Trong chuyến công tác ở Đồn Biên phòng Trung Lý (BĐBP tỉnh Thanh Hóa), khi kể về đời sống đồng bào các bản người Mông ở địa phương, tôi thấy cán bộ, chiến sĩ ở đây nhắc nhiều đến Thiếu tướng Lê Như Đức với sự kính trọng. Thiếu tá Nguyễn Đăng Nam, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Lý tâm tình, trong phát triển của vùng đất Mường Lát hơn hai chục năm qua, anh Đức là người góp công lớn về ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc Mông di cư. Điều ấy khiến tôi hết sức bất ngờ.

Tôi đã có lần làm việc với Thiếu tướng Lê Như Đức vào năm 2013, khi đến nắm thông tin về việc Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức buổi gặp mặt 500 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp hiếm muộn con. Lúc ấy, anh chia sẻ với tôi rằng nhiều lần đi công tác, thấy số lượng bộ đội trong toàn lực lượng bị hiếm muộn con nhiều quá nên đã tham mưu với Bộ tư lệnh để tổ chức buổi gặp này, qua đó tìm cách động viên, tháo gỡ khó khăn, giúp anh em có điều kiện sinh con để xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong toàn quân, BĐBP là đơn vị đầu tiên tổ chức sự kiện này. Hơn một năm sau, vị Thiếu tướng quê ở Nông Cống, Thanh Hóa có nhắn tin với tôi, đã có gần 300 cặp vợ chồng sinh được con từ sau lần gặp ấy.

Lần thứ hai tôi gặp Thiếu tướng Lê Như Đức là vào năm 2016, khi anh kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Biên phòng và chủ trì một hội nghị. Nhiều phóng viên Báo Biên phòng rất trân trọng khi nói về vị Tổng biên tập "tay ngang" rằng anh đã mang tới không khí, tinh thần làm việc mới cho tờ báo bởi anh đề cao sự sáng tạo trong mỗi tác phẩm báo chí, nhưng cũng đòi hỏi rất cao về tinh thần tập thể và kỷ luật đối với cấp dưới.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội động viên thanh niên huyện Hoài Đức lên đường nhập ngũ (tháng 2-2024). Ảnh: VĂN THỂ

Về Hà Nội, tôi liên hệ với Thiếu tướng Lê Như Đức. Hơn 10 giờ trưa, ngồi trò chuyện trên ban công khu nhà làm việc của Hội CCB TP Hà Nội, vị tướng có khuôn mặt tròn, phúc hậu và đôi mắt hiền từ tiếp tôi niềm nở. Ông chậm rãi kể về những năm tháng cùng đồng đội trằm mình vượt khó khăn, gian khổ ở biên giới. Tiếng chim hót líu lo trên vòm cây xanh thẫm trong tiết xuân lành lạnh khiến câu chuyện của vị tướng thêm thú vị, hấp dẫn hơn.

 Anh ngước đôi mắt về phía vòm cây, nơi có con sóc nhỏ đang ngó nghiêng và tung tăng chuyền cành, như hồi tưởng về những kỷ niệm đã qua. Bỗng anh nói như hỏi tôi:

- Cậu có tin được không, lúc 55 tuổi, khi sức vóc không còn tráng kiện như hồi thanh xuân, đang đảm nhận chức danh Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP thì tôi nhận được quyết định điều đi làm Chính trị viên Đội công tác BP-14 thuộc Bộ Tham mưu Bộ tư lệnh BĐBP.

- Chuyện hay quá, bây giờ em mới biết!

- Việc quân mà. Cũng vì tính chất phức tạp của nhiệm vụ nên Bộ tư lệnh mới điều tôi đi.

Nhấp một ngụm trà anh kể:

- Thời điểm đó tình hình buôn bán ma túy có vũ trang ở biên giới tỉnh Sơn La rất nóng cả về quy mô, số lượng và sự liều lĩnh. Đối tượng buôn bán ma túy sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng khi bị vây bắt, truy đuổi. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, Đội công tác BP-14 tập hợp lực lượng, phương tiện ở Học viện Biên phòng rồi tức tốc hành quân lên cắm chốt tại bản Co Phương, xã Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu, cách TP Sơn La hơn 200km, để truy quét bọn buôn bán ma túy. Đội dựng nhà bạt và ăn ở dã chiến, thu thập thông tin, theo dõi, mật phục và tổ chức đánh án.

Rồi anh tâm tình, khó khăn nhất trong thời gian thực hiện nhiệm vụ không phải là ăn ở nơi rừng sâu núi cao thiếu thốn mà chính là mục tiêu quan trọng nhất đặt ra trong đánh bắt ma túy có vũ trang ở biên giới là không để bộ đội thương vong. Các phương án được chỉ huy họp bàn, xây dựng tỉ mỉ, tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, việc hiệp đồng giữa từng bộ phận ở các tuyến phải hết sức ăn khớp, chính xác đến từng phút. Thế nên suốt 3 tháng truy quét, Đội công tác BP-14 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, triệt xóa điểm ma túy nóng bỏng vùng biên giới và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Hết câu chuyện, Thiếu tướng Lê Như Đức đứng dậy vươn vai. Lát sau anh lại đưa tôi trở về với ký ức ở vùng đất Thanh Hóa, nơi anh có tròn 10 năm gắn bó với nhiều cương vị khác nhau.

