Suốt một giờ đồng hồ dưới ánh nắng gay gắt đầu hè, thầy trò từ tập động tác rồi chuyển sang các bài quyền đẹp mắt, điêu luyện, thể hiện uy lực chiến đấu cao. Trong tiếng hô bạt gió cùng những động tác đều tăm tắp của hàng trăm học viên, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm bộ môn Võ thuật, Khoa Thể thao cùng một số giảng viên khác rảo bước đến từng kíp tập để chỉnh động tác cho các em.

Dưới nắng hè, vóc dáng cao lớn, rắn rỏi, gương mặt cương nghị và nước da của anh toát lên vẻ đẹp đậm chất “con nhà binh, con nhà võ”. Ấn tượng nhất là giọng nói rất có lực, nhưng ngữ điệu mềm dẻo, nhẫn nại hướng dẫn động tác một cách tỉ mỉ, khi thị phạm cũng điều chỉnh khí lực để học viên không bị tổn thương. Là một võ sư, anh nhận ra 5 điểm căn bản của người học võ: Bền gan, vững chí; có tinh thần học hỏi; khát khao vươn lên tầm cao; trọng danh dự và tôn sư, trọng đạo. Những tháng ngày quân ngũ cùng trải nghiệm khắc nghiệt trong võ thuật, anh luôn dặn lòng phải hòa hợp giữa cái tôi cá nhân của người học võ và cái ta của tình đồng đội, nghĩa thầy trò.

Chính vì lẽ ấy, dù công tác giảng dạy, huấn luyện võ thuật vất vả, đòi hỏi giảng viên phải có thể lực tốt và động tác chuẩn nên cần đầu tư nhiều sức lực, thời gian cho bài giảng trên lớp cũng như thị phạm, huấn luyện tại thao trường, song anh chưa từng suy tính hơn thiệt, vẫn đăm đắm với từng bài võ, kiên trì với từng học viên. Trong hoạt động giảng dạy, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức đã được học và yếu lĩnh của bản thân, kết hợp học hỏi các thầy đi trước và đồng nghiệp, để biên soạn bài giảng, chủ động thục luyện giáo án. Đồng thời, để học viên dù ở mọi điều kiện thể chất, sức khỏe đều có thể lĩnh hội được những kỹ, chiến thuật mà bài giảng đề ra, anh phân tích, uốn nắn tận tình.

Suốt 30 năm qua, kể từ ngày chàng cử nhân Đại học Thể dục thể thao đến từ miền quê Đan Phượng, Hà Nội ấy bén duyên với màu xanh áo lính, phong cách làm việc vừa là trách nhiệm tự rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn của một người lính và cũng là niềm vui của người thầy khi được đồng hành với học trò trên bước đường thách thức những giới hạn của bản thân.

Có lẽ nhờ tư duy thấu triệt đó mà Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường không chỉ được giao dẫn dắt đội tuyển của nhà trường tham gia các giải đấu mà còn được Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao huấn luyện thể lực cho đội tuyển kinh tuyến tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022, góp phần cùng đội tuyển giành huy chương đồng; được Ban tổ chức SEAGames 31, các giải đấu vô địch quốc gia... mời làm trọng tài điều hành môn Judo và Kurash.

leftcenterrightdel

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường thể hiện bài quyền đẹp mắt, điêu luyện, uy lực chiến đấu cao. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Trong phút giải lao giữa giờ, lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên gương mặt đỏ gay vì nắng, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường tâm sự: “Học viên của tôi đều là những thanh niên ưu tú, có ý chí quyết tâm rất cao. Tôi giảng cho các em hiểu rằng, ngoài những kiến thức về tác chiến, trinh sát thì việc có sức khỏe tốt, có sức bền và kỹ năng cận chiến bằng võ thuật cũng vô cùng cần thiết. Từ căn cốt ban đầu được đào tạo võ thuật thể thao, bằng những trải nghiệm qua giảng dạy, thục luyện trong môi trường quân sự, tôi muốn giúp các em thấy được vẻ đẹp của võ thuật thông qua sự quyết liệt và uy dũng của người tập”.

Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, anh đứng lên vừa thể hiện một số động tác, vừa diễn giải: “Đồng chí hiểu đơn giản như thế này nhé. Võ thuật quân sự của Việt Nam là dùng tất cả thế võ hiệu quả nhất, kết hợp cổ điển và hiện đại, hài hòa từ nhu đến cương. Tôi luôn nói với học viên, muốn chiến đấu tốt phải có thể lực tốt, và bí quyết tập luyện chính là rèn luyện thân thể thích ứng với quy luật chiến lược hữu hiệu. Nhiều thế võ mà chúng tôi đang huấn luyện cho học viên như tự vệ cận chiến, mưu sinh thoát hiểm, áp sát tấn công, quăng quật, triệt phá một cách dứt khoát, hiệu quả... đều cho tốc độ, sức mạnh và sức bền. Vẻ đẹp đặc trưng của võ thuật Quân đội ta là như thế, sức mạnh thể chất kết hợp với sức mạnh tinh thần”.

Qua giờ thục luyện giữa thao trường nắng gió, chúng tôi hiểu sâu hơn về điều anh nói: “Là một người thầy, một huấn luyện viên chuyên nghiệp, hãy luôn luôn là người đầu tiên có mặt ở sân tập, là người sau cùng rời khỏi sân tập”. Và cũng tâm phục, khẩu phục với danh hiệu “Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng”, “Chiến sĩ thi đua toàn quân” mà anh hai lần đạt được (năm 2020 và 2023) cùng rất nhiều bằng khen của các ban, bộ, ngành dành tặng cho những thành tích đặc biệt xuất sắc của anh trên các lĩnh vực giảng dạy, thi đấu thể thao thành tích cao và cả công tác nghiên cứu.                                 

Nghề làm thầy vốn dĩ vất vả thì người thầy huấn luyện võ thuật cho những sĩ quan chỉ huy tương lai còn vất vả gấp bội phần trong điều kiện làm việc có tới 70% giờ học ở ngoài trời. Như hôm chúng tôi đến dự khán, thời tiết nắng nóng lên tới 38 độ C, nhiệt độ đo được tại bãi tập hôm đó là hơn 40 độ C. Còn vào mùa đông, dẫu có mưa rét căm căm cũng không vì thế mà được nghỉ.

Cho nên những giảng viên của Bộ môn tự động viên nhau nỗ lực để học viên có thể hoàn thành khóa học. Điều đáng quý là các thầy của Bộ môn Võ thuật bao năm qua đã nỗ lực cùng nhau đúc rút nên những bài huấn luyện thiết thực nhất, để sau khi tốt nghiệp, những sĩ quan lục quân trẻ của Quân đội sẽ luôn đảm đương được những nhiệm vụ đòi hỏi kỹ, chiến thuật sắc bén, đối mặt được với những kẻ thù nguy hiểm. Đồng thời, các em cũng sẽ là người truyền cảm hứng, người hướng dẫn để thúc đẩy phong trào thể dục-thể thao, tập luyện võ thuật tại các đơn vị cơ sở.

Được biết, Bộ môn Võ thuật thành lập từ năm 2015, trải qua 9 năm với biết bao nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên đã đạt được nhiều thành tích vượt trội, không chỉ khẳng định vị thế của võ thuật trong đào tạo đội ngũ sĩ quan trẻ, giúp Bộ môn liên tục 7 năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” mà còn góp phần khẳng định thương hiệu “Võ Lục quân” tại các hội thi, hội thao cấp toàn quân, toàn quốc và cả trên đấu trường quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, đội tuyển Võ chiến đấu tay không của nhà trường dưới sự dẫn dắt của Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường đã phát huy được sức trẻ và kỹ, chiến thuật đối kháng hiệu lực, hiệu quả, đã giành được 11 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 7 huy chương đồng, giữ vững vị trí đứng đầu khối học viện, nhà trường...

Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ nhiệm bộ môn Võ thuật cho chúng tôi biết thêm nhiều điều về người chỉ huy của mình. Không chỉ là cao thủ võ thuật và trình độ sư phạm xuất sắc, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường còn là một cán bộ quản lý có tư duy sâu. Đối với các giải đấu, anh cùng Ban chủ nhiệm Bộ môn bàn bạc kỹ lưỡng để tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường lựa chọn hạt nhân có sức khỏe và năng khiếu võ thuật để tổ chức huấn luyện, rèn cặp. Anh cũng không ngại chia sẻ bí quyết luyện tập cho đồng đội cũng như học viên để cùng tiến bộ và giành kết quả cao nhất.

Quá trình huấn luyện, anh theo dõi sát sao người học để cân nhắc, bàn bạc trong Ban chủ nhiệm đề xuất Ban giám hiệu nhà trường lựa chọn những đồng chí có thành tích cao, đạo đức tốt và kỹ năng giỏi về công tác tại Bộ môn. Anh cùng tập thể chỉ huy Bộ môn luôn đồng thuận cao, tạo điều kiện tối đa cho giảng viên trẻ phấn đấu, trao đổi nghiệp vụ, tham gia giảng dạy cùng với các giảng viên có kinh nghiệm, từng bước nâng cao phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Đại tá Nguyễn Đình Tới, Phó trưởng khoa Thể thao đầy tự hào khi nói về người đồng đội của mình: “Không chỉ có kinh nghiệm giảng dạy phong phú, kỹ năng truyền thụ võ thuật chuyên nghiệp và tâm thế nghiêm cẩn với nghề, với nhiệm vụ được giao, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường còn là một nhà nghiên cứu “có nghề”. Từ nhiều năm nay, các tài liệu giảng dạy như “Phòng ngừa và xử lý chấn thương trong luyện tập thể dục-thể thao”, “Đâm lê, đánh báng” hay “Bộ dụng cụ luyện tập đâm lê” được Hội đồng khoa học của nhà trường đánh giá cao và đưa vào luyện tập chính khóa, các giờ học ngoại khóa cho học viên”. Riêng tôi thì thầm nghĩ, dường như tinh thần chủ động, sáng tạo, vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng của người lính trong thời kỳ mới hòa cùng tinh thần học hỏi và khát khao vươn lên tầm cao của người học võ đã thôi thúc anh cống hiến nhiều hơn nữa.

Điều quan trọng hơn cả, những tố chất ấy của người thầy mặc quân phục Nguyễn Mạnh Cường, tôi đã thấy le lói trong những học viên trẻ mà anh cùng đồng đội đang dày công huấn luyện. “Thầy không chỉ dạy chúng em kỹ, chiến thuật, hướng chúng em tới tinh thần cao đẹp của võ đạo, mà hơn cả, thầy đã cho chúng em thấy con đường phía trước của mình. Đó là con đường phụng sự Tổ quốc, con đường rèn luyện khỏe và mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước”, trên bãi tập hôm ấy, Trung sĩ Nguyễn Đình Việt Anh đã nói cùng tôi những lời mát lành khiến cái nắng 38 độ C cũng như dịu lại.

Tôi tin các em cũng như luôn tin vào những người thầy của Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói chung và Bộ môn Võ thuật nói riêng. Bởi suốt mấy chục năm qua, từ “lò luyện thép” này, đã có biết bao “mẻ thép tốt” được ra lò, biết bao thế hệ người lính trưởng thành trên mọi miền Tổ quốc, là tường thành chống đỡ cho cơ đồ đất nước ngày một rạng rỡ, yên bình.

PHẠM VÂN ANH