Nhiều lần đến cơ quan Bộ tư lệnh Hải quân công tác, chúng tôi được các đồng chí chỉ huy Phòng Tài chính giới thiệu về Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú với những lời trân trọng. Đồng đội nói rằng anh Phú là một điển hình, là trợ lý số 1, là người giàu thành tích nhất Phòng Tài chính. Bởi thế, chúng tôi đã chủ động gặp gỡ, tìm hiểu và định bụng viết về anh, nhưng anh khéo léo từ chối. Anh lý do rằng thành tích còn khiêm tốn, chưa cống hiến được nhiều.

Vào cuối tháng 8-2024 vừa rồi, chúng tôi lại có chuyến công tác về Quân chủng Hải quân. Lần này, chúng tôi lên kế hoạch rất chi tiết, trong đó, việc gặp gỡ, phỏng vấn Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú là ưu tiên số 1. 

Lúc đầu, anh Phú chia sẻ khá dè dặt. Điều đó cũng dễ hiểu vì tài chính vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm và cũng khó lột tả, hơn nữa, anh lại rất khiêm tốn.

Chúng tôi mở cặp lấy ra một cuốn tài liệu khổ A4, lưu hành nội bộ, về chế độ, tiêu chuẩn và hỏi anh:

- Có phải cuốn tài liệu này do anh soạn thảo?

- Vâng, nó được tôi làm từ năm 2017. Có gì không anh?

- Thành tích là đây chứ đâu! Anh kể cho tôi nghe sự ra đời của tài liệu này được không?

Anh Phú thoáng đỏ mặt. Anh cười mà rằng, anh trưởng thành từ chiến sĩ rồi được học bổ túc nghiệp vụ làm trợ lý tài chính ở Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân. Sau này, anh được tín nhiệm điều về cơ quan Quân chủng. Quá trình công tác và đi cơ sở, anh nảy ra ý tưởng hệ thống lại các văn bản về chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội rồi đóng thành quyển, cho nhân bản và chuyển xuống các cơ quan, đơn vị.

- Theo như dư luận, tập tài liệu này đã góp phần mở rộng dân chủ, tăng tinh thần đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, anh có thấy thế không?

- Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ nhiều thế. Khi làm, tôi chỉ mong có tài liệu để anh em đọc và hiểu hơn về các chế độ, chính sách qua đó so sánh, đối chiếu với những gì mình được hưởng hoặc để tài chính đơn vị hướng dẫn thực hiện dễ dàng, hiệu quả.

Và rồi anh Phú kể về những khó khăn của nghề tài chính với công việc bằng chữ mà anh đã làm suốt mấy chục năm qua. Bỗng chiếc điện của anh đặt trên bàn rung bần bật. Anh xin phép nghe máy. Nghe anh nói chuyện với người ở bên kia rằng cần đọc kỹ trang 5, điều 7 của thông tư số... rồi anh ý nhị xin phép gọi lại sau. Anh Phú lý giải, một đồng chí ở Binh chủng Công binh chuẩn bị nghỉ hưu vừa điện thoại nhờ tư vấn về chế độ, tiêu chuẩn. Trước đây, đồng chí này có thời gian dài tăng cường làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). “Anh em cần thì mình giúp”, anh Phú nói.

Trong Quân chủng Hải quân có nhiều lực lượng, nhiều đối tượng phục vụ. Cùng làm nhiệm vụ trên biển nhưng mức hưởng khác nhau. Có đối tượng trên đảo, nhà giàn. Về tàu thì có đối tượng tàu mặt nước, tàu ngầm, đặc công người nhái. Cùng hoạt động trên không nhưng phi công máy bay hải quân có mức phụ cấp đặc thù khác với phi công quân sự của Quân chủng Phòng không-Không quân. 

Thực tế, có nội dung quy định về chế độ, tiêu chuẩn, chính sách chưa đồng bộ, cho dù cùng hoạt động trên biển. Điều này gây ra những thắc mắc, so sánh, hiểu nhầm về tính công bằng trong thực hiện tiêu chuẩn, chế độ. Sau khi nắm bắt ở cơ sở, anh Phú tham mưu, phối hợp với cơ quan chức năng để báo cáo cấp trên nghiên cứu, xây dựng, ban hành chế độ bồi dưỡng đi biển cho lực lượng tàu do Bộ Quốc phòng quản lý. Đến nay, văn bản đã được xây dựng, ban hành và thực hiện thống nhất, đồng bộ, công bằng trong toàn quân.

leftcenterrightdel

Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú. Ảnh: HẢI TRƯỜNG 

Một trong những thành tích công tác của Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú là cùng các đồng chí trong Phòng Tài chính làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên hoàn thiện những chế độ, chính sách cho các lực lượng mới như: Tàu ngầm, không quân của hải quân, tàu mặt nước... góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn nhớ lần anh được yêu cầu thuyết trình bảo vệ dự toán mức tiền ăn của Bộ đội Hải quân trình lên cơ quan nghiệp vụ cấp trên. Anh đã đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy phòng thành lập đoàn khảo sát và mời các đồng chí của cơ quan nghiệp vụ cấp trên tham gia.

