Cách đây hơn một tháng, khi về Quân chủng Hải quân công tác, tôi tranh thủ thời gian ít ỏi đến thăm Trung tá Vũ Hoài Nam, cán bộ Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân. Tôi mang theo bó hoa tươi chúc mừng anh vừa nhận quyết định bổ nhiệm Phó lữ đoàn trưởng. Ấy vậy mà “cái nghiệp lính đảo” đã kéo anh đi. Bó hoa tươi đầy màu sắc, ngát hương thơm cùng tấm chân tình của bạn đồng khóa là tôi bị ế. Nam vừa theo tàu ra khơi vài ngày trước khi tôi đến mà quên không nhắn tin cho tôi biết trước. Sau này về bờ, anh gọi điện và thổ lộ: Nhận quyết định xong là đi công tác luôn nên không dám thông báo với ai vì sợ lại phiền đến mọi người.
Nghe mà thương. Lính đảo kỳ cục đến lạ. Ngay cả một việc đáng mừng như thăng chức cũng sợ làm phiền người khác.
Vũ Hoài Nam là bạn học cũ với tôi thời học viên Trường Sĩ quan Công binh. Tốt nghiệp cuối năm 1999, hai chúng tôi đều về Quân chủng Hải quân công tác. Tôi về Trung đoàn Công binh 131 (nay là Lữ đoàn Công binh 131), Nam về Vùng 4. Những năm đầu chập chững làm lính biển, không có điện thoại, email cũng hiếm, chúng tôi gần như mất liên lạc. Mãi đến năm 2012, trong một chuyến công tác ở Trường Sa, tôi gặp Nam ngoài đó. Nam chuyển công tác từ Vùng 4 về Trung đoàn Công binh 131 từ năm 2008.
Tối đó, giữa Trường Sa mênh mông biển nước, bên chén trà đặc, Nam nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Lời thề của người giữ biển, giữ đảo không viết trên giấy. Nó được khắc ghi vào tim”.
Anh nói đúng. Bởi với những người như Nam, ra đảo không phải là sự kiện mà là một phần của đời sống. Giống như người đi làm sáng chiều về, họ xem biển là nhà, sóng gió là bạn, lời thề là kim chỉ nam. Mỗi lần cập bờ chỉ là quãng nghỉ ngắn, để rồi lại lặng lẽ khoác ba lô ra khơi.
* *
*
Sau kỳ nghỉ lễ 30-4, tôi gọi điện hỏi thăm, Nam nói đang chuẩn bị ra đảo công tác. Anh cười, giọng tỉnh queo: “Ra lâu hơn một chút đấy. Xong việc lại về”.
Sự bận mải với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của bạn tôi, Trung tá Vũ Hoài Nam, giống phần lớn cán bộ, chiến sĩ Hải quân mà tôi từng gặp, từng quen, từng sống với nhau. Với họ, biển, đảo trở thành một phần máu thịt. Đi biển, ra đảo là chuyện thường ngày, chẳng khác nào việc một người rời gia đình buổi sáng để đi làm rồi chiều muộn lại trở về ngôi nhà quen thuộc, nơi có tiếng cười nói và cử chỉ ấm áp của những người thân yêu thương. Tình yêu biển, đảo không bến bờ của họ giống như chiếc mỏ neo giữa vòng tuần hoàn bất tận của trách nhiệm, lý tưởng và tình yêu Tổ quốc.
Từng ở Hải quân và có thời gian dài bám sóng, bám biển, bám đảo, tôi thấy hầu hết cán bộ, chiến sĩ Hải quân đều là những con người bình dị, ít nói và rất đỗi chung thủy với biển, đảo. Trong họ, lời thề giữ biển, đảo thì vô cùng thiêng liêng. Ánh mắt họ luôn ẩn chứa tín hiệu của tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo mà khó lòng đong đếm, so sánh.
Khi nhắc đến lời thề giữ biển, đảo thiêng liêng, tôi nhớ đến những anh hùng đã nằm lại giữa trùng khơi, những người đã sống trọn với lời thề giữ biển. Tiêu biểu trong số đó là Thiếu úy Trần Văn Phương quê ở Quảng Bình. Anh là một trong những người đầu tiên ngã xuống tại cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Trước lúc hy sinh, anh đã dũng cảm hô to: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”. Anh ngã xuống, tay vẫn ôm cờ Tổ quốc. Hình ảnh ấy trở thành biểu tượng bất tử về tinh thần bất khuất của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tôi cũng nhớ lại lời mà Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc nói với đồng đội: “Bảo vệ Tổ quốc không phải là khẩu hiệu, đó là lý do sống của một người lính”. Lời ấy được phi công Nguyễn Văn Bảy nói trong khi cùng lực lượng không quân phối hợp với các tàu Hải quân bảo vệ bờ biển miền Bắc, đánh đuổi tàu chiến Mỹ tại vịnh Bắc Bộ.
