Năm cán bộ, phóng viên thiện nghề lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, nay còn hai nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng. Ba đồng nghiệp cùng Tòa soạn tiền phương năm xưa của hai cụ đã theo Bác Hồ làm báo ở "thế giới người hiền". Khi đang công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, hai cựu phóng viên chiến trường luôn coi Điện Biên như quê hương thứ hai của mình. Đặc biệt, khi tuổi đã hồng phúc đại thọ, sức khỏe không còn nhiều, nhưng hai cụ vẫn hăng hái lên Điện Biên. Dường như các cụ muốn đi cho cả 3 người anh, đồng nghiệp đã quá cố! Bài viết này xin chỉ kể một chuyến trở lại Điện Biên của nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng.
Sự hài hước thú vị
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2014) và 60 năm thiết lập Tòa soạn tiền phương, Báo QĐND tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa, tri ân và giáo dục truyền thống. Vì không đặt được vé máy bay nên đoàn cán bộ, phóng viên các thế hệ của Báo QĐND lên Điện Biên bằng ô tô. Ái ngại nhất với chúng tôi là sức khỏe của các nhà báo lão thành. Thế mà “Tòa soạn đừng bận tâm, chúng tôi vẫn ngồi được ô tô cả ngày, chẳng sao đâu. Với lại, lần này kiểm nghiệm sức lính Điện Biên sau 60 năm xem thế nào”. Trước khi lên Điện Biên hai ngày, cựu chiến sĩ Điện Biên, cựu phóng viên chiến trường của Tòa soạn tiền phương Phạm Phú Bằng vui vẻ, hài hước như thế, như để khích lệ, động viên ngược lại chúng tôi.
Trên Quốc lộ 6 lên Điện Biên hôm ấy, 11 giờ, chúng tôi vào một nhà hàng bên đường để ăn trưa. Vừa bước vào nhà hàng, cụ Bằng đã quán triệt: "Nhà hàng sang trọng nhưng các anh gọi bình dân thôi nhé, nếu có món nào dân dã, đặc trưng của Tây Bắc thì thú vị nhất".
Theo tinh thần thực đơn của cụ Bằng, tôi chọn mấy món “đặc hữu” và quảng bá giúp nhà hàng: “Quán này có món bê chao, không phải là “đặc hữu” Tây Bắc, nhưng ở đây làm rất ngon, hợp với người trẻ, còn với tuổi các cụ thì hơi... cứng ạ”. "Thế các anh cứ thử chúng tôi xem?", cụ Bằng tự tin, muốn khám phá. Vâng, khám phá nhưng rất tinh tế, "thử chúng tôi" chứ không "cho chúng tôi thử".
Quả là thực đơn chúng tôi gọi trưa ấy rất phù hợp. Thấy các cụ ăn ngon miệng, kể cả món hợp hơn với người trẻ, chúng tôi thật vui và yên lòng. Biết cụ Bằng hay hài hước, dí dỏm, đang đà vui, tôi nói: “Bây giờ khi chọn thực đơn làm cỗ hay gọi món ở nhà hàng, người ta thường đưa ra 3 tiêu chí "ngon-bổ-rẻ", nhưng với các cụ, con thấy tiêu chí thực đơn như vậy là chưa ổn".
Nghe tôi nói vậy, cụ Bằng phản ứng ngay: “Người ta nói thế cho vui, mà cũng có thể để nhắc nhau tiết kiệm khi đi chợ, khi gọi món ở nhà hàng. Nhưng nghĩ cho đúng thì không bao giờ đạt cả 3 tiêu chí đó trên một bàn ăn. Vì người xưa đã nói “đắt xắt ra miếng”, “tiền nào vải ấy”.
Đùa vui với các cụ có lợi mở mang thế đấy. Tôi tiếp tục: "Tiêu chí ấy nói cho vui, nhưng dù sao vẫn phù hợp với người trẻ, còn thực đơn với người già, con cần bổ sung thêm một tiêu chí nữa mà con cũng vừa nghĩ ra".
