Theo tài liệu của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) cung cấp, dù bị địch đánh phá ác liệt, ngăn chặn ở mức cao nhất, song quân và dân ta ở Trường Sơn đã phối hợp xây dựng hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km. Cụ thể, từ năm 1968 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn xây dựng tuyến đường ống vượt sang Tây Trường Sơn kéo thẳng xuống biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Sau đó, ta mở thêm tuyến đường ống ở Đông Trường Sơn qua Hướng Hóa (Quảng Trị) xuống Sa Thầy (Kon Tum) vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Trên tuyến có 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát xăng dầu. Từ năm 1968 đến 1975 đã nhập vào tuyến hơn 317.500 tấn xăng dầu, trong đó cấp phát cho các chiến trường hơn 61.000 tấn xăng dầu.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế-Bộ Quốc phòng, hiện là Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, là một trong số ít nhân chứng mở tuyến, xây dựng đường ống xăng dầu và cũng là người viết tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa”, xuất bản năm 2012. Ông kể cho chúng tôi nghe những mất mát, hy sinh vô cùng lớn trong việc thi công, xây dựng và bảo vệ, vận hành bơm, cấp phát, vận chuyển nhiên liệu lỏng ở Trường Sơn.
    |
 |
Xây dựng đường ống xăng dầu Trường Sơn. Ảnh tư liệu
|
Năm 1968, khi mới làm xong luận văn, chưa kịp bảo vệ, sinh viên Hồ Sỹ Hậu, Khoa Trắc địa, Trường Đại học Mỏ-Địa chất được đặc cách công nhận tốt nghiệp và cùng 17 kỹ sư các trường đại học: Bách khoa, Thủy lợi, Xây dựng và Mỏ-Địa chất... nhập ngũ, rồi vào tham gia xây dựng đường ống xăng dầu.
Để có xăng dầu cho xe cơ giới, bộ đội cho vào các can đựng, thùng phuy; chở xăng bằng ô tô hoặc gùi, thồ; lợi dụng sức người để vận chuyển các thùng xăng qua suối. Thậm chí ở nhiều nơi, bộ đội phải dùng ba lô để gùi xăng. Nhiều lúc gặp thủy lôi do địch thả xuống, rất nhiều người hy sinh, máu và xăng hòa đỏ cả dòng sông.
Ngày 12-4-1968, Tổng cục Hậu cần thành lập một đơn vị mang tên "Công trường thủy lợi 01" gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật lắp đặt đường ống. Ngày 29-4-1968, đơn vị này được điều về Nghệ An, mang mật danh "Công trường 18" để làm nhiệm vụ thi công đường ống xăng dầu.
Bất chấp địch tổ chức đánh phá ác liệt, ngày 10-8-1968, ta hoàn thành đoạn đường ống nối từ kho N1 ở Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) đến kho N2 ở Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) dài 42km, có tên "X42". Ở thời điểm đó, đây là đoạn đường ống dẫn xăng dầu duy nhất trên thế giới bắc qua sông được làm hoàn toàn bằng sức người, vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm để bơm xăng vào Hà Tĩnh.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ lại, khó khăn lớn nhất trong thi công đường ống này là phải đạt các tiêu chí “ngắn, ngầm, tránh, kín”. Ta chủ yếu thi công đêm, tránh địch đánh phá khi đưa đường ống vượt sông Lam, sông La Ngà...
Thi công qua sông Lam, sông La Ngà, ta phải dùng thuyền và bè mảng để lắp ống, sau đó mới dìm ống xuống nước. Còn thi công kho N2 cũng là một kỳ tích. Kho N2 được chọn là một quả đồi trọc nằm giữa cánh đồng, bên dưới có bụi cây lúp xúp. Ta đã huy động khoảng 400 nhân công mang theo sào, bó lá ngụy trang, dây thừng và cuốc xẻng. Nhân dân đã làm thành các giàn ngụy trang, tránh phát hiện của máy bay địch từ trên không, thi công các hố để téc xăng dưới đó. Do đồi cấu tạo từ đá ong không thể đào bằng xẻng, cán bộ nghĩ ra cách dùng sắt tròn đường kính lớn, gia công thành xà beng, đào đá ong. Sau 4 ngày đêm làm việc liên tục, khi các xe chở téc đến, ta đã đưa vào vị trí trước khi trời sáng rồi ngụy trang kín đáo.
