Vị chỉ huy mưu trí, sáng tạo

Đại tá Hồ Hữu Lạn hiện sống cùng gia đình ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 87 nhưng dường như tuổi tác không làm giảm đi sự tinh anh của đôi mắt, sự hồng hào của màu da và đặc biệt trong ông luôn chứa chan một nghị lực, hoài bão.

Mới đây, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 TP Hà Nội, khu vực phía Bắc đã thống nhất đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đối với tập thể Trung đoàn 3 và một số cá nhân, trong đó có Đại tá, lương y Hồ Hữu Lạn khiến nhiều CCB-những người đồng đội của ông vô cùng phấn khởi.

Suốt chiều dài lịch sử thời kỳ chống đế quốc Mỹ, dải đất Trị Thiên (nay là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là minh chứng về một chiến trường ác liệt, gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang. Nơi ấy đã hun đúc nên nhiều tập thể và cá nhân điển hình cho công cuộc giải phóng dân tộc, trong số đó có Hồ Hữu Lạn. Ông là một trong những vị chỉ huy trí tuệ, mẫn cán, đã góp phần tạo nên những chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên chiến trường Trị Thiên. Ông tâm sự: "Vẫn biết lằn ranh sinh tử mong manh, tích tắc nhưng không được dừng lại, không được quay đầu vì hai chữ Tổ quốc thiêng liêng gấp bội trong trái tim, khối óc người chiến sĩ. Và 9 chữ hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đích đến tuyệt đối của cả dân tộc Việt Nam ta: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

leftcenterrightdel

Đại tá Hồ Hữu Lạn ký sách tặng bạn đọc. 

Trong suốt thời gian tham gia kháng chiến, ông không quản hiểm nguy, trực tiếp thị sát để nắm tình hình địch-ta, luôn có mặt tại trận địa và chủ động đề xuất, bàn bạc trong lãnh đạo, chỉ huy nhằm tìm ra phương án tác chiến bảo đảm chiến thắng, nhưng vẫn bảo toàn được lực lượng. Khi đã nắm chắc, chắc thắng mới đánh, hạ quyết tâm giành thắng lợi là phương châm điều hành, hành động của chỉ huy Hồ Hữu Lạn. 

Cựu chiến binh Hồ Hữu Lạn từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào (từ năm 1964 đến 1966), chiến trường Bắc Quảng Trị và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở TP Huế. Ở các cương vị chỉ huy từ cấp đại đội đến trung đoàn, ông đều thể hiện sự xuất sắc. Cụ thể, trên cương vị đại đội trưởng, ông đã chỉ huy đơn vị diệt gọn trung đội thám báo Mỹ, quét sạch địa bàn, làm cơ sở cho Đoàn 8-Sông Lô củng cố lực lượng, tiếp tục chiến đấu. Đây là chiến công có ý nghĩa rất quan trọng, đánh bại thủ đoạn nguy hiểm của Mỹ, dùng thám báo đánh phá hậu phương ta.

Khi là tiểu đoàn trưởng, ông chỉ huy một trận đánh có hiệu suất cao trong Chiến dịch Nam Lào, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng một cánh quân của Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến vào năm 1971 bằng việc nắm chắc thời cơ, sử dụng hỏa lực và bộ binh hợp lý, tổ chức tấn công, truy kích bao vây diệt địch. Năm 1972, trên cương vị phó trung đoàn trưởng, ông cùng các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 tổ chức đánh địch trên Đường 12-Động Tranh. Tháng 5-1974, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 được giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Đắk Pét (Kon Tum). Tiếp đến, từ tháng 7 đến tháng 12-1974, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 phối hợp với Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công giải phóng chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam); kiên cường phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức trước sự phản kích điên cuồng, quyết liệt của sư đoàn dù quân ngụy.

Trong lời giới thiệu cuốn hồi ký "Trung đoàn-Một thời chiến trận", xuất bản lần đầu tiên năm 2012 của Đại tá, lương y Hồ Hữu Lạn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: "Trên cương vị trung đoàn trưởng, Đại tá Hồ Hữu Lạn đã có công lớn cùng tập thể Đảng ủy, thủ trưởng Trung đoàn 3 chỉ huy đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến công xuất sắc của Trung đoàn 3 mà đồng chí Lạn làm trung đoàn trưởng trong trận Đắk Pét và Chiến dịch Nông Sơn-có ý nghĩa rất lớn cả về chiến thuật, chiến dịch trong bước phát triển mới của cuộc chiến-tạo đà, tạo thế, tạo tiền đề và tạo niềm tin vững chắc cho một thời kỳ mới-tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam". Sau này, nghệ thuật phòng ngự ở Thượng Đức của quân và dân ta trở thành tài liệu phục vụ công tác giảng dạy trong các nhà trường Quân đội. 