"Anh nói ngay tiêu chí thứ tư đi, chúng tôi là đối tượng “thụ hưởng”, nói ra nó không khách quan..."-cụ Bằng thúc tôi.
"Nó nghịch với món người già sợ, đó là tiêu chí “mềm” các cụ ạ!".
Cụ Bằng tay không còn khỏe, mà vỗ đùi đánh bốp: "Tiêu chí mềm của anh là tiêu chí bổ sung, nhưng với chúng tôi phải đưa lên thứ nhất, nghĩa là “mềm-ngon-bổ-rẻ”.
Cụ Bằng đứng dậy, tỏ ra điều quan trọng: “Nhân danh người già, người móm toàn thế giới, kết nạp Chủ nhiệm Chính trị Báo QĐND Việt Nam vào hội ưa cái mềm cấp toàn cầu”. Mọi người cười nghiêng ngả.
Về sau kể lại chuyện này, nhiều người bảo: “Đùa vui với cụ Bằng thú vị thật, nhưng nhiều khi phải ăn quả đắng!”.
Tôi thì nghĩ đấy chẳng phải là quả đắng, mà là vị ngọt của một loại trái cây đặc biệt, nhiều người đã được thưởng thức.
Đại tá Nguyễn Thu Hằng, Phó chánh văn phòng, Trung tá Trần Nam Trung, Trưởng ban Tài chính và những anh chị em làm công tác hậu cần, tài chính của Báo QĐND khi nghe chuyện này khoái chí lắm. Để khi tòa soạn có công việc gì mời các nhà báo lão thành, những cựu chiến binh, thì khi lên thực đơn, mọi người đều nhắc vui, phải thật “chú ý tiêu chí mềm!”.
Buông gậy trên đồi A1
Sau kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Báo QĐND tiến hành làm bộ phim truyền thống “Tòa soạn trên đồi Ngựa Hí”. Bộ phim được đạo diễn kiêm quay phim Nguyễn Văn Vinh giúp đỡ.
Sau hai ngày làm việc ở Mường Phăng, gần trưa ngày thứ ba, đoàn làm phim đến đồi A1. Đi lại, leo trèo đồi núi, công sự trận địa ở các di tích, cụ Bằng đã thấm mệt nên khi lên đỉnh đồi A1, cụ phải dùng gậy chống.
Đoàn nghỉ ít phút, tôi đến cạnh hố bộc phá nghìn cân. Tại đây, tôi gặp hai người khách tham quan. Người phụ nữ nhìn quen quen mà tôi chưa nhớ được tên. Lục lại trí nhớ, tôi tin đến 90% đó là ca sĩ Kim Tiến. Nếu đúng là ca sĩ Kim Tiến thì đoàn làm phim gặp may không ngờ tới-một sự tình cờ hy hữu. Bởi trước đó hàng chục năm, tôi đã nhiều lần nghe ca sĩ Kim Tiến hát bài “Hoa ban” của nhạc sĩ Minh Quang.
Tôi lại gần chỗ người phụ nữ quen quen, rồi hỏi luôn:
- Xin lỗi, chị có phải là ca sĩ Kim Tiến không ạ?
- Vâng, em là Kim Tiến, trước thì hát là chính, nay là phụ anh ạ! Em xin lỗi vì anh nhận ra em, mà em thì không nhớ ra anh?
- Người của công chúng thì đó là chuyện bình thường. Mình biết Kim Tiến cũng là qua ti vi, chứ chưa bao giờ gặp mặt, chưa bao giờ nghe hát trực tiếp đâu.
- Cảm ơn anh nhiều lắm, bây giờ em mập hơn so với 15 năm trước hay xuất hiện trên ti vi, vậy mà anh vẫn nhận ra!
- Mình còn nhớ là bạn hát bài "Hoa ban" của nhạc sĩ Minh Quang rất hay!
- Em lại phải cảm ơn anh một lần nữa. Em rất thích và đã nhiều lần hát bài đó. Từ hôm qua lên tới Điện Biên, em cứ lẩm nhẩm hát thầm đấy.
