Thông tuệ, dẻo dai nhờ Báo Quân đội nhân dân
Sáng đầu tuần, chúng tôi đến nhà riêng Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp mà không báo trước. Ông đang ngồi đọc báo trong khoảng sân nhỏ dưới tán cây xanh mát. Bao năm nay, ông duy trì đều đặn việc đọc Báo Quân đội nhân dân và một số tờ báo khác vào buổi sáng. Buổi tối, ông xem thời sự trên truyền hình và nghe phát thanh. Vì thế, dù ở tuổi 100 nhưng đời sống báo chí và những thông tin thời sự hằng ngày ông đều cập nhật, không bỏ lỡ. Khi chúng tôi bày tỏ sự cảm phục, ông bảo, tuổi này vẫn minh mẫn, thông tuệ, chân tay rắn rỏi, linh hoạt, tất cả là nhờ Báo QĐND cả.
Nhờ Báo QĐND không phải tòa soạn dành cho ông đặc ân gì, mà như lời ông giải thích, đó là nhờ những năm tháng làm phóng viên chiến trường đi khắp các mặt trận, có chuyến dài cả tháng trời để tìm hiểu và viết bài, đưa tin kịp thời trên báo giúp chân ông dẻo dai; là nhờ công việc làm báo khiến ông luôn học tập, tư duy, thu nạp kiến thức mỗi ngày để đầu óc trở nên minh mẫn, không bị trì trệ.
Câu chuyện miên man, đến khi chúng tôi nhắc về chuyện Báo QĐND mới khánh thành trụ sở cơ quan thường trú tại Điện Biên và cho ông xem ảnh, ông chăm chú, gật gù rồi im lặng một hồi, ký ức những ngày làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ lại ùa về và trở thành chủ đề tiếp theo của hai thế hệ nhà báo-chiến sĩ. Ông bảo, nhìn tòa nhà hiện đại của Báo QĐND ở Điện Biên, làm ông nhớ đến tòa soạn tiền phương và nhà in Báo QĐND tại Mặt trận Điện Biên Phủ trong rừng Mường Phăng gần 70 năm trước. Trong hoàn cảnh tác nghiệp vô cùng khó khăn, gian khổ, 33 số Báo QĐND được xuất bản ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ trở thành sự kiện đặc biệt, độc đáo có một không hai của báo chí cách mạng Việt Nam. 33 số báo này không chỉ mang tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh nghề nghiệp, mồ hôi, xương máu của những nhà báo-chiến sĩ, mà còn để lại di sản, những kinh nghiệm vô cùng quý giá cho thế hệ làm báo hôm nay.
Rồi, với những dẫn chứng thực tế, sinh động trong giai đoạn làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, nhà báo Khắc Tiếp đã chỉ cho chúng tôi những bài học quý báu vẹn nguyên giá trị. Đó là việc phóng viên phải luôn xông xáo, đi cơ sở, đi đến nơi khó khăn, nơi chưa có ai đến để kịp thời phản ánh, thông tin tới bạn đọc và phải quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên... Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp tâm sự với chúng tôi: “Trước khi đi, chúng tôi không biết sống hay chết. Hồi xưa là thế, sống-chết bất kỳ. Đi công tác là hiểm nguy rình rập nhưng anh nào cũng hăng hái, không ai chịu ngồi yên ở tòa soạn”.
