quyền đó. Có thể nói không sai rằng, nếu truy đến cùng về mốc thời gian và sự kiện lịch sử thì các đội tự vệ đỏ này là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Tiếp nữa, trải qua bao sóng gió của thời cuộc, đến Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940 tại Đình Bảng (Bắc Ninh), Đảng ta tiến sát một bước nữa cho việc lập đội quân vũ trang cách mạng bằng việc quyết định chủ trương “chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa”, duy trì và phát triển các đội vũ trang cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn. Đây chính là cơ sở ra đời đội Cứu quốc quân, về sau hợp nhất với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành đội quân chính quy cách mạng mà ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sẽ là thiếu sót cực lớn khi không nói đến sự ra đời và trưởng thành của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sự ra đời của đội quân vũ trang chủ lực này cũng là sự tất yếu, theo đúng cái logic vốn có từ Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1930 và từ sự ra đời của các đội tự vệ đỏ, kinh qua Đội du kích Bắc Sơn, tiếp đến là đội Cứu quốc quân. Tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 3-1935), Đảng đã có nghị quyết riêng về đội tự vệ, đưa ra những quan điểm rất cơ bản về xây dựng LLVT.

Tháng 9-1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, từ đó Đội du kích Bắc Sơn ra đời, báo hiệu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam bắt đầu, thời kỳ thành lập các tổ chức quân sự cách mạng, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang giành chính quyền.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Mà đây chính là sự thể hiện tầm nhìn và trí tuệ của Bác Hồ khi nhìn được, nhìn thấu chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam, nhìn thấy một điểm mấu chốt trong chiến tranh giải phóng và sự nghiệp vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc về sau. Đã vừa tất yếu như nó phải có, lại được bộ óc mẫn tiệp chỉ lối, do vậy, sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính là con đẻ từ chủ trương, hoạt động của Đảng và cá nhân Bác Hồ. Thật có lý khi nhiều người thường gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “người cha thân yêu của các LLVT cách mạng”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, động viên các đơn vị bộ đội diễn tập tại Sơn Tây, năm 1957. Ảnh tư liệu  

Có ít nhất hai điều thú vị nữa về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Điều thứ nhất là trong chỉ thị thành lập Đội, Bác Hồ nêu rất rõ toàn bộ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoạt động của Quân đội ta, đặc biệt nhất là “chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì LLVT trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Đó là tinh thần cốt lõi của Quân đội cách mạng Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ. Đây là đội quân cách mạng của nhân dân, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Điều thứ hai, vì sao người soạn chỉ thị lại là Bác Hồ? Vì trên thực tế khi đó, Bác không còn là cán bộ của Quốc tế Cộng sản nữa, bởi từ năm 1943, tổ chức này đã tuyên bố tự giải tán. Và Bác cũng không phải là thành viên của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Bởi trước đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng vào tháng 5-1941, ở Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ chủ trì với trách nhiệm là đại diện Quốc tế Cộng sản, Bác được giới thiệu giữ chức vụ Tổng Bí thư Trung ương Đảng, nhưng Bác không nhận với lý do còn phải tiếp tục thực thi nhiều nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản phân công ở các địa bàn khác trong khu vực. Thế nhưng, với uy tín và tầm nhìn của Bác, Bác vẫn được tôn vinh là lãnh tụ của Đảng ta. Đến năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Bác trở thành nguyên thủ quốc gia. Và tháng 2-1951, tại Đại hội II của Đảng họp ở tỉnh Tuyên Quang, Bác được bầu làm Chủ tịch Đảng.

Nội dung của chỉ thị là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối, chủ trương xây dựng LLVT cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập. Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân diễn ra tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc hai xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) do đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến hành đã mở ra một phương thức đấu tranh mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một tài liệu súc tích theo đúng phong cách viết của Bác, mang tính cương lĩnh quân sự của Đảng ta, bao gồm những vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng, như kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng LLVT và phương châm xây dựng ba thứ quân của LLVT, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của LLVT nhân dân, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của LLVT nhân dân.

Trải qua 80 năm, nhất là qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Quân đội ta từ một đội quân chủ lực non trẻ với 34 chiến sĩ ban đầu ấy từng bước trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, chiến đấu kiên cường, anh dũng, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Từ khi ra đời đến nay, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” nói riêng; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Dân gian có câu: “Uống nước nhớ nguồn sông/ Ăn quả nhớ người trồng/ Lớn khôn nhờ tiên tổ”. “Nguồn sông”, “quả”, “tiên tổ” ở đây chính là Đảng ta, chính là Bác Hồ và cũng chính là nhân dân. Trong suốt chiều dài của lịch sử cách mạng và trong gần 40 năm của công cuộc đổi mới, Quân đội ta rất xứng đáng là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, rất xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, của cách mạng, của nhân dân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, Quân đội ta luôn luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời gian tới, thời gian mà tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu: Đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự vươn mình để thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào Di chúc: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới.

 GS, TS MẠCH QUANG THẮNG