Bác Phú Bằng xuất thân danh gia vọng tộc. Cụ nội của bác là quan Thượng thư triều Nguyễn, từng là Phó sứ sang Pháp đàm phán; bố là Tổng đốc Phạm Phú Tiết, sớm từ bỏ hàng ngũ quan lại đi theo cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp được thụ phong Đại tá, Chánh án Tòa án Quân sự Liên khu 5. Bác Phú Bằng là con út trong gia đình có 9 người con, trong kháng chiến chống Pháp, 16 tuổi đã trốn nhà đi theo bộ đội, sau làm Báo Quân đội nhân dân từ buổi đầu tiên ra đời.

Năm 1950, trong Chiến dịch Biên giới, bác Phú Bằng được chính Cục trưởng Cục Tuyên huấn Lê Quang Đạo (sau này là Chủ tịch Quốc hội) phong “Tùy quân ký giả” ra mặt trận lấy tin tức để viết báo. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bác Phú Bằng cùng với bác Khắc Tiếp trực tiếp làm báo ngay tại mặt trận. Kháng chiến chống Mỹ, bác Phú Bằng đi B rất sớm. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bác theo chân một đơn vị giải phóng đánh vào nội thành Sài Gòn, bị thương nặng. Đơn vị thu dung định đưa tấm thân đầy máu trộn bùn đất của bác Phú Bằng vào bao đựng tử sĩ thì anh y tá chợt thấy bác còn thở thoi thóp, vội chuyển về tuyến sau. Nhờ thế, bác Phú Bằng được cứu sống.

leftcenterrightdel
 Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Ngày ấy, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân, để hai số báo ra ngày thứ bảy và chủ nhật có nhiều món ăn tinh thần đặc sắc và phải đậm chất văn hóa văn nghệ phục vụ bộ đội, nhiệm vụ này được Ban biên tập giao cho Phòng Biên tập Văn hóa-thể thao do bác Phạm Phú Bằng là Trưởng phòng đảm nhiệm. Phóng sự thì có nhà văn Dân Hồng (Phó trưởng phòng, cùng lứa với bác). Một cây viết từ mặt trận Lào về đậm chất lính là Hà Đình Cẩn; truyện ngắn có nhà văn Cao Tiến Lê; còn một cây bút trẻ mới từ Học viện Kỹ thuật Quân sự về là Hà Phạm Phú. Riêng phần tùy bút, bình luận văn nghệ, tản văn... thì cây viết chủ lực thường ký là Phú Bằng, hay Phạm Hồi-tên vợ; Phạm Hồng-tên con gái; Phạm Kiên-tên con trai.

Kiến thức của bác Phú Bằng có thể gọi là thông kim bác cổ. Trải qua hai cuộc kháng chiến, vốn về trận mạc, về người lính của bác Phú Bằng rất phong phú. Bác chịu khó học, chịu khó đọc không chỉ sách báo trong nước mà cả của nước ngoài. Bác thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Trung (năm 1955 bác được cử sang Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, học về báo chí). Bài bác viết không lẫn với ai, từ lâu đã thành một “thương hiệu” của Báo QĐND. Văn phong mềm mại, đậm chất trí tuệ và nội dung thường có nhiều tình tiết bất ngờ hấp dẫn. Cây viết Hà Đình Cẩn đã nhiều lần nói với tôi đúng một câu: “Chịu thầy Phú Bằng. Chuyện chẳng có gì to tát mà viết khéo thế!”

Bác Phú Bằng là người anh, người thầy của thế hệ phóng viên chúng tôi. Buổi đầu về tòa soạn, hễ có dịp là cánh phóng viên trẻ như tôi hay tìm gặp, nói chuyện nghề, chuyện đời với “thầy” Phú Bằng. Chuyến làm báo đầu tiên, tôi theo Binh đoàn Trường Sơn mở mới Quốc lộ 279. Đây là một kỷ niệm khó quên. Đi thực tế khoảng gần nửa tháng, tôi trở về viết thiên phóng sự có tựa là “Chọc thủng Khau Co”. Khau Co, đoạn đèo hiểm trở nhất miền Tây Bắc, vì nó án ngữ nên hòa bình lập lại ở miền Bắc đã gần 30 năm, nhưng tại một số địa phương thuộc các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, cán bộ huyện, xã muốn về tỉnh họp phải đi bộ hoặc cưỡi ngựa theo đường mòn bên sườn núi.

Thế rồi năm 1979, đoạn đèo hiểm trở đã bị “chọc thủng”, khai thông tuyến đường biên hàng mấy trăm cây số. Viết xong, tôi nhờ “thầy” Phú Bằng đọc. Sau 3 ngày, bác Phú Bằng gọi tôi sang phòng. Để tập bản thảo trước mặt, bác nhỏ nhẹ nói: “Toàn bài đã toát lên được sự gian khổ, hy sinh của người lính mở đường. Giá có thêm tình tiết dân địa phương phối hợp với bộ đội thì sẽ còn hay hơn. Anh Mân duyệt phơi-tông kỹ lắm, mình tin là anh sẽ dùng. Chỉ cái tít chưa hay lắm. Nên sửa là "Mở đường Khau Co". Có vài câu sai chính tả mình gạch chân bằng bút chì, xem lại nhé...”.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND thăm Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Rõ là thầy “chấm” rất kỹ. Tôi liền bổ sung và sửa câu chữ theo ý của bác Phú Bằng. Quả nhiên sau đó, “thầy” Trần Công Mân duyệt và cho đăng liền 6 kỳ trên Báo QĐND hằng ngày. Cuối năm ấy tôi được tòa soạn phân công vào thường trú một thời gian ở TP Hồ Chí Minh. Bác Phú Bằng nhờ tôi chuyển giúp cho người cha già trong đó một món quà nhỏ: Miếng cao tổng hợp của Viện Quân y 108 nấu dành cho cán bộ cao cấp (lúc đó bác đã lên thượng tá). Tôi đến nhà cụ Phạm Phú Tiết đưa quà. Miếng cao vuông vức chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, nhưng ông cụ nhận món quà thì tỏ ý vui. Lúc đó cả nước vừa qua cuộc chiến tranh, ai cũng nghèo, người con chí hiếu như bác Phú Bằng chỉ có thứ đó trong nhà là có giá trị để tẩm bổ cho cha đã ngoài 80 tuổi đang bị đau yếu.