Còn đối với đối tượng bạn đọc hết sức đặc thù là bộ đội, nhà báo Khắc Tiếp cho rằng, những nhà báo-chiến sĩ cần phải luôn trăn trở là làm sao đưa đến cho bộ đội các thông tin hữu ích, thiết thực nhất. Phóng viên phải nghe ngóng, tìm hiểu, “ngửi” xem chỗ nào có chuyện hay, chỗ nào có vấn đề, chỗ nào có gương tốt... để lao đến, thông tin kịp thời tới bạn đọc. Ông dẫn chứng bằng một câu chuyện rất cụ thể rằng: Trong điều kiện kháng chiến gian khổ ở rừng dài ngày, một điều tưởng rất nhỏ bé, giản đơn lúc ấy là việc rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội thế nào? Vấn đề vệ sinh, tắm rửa hằng ngày của bộ đội ra sao?... lại rất quan trọng. Ông đã có những chuyến đi qua nhiều đơn vị để tìm hiểu và đưa ra những cách làm hay cho các đơn vị khác tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Nhìn chúng tôi như muốn dặn dò, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp cho rằng, cuộc sống bây giờ tốt hơn rất nhiều, có điều kiện để đi cơ sở nhiều hơn, thuận lợi hơn, nhưng nhà báo-chiến sĩ vẫn nên giữ cho mình lối sống giản dị, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đặc biệt, người làm báo, nhất là giai đoạn hiện nay luôn cần có ý thức học nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, theo dõi để nắm thông tin biết mình cần viết cái gì. Ngay từ thời làm phóng viên chiến trường trong điều kiện khó khăn, gian khổ, ông đã tạo được phương pháp làm việc ấy, về già, ông vẫn giữ thói quen theo dõi, đọc thông tin qua sách, báo. Ông nói với chúng tôi về những thay đổi, phát triển từng sản phẩm của Báo QĐND. Ông cũng nói chuyện về một số tờ báo khác mà ông thường theo dõi... Rồi ông chia sẻ với giọng hóm hỉnh, liệu có tính nổi cuộc đời ông đã đọc bao nhiêu tờ báo không nhỉ?
|
|
Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (bên trái) và nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng.
|
Chẳng có gì khác ngoài tự học
Bao nhiêu năm gắn bó với Báo QĐND, cũng là từng ấy thời gian hình ảnh nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng luôn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Ông, với dáng người gầy mỏng và nụ cười thường trực trên môi, tay chống gậy, vai khoác chiếc túi vải, vẫn thường thong thả dạo bộ trên góc đường Lý Nam Đế-Phan Đình Phùng. Ông mang theo chiếc máy ảnh cũ, và chụp lại những người mình gặp, rồi dăm hôm, ông qua hiệu ảnh in ra, bỏ vào túi vải, khi nào gặp người được chụp sẽ tặng lại. Thỉnh thoảng, ông đến các phòng, ban của Báo trò chuyện với anh chị em phóng viên, nhiều người trong số chúng tôi được ông tặng những bức ảnh ý nghĩa như thế. Cũng những lần như vậy, chúng tôi thường may mắn được ngồi nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề. Nếu không phải đã trưa, đến giờ “phải về ăn cơm với vợ”- như ông nói, thì câu chuyện của ông có lẽ kể thêm mấy ngày nữa cũng chưa hết.
Những phóng viên trẻ như chúng tôi, khi nghe nói ông học chưa hết cấp 2 thì ngạc nhiên, không tin. Không tin là bởi ông về hưu với quân hàm Đại tá, là Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao của Báo QĐND; bởi kiến thức ông uyên thâm, hiểu biết nhiều chẳng khác gì “từ điển sống”, “bách khoa thư”, lại biết tới mấy loại ngoại ngữ cơ mà! Nhưng rồi, càng nghe kể về ông, được tiếp xúc với ông, nghe ông nói chuyện, chúng tôi dần hiểu rằng, không phải tự nhiên ông lại có được những điều đó.
Nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng vốn sinh ra trong một gia đình trí thức giàu truyền thống. Cụ nội của ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, dưới triều Nguyễn từng giữ chức Tổng trấn Hải Yên (gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên). Thân sinh ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, từng giữ chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên). Làm quan dưới thời phong kiến nhưng các cụ nhà ông đều mang tư tưởng tiến bộ. Nghe kể, Thượng thư Phạm Phú Thứ từng bị hạ xuống làm lính trơn bởi mang những tư tưởng táo bạo về canh tân đất nước. Còn cha ông - Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Bác Hồ phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân, giữ chức vụ Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.