Hôm đó, anh Phú ra chợ mua bắp cải, su hào, bí xanh, bí đỏ... mang về và để ở chỗ thoáng mát trong hành lang cơ quan. Anh bảo người bán cân chính xác từng loại và đeo thẻ cho chúng. Nhiều người tò mò không hiểu anh định làm gì. Gần một tuần sau, anh cân lại những sản phẩm đó rồi đối chiếu, tính toán tỷ lệ hao hụt so với ban đầu. Trong đó, bắp cải hao hụt tới 50%. Anh báo cáo việc này với các đồng chí trong đoàn khảo sát, củ, quả trong bờ mang ra ngoài đảo, nhà giàn trong một tuần sẽ hao hụt từ 250 đến 300g/kg. 

Sau chuyến khảo sát, đoàn công tác thấy được thực tế các sản phẩm bán phổ biến trên thị trường sẽ không còn dùng được khi đưa ra đến đảo vì thời gian vận chuyển và việc bảo quản khác nhau, thế nên sản phẩm mang ra đảo phải đắt hơn ở khâu bảo đảm vận chuyển và bảo quản. Ví dụ, vỏ hộp phải dày hơn và chất lượng sản phẩm trong đó cũng phải cao hơn. Do vậy, chi phí dành cho đặt hàng sản phẩm cũng phải cao hơn. Trước những căn cứ ấy, sau này, Bộ Quốc phòng đã nhất trí tăng tiền ăn cho cán bộ, chiến sĩ hải quân.

Anh Phú tâm tình, có nhiều người cho rằng, tài chính là công việc nhàn nhã, là nhận trên, cấp dưới. Nhưng thực tế còn nhiều việc phức tạp hơn. Mỗi khi có hướng dẫn của trên về thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, anh Phú không quản ngày đêm nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động tham mưu cho cấp trên; hướng dẫn cơ quan, đơn vị trong Quân chủng thực hiện. Khi cán bộ, nhân viên tài chính đơn vị cơ sở chưa hiểu, nắm chưa chắc, anh Phú đều giúp đỡ. Anh trao đổi, hướng dẫn cách thức tính toán chế độ bộ đội được hưởng chu đáo, tận tình. Những trường hợp cần gấp thì anh liên lạc bằng điện thoại, còn không thì anh sẽ cơ động xuống đơn vị giải thích... 

Anh Phú thường đến đơn vị cơ sở để nắm tình hình công tác bảo đảm tài chính và thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ. Có lần vừa về đất liền, anh lại xin đi biển đợt tiếp theo, cho dù có đồng đội khuyên anh nên nghỉ ngơi. Anh trả lời, nếu không đi sẽ không nắm bắt được những bất cập, làm chậm tiến độ ra văn bản của trên ngày nào là bộ đội thiệt thòi ngày đó.

Cuối câu chuyện, anh Phú chia sẻ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác tài chính phải tuân thủ nguyên tắc: Đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mức được hưởng, đặc biệt là không được sai sót. Bởi nếu làm sai sót, thiếu công bằng, khách quan đều gây ra những xung đột, tác động tâm lý không tốt. Thế nên người làm tài chính phải có cả tầm và tâm trong sáng thì hiệu quả công tác mới được khẳng định. Chính sách tốt sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị xây dựng tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chia tay anh Phú, tôi hiểu hơn về tài chính, công việc chuyên môn đặc biệt. Tôi tin, người tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với đồng đội như Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú sẽ luôn mang lại hiệu quả cho đơn vị; là “nhân viên Tổng đài 1080” tận tụy của bộ đội hải quân.

Thượng tá QNCN Quách Hữu Phú sinh năm 1971 ở Hưng Yên. Anh nhập ngũ năm 1989. Năm 2008, 2012, 2016, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Năm 2014 và 2018, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2015, anh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và được thăng quân hàm trước niên hạn.

TRỊNH TỰ