Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, chúng tôi xin giới thiệu một gương mặt người làm báo, lãnh đạo báo tiêu biểu trong những năm tháng đầu tiên thực hiện công cuộc đổi mới: Thiếu tướng Trần Công Mân (1925-1998), nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND), nguyên Phó chủ tịch, Phó tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Bài báo dưới đây chủ yếu nói về ông trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới.

Người bắn "phát đại bác vào dinh lũy đặc quyền, đặc lợi"

Chiến tranh và hòa bình, phát triển đều có những quy luật riêng. Sự kiên định và năng lực tư duy nhạy bén đã giúp Tổng biên tập Báo QĐND Trần Công Mân hiểu được những biến động và nhu cầu mới của đất nước, nhân dân. Với uy tín của tờ báo và cá nhân, ông đã được bầu là đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và tại đây, ông đã bỏ lá phiếu cho đổi mới. Trên mặt báo, ông viết: “Cách mạng là đổi mới, đổi mới là cách mạng”. Ngòi bút của ông và tập thể Báo QĐND đã góp phần đắc lực cụ thể hóa, thực tế hóa và cập nhật hóa nhiều góc độ, nhiều vấn đề của đổi mới. Theo ông, đổi mới phải có nguyên tắc. Nguyên tắc đó là kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn, không những không từ bỏ, không phá bỏ tất cả mà phải làm rõ những điều căn cốt tốt đẹp để kế thừa, phát huy đồng thời kiên quyết, kiên trì đẩy lui những gì là yếu kém, lạc hậu, tiêu cực, trì trệ.

Với các bút danh: Trần Công, Tuấn Minh, ngòi bút của ông khơi gợi và đi thẳng vào nhiều vấn đề rất cơ bản mà trước đây không hoặc ít được đề cập đến. Đó là “vùng cấm, vùng tránh” của những cán bộ có chức quyền. Các bài chính luận, điều tra chống tiêu cực của ông và tập thể Báo QĐND mà tiêu biểu là bài điều tra về đặc quyền, đặc lợi của một vị cấp bộ trưởng thể hiện rõ điều này. Bài báo được dư luận ví như “phát đại bác nã vào dinh lũy của chủ nghĩa quan liêu đặc quyền, đặc lợi”. Đó là cách nhìn từ “Khoán 10” đến vấn đề hệ trọng giải phóng sức lao động, đất đai và các nguồn lực xã hội, chú trọng mở đường phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân. Đó là những suy nghĩ mạnh dạn về mở cửa, hội nhập về kinh tế và nhiều hoạt động chính trị, xã hội khác... Chuyện thiếu hàng hóa tiêu dùng chẳng hạn, ông phân tích về việc tại sao ngay trên vùng quê nghèo Nghệ An, Hà Tĩnh của ông trước kia có bao giờ thiếu những vật dụng, thực phẩm hằng ngày như rổ rá, đồ đựng... đến tương cà, mắm muối. Việc lớn lao, vĩ mô về quyền làm chủ của nhân dân, về sở hữu tư liệu sản xuất, việc đổi mới thể chế kinh tế từ tập trung, kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được ông nêu ra rất thiết thực, thể hiện tính chủ động của báo chí và dễ đi thẳng vào nhận thức xã hội.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Công Mân (người ngồi đầu tiên, bên trái) thăm Thông tấn xã Giải phóng tại Mặt trận Tây Nguyên (tháng 4-1974). Ảnh tư liệu