Trải qua những năm tháng chiến đấu, Đại tá Hồ Hữu Lạn được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba. Sự đóng góp quý báu vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đại tá Hồ Hữu Lạn cho đến nay vẫn được đồng đội, tổ chức nhắc đến với tinh thần trân trọng, tôn vinh. Như nhận xét của Ban liên lạc Hội CCB Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 TP Hà Nội, khu vực phía Bắc: “Đồng chí Hồ Hữu Lạn chỉ huy chiến đấu từ trung đội đến trung đoàn, luôn nắm chắc nhiệm vụ, chủ động, mưu trí, sáng tạo, quyết đoán trong những thời khắc nhiệm vụ khó khăn, được lãnh đạo, chỉ huy cấp trên tin tưởng, yêu mến, cán bộ, chiến sĩ tin yêu. Đồng chí là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, luôn tạo thế, chắc thắng mới đánh, hạn chế thương vong của chiến sĩ”.

Một lương y tận tình, nhân đức

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một quân nhân, ở tuổi ngoài 60, Đại tá Hồ Hữu Lạn lại chinh phục một đỉnh cao khác là chữa bệnh cứu người và sống đời từ tâm, nhân đức. Từ năm 2000 đến 2002, ông học tại Trường Trung học dân lập Y học cổ truyền Hà Nội (nay là Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội). Khi được hỏi về động lực để làm nghề thầy thuốc, ông chia sẻ: "Động lực chính là xuất phát từ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Mọi người chúng ta, ai làm được điều gì tốt, có lợi cho dân, cho nước thì cố mà làm". Quả thật đáng trân trọng bởi ông luôn mang tâm nguyện còn sống là còn cống hiến cho đất nước, cho nhân dân bằng những việc làm hữu ích, thiết thực, một cách trọn nghĩa vẹn tình.

leftcenterrightdel
Đại tá Hồ Hữu Lạn (thứ hai, từ trái sang) và đồng đội trong cuộc gặp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2023). 

Trong hai năm đèn sách Đông y, thấm nhuần tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông đã áp dụng phương pháp tứ chuẩn trong chữa bệnh, gồm: “Vọng là nghe nhìn, văn là nghe ngửi, vấn là hỏi han về bệnh tật, thiết là bắt mạch” và xác lập các quan hệ tương sinh, tương khắc của ngũ hành, quan hệ cân bằng âm-dương, thủy-hỏa là đường lối chữa bệnh y học cổ truyền, là những lý luận về y lý rất phong phú. Chính ông đã thừa nhận rằng “phải nghiên cứu, chiêm nghiệm nhiều lần mới hiểu, mới vận dụng được. Hiểu được lý luận đã khó, vận dụng được lý luận là rất khó. Người thầy thuốc nắm sinh mệnh của con người, phải có tâm, thận trọng trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoạt động chữa bệnh”.

Ông đã chữa được các bệnh thận, gan, xương khớp, tâm tỳ, phong đau, zona, tiền đình, thai sản hiếm muộn... Hàng nghìn người khi tìm đến ông đều được khám bệnh, bắt mạch, tư vấn, kê đơn thuốc cẩn thận. Hồ sơ bệnh án được ông ghi chép, lưu giữ đầy đủ. Trong số người bệnh đến khám, có không ít người là đồng chí, đồng đội và người nghèo khó khắp mọi miền Tổ quốc. Ông không những không lấy tiền mà còn dành nhiều tình cảm đặc biệt với mong muốn góp phần bù đắp sự mất mát, nỗi vất vả cho người trong cuộc để tạo động lực giúp họ bước tiếp về phía trước. 

Khi tôi hỏi chuyện bao giờ ông bàn giao nghề thầy thuốc, lương y Hồ Hữu Lạn nở nụ cười tươi, thân thiện đáp: Đông y là nghề gia truyền nên con cháu ông đã và đang tiếp nối rất tích cực, hiệu quả. Hơn 20 năm hành nghề y, ông đã gặt hái nhiều quả ngọt, đó là uy tín và niềm tin trong lòng nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng cựu chiến binh Hồ Hữu Lạn vẫn đau đáu nhớ thương, tri ân đồng bào, đồng chí một thời máu lửa xông pha, quên thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Việc ông quyết tâm học và hành nghề y khi trở về với đời thường cũng chính là để xoa dịu, bù đắp nỗi niềm đau đáu ấy...

TS NGUYỄN THỊ SỬU