Tôi chọn một góc sân dưới gốc cây xà cừ rợp mát để trò chuyện với các phi công trẻ đang huấn luyện chuyển loại máy bay đa nhiệm Yak-130 ở Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân. Ban đầu, Trung úy Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 2000, quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn có nước da trắng, cao gần 1,8m rất kiệm lời trước những câu hỏi có phần khó trả lời của tôi.

Ấy nhưng chàng phi công này lại khá hóm hỉnh khi nói về tình yêu đôi lứa và những sẻ chia, giúp đỡ để vượt qua những khó khăn, cùng vun đắp một tình yêu đẹp. Đức Mạnh đã đặt trọn tình yêu, niềm tin và hy vọng vào người bạn gái học cùng phổ thông. Mạnh chia sẻ, thời nay, các bạn gái thường chọn cho mình bến đỗ với nhiều điều kiện thuận lợi, như thường xuyên ở gần nhau để cùng chia sẻ, đồng hành; có thu nhập kinh tế tốt... Còn các phi công như Mạnh thì không có những điều kiện như vậy. Anh nhận thấy bạn gái của mình rất thiệt thòi vì người yêu đóng quân ở xa, bởi thế anh tâm niệm phải phấn đấu công tác thật tốt để xứng đáng với tình yêu trong sáng mà bạn gái dành cho mình.

leftcenterrightdel

Các phi công trẻ giảng bình sau chuyến bay. Ảnh: ĐINH ĐỒNG 

Tâm sự chân thành, nghiêm túc của chàng phi công trẻ Nguyễn Đức Mạnh khiến tôi không khỏi suy nghĩ, nhưng lại có phần yên tâm. Thời chiến, người lính đi biền biệt đã là một nhẽ, nhưng trong thời bình, tính chất công việc huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu hay những mặt công tác khác khiến người lính cũng luôn bận rộn. Dù chưa kết hôn nhưng anh Mạnh đã lường trước những khó khăn để hướng tới xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Hỏi mãi thì Mạnh cũng trải lòng đôi điều về nghề nghiệp hết sức đặc thù này. Mạnh nói, sức hấp dẫn của nghề phi công quân sự giúp cho mình được thỏa chí “tung cánh đại bàng”, chinh phục bầu trời; được ngắm nhìn non sông gấm vóc từ trên cao và có cơ hội chiến thắng chính mình. Xa hơn, nó giúp anh khai phá tiềm năng để vươn tới những vì sao, cống hiến cho Tổ quốc. Anh giải thích ngắn gọn, nhưng cũng hết sức hình ảnh rằng, sao thường xuất hiện trên bầu trời về đêm. Từ phi công không cấp đạt đến bay đêm, bay trong điều kiện khí tượng phức tạp và chiến đấu bảo vệ bầu trời trong đêm tối là cả quãng thời gian rất dài với sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu kiên trì, bền bỉ.

Nhưng để đạt được ước mơ ấy, cũng như các thế hệ đàn anh đi trước, kể cả trong thời học viên và bây giờ, phi công trẻ đều phải rèn luyện và học tập hết tốc lực, phải hy sinh nhiều thứ. Ví dụ, trước đây Mạnh yêu thích đá bóng. Nhưng từ ngày là học viên phi công thì môn thể thao ấy trở thành xa xỉ. Vì đá bóng hoặc chơi các môn điền kinh có thể gây ra chấn thương, không có lợi cho quá trình huấn luyện bay. Thay vào đó, hằng ngày, các phi công quân sự như Mạnh phải luyện tập những môn thể thao hàng không để bổ trợ nâng cao thể lực và đủ tỉnh táo, nhanh nhẹn xử lý các tình huống trên không. Hiện Trung úy Nguyễn Đức Mạnh mới bay trong điều kiện khí tượng giản đơn vòng kín hoặc bay khu vực ở độ cao 2.500-4.000m.

leftcenterrightdel

Chuẩn bị bay. Ảnh: ĐINH ĐỒNG 

Thượng úy, phi công chuyển loại từ Su-22 sang máy bay Yak-130 Phạm Thế Anh quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định thì bày tỏ, quá trình huấn luyện bay rất phức tạp, có thể xảy ra các nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào. Nếu lái một chiếc ô tô trên đường mà có các biểu hiện hỏng hóc thì có thể giảm tốc, rồi dừng lại để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục. Còn máy bay thì không thể dừng trên không trung để sửa chữa. Do vậy, để điều khiển máy bay quân sự, phi công phải huấn luyện liên tục từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó; nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật để bay trong các điều kiện khí tượng với các bài bay khác nhau. Trong mọi tình huống trên không, các phi công phải bình tĩnh, vững vàng tâm lý, xử lý nhanh, dứt khoát và tuyệt đối chính xác. Nếu trạng thái tâm lý không tốt, dễ bị cảm xúc chi phối, hành động luống cuống thì không thể là “người nhà trời” được.

Tôi đem những tâm tình của các phi công trẻ đến gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Liển, Phó phi đội trưởng Phi đội Huấn luyện, phi công cấp 1 và đã có kinh nghiệm 11 năm làm giáo viên ở “giảng đường trong mây”. Anh Liển chia sẻ với tôi rằng, trong các nghề đào tạo và huấn luyện thì đào tạo, huấn luyện phi công quân sự là khó khăn nhất, phức tạp nhất, công phu nhất, đồng thời cũng tốn kém nhất. Điều kiện làm việc trên không đòi hỏi các phi công quân sự phải có thần kinh thép và bản lĩnh chính trị vững vàng, sức lực dẻo dai, bền bỉ, xử lý tình huống thông minh, nhanh nhạy. Đặc biệt, khi đã bước lên máy bay thì phải gác bỏ mọi thứ buồn phiền, ưu tư trong cuộc sống, tập trung cho chuyến bay an toàn, không để một sơ suất nào xảy ra dù là nhỏ nhất. Thế nên, cách giữ tình yêu của Trung úy Nguyễn Đức Mạnh cũng là cách chung của mọi phi công, như thế là họ đã giữ cho tâm lý của mình được ổn định.

Giờ thì tôi đã hiểu, những suy nghĩ này của Mạnh không phải là ngẫu nhiên mà là một bài học chung cho tất cả phi công trẻ cho dù điều đó không có trong bất cứ một giáo trình nào. Họ học được điều này từ chính thầy của mình và từ những lớp đàn anh đi trước.  

Thiếu tá Nguyễn Văn Liển tâm tình với tôi đôi chút kiến thức cơ bản của một giảng viên, anh nói, để dìu được những học viên trở thành phi công quân sự sau mấy năm học là việc rất công phu. Muốn truyền cho học viên kỹ năng bay, kỹ năng xử lý tình huống và nhiều kiến thức khác để trở thành phi công quân sự thì người thầy phải thuộc tính cách, sở trường và luôn là chỗ dựa tin cậy của học viên phi công. Phải dìu họ như dìu một em bé từ tập bò đến tập đi rồi biết chạy... Chỉ khi họ thả đơn và bay đơn thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng chưa hẳn đã hết lo lắng.

Anh Liển trải lòng, mặc dù các phi công quân sự được sự hỗ trợ tối đa từ lực lượng kỹ thuật hàng không trước khi cất cánh, nhưng họ vẫn phải nắm chắc cách xử lý các tình huống có thể xảy ra. Trước khi bước lên buồng lái đưa máy bay cất cánh, họ chỉ có một tâm lý duy nhất là tập trung cho nhiệm vụ. Quá trình bay trên không, họ phải liên lạc chặt chẽ với mặt đất, tuân thủ sự chỉ huy và hỗ trợ tối đa từ chỉ huy và lực lượng dẫn đường. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch mà nếu không tuân thủ sẽ khó lòng trưởng thành. Để rèn được tính tập trung và phát triển trở thành phi công quân sự lão luyện là không hề dễ dàng. Thực tế, đã có những học viên phi công quân sự không thể đáp ứng được yêu cầu này, đành phải chia tay "giấc mơ bay" và chuyển sang huấn luyện ở lĩnh vực khác, cho dù đạt các tiêu chí về sức khỏe, thần kinh tâm lý hoàn hảo.

Chia tay những phi công trẻ và thầy dạy của họ là Thiếu tá Nguyễn Văn Liển, tôi chợt nhớ tới lời bài hát hào hùng “Phi đội ta xuất kích” của tác giả Tường Vy: “Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/ Đại bàng vút cao lên trời mây/ Trận đầu ta đã mang chiến thắng/ Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu”.

Thời nào cũng vậy, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc chính là cái đích để các thế hệ phi công theo đuổi “giấc mơ bay”, để họ không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

ĐỨC TÂM