Tôi về Lữ đoàn 575 sau đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân trong những cơn gió mùa đông lạnh thấu xương. Nhìn doanh trại vắng lặng không giống với những đơn vị bộ binh, tôi tưởng sau đợt bung sức, bung lực thực hiện thi đua cao điểm ấy, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 sẽ trùng xuống, xả hơi.

Như thấy được băn khoăn thoảng qua trên nét mặt của tôi, Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm, Phó lữ đoàn trưởng mở giọng trầm ấm giống như tâm tình, thời bình, lính công binh được ví như “dân du mục”. Suốt năm, suốt tháng theo công trình, theo nhiệm vụ, rất khó có điều kiện họp mặt đông đủ ở đơn vị, ngay cả liên hoan, mừng công cuối năm cũng khó tập hợp trọn vẹn.

Anh Đạm hướng mặt về phía cửa ra vào, nơi có không gian trắng đục và cái lạnh buốt từ những cơn gió mùa Đông Bắc ào tới mà trải lòng, bây giờ, ở các công trường xây dựng nằm trong rừng sâu hiểm trở hay nơi giáp đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn vẫn miệt mài đánh vật với sắt, thép, xi măng, làm bạn với máy móc và các công cụ cầm tay. Trời có thể mưa to gió lớn hoặc nắng gay nắng gắt, nhưng lính công binh 575 chẳng hề nghỉ. Nơi nào, việc gì có thể làm được là cùng nhau hợp sức thực hiện chứ không để buồn chân, buồn tay. Ngay như thời điểm này, nhìn doanh trại tĩnh lặng thế thôi, nhưng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong cơ quan Lữ đoàn và một vài đơn vị vẫn hoạt động phân tán. Chỗ thì chuẩn bị mô hình học cụ huấn luyện, chỗ thì tham dự tập huấn cán bộ, chỗ khác lại sửa sang doanh trại. Người nào cũng có việc.

Câu chuyện hoạt động phân tán của lính công binh vốn đã là thuộc tính và trở thành đặc trưng nghề nghiệp. Họ có thể vừa cơ động thực hiện nhiệm vụ, vừa huấn luyện trong các điều kiện khác nhau để phù hợp với yêu cầu tác chiến. Đối với cán bộ, chiến sĩ công binh, vũ khí không chỉ là khẩu súng AK, quả lựu đạn... mà còn là những dụng cụ cầm tay như cọc dấu, dùi đục, dây gai, cuốc chim, xà beng, thuốc nổ, rồi các loại máy thi công húc, xúc, gạt, lu cũng như hàng chục phương tiện kỹ thuật chuyên ngành khó có thể nhớ và kể tên.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 tìm kiếm thi thể người mất tích. Ảnh: HOÀNG BÌNH 

Cách đây vài năm, tôi được tiếp xúc với một số cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn nguyên là cán bộ thời kỳ đầu của Lữ đoàn 575 hiện nay. Các CCB kể rằng, đầu năm 1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn điều họ về một đơn vị của Sư đoàn 470 rồi thành lập Trung đoàn 575. Sau thời gian ngắn củng cố lực lượng, ổn định tổ chức, Trung đoàn được lệnh phân tán thành các đội, bán đội cơ động, tổ chức bảo đảm công binh phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Thế là vừa hành quân làm nhiệm vụ, vừa huấn luyện. Huấn luyện ngay trong khi mở đường, bắc cầu hay khắc phục vật cản, xây dựng đài quan sát, sở chỉ huy... người đi trước chỉ cho người đến sau, người biết nhiều thì hướng dẫn cho người biết ít. Từ Tây Nguyên, các đơn vị của Trung đoàn cơ động đến các tỉnh dưới đồng bằng ven biển rồi đi trước các cánh quân chủ lực về miền Đông Nam Bộ để bảo đảm phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm kể với tôi rằng, đây là thời điểm mà Lữ đoàn 575 mạnh nhất trong lịch sử 50 năm qua cả về lượng và chất. Hiện nay Lữ đoàn 575 có sự phát triển mới trong nhiệm vụ, tổ chức biên chế vì giữa năm 2023 được tiếp nhận nguyên trạng và sáp nhập Lữ đoàn Công binh 219 thuộc Quân đoàn 2. Thế nên, hiện nay, ngoài các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy thì Lữ đoàn 575 còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như xây dựng công trình quốc phòng; rà phá bom, mìn, vật nổ tồn sót lại sau chiến tranh và nhiều nhiệm vụ đột xuất theo chỉ lệnh của trên.

Câu chuyện giữa tôi và Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm đang dở dang thì Trung tá Ngô Anh Quyến, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn xuất hiện. Anh ý nhị xin phép chỉ huy được đưa tôi đến Tiểu đoàn 2 để thâm nhập đời sống, công việc bộ đội. Trước khi tôi rời đi, anh Đạm nhắn nhủ rằng, đầu giờ làm việc buổi chiều sẽ cung cấp cho tôi một số thông tin rất thú vị.