Theo ông, chống tiêu cực là nhiệm vụ cấp thiết mà Đảng, Nhà nước và báo chí phải thực hiện; song không thể làm tràn lan mà phải chọn những trọng điểm để đạt hiệu quả, lan tỏa sức răn đe. Bài báo về đặc quyền, đặc lợi của một vị cấp bộ trưởng thực sự là cả một cuộc đấu tranh được tiến hành bài bản. Trước khi đăng, ông đã viết thư xin ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhận được câu trả lời: Tổng biên tập thấy đúng thì cứ làm. Sau khi bài báo ra mắt có nhiều ý kiến không thuận, song trong cuộc họp do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, ông đã trình bày những lý lẽ cũng như thực trạng của cuộc đấu tranh và nhận được sự đánh giá cao. Nét nổi bật trong tư duy và phương pháp báo chí Trần Công Mân là đề cao sự đa dạng, nhiều chiều, trước và sau của mọi vấn đề. “Xây” và “chống” luôn song hành mới tạo nên sức mạnh, hiệu quả của báo chí trong phát huy tính chiến đấu, tính phát hiện để định hướng xã hội, cổ vũ cái mới, nhân tố mới. Bài báo về Xí nghiệp 173 (Tổng cục Hậu cần) “Chấp nhận cuộc cạnh tranh giành ưu thế về chất lượng, giá thành và thời gian” đăng trên Báo QĐND được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khen ngợi và nhờ báo chuyển thư khen đến đơn vị là một ví dụ tiêu biểu.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Trần Công Mân. Ảnh Tư liệu 

Cấp trên khen nhưng ý dân thì sao?

Trước những biến động đến đảo lộn của thời cuộc thế giới, với thế giới quan và phương pháp báo chí đúng đắn, ông sớm nhìn ra được những dòng chảy đan xen trong các vấn đề quốc tế liên quan đến Việt Nam. Hàng loạt bài viết của ông xung quanh sự sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và cuộc tấn công “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã thể hiện rất rõ ràng điều đó. Có thể kể ra: “Dân chủ nhân đạo cho ai?”, “Đông Âu: Lá phiếu bầu vẫn có hai mặt”, “Cuộc chiến đấu chưa kết thúc”, “Liệu có bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới?”, “Chiến tranh lạnh, hòa bình nóng”... Cùng với đó là các bài viết khơi gợi những nội dung mới trong “mở cửa”, quan hệ quốc tế của đất nước và nhân dân ta, như: “Bí quyết của sự phồn vinh”, “Bạn bè đến và đến với bạn bè”... Ngày 2-10-1989, bài báo “Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” của ông đã tạo nên sức hút lớn với nhiều đối tượng bạn đọc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết thư khen:

Gửi các đồng chí Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Sau Nghị quyết Trung ương 7, có một số cán bộ sợ ta nói mạnh, lên án Mỹ thì họ sẽ không làm ăn với ta và cản trở các nước tư bản khác nữa. Bài báo “Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa" của Tuấn Minh đã giải đáp rất rõ, rất đúng với những e ngại trên. Gửi lời hoan nghênh Tuấn Minh, hoan nghênh Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân từ sau Hội nghị Trung ương 7 đã có một số bài viết tốt.

Thân ái

Nguyễn Văn Linh.

Đặc biệt, với trách nhiệm của người lãnh đạo báo chí, Thiếu tướng Trần Công Mân đã dành nhiều tâm huyết vừa nhìn lại và nhìn về phía trước của con đường phát triển báo chí Việt Nam. Ông hiểu và tán đồng với việc cổ vũ, ca ngợi, thậm chí có lúc "tô hồng" của báo chí trong chiến tranh, nhưng trong thời bình, thời đổi mới phải phát huy sự khách quan, trung thực, phải thực hiện yêu cầu của Đảng: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, không thể một chiều, không thể để báo chí tồn tại như một tờ công báo. Tuy nhiên, ông cũng nhìn rõ những khó khăn, lực cản mà báo chí phải đối diện. Ông viết: “Không dễ dàng khi báo chí đại diện cho công luận”, “Thông tin: Băn khoăn về những điều “nên” và không nên”, “Thông tin, khó thật”... Ông tấn công vào sự trì trệ, công thức và nhàn nhạt của báo chí và những bài viết như thể “nói thẳng, nói thật” với đồng nghiệp: “Báo chí cần có “cái để đọc”, “Tính chân thật, tính chính xác của báo chí”, “Uy tín bắt nguồn từ phẩm chất nhà báo”... Ông xới lật lại những điều tưởng chừng như đơn giản mà sâu sắc: “Từ người tốt, việc tốt đến nhân tố mới còn là khoảng cách” , “Nghĩ về một lời chúc “báo có nhiều kẻ thù”... Ông suy nghĩ: “Tổng biên tập phải là một nghề” và phân tích một tổng biên tập giỏi thì phải được lòng cả 3 cấp: Thứ nhất là cấp trên (được lòng mà không phải là xu nịnh); thứ hai là anh em trong tòa soạn; thứ ba là quần chúng. Trong đó, ông nói điều rất day dứt trong ông về việc có nhiều bài viết, có nhiều số báo được cấp trên khen nhưng ý kiến dân thì sao?