Nhà báo Phạm Phú Bằng giác ngộ và tham gia cách mạng từ sớm. Năm 1949, ông được kết nạp Đảng, khi 19 tuổi. Cuộc đời công tác, ông là phóng viên tham gia 4 cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, ông đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, có mặt trong nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước... Các trải nghiệm ấy đã cho ông những vốn quý báu của nghề báo. Đặc biệt, ông là một trong những phóng viên đã tham gia làm báo tại Tòa soạn tiền phương Báo QĐND trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, 33 số báo đặc biệt đã được ra đời ngay tại mặt trận. Ông bảo, bởi học ít nên ông biết mình càng phải tranh thủ học, học mọi lúc, học mọi thứ có thể. Cuộc đời ông là quá trình tự trải nghiệm, tự học mà nên.
Những lần được nghe ông kể chuyện, đôi lần tôi nghĩ hay ông “giấu bài”, nên tò mò muốn “khai thác” thêm. Những lúc ấy ông thường sẽ dừng lại câu chuyện rồi cười rất tươi: "Cô này đáo để thật, định khai thác ông già này đấy à? Không được đâu nhé!".
Ông nói là vậy nhưng nếu lắng nghe trong các câu chuyện của ông, thể nào ông cũng cho chúng tôi những thông tin, những bài học thật bổ ích. Hoặc đôi khi, ông cho chúng tôi những lời khuyên ngắn gọn lại là bài học rất trực tiếp, cụ thể, rõ ràng, sâu sắc và vô cùng quý giá với người làm báo. Tôi nhớ có lần ông đến phòng làm việc chơi và lấy ra tập bản thảo đưa cho chúng tôi. Ông nói đó là bài viết về kỷ niệm làm báo của đồng đội ông hồi làm Báo Quân Giải phóng. Hôm sau gặp ông, tôi bày tỏ về việc bài viết nhiều câu chuyện, chi tiết hay nhưng lối viết khá đơn giản, có nên biên tập thêm...? Ông bảo, cứ để như vậy, đừng biên tập, chỉnh sửa gì cả. Viết báo chớ cầu kỳ, càng giản dị càng tốt... Càng gắn bó với nghề báo lâu, tôi càng thấy những lời dặn dò, những câu chuyện ông kể thật hữu ích và thấm thía.
Đó là chuyện cách đây vài năm rồi, khi sức khỏe của ông còn ổn, tự đi lại được. Chúng tôi thường gặp ông quanh tòa soạn, lúc đang đi bộ một mình, lúc đi đón cháu (cháu thường đi trước, dắt ông qua đường). Ông luôn cười khi thấy chúng tôi từ xa, và chúng tôi thường sẽ bị níu lại bằng những câu chuyện của ông... Đôi khi chúng tôi hay hỏi thăm ông bằng câu cửa miệng rằng: Ông có khỏe không ạ? Ông cũng sẽ cười rất tươi mà trả lời: "Mấy lần tưởng chết mà lại sống, mà sống được đến hơn 90 rồi còn mong khỏe với ai nữa đây!". Phải rồi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường, ông từng bị thương nặng tưởng không qua khỏi nhưng như ông nói, bằng cách nào đó, ông-một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, đã vượt qua và sống một cách kỳ diệu. Hồi ấy khi nghe ông kể chuyện này, mấy anh chị em phóng viên mau nước mắt không ít lần sụt sùi, mắt đỏ hoe. Bằng cách nào? Hẳn là bằng bản lĩnh, ý chí của một nhà báo-chiến sĩ đã được trui rèn qua thử thách, thực tiễn đầy cam go, gian khó.
Mấy năm gần đây, nhất là từ khi bước sang tuổi 94, ông ít ra ngoài hơn, trí nhớ có phần giảm sút, nhưng như lời vợ ông kể, chỉ cần dậy được là ông lại đi ra cổng tòa soạn Báo QĐND lấy báo đọc. Chúng tôi gặp ông một sáng giữa tháng 6, nụ cười hiền hậu vẫn thường trực trên môi ông. Chúng tôi chào ông, đáp lại, ông cười tươi và hài hước: "Xin chào “cái cô đáo để này...”.
Bài và ảnh: THU HÒA - LIÊN VIỆT