Chúng tôi cùng Thiếu tá Đỗ Mạnh Tùng, Trợ lý Tuyên huấn dừng lại trước khu doanh trại của Đại đội 21, Hệ 7. Phía bên kia là giảng đường, học viên đang chăm chú nghe giảng. Anh Tùng giới thiệu ngắn gọn: Bộ môn bắn súng của nhà trường luôn tự hào về Phó chủ nhiệm Lê Đình Hậu, một người con đất Nghi Sơn, Thanh Hóa. Không chỉ là giảng viên nhiều thành tích mà anh còn là một người thầy luôn truyền được cho học trò ngọn lửa đam mê học tập, nghiên cứu.

Chúng tôi trò chuyện với học viên Nguyễn Hải Chung giữa giờ nghỉ. Hải Chung là người mới đoạt hoa bắn giỏi trong kiểm tra bắn súng AK bài 1 với kết quả 78 điểm cho 9 phát bắn. Hải Chung là một trong nhiều học viên của đại đội có kết quả bắn tốt. "Thầy Lê Đình Hậu là người rất vui tính. Thầy hướng dẫn tỉ mỉ, lại rất hay hỏi thăm, tâm sự cùng học viên, giúp giảm bớt căng thẳng trong khi học", Hải Chung hào hứng kể về người thầy của mình.

Theo đồng chí Trợ lý Tuyên huấn, những năm gần đây, kết quả huấn luyện bắn súng của nhà trường được nâng lên rõ rệt nhờ những sáng kiến của Trung tá Lê Đình Hậu. Nổi bật là sáng kiến "Kính đa năng kiểm tra đường ngắm ban ngày của súng bộ binh". 

leftcenterrightdel

Trung tá Lê Đình Hậu. 

Hiện nay, trong huấn luyện môn học bắn súng cho các đối tượng, một số loại súng bộ binh như: AK, K54, đại liên PKMS đã được trang bị kính kiểm tra hỗ trợ giáo viên quân sự và cán bộ trong quá trình huấn luyện. Nhờ đó, kỹ thuật thực hành bắn của bộ đội được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là kỹ năng lấy đường ngắm nhanh kết hợp duy trì đường ngắm đúng và kết thúc phát bắn, loạt bắn đạt độ chính xác cao.

Tuy nhiên, còn một số loại súng như: CKC, trung liên RPD, phóng lựu M79, đại liên K57 và đặc biệt là súng diệt tăng B41, khi huấn luyện và luyện tập bắn lại không có phương tiện hỗ trợ kiểm tra để đánh giá trình độ bắn cho bộ đội. Phương pháp chủ yếu vẫn là qua kinh nghiệm và giới thiệu qua mô hình kính vạch khấc trong kính ngắm quang học, rút kinh nghiệm thông qua luyện tập hoặc linh hoạt vận dụng bằng kính kiểm tra của súng khác. Bởi thế tính chính xác khi kiểm tra đánh giá kết quả luyện tập kết thúc phát bắn cho bộ đội chưa cao, chưa sát thực tế, tính thuyết phục trong huấn luyện và kết quả đánh giá kỹ thuật chưa có cơ sở chính xác. Và rồi, sáng kiến của thầy giáo Lê Đình Hậu đã giải quyết được tất cả điều đó.

Khá tò mò về những gì Thiếu tá Đỗ Mạnh Tùng giới thiệu về đồng đội, chúng tôi quyết đợi đến gần trưa, sau khi anh Hậu kết thúc giờ lên lớp để nghe anh nói kỹ hơn về sáng kiến của mình-giải pháp giải quyết triệt để những vấn đề trên.

Lần đầu gặp gỡ, Trung tá Lê Đình Hậu có chút e dè. Đã gần 20 năm trong quân ngũ nhưng sự chất phác, hiền lành của một người thợ mộc vẫn là ấn tượng chung của những ai mới tiếp xúc với anh. Nhưng khi đề cập đến những vấn đề chuyên môn, anh như được "gãi đúng chỗ ngứa", chẳng còn ngại ngùng, kể về sản phẩm của mình trong sự hào hứng tưởng như bất tận...

