Trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, giao đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách công tác chuẩn bị và tổ chức lễ thành lập. Chấp hành chỉ thị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, đặt nền móng cho quá trình xây dựng, phát triển QĐND Việt Nam-đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, QĐND Việt Nam từng bước được xây dựng ngày càng lớn mạnh. Với lực lượng 34 chiến sĩ, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã kế thừa, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, quán triệt, thực hiện xuất sắc chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”, vận dụng chiến thuật du kích “hóa trang kỳ tập” đánh thắng hai trận liên tiếp ở Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội ta.
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do điều kiện quân số, vũ khí, trang bị và trình độ tổ chức chuẩn bị, chiến đấu còn ở mức độ nhất định nên các đơn vị thường vận dụng chiến thuật du kích là chủ yếu. Các đơn vị đã vận dụng cách đánh sáng tạo, kết hợp chặt chẽ cơ động đánh địch với bám trụ đánh địch, phối hợp cùng các lực lượng xây dựng làng chiến đấu, dựa vào nhân dân để đánh địch, bảo vệ nhân dân, cùng lực lượng dân quân du kích đánh địch mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thứ vũ khí. Cuối năm 1947, ta tổ chức lực lượng bộ đội chủ lực hoạt động hiệu quả trên 3 mặt trận, kết hợp phân tán 30 đại đội độc lập về hoạt động ở các châu, huyện, làm hạt nhân cho phong trào chiến tranh du kích, hỗ trợ các tiểu đoàn tập trung đánh địch, đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Sau thắng lợi Việt Bắc, thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch; đồng thời duy trì đánh vận động theo phương châm “du kích chiến là chính, vận động chiến là phù trợ”.
|
|
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân
|
Cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến, các đơn vị chủ lực từng bước được xây dựng lên cấp trung đoàn, đại đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng chính quy; vận dụng hiệu quả nhiều hình thức chiến thuật, cách đánh phục kích, tập kích, “bôn tập”, tiến công trận địa, vận động tiến công, truy kích, chiến đấu chống càn... ở quy mô thích hợp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta sáng tạo, vận dụng linh hoạt, hiệu quả nhiều hình thức chiến thuật mới của chiến tranh chính quy, hợp thành cách đánh “vây, lấn, tấn, diệt”, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, đánh dấu bước phát triển cao nhất của tác chiến chính quy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các hình thức chiến thuật bộ binh được các đơn vị vận dụng với những bước phát triển phong phú, toàn diện, gồm các hình thức chiến thuật tiến công, phòng ngự, vận động tiến công, tiến công địch đổ bộ đường không, truy kích... Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều hình thức chiến thuật mới của Bộ đội Không quân, Hải quân... Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ta tổ chức các đơn vị binh chủng hợp thành làm nhiệm vụ thọc sâu, đánh địch trong hành tiến với quy mô lực lượng ngày càng lớn, từ mũi thọc sâu đến trung đoàn binh chủng hợp thành thọc sâu và binh đoàn thọc sâu; sử dụng không quân tập kích mục tiêu chiến lược, đặc công và bộ binh chiếm giữ các địa bàn, bàn đạp, bảo đảm cho các binh đoàn đẩy nhanh tốc độ tiến công. Tiến công trong hành tiến, ta vận dụng thành công chiến thuật vượt sông bằng sức mạnh với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, LLVT địa phương và nhân dân.
Sự phát triển từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy thể hiện rõ nét trong bước phát triển của chiến dịch qua hai cuộc kháng chiến, cả về loại hình, quy mô và hiệu quả tác chiến, đạt đỉnh cao vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong các chiến dịch luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến du kích và tác chiến chính quy, với vai trò của tác chiến chính quy ngày càng tăng. Về quy mô, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do tính chất đặc thù xuất phát từ mục đích, phạm vi không gian chiến dịch và ý nghĩa chiến lược nên Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu-Đông 1947, ta sử dụng 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và các khu 1, 10, 12 cùng 30 đại đội độc lập và dân quân du kích 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Từ năm 1948 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến, quy mô chiến dịch phát triển từ nhỏ đến lớn, từ lực lượng một số tiểu đoàn, trung đoàn đến một số đại đoàn; đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta sử dụng quy mô 5 đại đoàn bộ binh và binh chủng, thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở các chiến dịch khởi đầu vào cuối năm 1964, đầu năm 1965, ta sử dụng 2-3 trung đoàn bộ binh, được tăng cường một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn, từng bước phát triển lên quy mô một số sư đoàn. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta sử dụng lực lượng tương đương 5 quân đoàn bộ binh và các đơn vị pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công, tên lửa, không quân, hải quân cùng LLVT địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch, thực hiện tác chiến chính quy bằng hiệp đồng quân, binh chủng. Về hiệu quả tác chiến, các chiến dịch thường nhằm đạt mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng địa bàn, nhân dân, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, thúc đẩy chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển... Trong đó, mục đích tiêu diệt sinh lực địch là chủ yếu.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy do các đơn vị bộ đội chủ lực thực hiện có vai trò ngày càng tăng, nhằm thực hiện các đòn đánh tập trung, tiêu diệt lớn chủ lực địch, tạo chuyển hóa tương quan lực lượng và cục diện chiến lược, giành thắng lợi quyết định về quân sự, góp phần quyết định kết thúc chiến tranh; đồng thời là nhân tố hỗ trợ tích cực cho chiến tranh du kích phát triển. Chiều ngược lại, chiến tranh du kích chủ yếu thực hiện qua hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu, nhằm tiêu diệt, tiêu hao, kìm giữ, phân tán lực lượng địch, giành quyền làm chủ ở các địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chiến tranh chính quy ngày càng hiệu quả.
Thành công của quá trình phát triển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Quân đội đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quan điểm chỉ đạo từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy và kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy của Đảng. Mỗi thắng lợi của các trận chiến đấu, chiến dịch trên chiến trường trong hai cuộc kháng chiến đều là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, với sự tham gia của LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), của hai lực lượng Quân đội và dân-chính-đảng địa phương, thực hiện đánh địch bằng hai phương thức (tác chiến tập trung và chiến tranh du kích), thể hiện rõ nét đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy LLVT làm nòng cốt. Qua đó, phát huy sức mạnh của mỗi phương thức và sự kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, sức mạnh của cả dân tộc, thực hiện thắng lợi đường lối chiến tranh nhân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong điều kiện mới hiện nay, cần tiến hành đồng thời, hiệu quả việc đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững mạnh, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp và tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm quý rút ra qua hai cuộc kháng chiến, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự