Từ nơi đây, 80 năm qua đã có hàng vạn học viên tốt nghiệp, trong số ấy đã có hơn 400 đồng chí phát triển tại các cơ quan, đơn vị và được thăng quân hàm cấp tướng. Niềm vinh dự, tự hào của họ được bắt đầu từ những ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt tôi rèn ý chí trên giảng đường, thao trường trong cái rét cắt da thịt hay cái nắng nung người đất Sơn Tây.

"Tháng 4, sau những ngày hưởng thụ rét nàng Bân, chúng tôi hành quân lên đất lính Sơn Tây. Điểm dừng chân của chúng tôi khi đến Trường Sĩ quan Lục quân 1 là thao trường huấn luyện tổng hợp nằm ngay trong khuôn viên nhà trường. Dù đứng khá xa, chúng tôi vẫn nghe tiếng giảng bài của giảng viên. Phía dưới, học viên đứng hàng ngang quan sát, lắng nghe và ghi chép.

Đến nơi, được sự đồng ý của cán bộ quản lý lớp học, tôi kéo Trung sĩ Phạm Công Khải, học viên năm thứ 3 ở Tiểu đoàn 7 ra khỏi hàng để trò chuyện. Chàng học viên quê Hà Tĩnh khá tự tin. Khải kể rằng, tỷ lệ học thực hành ngoài thao trường rất lớn và quá trình học... chủ yếu là đứng. Đứng để có sự tập trung cao độ và để rèn luyện ý chí, sức khỏe dẻo dai. Ngày mới nhập học, Khải rất sợ đứng vì đau lưng nhưng giờ thì đã quen và cảm thấy bình thường. Khải cũng chia sẻ, vì rất thích chiến thuật nên đã thi vào ngôi trường này để phát triển sự nghiệp.

leftcenterrightdel

Học viên năm thứ 3 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 học nội dung thao tác súng AGS 17. Ảnh: PHẠM THI 

"Chiến thuật là cách thức để lừa, dụ đối phương và nó làm cho con người dễ lạm dụng, sa vào cách sống thiếu chân thành. Vậy Khải thích nó ở điểm nào?"-tôi hỏi.

Trung sĩ Phạm Công Khải phản ứng rất tự nhiên và chân tình rằng, học chiến thuật là để bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để ứng dụng trong cuộc sống hay để sau này kiếm tiền bằng mọi giá.

Điều Khải nói khiến tôi nghĩ đến lịch sử truyền thống vẻ vang của ngôi trường này mà nhiều năm trước tôi từng tìm hiểu. Theo đó, năm 1945, để đáp ứng đòi hỏi của cách mạng, Trung ương đã cho thành lập Trường Quân chính kháng Nhật. Từ đầu tháng 9 cho tới cuối năm 1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để phù hợp với tình hình thực tế, trường đã hai lần đổi tên: Trường Quân chính Việt Nam và Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam.

Ngày 17-4-1946, theo chỉ thị của Bác, nhà trường được đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn với nhiệm vụ: Đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc, đồng chí Trần Tử Bình là Phó giám đốc, Chính trị ủy viên. Các đồng chí Vương Thừa Vũ, Vũ Lập phụ trách huấn luyện. Trường rời từ Hà Nội (khu Việt Nam học xá, nay là Đại học Bách khoa) lên đóng quân tại sân bay Tông, thị xã Sơn Tây.

Ngày 26-5-1946, nhà trường làm lễ khai giảng khóa 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh đã đến dự. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng nhà trường lá cờ thêu những chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Tìm hiểu lịch sử nhà trường, tôi rất ấn tượng với hai câu chuyện nhỏ.

Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào tháng 10-1946, sau khi ở Pháp về, Bác lên thăm trường. Người dặn mấy điểm: “Một là phải kỷ luật. Hai là phải quần chúng hóa. Ba là phải thực tế. Bốn là phải ham học, ham làm. Năm là phải quyết tâm, chịu khó. Sáu là không lúc nào tự cho mình là đủ, không kiêu, không nịnh. Bảy là phải đoàn kết, thân ái, tự phê bình, phê bình và khuyến khích lẫn nhau”. Những lời dặn ấy của Bác đã được mọi thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học viên của nhà trường lấy làm phương châm.

Câu chuyện thứ hai xảy ra năm 1947. Giữa tháng 4-1947, khóa 3 của Nhà trường được khai giảng tại Bắc Kạn. Khi chương trình huấn luyện gần kết thúc, ngày 7-10-1947, giặc Pháp nhảy dù xuống khu vực gần trường. Nhà trường biên chế thành Trung đoàn E79 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hoàng Đạo Thúy và Chính trị viên Lê Đình đã đánh thắng trận Đầm Hồng và trận tập kích Yên Thịnh, phá vỡ kế hoạch hợp điểm của địch ở Bản Thi. Ngày 28-10-1947, trong lễ bế giảng được tổ chức tại đình Nghĩa Tá, nhà trường vinh dự đón nhận 4 chữ vàng Bác Hồ tặng “Trung dũng, quyết thắng”.