Sản phẩm "Kính đa năng kiểm tra đường ngắm ban ngày của súng bộ binh" của anh Hậu thiết kế gồm 3 bộ phận chính: Bộ phận thân ống kính kiểm tra; giá nâng, hạ thân ống kính kiểm tra và đế giữ giá nâng, hạ thân ống kính. Sản phẩm này gần như khắc phục triệt để những tồn tại của hệ thống kính kiểm tra trước đây đã đưa vào trang bị.

leftcenterrightdel
Dùng "Kính đa năng kiểm tra đường ngắm ban ngày của súng bộ binh" kiểm tra khi luyện tập ngắm bắn bằng súng trường SVD. 

Phần cơ học được thể hiện thông qua các chi tiết của kính đa năng liên kết lại với nhau làm cho kính kiểm tra có thể nâng lên, hạ xuống một cách thuận lợi mà vẫn bảo đảm độ chắc chắn, chính xác thông qua sự hít chặt của hệ thống nam châm được mạ bằng niken có độ bền cao, chịu nhiệt tốt.

Phần quang là một thấu kính đặc biệt được phủ nhiều lớp để chống quang sai và sắc sai do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời khi chiếu vào. Nguyên lý hoạt động là phản xạ ánh sáng qua thấu kính hình elip đặt góc 45 độ so với hướng mục tiêu để quan sát kỹ thuật lấy đường ngắm, duy trì đường ngắm cơ bản so với điểm ngắm đúng để có đường ngắm chính xác và độ bền khi giữ đường ngắm của người tập bắn.

Những hiệu quả của sản phẩm có thể thấy rõ. Về hiệu quả sử dụng, kính đa năng không chỉ bổ sung vào hộp kỹ thuật chiến đấu bộ binh đang được trang bị mà còn có thể thay thế hoàn toàn số kính kiểm tra đang được trang bị hiện nay. Kính này thực hiện tốt thao tác nâng lên hoặc hạ xuống, bảo đảm chính xác với góc bắn về cao-thấp theo cấu tạo thước ngắm của từng loại súng bộ binh có trong biên chế; thể hiện được tính cơ động, linh hoạt khi xác định vị trí quan sát trong thấu kính, vận dụng kiểm tra cho người tập được cả bên phải, bên trái và phía trên nhìn xuống mà không phụ thuộc vào yếu tố địa hình, bảo đảm ảnh thấy được có chất lượng tốt hơn hẳn các loại kính kiểm tra trước đó.

Hơn nữa, sản phẩm còn có hiệu quả cao về mặt kinh tế. Vật liệu sản xuất, đặc biệt là phần thấu kính có thể kế thừa từ các thấu kính kiểm tra của súng AK, K54, đại liên PKMS đang được trang bị hiện nay. Các bộ phận khác đều sẵn có và giá thành tương đối rẻ. Kính đa năng này không cần dùng đến phụ tùng đồng bộ đi kèm. Sáng kiến này đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19, năm 2018.

Đó chỉ là một trong nhiều sáng kiến hữu dụng của Trung tá Lê Đình Hậu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình 5 đời thợ mộc, tuy nhiên, con đường anh chọn lại không phải là cây búa, cái bào, cái đục và mùi thơm của gỗ mà là tiếng nổ và mùi thuốc súng. Làn khói thuốc súng và những tiếng nổ đanh thép trong những buổi tập bắn, kiểm tra bắn đã trở thành những thứ quen thuộc với anh. Năm 2002, chàng trai Lê Đình Hậu bắt đầu hành trình của mình tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trong suốt 5 năm đào tạo, anh luôn nổi bật không chỉ vì thành tích học tập mà còn bởi tài năng bắn súng. Vì thế, anh được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành khoa học quân sự vào năm 2016, Lê Đình Hậu tập trung nghiên cứu, nghiền ngẫm, đặc biệt là trong lĩnh vực cải tiến kỹ thuật giảng dạy và huấn luyện bắn súng. Anh đã sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để đề xuất các giải pháp dạy học hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người học.

Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của anh, khi anh nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm đầu tiên: Thiết bị kiểm tra kỹ thuật ngắm bắn súng diệt tăng B41. "Đây là sản phẩm tôi ấp ủ đã lâu, từ những trăn trở của các thầy, đồng nghiệp đi trước về việc kính ngắm quang học của B41 không thể kiểm tra được quá trình tập bắn của học viên để sửa bắn, sửa tập kịp thời. Việc giảng dạy chủ yếu bằng kinh nghiệm, quan sát kết quả bắn rồi sửa bắn, người trước sửa cho người sau", anh Hậu cho biết.

leftcenterrightdel
Dùng "Kính đa năng kiểm tra đường ngắm ban ngày của súng bộ binh" đứng kiểm tra khi luyện tập với súng phóng lựu M79 ngắm bắn ở cự ly 375m. 

Anh nghĩ ngày nghĩ đêm. Anh đã hình dung được sản phẩm này trông sẽ như thế nào, thậm chí anh như thấy mô hình đó chuyển động trong đầu. Khi bắt tay vào chế tạo, anh hoàn thành chỉ trong vòng một tuần. Kính được lắp trực tiếp cùng với kính ngắm quang học trên súng diệt tăng B41 giúp cán bộ, giảng viên huấn luyện kiểm tra chính xác đường ngắm, khả năng sửa bắn của người học, từ đó có phương pháp hướng dẫn sửa tập phù hợp.

Theo anh Hậu, có hai lý do giúp anh tiến hành thuận tiện đến vậy: Thứ nhất có lẽ do có chút kiến thức và kỹ năng về nghề mộc; 8 tuổi anh đã đi kéo bào với bố; 16 tuổi đã thành thạo những công việc của người thợ mộc chuyên nghiệp-công việc rèn cho anh sự chi tiết, tỉ mỉ, cẩn trọng và chính xác. Thứ hai, anh được tiếp xúc hằng ngày với những vũ khí, trang bị quân sự, điều mà những người thợ bên ngoài không có điều kiện.

Cả hai lý do trên, anh đều cho rằng đó là cơ hội, sự may mắn mà cuộc đời mang lại cho mình. Còn với mọi người, có lẽ tinh thần cống hiến cháy bỏng, tận tâm tận lực với nghề mới giúp anh cho ra đời những sản phẩm hữu dụng như thế. Sản phẩm của anh đều được chế tạo từ những vật liệu dễ kiếm như ống nhựa, lăng kính và các bộ phận sắt, thép đơn giản, nhưng lại có hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện. Điều này là một minh chứng rõ ràng rằng sáng tạo không nhất thiết phải tốn kém hay phức tạp, điều cần nhất là sự say mê và hiểu biết sâu sắc về nghề. Và chính nhờ những nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp đào tạo mà 5 năm liền (2019-2023), Trung tá Lê Đình Hậu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2022 là Chiến sĩ thi đua toàn quân; 3 năm liền (2020-2022) được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng nhiều phần thưởng khác.

Tính cách, sự tận tâm, những thành tích cao trong công việc đã giúp Lê Đình Hậu trở thành một trong những giảng viên được yêu mến tại trường. Ngoài giờ làm việc, anh đục tượng, nhận làm các công việc liên quan đến nghề mộc. "Nếu không theo nghiệp nhà binh, có thể giờ này tôi đang làm việc trong một xưởng mộc nào đó ở quê nhà", anh cười tủm tỉm.

Có thể Lê Đình Hậu đã theo nghề mộc của gia đình, nếu không theo con đường binh nghiệp. Nhưng chắc chắn, anh đã chọn đúng nơi để phát huy tài năng và lòng say mê của mình. Những cống hiến tưởng như khá bình dị của anh tiếp tục góp thêm vào bề dày truyền thống của ngôi trường 9 lần được Bác Hồ đến thăm, ngôi trường được Người trao tặng 6 chữ vàng "Trung với nước, hiếu với dân".

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT