Thành phố của di sản đô thị

Đến TP Hồ Chí Minh, du khách thường bị cuốn hút bởi các di sản đô thị được tạo dựng trong quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất này. Dù trải qua bao biến động nhưng các di sản luôn được bảo tồn và phát huy đúng mức. Đó là những di sản kiến trúc lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, nhà ở, trụ sở qua các thời kỳ lịch sử, bến cảng, cơ sở giáo dục, y tế..., tiêu biểu như: Bến Nhà Rồng; Bưu điện Thành phố; Bảo tàng Lịch sử; Trường Petrus Ký, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Nhà thờ Đức Bà; dinh Độc Lập; chợ Bến Thành, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt... 

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, người tham gia biên soạn sách về di sản đô thị tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "TP Hồ Chí Minh có hệ thống di sản đô thị đa dạng, đặc sắc. Nhiều kiến trúc mang dấu ấn văn hóa giao hòa giữa Đông và Tây, giữa cổ truyền và hiện đại. Các cuốn sách viết về kiến trúc xưa không chỉ liệt kê công trình mà là hành trình minh chứng cho quá trình đô thị hóa, từ nền móng quy hoạch đến sự hình thành các khu trung tâm hành chính, thương mại, giáo dục của đô thị hiện đại vào đầu thế kỷ 20". 

Nhiều học giả cho rằng, di sản đô thị ở TP Hồ Chí Minh phong phú, đa dạng, giá trị đặc sắc và phản ánh quá trình lịch sử, đặc trưng văn hóa. Điều đó thể hiện ở hàng trăm công trình kiến trúc công sở, công trình văn hóa, công trình cảnh quan, công trình tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa và các công trình cư trú nhà ở theo kiến trúc cổ truyền, kiến trúc Đông-Tây kết hợp. Nhiếp ảnh gia Minh Hòa, người dành nhiều tâm huyết chụp ảnh di sản đô thị TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Di sản là những dấu tích của quá khứ, là phần ký ức của thành phố còn hiện hữu giữa dòng chảy phát triển. Khu vực trung tâm thành phố với các công trình Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, dinh Độc Lập, Trường Đại học Sài Gòn... chính là lõi di sản đô thị, không chỉ mang giá trị kiến trúc mà còn là minh chứng cho lịch sử phát triển đô thị".

Theo PGS, TS Trần Thị Mai, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thì TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với 3 yếu tố nổi bật: Đô thị sông nước, cộng đồng dân cư đa dạng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị, tạo nền tảng cho sự phát triển sau này.

Nhà báo Nguyễn Hạnh, chủ biên cuốn sách ảnh về di sản đô thị của TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu sưu tầm từ năm 1998. Qua tuyển chọn hàng nghìn bức ảnh, 300 bức ảnh quý đã được đưa vào sách, tái hiện không gian đô thị xưa với dinh thự, chợ, bến tàu, lễ hội, đám cưới, trò chơi dân gian, đờn ca tài tử... tạo nên bức tranh sống động về văn hóa đô thị xưa. Nơi ấy lưu giữ ký ức đô thị và văn hóa cộng đồng được lưu truyền, bảo tồn và phát huy qua thời gian”.

leftcenterrightdel

Di tích Tòa thị chính được trùng tu, bảo tồn, nay là trụ sở UBND-HĐND TP Hồ Chí Minh gắn với khu công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Phát huy di sản đô thị trong dòng chảy hội nhập

TP Hồ Chí Minh đang trên hành trình trở thành một đô thị năng động, hiện đại và phát triển bền vững. Thành phố đang triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nhằm phát triển TP Hồ Chí Minh thành đô thị toàn cầu, hiện đại, có trình độ phát triển ngang tầm với các đô thị trên thế giới. Quy hoạch này nhấn mạnh việc phát triển không gian đô thị đồng bộ, hài hòa và bảo tồn các giá trị truyền thống; thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của thành phố, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ của cả nước; hướng đến là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Hướng đến hiện thực hóa quy hoạch trên, theo TS Kiều Xuân Lâm, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội: Giữ gìn di sản đô thị không chỉ là bảo vệ những công trình cũ, mà là gìn giữ hồn cốt của một thành phố. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, chúng ta đã giữ gìn và phát huy di sản không chỉ trong phạm vi hẹp mà ở tầm nhận thức cao, ngày càng phát huy giá trị trong đời sống hiện đại, phát triển. Du khách quốc tế khi đến tham quan những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đều tỏ thái độ trân trọng trước cách TP Hồ Chí Minh đã bảo tồn và phát huy, cũng như vẫn sử dụng để di sản sống cùng đời sống đô thị một cách văn minh.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trên địa bàn thành phố thời gian qua được triển khai gắn với các nội dung: Kết hợp chặt chẽ với bảo vệ an ninh chính trị; bảo đảm phát triển hiệu quả và bền vững; làm động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển... Phát huy di sản đô thị không chỉ là việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ mà còn là cách để TP Hồ Chí Minh khẳng định bản sắc trong quá trình phát triển hiện đại.

TP Hồ Chí Minh không thể là đô thị có nhiều nét đặc trưng nếu đánh mất di sản đô thị. Với sự phát triển của công nghiệp văn hóa, định hình đô thị sông nước gắn với di sản đặc sắc đang góp phần đưa TP Hồ Chí Minh những năm gần đây trở thành điểm đến hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong dòng chảy đổi mới hôm nay, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản cần đồng bộ ở quy hoạch và nhận thức về phát huy giá trị di sản. Điều đó là sứ mệnh của cả cộng đồng, của chính quyền thành phố để những giá trị của quá khứ tiếp tục được sống động, đặc sắc, trở thành động lực phát triển trong giai đoạn phát triển mới.

HOÀI NGÂN