Trên đường đến Tiểu đoàn 2 cách cơ quan Lữ đoàn gần 5km, Trung tá Ngô Anh Quyến nói với tôi, sau bão số 3, từ ngày 10-9-2024, TP Thái Nguyên, nơi đơn vị đứng chân ngập rất nặng. Các xã, phường của thành phố nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Lúc ấy cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đồng loạt đi chống lụt. Áo phao màu da cam trở thành quân phục thường dùng. Họ đến từng nhà bị ngập sâu để đưa người dân về nơi an toàn. Bộ đội chạy thi với mưa, chạy thi với mức nước dâng cao để cứu dân. Anh Quyến tâm tình, lúc ấy không có khái niệm ăn và ngủ. Có chiến sĩ mệt quá để nguyên áo phao chợp mắt lấy sức vài phút rồi lại đội mưa đi tiếp. Việc ăn cũng rất đơn giản, thậm chí ăn trong mưa để dành thời gian đi cứu hộ, cứu nạn.

Khi đến Tiểu đoàn 2 trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, tôi nhớ nhất câu chuyện và cảm xúc của Binh nhất Triệu Quý Chung, chiến sĩ Trung đội 5, Đại đội 5. Chung kể, ngày 11-9-2024, sau gần 10 giờ cơ động từ Thái Nguyên đến điểm dừng chân là xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thì đội hình phải dừng lại vì đường bị tắc do sạt lở. Sau khi hành quân bộ gần 20km vượt núi, vượt rừng vào đến hiện trường thì người nào cũng mệt và bị ngợp.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 trục vớt phương tiện bị sạt lở đất vùi lấp dưới dòng suối. Ảnh: HOÀNG BÌNH 

Chưa bao giờ Chung và đồng đội thấy hậu quả của bão lũ, sạt lở đất lại khủng khiếp như vậy. Sáng hôm sau, khi đứng trên bờ, Chung và đồng đội thấy dòng suối như con thủy quái khổng lồ ra sức gào thét, phun nhả nước đổ rào rào và cuồn cuộn chảy cuốn theo tất cả. Phía bên kia dòng suối, quả đồi cao bị sạt lở, lõm sâu trong xung quanh màu xanh cây rừng giống như vết loét màu nâu khổng lồ. Đất đá từ đó tuôn xuống gây hại cho nhiều phương tiện giao thông.

Bất chấp khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ vẫn bám hiện trường, trung bình làm việc một ngày kéo dài mười mấy giờ đồng hồ. Khi tìm được thi thể nạn nhân mất tích thì rất mừng nhưng cũng rất lo sợ vì mùi tử khí. Những lúc ấy, nếu không có tinh thần can đảm và ý chí người lính được tôi rèn thì rất dễ bỏ cuộc, khó đảm đương thực hiện nhiệm vụ.

Buổi chiều hôm đó, Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm đã kể cho tôi nghe chi tiết câu chuyện tìm kiếm nạn nhân mất tích tại xóm Lũng Lỳ và Khuổi Ngọa của xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Anh kể, trước khi lên đường, anh đã có hai ngày và một đêm trắng chỉ huy bộ đội vật lộn với lũ ở TP Thái Nguyên.

Khi đến hiện trường, anh Đạm nhanh chóng nắm bắt tình hình. Người dân địa phương kể lại với anh rằng, do đường tắc nên một số phương tiện giao thông phải dừng lại, không thể di chuyển. Một số người đi phượt bằng xe phân khối lớn cũng mắc kẹt ở đây và họ đã lên chiếc xe 29 chỗ để ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau, đất đá từ trên đồi cao đổ ập xuống khiến chiếc xe ô tô 29 chỗ và nhiều phương tiện giao thông khác bị đẩy từ mặt đường xuống suối xa hàng trăm mét và vùi lấp dưới nước, trong đất đá.

Sau thời gian dài tìm kiếm, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 thấy những chiếc xe ấy bị biến dạng, vò nát. Sau những cơn mưa dai dẳng như trút thì trời hửng nắng cũng là lúc công tác tìm kiếm người mất tích vùi sâu trong lớp đất đá của Lữ đoàn được thuận lợi vì không phải dùng tay đào bới. Đường được giải phóng, các phương tiện thi công di chuyển vào hiện trường và đào bới đất đá. Nhưng công việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì phạm vi tìm kiếm rất rộng. Với sự nỗ lực cao, đến ngày 18-9-2024, Lữ đoàn 575 tìm thấy thi thể của 9 nạn nhân mất tích ở xóm Lũng Lỳ và Khuổi Ngọa.

Cũng trong thời gian cứu hộ, cứu nạn ở đây, Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm còn tổ chức chỉ huy bộ đội dựng gần 40 nhà bạt giúp nhân dân địa phương sơ tán khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đến tránh trú. Cuối câu chuyện, anh Đạm nói với tôi, bây giờ, anh bị ám ảnh bởi màu sắc của chiếc áo phao da cam. Bởi mỗi lần nhìn thấy nó là những ký ức về sự tàn khốc của bão lũ, sạt lở đất sau siêu bão số 3 lại ùa về khiến lòng nhói đau vì thiệt hại quá lớn.

Tôi rời Lữ đoàn 575 vào buổi sáng hôm sau. Trong ánh đèn xe ô tô sáng trắng, tôi nhìn thấy những giọt sương mai long lanh trên vạt cỏ và lá cây ven đường. Tôi trộm nghĩ, nửa thế kỷ qua đi, dù thời chiến hay thời bình, người lính công binh Lữ đoàn 575 vẫn phân tán lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ. Nhưng dù ở đâu, họ vẫn đi giữa lòng dân, đến nơi dân cần. Cũng nửa thế kỷ qua đi, tinh thần cống hiến, tận hiến của họ luôn không đổi thay, mãi mãi giống như giọt sương mai long lanh, tinh khiết mà tôi đã thấy. 

Bút ký của ĐỨC TÂM