Đứng cạnh tôi và nghe rõ cuộc đối đáp giữa tôi và chàng học viên trẻ, Thượng tá Nguyễn Việt Du, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 tủm tỉm nở nụ cười hài lòng với lý lẽ của cậu học trò này. Anh Du tâm sự, nhìn bề ngoài, việc học của học viên ngoài thao trường khá đơn giản, nhưng thực ra đòi hỏi rất nhiều công sức. Trước khi lên lớp, giảng viên phải bồi dưỡng đội mẫu thật thuần thục rồi sau đó mới đưa cả lớp ra thao trường tổ chức học và luyện tập. Quá trình đào tạo để một thanh niên trở thành một sĩ quan cấp phân đội trong hơn 4 năm là rất công phu. Chỉ tính học chiến thuật thôi cũng vất vả vô cùng. Họ phải học nội dung chiến thuật từng người, chiến thuật tổ, tiểu đội và đến cấp tiểu đoàn rồi trung đoàn. Ở mỗi cấp lại có các hình thức khác nhau, tấn công, phòng ngự, tập kích, phục kích... Không chỉ học ban ngày mà còn phải học cả ban đêm với nhiều nội dung bổ trợ khác nhau.

Tạm biệt thao trường nắng gió, nơi hàng vạn sĩ quan các thế hệ nối tiếp nhau về các cơ quan, đơn vị, địa phương công tác, góp sức cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vững bền, chúng tôi đến một thao trường khác, nơi tập bài chiến thuật đánh địch trong thành phố, đô thị.

Đó là một thửa ruộng rất rộng với cây cỏ um tùm. Cuối thửa ruộng ấy là tường rào của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng khoa Chiến thuật giới thiệu: Sau khi học xong phần lý thuyết thì học viên năm thứ 3 được đưa đến đây. Giáo viên sẽ cho họ các dữ kiện về tình hình địch với lực lượng, hỏa lực, thủ đoạn, quy luật... Họ phải trinh sát, lên kế hoạch, lập sa bàn với nhiều tình huống khác nhau để đánh địch trong các nhà cao tầng... Đây là nội dung mới được tích hợp và đưa vào giảng dạy gần đây. Sau khi học các môn cơ bản, cơ sở khá đầy đủ thì học viên năm thứ 3 được học nội dung này. Huấn luyện chiến thuật tác chiến trong thành phố, đô thị có nhiều đặc điểm khác và phức tạp hơn so với địa hình rừng núi, trung du. Môn học giúp học viên nắm được nguyên tắc, trình tự các bước trong từng loại hình chiến thuật hoặc là phòng ngự, hoặc là tấn công, qua đó ra ngoài đơn vị tổ chức huấn luyện bộ đội.

Cũng thông qua Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Hưng, chúng tôi được biết, hiện nay Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã ứng dụng công nghệ rất sâu trong huấn luyện, đào tạo học viên. Chỉ tính trong bộ môn Chiến thuật thôi cũng đã thấy được tính hiện đại rất rõ nét. Trong diễn tập cuối khóa, học viên được tổ chức “đánh đối kháng”. Họ phải mang các thiết bị phát và đạo diễn có thể theo dõi phát hiện chính xác những hoạt động của họ từ xa. Thế nên, chất lượng môn học được nâng lên một cách thực chất. Cạnh đó, giảng viên đạo diễn cũng sử dụng các thiết bị camera ảnh nhiệt để canh phòng, phát hiện đối phương từ xa. Thế nên, trong trường hợp này, để đánh được mục tiêu đòi hỏi học viên phải hết sức nỗ lực, vận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng đã được các thầy truyền thụ.

Theo những gì chúng tôi nắm được, để đạt được điểm giỏi trong huấn luyện và học tập nội dung bộ môn Chiến thuật là rất khó khăn, vất vả.

Theo cảm nhận của tôi, có lẽ Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trong những ngôi trường mà nhân dân cả nước biết đến nhiều nhất. Họ dành cho nhà trường những tình cảm chân thành, tốt đẹp và hết sức quý mến. Họ biết tới nhà trường không chỉ vì số lượng sĩ quan trong Quân đội ra trường và trưởng thành từ ngôi trường này chiếm số lượng lớn mà còn vì trường đã đào tạo ra những sĩ quan ưu tú. Những sĩ quan ấy từng làm rạng danh nhà trường bằng những chiến thắng, những chiến công lẫy lừng trên chiến trường, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Thế nên, rất nhiều bậc phụ huynh đã động viên con mình thi vào ngôi trường này để học tập và rèn luyện. Thậm chí có gia đình cả 3 thế hệ từng là học viên của ngôi trường này...

MẠNH THẮNG