Tôi vui biết bao nhiêu, nói với ca sĩ Kim Tiến về bộ phim đang làm. Nếu cô đồng cảm, đồng ý hát bài "Hoa ban" thì rất hợp với cảnh quay ở đồi A1, bộ phim sẽ thêm sinh động, chạm đến con tim nhiều người.
Tôi đề nghị, ca sĩ Kim Tiến bất ngờ nhưng cũng sẵn lòng luôn. Tôi trao đổi nhanh với anh Vinh về ý tưởng vừa nghĩ ra, anh cũng thật bất ngờ, thú vị về sự tình cờ hy hữu này-cựu chiến sĩ Điện Biên, phóng viên mặt trận trở lại chiến trường xưa, cô ca sĩ hay hát, hát có hồn, có cảm ca khúc "Hoa ban", thăm Điện Biên, tình cờ gặp thế hệ cha anh... hát về người chiến sĩ Điện Biên... Còn gì thú vị hơn!
Cảnh quay chỉ chuẩn bị ít phút, rồi bấm máy. Cụ Bằng đi xung quanh biểu tượng trên đồi A1, sau đi về phía hố bộc phá nghìn cân. Cựu chiến sĩ Điện Biên, nhà báo lão thành Chiến dịch Điện Biên Phủ đi trên nền nhạc sống "Hoa ban", mảy may không sắp đặt. “Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ nhành hoa ban ép vội... Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên hôm nay/ Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên hôm qua...”.
Lúc đầu cụ Bằng còn chống gậy, vậy mà bỗng dưng chiếc gậy trong tay cụ văng ra, nằm trên đỉnh đồi A1. Không còn cây gậy trên tay mà sao cụ Bằng lại đi nhanh, đi vững hơn, đi không theo đạo diễn... mà hình ảnh ghi lại đến mê lòng. Ca sĩ Kim Tiến vừa hát, vừa rưng rưng nước mắt, cũng chẳng phải là đạo diễn. Tất cả đều tự nhiên, đều thực, không hề diễn.
Nhiều khách tham quan dừng lại xem cảnh quay này. Tôi tin 100% họ cho là đạo diễn, dàn dựng. Còn chúng tôi, người trong cuộc thì dâng trào bao cung bậc cảm xúc.
Từ đó đến nay, hơn 7 năm đã trôi qua mà tôi vẫn không hiểu vì sao cây gậy bung ra từ tay cụ Bằng. Do ca sĩ Kim Tiến hát bài "Hoa ban" đúng hoàn cảnh, chạm sâu trái tim cụ già nên cụ xúc động quá mà mất hết cảm giác, làm chiếc gậy bung ra? Hay, sức mạnh từ âm nhạc, sức mạnh từ thế hệ trẻ biết trân trọng những hy sinh của thế hệ cha ông nên mới hát "Hoa ban" hay, vào lòng người đến thế? Trước sự đền đáp, tri ân đặc biệt này mà chiến sĩ Điện Biên, nhà báo lão thành “hồi xuân” như cái thuở Điện Biên năm xưa, không cần cây gậy nữa, nên cụ đã chủ định buông ra?
Nhìn, nghĩ ở góc độ nào cũng có lý, cũng lắng sâu, ngất ngây lòng người!
"Em hát "Hoa ban" đã nhiều lần, nhưng chưa bao giờ xúc động như hôm nay. Tình cờ thế này mới là cảm xúc thật anh ạ! Con cảm ơn cụ Bằng, em cảm ơn anh và cả đoàn làm phim nhiều lắm vì đã cho em một cơ hội hiếm hoi"-ca sĩ Kim Tiến bày tỏ với chúng tôi như thế trên đỉnh đồi A1.
Chuyện tình cờ trên đồi A1 giúp đoàn làm phim có chất liệu quý cả về quá khứ và hiện tại, để bộ phim “Tòa soạn trên đồi Ngựa Hí” sống động, thuyết phục, có giá trị cao về truyền thống, lịch sử của Báo QĐND và nền báo chí cách mạng Việt Nam.
TÔ THÀNH TUYÊN