Anh kể, từ năm 2000-2005, vùng biên Thanh Hóa phải đối mặt với nạn di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Tây Bắc đến. Khoảng năm 2006, khi đó anh Đức là Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa, tại các huyện phía Tây, nhất là huyện Mường Lát, tình trạng này diễn ra khá căng thẳng. Nạn phá rừng, nạn buôn bán ma túy từ Lào về và tình trạng sinh hoạt tôn giáo, truyền đạo trái phép khiến tình hình an ninh ở đây trở nên hết sức phức tạp. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nghiên cứu và cho ra đời một đề án vận động bà con hồi hương. Hồi tháng 9-2007, xe chở bà con từ các xã của huyện Mường Lát về lại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, bàn giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhưng hơn một tháng sau thì bà con dân tộc Mông lại đi bộ gồng gánh quay lại nơi di cư. Chính ủy Lê Như Đức tức tốc rời nhiệm sở lên Mường Lát. Anh đến các đồn: Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu, Trung Lý và Cửa khẩu Tén Tằn... để tìm hiểu thông tin. Đến đồn nào anh cũng gặp gỡ nhân dân, các già làng, trưởng bản và bà con di cư, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng thì thấy rằng: Khi bà con di cư đến đây, đất đai màu mỡ, lại cùng là người dân tộc Mông nên không muốn về. Hơn nữa, theo tập quán “phạ phung” của đồng bào Mông, bà con ít khi ở lâu tại một nơi, sau vài ba mùa ngô, khi đất bạc màu hoặc khi bà con cắm con dao xuống đất mà không còn thấy mùi tanh nữa thì sẽ lại đi tìm đất mới.

Từ những thông tin đó, anh Đức đã báo cáo và kết hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng đề án ổn định đời sống đồng bào Mông di cư, trong đó nổi bật là các nội dung: Nhập hộ khẩu, hỗ trợ xây dựng nhà tạm và giao đất, giao rừng cho người dân; đưa trẻ em tới trường và tạo điều kiện cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo đúng quy định. Đi kèm với đó là đồng bào cam kết không đốt nương, không qua biên giới buôn thuốc phiện, heroin và không tiếp tay cho tội phạm; tham gia thực hiện các quy định của địa phương. Trong đó BĐBP là trung tâm và giúp đỡ người Mông sở tại hòa thuận với người Mông mới di cư đến, tránh tình trạng phân biệt đối xử.

Một thời gian sau khi thực hiện đề án, tình trạng đồng bào di cư đến Mường Lát và một vài huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đã được ổn định và những phức tạp về dân cư ở huyện biên giới Mường Lát đã giảm.

Theo lời anh Đức, trước khi về BĐBP tỉnh Thanh Hóa nhận công tác, anh đã có 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Tiếp đó, anh cũng có gần 10 năm làm trợ lý, trưởng ban rồi phó trưởng phòng cán bộ, Cục Chính trị BĐBP. Dấu ấn anh để lại là đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP thực hiện đề án đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ về học vấn, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ.

Thời điểm này, anh còn góp phần tham mưu với Thường vụ, Đảng ủy BĐBP đưa ra biện pháp giải quyết số lượng cán bộ biên phòng thừa thiếu cục bộ. Anh kể, lúc đó, BĐBP các tỉnh phía Nam thiếu hụt cán bộ rất lớn trong khi nhiều tỉnh ngoài Bắc thì lại thừa. Sau thời gian dài nghiên cứu, anh đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP ban hành Chỉ thị số 14 về việc luân chuyển cán bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu. Chỉ trong một năm, tình trạng thừa thiếu cán bộ giữa các tỉnh đã được giải quyết cơ bản.

Hoàn thành nhiệm vụ ở BĐBP tỉnh Thanh Hóa, anh Đức được điều động về giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP và những năm sau đó anh được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Đảng ủy viên BĐBP. Trên cương vị mới, Thiếu tướng Lê Như Đức đã kiên trì nghiên cứu tình hình, tích cực tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn tới xây dựng lực lượng. Điển hình là đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng một số chính sách đặc thù với BĐBP và giải quyết các tồn đọng về chế độ thương binh, liệt sĩ trong chiến tranh của BĐBP, đẩy mạnh chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới đặc biệt khó khăn, góp phần giữ vững an ninh vùng biên, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hiện nay, với cương vị Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội, anh tiếp tục dồn tâm sức cùng tập thể đề ra nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

THẮNG VIỆT