Đến giữa năm 1990, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần (lúc ấy gọi là QĐND Thứ bảy) ra đời. Bác Phú Bằng cũng vừa nghỉ hưu. Có lần bác nói với tôi: “Giờ mình không còn thẻ nhà báo nữa, nhưng đã mang cái nghiệp vào thân thì mình muốn làm báo suốt đời”. Tôi trong ban lãnh đạo phòng đã đề nghị Tổng biên tập mời bác Phú Bằng làm “cố vấn” cho tờ báo ngay từ số đầu tiên. Thế là hằng tuần, trước khi trình Tổng biên tập duyệt, tôi chuyển bản thảo để bác xem trước, góp ý về nội dung hoặc sửa chữa về câu chữ, nhất là lỗi tiếng “tây” hay bị viết sai. Bác đã làm như thế suốt gần hai chục năm sau khi về hưu với một tinh thần trách nhiệm rất cao.

Đến khi tuổi ngót 80, bác thôi không làm “cố vấn” cho tờ QĐND Cuối tuần nữa, song bác lại tự nguyện làm một việc... không tên. Chả là bác có người bạn thân là nhà văn hóa Hữu Ngọc, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới, đã được một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển có dự án tài trợ nhân đạo cho phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thế là tháng nào bác cũng lặng lẽ rời nhà riêng ở ngõ số 8 Lý Nam Đế (Hà Nội) đi tàu hỏa hoặc xe hàng, mang quần áo, chăn màn, sách vở, giấy bút lên các tỉnh biên giới cho trẻ em vùng cao. Mỗi lần đi về, gặp tôi bác lại kể chuyện chuyến đi. Vui có, buồn cũng có. Vui vì đã có đóng góp nho nhỏ cho bà con, buồn vì nhiều nơi bà con còn nghèo khổ quá, ánh sáng văn minh còn chưa soi rọi tới được nhiều bản làng xa xôi.

Có lần bác kể tôi nghe chuyện này. Tại một bản người Tày ở Quản Bạ, Hà Giang, bác tình cờ phát hiện một quả chuông đồng treo trong một ngôi chùa hoang phế. Có nhiều chữ Hán khắc trên chuông nhưng không ai đọc được. Bác lần mò đọc, kinh ngạc nhận thấy tuổi quả chuông được đúc ở chính tại đây đã ngót 800 năm. Một quả chuông thuộc loại cổ nhất nước ta. Thế là bác cất công đến trình bày với nhà chức trách địa phương. Khi về Hà Nội, bác đến cơ quan có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói rõ giá trị của quả chuông cổ để có biện pháp bảo tồn một hiện vật quý của quốc gia.

Mùa hè năm 1998, khi ấy bác Phạm Phú Bằng đã gần 70 tuổi. Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhắn với bác: “Là người từng làm báo ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, chắc anh vui lòng cùng hai người lính thuộc Trung đoàn dù số 6, lính thủy đánh bộ Pháp muốn hành quân bộ từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ để tưởng niệm vào dịp 50 năm ngày thành lập Trung đoàn”. Thế là bác lại cùng đi bộ dẫn đường cho hai người lính Pháp thế hệ sau của những người lính từng tham gia chiến dịch lịch sử 44 năm về trước. Chuyến đi kéo dài hàng tuần của một ông già và hai người lính trẻ ngoại quốc đã thành công. Sau khi trở lại Hà Nội, bác và hai người lính được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp.

Trong một bài viết, bác Phú Bằng kể lại chuyện này: “...Cuộc trò chuyện giữa lão tướng bách chiến bách thắng và hai người lính trẻ thời bình của quân đội Pháp đã kéo dài đến bốn mươi phút... Ngay tại phòng khách, Bruno cũng tặng tôi một chai rượu quý ấy, trên đầu nhãn hiệu in mấy chữ: Vietnam 1998, khâm phục, biết ơn các cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Ngoài chai rượu, tôi còn tờ giấy photocopy bức thư tay Đại tướng nhờ chuyển về nước Pháp. Nhớ lại hôm trước trên đồi A1, sau cơn mưa to, nước cuốn theo các mảnh xương trắng của đôi bên, tôi thu xếp tức tốc lên lại Điện Biên, rót hết dòng rượu vang đỏ xuống chân tượng đài A1 ghi ơn các liệt sĩ Việt Nam bất diệt”.

Sắp đến ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tất cả phóng viên đang tại chức hay đã nghỉ hưu như tôi của tòa soạn Báo QĐND đều hết sức bất ngờ, đau đớn khi nghe tin bác Phạm Phú Bằng vừa từ trần. Vẫn biết bác đã ở tuổi đại thọ và cái quy luật nghiệt ngã sinh-lão-bệnh-tử là không tránh khỏi, mà sao ai cũng cảm thấy bàng hoàng tiếc thương. Nhà báo lão thành tài năng và đức độ hiếm có đã vĩnh biệt chúng ta!

PHẠM QUANG ĐẨU