Vị tướng yêu hòa bình

Phẩm chất và bản lĩnh kiên định cùng phương pháp báo chí sáng tạo của Thiếu tướng Trần Công Mân đã giúp ông và các cơ quan báo chí mà ông phụ trách luôn có sức chiến đấu, trở thành những cơ quan đi đầu trong đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước.

20 năm làm chiến sĩ và chỉ huy đơn vị chiến đấu, hơn 30 năm làm lãnh đạo Báo QĐND và Hội Nhà báo Việt Nam, ở vị trí nào Thiếu tướng Trần Công Mân cũng để lại những dấu ấn sâu đậm. Nhiều đơn vị và Binh chủng Công binh ông từng phục vụ đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Báo QĐND được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và được phong các danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Trần Công Mân (hàng đầu), Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tiếp bà Merle Rather, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia năm 1986. Ảnh tư liệu

Với cá nhân ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Hơn một phần ba thế kỷ làm báo, đồng chí Trần Công Mân vừa là một người phụ trách cơ quan báo chí quân đội có bản lĩnh vững vàng, vừa là một nhà báo sắc sảo, có uy tín”. Người lãnh đạo báo chí cùng thời với Thiếu tướng Trần Công Mân-nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam-khen ngợi ông là “một người lính kiên trung, một cây bút sắc sảo”. Với các đồng đội lớp trước lớp sau, ông là người chỉ huy, người thầy dũng cảm, công tâm, sáng suốt, người thuyền trưởng trong bão gió thời cuộc, là thần tượng trong nghề báo. Các nhà báo quốc tế từng làm việc, tiếp xúc với ông thì xem ông như một người “phát biểu chính thức của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Phóng viên một cơ quan báo chí Hoa Kỳ nhận xét về Thiếu tướng Trần Công Mân: “Tướng của các ông yêu hòa bình và nhân hậu ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các ngài chiến thắng nên dễ gác lại quá khứ, hướng tới tương lai hơn chúng tôi. Tướng lĩnh mà ủng hộ bình thường hóa quan hệ với kẻ thù cũ thì sẽ tạo nên sự thay đổi lớn”. Một đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, chị Merle Ratner rất cảm phục và nói nhiều điều về ông. Có thể tóm tắt 3 điều chủ yếu: Thứ nhất, ông có cách tiếp cận rất duy vật biện chứng, nhờ đó cho phép ông thấu hiểu cả động thái và bản chất của các vấn đề và mâu thuẫn. Thứ hai, những đánh giá của ông dựa trên cơ sở những điều có lợi cho cách mạng và nhân dân mà không thể hiện sự tư lợi hoặc chủ nghĩa cá nhân. Thứ ba, ông là người theo chủ nghĩa quốc tế, hiểu rõ tầm quan trọng của tình đoàn kết giữa các dân tộc và phong trào quốc tế như là một bộ phận khăng khít của công cuộc phát triển của Việt Nam.

Với những cống hiến đặc sắc trong sự nghiệp cách mạng và báo chí cùng sự lan tỏa cảm hứng từ bản lĩnh, trí tuệ của ông, Thiếu tướng Trần Công Mân là đại diện tiêu biểu của thế hệ người làm báo và lãnh đạo báo chí của Đảng và quân đội vượt lên mọi khó khăn, thách thức của những thời kỳ đầy biến động của cách mạng và đất nước. Theo chúng tôi, chúng ta hoàn toàn có thể gọi ông là một danh tướng báo chí.

MẠNH HÙNG