Làm xong chưa được bao lâu, hôm sau địch cho máy bay đánh phá suốt gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng hệ thống bể chứa và đường ống của kho N2 vẫn an toàn. Tuy nhiên, theo lời kể của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu thì trong vận hành đã có tổn thất và hy sinh. Chuyện là, sau khi địch đánh phá rồi rút đi, ta bơm xăng từ N2 xuống sà lan cách kho 7km. Khi bơm, áp suất tăng, xe bơm bị cháy, cả kíp hy sinh.
    |
 |
Tiếp nhận, tra nạp xăng dầu phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu
|
Sau này, ta xác định được nguyên nhân là trận bom đêm hôm trước đã lùa nhiều đất đá và cả que gỗ vào ống, trời tối, ta không phát hiện được. Khi bơm, mọi thứ đất đá, rác rưởi dồn lại làm tắc ống nên gây ra sự cố mất mát.
Dòng xăng ra chiến trường được khơi thông, nhưng phải trả bằng máu, sinh mạng bộ đội và thanh niên xung phong. Từ thành công này, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện chủ trương lấy đoạn thể nghiệm này làm trung điểm để kéo dài ra hai đầu. Một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc, nối thông đến vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng ở đầu vào được ổn định. Một đầu từ kho N2 tiếp tục vươn vào phía Nam, bảo đảm cho tuyến vận tải chiến lược.
Đường ống phía Nam có hai ngả. Ngả vượt Tây Trường Sơn từ Nga Lộc vào đến Tổng kho RH11 thuộc xóm Rục (Minh Hóa, Quảng Bình). "Công trường 18" tiếp tục được giao thi công đoạn ống xuyên từ Cổng Trời thuộc Quảng Bình, vượt qua đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến kho Nà Tông, thuộc tỉnh Khammouane, Trung Lào.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu tâm sự, ta thi công tới đâu địch đánh phá tới đó. B-52 đến rải thảm cắt ngang cả đường ống và đường ô tô. Tuyến cứ nối lại đứt. Xăng vẫn chưa bơm được. Hàng trăm lượt B-52 oanh tạc lên tuyến đường Trường Sơn, gây vô vàn khó khăn cho bộ đội Bộ tư lệnh 559. Qua hai tháng mùa khô, hàng trăm người hy sinh. Sau này, nhờ quyết tâm lớn, ta đã nghiên cứu tìm đường tránh cho dù thi công khó khăn hơn và thành công. Giáp Tết Nguyên đán Kỷ Dậu năm 1969, đường ống này hoàn thành và xăng được bơm qua đèo Mụ Giạ vào đến kho Nà Tông, giao cho Trạm 31 có trách nhiệm trực tiếp cấp phát cho các đoàn xe tải Bộ tư lệnh 559 đi tiếp vào miền Nam. Đúng Giao thừa năm ấy, dòng xăng đã chảy vào kho Nà Tông.
Từ đầu năm 1969, Tổng cục Hậu cần điều "Công trường 18B" đến thi công ngả hướng Đông Trường Sơn. Đường ống được xuất phát tại trạm xăng dầu Bến Quang (Quảng Bình), vượt qua Đường 9 ở đoạn Cam Lộ (Quảng Trị), đi tắt một đoạn qua biên giới Lào rồi trở về Bù Lạch (Bình Phước), lên Phay Khốc. Giai đoạn đầu thi công vượt vĩ tuyến 17, vượt qua đỉnh 700 rất khó khăn vì địch ngăn chặn quyết liệt khiến ta bị rất nhiều tổn thất về nhân lực.
Sau này, ta phát hiện ra địch đưa thám báo thăm dò và chỉ điểm cho máy bay đến oanh kích. Ta lập tức đưa lực lượng đến truy quét và tổ chức lực lượng bảo vệ thi công đường ống rồi tìm biện pháp để đưa đường ống vào những vị trí kín đáo, ngụy trang khiến địch không thể phát hiện. Ngày 22-12-1969, xăng vào đến bản Cọ (Lào). Tính đến năm 1972, hai đoạn đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã có chiều dài tới 700km với khối lượng kho dự trữ xăng dầu khoảng 12.800m3. Từ năm 1968 đến 1975, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam 5,5 triệu mét khối xăng dầu, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
THẢO TRANG