Ngày nay, tượng đài Gạc Ma ở Cam Lâm (Khánh Hòa) được xây dựng như một biểu tượng vĩnh hằng về những người lính ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo. Họ đã sống với lời thề-không phải để ghi công, mà để lại đời sau những triết lý về lẽ sống.
Thời trai trẻ, tôi mang trong mình lời thề giữ biển, đảo và in sâu trong tiềm thức. Đến nay, dù công việc rất hiếm khi được ra biển, ra đảo nhưng nếu có điều kiện thì nó trở về ào ạt, khó cưỡng trong tôi.
Trong một lần theo tàu ra Trường Sa, nằm trong nhà khách của đơn vị mà tôi không thể nào ngủ được. Tôi nhớ kỷ niệm những lần đón và tránh bão ngày còn làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông. Trước khi bão về, anh em chúng tôi lặng lẽ "nhường" chiếc nhà tạm vách cót ép, mái tôn thấp lè tè cho gió, mưa rồi vác ba lô, quân trang chui xuống những đoạn hào có nắp đã được xây dựng trước đó để tránh trú.
Bão về, gió giật liên hồi, liên tục hú hét gọi nhau. Mưa xối xả như đại liên của địch từ trên không trút xuống. Hào ngập nước và cán bộ, chiến sĩ chúng tôi cũng ướt như chuột lột. Sáng ra, bão tan, trời quang, đảo bừng sáng cho dù cây cối ngả nghiêng, táp lá. Trước khi đi làm nhiệm vụ, chúng tôi tìm mãi trong ba lô mà chẳng có bộ quân phục, chiếc áo, chiếc quần khô ráo. Sau này, khi đã nếm trải đủ mọi "đặc sản" khắc nghiệt của biển, tôi rút ra kết luận cho riêng mình, lời thề giữ biển, giữ đảo khi bước vào đời lính biển không phải để cho đẹp. Nó là cái neo giữ chúng tôi đứng vững giữa trùng khơi sóng gió, bão táp và nắng cháy lột da.
Suy nghĩ ấy là động lực để tôi rời chiếc giường trong nhà khách, lặng lẽ đi ra bờ kè. Chẳng được bao xa, tôi đã bị chiến sĩ gác đêm trên đảo chặn lại. Tôi cố thuyết phục chiến sĩ trẻ cho tựa lưng vào gốc cây gần đó vài phút chỉ để ngửi, để hít hà sương đêm của biển, để tâm hồn như được tan vào gió biển, như được hòa vào đầu sóng bạc, để thấm sâu hơn và tạc ghi lời thề của những người giữ biển. Lúc ấy, tôi như đồng điệu với những gì mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết: "Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình..." (Tổ quốc nhìn từ biển).
Kết thúc chuyến công tác, rời đơn vị Hải quân trong một buổi chiều ngập nắng, tôi thấy cờ trên boong tàu vẫn phần phật trong gió. Tiếng sóng thì thầm như nhắc tôi nhớ về lời thề được viết nên không phải bằng bút mực mà bằng mồ hôi, máu và cả những nỗi nhớ day dứt không nguôi.
Biển vẫn thế, xanh thẳm và vô tận. Nhưng trong lòng những người lính biển, biển không chỉ là không gian địa lý-mà là một phần máu thịt Tổ quốc. Biển là nơi người ta sống, chiến đấu, yêu thương và dâng hiến cả tuổi trẻ mà không hề đòi hỏi một lời ghi công.
Tôi tin, ở nơi đầu sóng ngọn gió, những lời thề vẫn được thì thầm qua gió biển, vẫn cháy trong ánh mắt những người đang canh giữ cột mốc sống giữa đại dương. Những hòn đảo xa xôi không cô đơn, bởi chúng luôn có những trái tim nóng bỏng đang đập vì đất mẹ. Và ở đâu đó, trong từng bản nhạc quân hành, trong những câu thơ viết vội trên tàu tuần tra, vẫn vang lên một niềm tin son sắt: Dẫu gian khó đến đâu, những người lính Hải quân vẫn sống với lời thề giữ biển, giữ đảo như sống với chính lẽ sống.
Lúc ấy, lời bài hát “Lướt sóng ra khơi” của nhạc sĩ Thế Dương lại bùng cháy trong tôi: “Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời/ Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời... Đoàn tàu vượt ra khơi, nắng mới đẹp chân trời/ Vượt trên gian khó lớp lớp sóng xô lòng người càng thắm thiết yêu thương/ Giặc thù hòng xâm lăng, tay súng ta sẵn sàng/ Chiến đấu hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng...”.
MẠNH THẮNG