Binh đoàn 15 là đơn vị trực tiếp đón, đưa các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn Tây Nguyên ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Bộ Quốc phòng và một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung.

Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Trương Thiên Tô, người cán bộ có nhiều năm gắn bó với vùng đất và đồng bào Tây Nguyên từ khi còn làm Phó chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5, rồi Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, phát triển lên Phó chính ủy Quân khu 5. Từ đó, dù xa đồng bào ra Thủ đô Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Học viện Chính trị, rồi Phó chủ nhiệm TCCT, nhưng Trung tướng Trương Thiên Tô luôn giữ trong mình những tình cảm, sự giúp đỡ, sẻ chia mà đồng bào đã dành cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên.

Những nụ cười hiền hậu, những cái bắt tay, cái ôm thật chặt của đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT và nhiều cán bộ của Bộ Quốc phòng, TCCT từng công tác trên địa bàn Tây Nguyên, diễn ra một cách tự nhiên, chân thành như một người con lâu ngày gặp lại các vị già làng; người anh, người bạn gặp lại các trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo đã một thời gắn bó, đồng cam, cộng khổ cùng nhau xây dựng địa bàn Tây Nguyên ngày một mạnh giàu.

leftcenterrightdel

 Trung tướng Trương Thiên Tô trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn Tây Nguyên, nơi mang đậm tình cảm quân với dân.  Ảnh: LÊ DUY

Trực tiếp thăm hỏi sức khỏe, trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn Tây Nguyên, với chất giọng miền Trung đầm ấm, Trung tướng Trương Thiên Tô phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển từng ngày của vùng đất Tây Nguyên và khẳng định: Trong kết quả và thành tích đã đạt được đó, có công lao đóng góp quan trọng của các vị già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo.

Có nhiều dịp vào công tác ở Tây Nguyên, đi đến từng buôn, làng của đồng bào, chúng tôi thấu hiểu rằng: Trong suốt quá trình vươn lên giàu mạnh của vùng đất Tây Nguyên, bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, các vị già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo luôn gương mẫu, đi đầu, tuyên truyền, vận động bà con trong buôn, làng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, vận động bà con thực hiện các đề án, dự án của các đoàn kinh tế-quốc phòng, các đơn vị Quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào, xây dựng bộ mặt kinh tế-văn hóa-xã hội ở các địa phương khu vực biên giới ngày càng khởi sắc.

“TCCT rất phấn khởi, trân trọng sự quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che, gắn bó máu thịt với cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; nhất là những đóng góp to lớn và vai trò đặc biệt quan trọng của các vị già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên”, Trung tướng Trương Thiên Tô nhấn mạnh.

Đáp đền lại nghĩa tình ấy, những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều việc làm sáng tạo, hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chương trình “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, gắn với các cuộc vận động, các Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn... đã khắc họa rõ nét tình cảm quân dân cá nước, sự tri ân sâu sắc của Quân đội với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

Xúc động được ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Bộ Quốc phòng, già làng Kpuih Hiơng, làng Tro Đeng, Trưởng điểm nhóm Tin lành làng Tro Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, vừa nắm chặt tay đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT, vừa chia sẻ: Làng Tro Đeng nay nhiều khởi sắc rồi! Trong những năm qua, Đội 14, Công ty 75, Binh đoàn 15 phối hợp chặt chẽ với địa phương tuyên truyền, vận động bà con trong làng xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không mê tín dị đoan, không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu xúi giục. Vận động bà con vào làm cao su tại Công ty 75, nay đã có hàng nghìn hộ dân biết cách trồng, chăm sóc cao su, cà phê, hồ tiêu, điều và các loại cây xen canh ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Trở lại câu chuyện với Binh đoàn 15, gần 40 năm bền bỉ, kiên trì thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên vùng đất Tây Nguyên bất khuất, kiên cường, vùng đất nghĩa tình, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Binh đoàn đã phát huy tốt truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhờ đó, từng bước biến những “vùng đất chết”, vùng rừng núi hoang vu, cằn cỗi, nơi ở chỉ là “chiếc lán dựng tạm”... thành những cánh rừng cao su, cà phê ngút ngàn tầm mắt; những buôn làng mới với đầy đủ hạ tầng thiết yếu mọc lên; những con đường mới được xây dựng như biểu tượng của sự kết nối tình cảm quân dân; nhiều trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang cùng ánh đèn điện được thắp sáng trong mỗi ngôi nhà, trên những con đường đã đưa ánh sáng văn hóa đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Đồng chí Kpă Pheo, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vui vẻ khoe với các đại biểu tham dự buổi gặp mặt về sự đổi thay trên quê hương mình. Đồng chí Kpă Pheo nói: Trước đây, đời sống người dân trong Làng Riêng khó khăn lắm! Đường làng cây cỏ mọc um tùm, mùa mưa đi lại lầy lội, mùa khô thì bụi đất mù trời. Được sự đầu tư của Nhà nước, Quân đội và Binh đoàn 15 hiện nay đời sống nhân dân Làng Riêng được nâng lên, đã có đường điện thắp sáng khắp làng, các điểm trường học khang trang hơn để con em người dân được cắp sách tới trường học cái chữ; bệnh xá quân dân y chăm sóc sức khỏe cho dân làng. Đặc biệt, chủ trương của Binh đoàn 15 về gắn kết hộ đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số tạo hiệu quả tích cực. Đến nay số lượng người dân Làng Riêng vào làm công nhân tại Đội sản xuất 5 của Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 là hơn 50 người, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào.

Sự gắn kết keo sơn ấy của đồng bào Tây Nguyên chính là sự song hành cùng những người lính Binh đoàn 15 mà “cầu nối” chính là đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. “Đây chính là chỗ dựa quan trọng của các công ty, tổ, đội sản xuất trực thuộc Binh đoàn 15 trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...”, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ.

Buổi gặp mặt thành công tốt đẹp. Phút chia tay, nắm chặt và giữ thật lâu những bàn tay chai sạn của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn Tây Nguyên, Trung tướng Trương Thiên Tô tâm sự: Với tình cảm, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ toàn quân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Quân đội anh hùng, bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, luôn đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng bào dân tộc, tôn giáo, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng chung sức, đồng lòng cùng đồng bào vượt qua khó khăn, gian khổ, với tinh thần bộ đội chủ động tìm đến với nhân dân chứ không chờ nhân dân nhờ đến bộ đội.

Ngoài phố Nguyễn Tri Phương những ngọn đèn đã sáng. Các đại biểu rời hội trường Bộ Quốc phòng mang theo tình cảm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân về với đồng bào, để sợi dây tình cảm, đoàn kết giữa các dân tộc, trong cộng đồng dân cư và giữa quân với dân ngày càng bền chặt, không gì lay chuyển “như cây một gốc, như con một nhà”, cùng nhau thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...

Ghi chép của DUY THÀNH