Kèm theo tin, anh Long chụp bài thơ “Mùa sau” và ảnh báo minh họa cảnh tôi cùng đồng nghiệp ngồi trên chiếc ghe lướt trên sông Hậu để đến thăm Khu du lịch sinh thái Cồn Tiên. Song, điều tôi vừa giật mình, vừa trân trọng là lời tâm sự chân thành của anh: “Theo Long, trong bài “Mùa sau”, nếu câu 3: “Anh xích gần em ấm nóng”, Vinh sửa thành “Nghiêng anh về em ấm nóng” thì câu thơ hồn nhiên, thi vị hơn, vì dòng trên là “Chiếc ghe rẽ sóng chòng chành”, chứ không phải do anh chủ động “nghiêng về em” (mặc dù có lẽ Vinh cũng thích thế!”.

Tôi nhắn tin gửi anh: “Bái phục sự góp ý vừa trí tuệ, vừa thực tiễn của Long”.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy, số 181, năm 1993 (từ năm 1996 là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần). Ảnh tư liệu

Câu chuyện nhỏ nhưng đầy thi vị ấy làm tôi suy nghĩ miên man về sự tác động của thi ca nói riêng và của báo chí nói chung đối với bạn đọc trong việc bồi đắp tâm hồn hướng về chân-thiện-mỹ, nhân lên tình yêu con người và cuộc sống. Tôi thầm cảm ơn Báo QĐND đã ngày càng coi trọng tuyên truyền mảng văn hóa-văn nghệ trên các ấn phẩm, nhất là trên Báo QĐND Cuối tuần, thể hiện sinh động quan điểm của Đảng ta: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Tôi nhớ rất rõ, tháng 6-2019, Ban biên tập Báo QĐND tổ chức cuộc gặp mặt thân mật các cộng tác viên thường xuyên của ấn phẩm QĐND Cuối tuần. Trong không khí thân tình, cởi mở đó, tôi mạnh dạn nêu kiến nghị: Nên chăng mở rộng cột thơ cho tương xứng cột văn, hiện chỉ có một cột, trong khi cột văn học thì dành cả trang. Về hình thức, nên chăng khi đăng chùm thơ của một tác giả, cần có ảnh chân dung 4x6cm kèm vài dòng giới thiệu nghề nghiệp và nơi công tác, để bạn đọc thấy được là tờ báo này không chỉ dành riêng cho quân đội mà còn có sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân yêu mến tờ báo mang tên QĐND.

Tôi những tưởng ý kiến ấy chỉ “thoảng qua”, nhưng tuần sau đó, tôi được thông báo rằng Phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần đã đề nghị Ban biên tập xem xét, cho tổ chức thực hiện nhiều ý kiến đích đáng trong cuộc gặp mặt cộng tác viên tuần trước. Ban biên tập cũng chỉ thị đồng chí Trưởng phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần cần làm ngay một trong những việc trọng tâm: Từng bước mở rộng diện tích đăng thơ, từ 1 cột mở ra 2 cột, dần dần thành 3 cột; và đăng kèm ảnh tác giả thơ cùng mấy dòng “trích ngang” tiểu sử. Tôi nể phục sự cầu thị của lãnh đạo báo vì sau gần một năm tiếp tục đổi mới ấn phẩm này, nhiều ý kiến góp ý của cộng tác viên đã được tiếp thu và thể hiện rõ nét trên nhiều trang báo.

Đầu thu 2019, QĐND Cuối tuần đăng bài “Một bài thơ, một mối tình Việt-Pháp”, nói về sự nghiệp thi ca của nhà thơ đầu đàn Nguyễn Đình Thi (kèm bài thơ “Nhớ”). Nhân lúc giao mùa cuối hạ sang thu, tôi được đọc bài “Trò chuyện với Sang thu”, viết về một trong những bài thơ hay của nhà thơ Hữu Thỉnh. Dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 / 19-5-2020), báo dành cả trang đăng 4 chùm thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật-“Người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ”, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Tiếp sau số đó là trang thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người được Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật từ đợt Nhà nước tiến hành phong tặng đầu tiên.

Bên cạnh việc giới thiệu những nhà thơ lớn, QĐND Cuối tuần cũng thường xuyên coi trọng đăng những bài phê bình văn, thơ của các tác giả, không chỉ trong lực lượng vũ trang mà cả những người ở ngoài quân đội, như bài của các giáo sư: Hà Minh Đức, Phong Lê, Đinh Xuân Dũng; các phó giáo sư: Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thanh Tú, Phạm Quang Long, Lưu Khánh Thơ, Tôn Phương Lan… được báo giới thiệu đan xen, trân trọng. Cùng với đó, báo còn dành phần thích đáng giới thiệu một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu trên thế giới. Tôi thích thú khi đọc bài “Lãnh tụ Stalin với các văn nghệ sĩ” đăng số báo 19-4-2020 với 8 mẩu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn: Các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như ở Liên Xô đều rất coi trọng văn học và thi ca, nhiều đồng chí đã dành thời gian đọc các tiểu thuyết tiêu biểu, các tập thơ của các nhà thơ lớn, bởi họ coi văn nghệ là một trong những công cụ xung kích của mặt trận tư tưởng-văn hóa.

leftcenterrightdel
Thư chúc mừng Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy ra số đầu tiên của Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, năm 1990.

Nhân đây, tôi có đôi điều cảm nghĩ về một số chuyên mục trên ấn phẩm này, đặc biệt “gương mặt” trang nhất. Tôi hoan nghênh báo duy trì thường xuyên chuyên mục “Sự việc và suy ngẫm”, đây có thể coi như mục “Xã luận”, bày tỏ quan điểm, chính kiến của ấn phẩm trước những vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; những bất cập trong cơ chế, chính sách; các chủ trương mới hợp lòng dân, ý Đảng… Tôi đánh giá cao quan điểm của Ban biên tập là: Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; vì vậy, những bài viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý” có sức hấp dẫn vì mang tính giáo dục, tính thuyết phục cao. Cùng với các vấn đề trọng tâm của tuần, ấn phẩm duy trì đều đặn “góc giải trí” ở trang Câu lạc bộ chiến sĩ, nhưng không rơi vào tầm thường mà gây được tiếng cười mang chất trí tuệ, thư giãn…

 Là người được lãnh đạo Báo QĐND xếp vào “cộng tác viên thân thiết”, tôi bày tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm và tình cảm nồng thắm của Ban biên tập đã dành cho tôi và nhiều đồng nghiệp. Tôi nghĩ, phải chăng đó là một trong những cội nguồn làm nên đội ngũ cộng tác viên tâm huyết, tập hợp được trí tuệ cả trong và ngoài quân đội, góp sức làm cho tờ báo đa dạng hơn, sinh động hơn, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc từ mọi vùng đất nước, mà câu chuyện anh Long ở Cần Thơ tôi kể ở phần đầu là một ví dụ điển hình?

PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH