Thôn Khánh Tường, một làng nhỏ thuộc vùng muối đầm Vua, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của anh Bùi Hóa. Tháng 8-1979, chàng trai 19 tuổi lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. 4 năm sau, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương. Rời quân ngũ nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vừa sum họp với vợ con xong, anh bắt tay ngay vào việc mưu sinh là làm rẫy phụ giúp kinh tế gia đình.

Ngày ấy, như bao người dân trong làng, anh trồng lúa, bắp, đậu tưới bằng nước trời, hùng hục làm đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu trước hụt sau. Để tăng thu nhập, anh nuôi thêm một con bò cái, sau nhiều năm sinh sản tăng thành đàn 10 con. Nhờ địa hình gần núi và có cánh đồng cỏ đầm Vua dồi dào, chăn nuôi bò ở Khánh Tường phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, năm 1993, vùng đầm Vua được đầu tư cải tạo thành cánh đồng muối. Cỏ không còn nữa, chăn nuôi cũng dần lụi tàn. Theo xu thế mới, Bùi Hóa bỏ nghề chăn nuôi, xin vào làm công nhân Xí nghiệp liên doanh Muối Đầm Vua.

Sau một thời gian làm ở xí nghiệp, anh Hóa nghỉ việc và đem theo những kiến thức tiếp thu được về trực tiếp điều hành sản xuất muối tại gia đình. Theo lời anh, trước đó, vào năm 1994, anh đã khai hoang 5 sào đất làm muối và giao cho vợ con canh tác. Hồi đó chân ướt chân ráo vào nghề sản xuất muối, những ngày đầu, anh và vợ con còn thiếu kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, giá muối lại thấp nên dù làm lụng vất vả cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình.

Không cam chịu đói nghèo, anh đi đến nhiều nơi làm muối tìm hiểu thêm, cộng với kinh nghiệm học hỏi được trước đó, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Hóa tâm sự: “Thật ra, khi còn làm ở Xí nghiệp liên doanh Muối Đầm Vua, tôi may mắn học được nhiều cách làm mới từ vị giám đốc kỹ thuật. Rồi lại được tiếp cận phương pháp làm muối của các diêm dân, tôi đúc kết thêm một số kinh nghiệm hay để vận dụng vào thực tế”.

Theo anh Hóa, khi vỡ ruộng muối, việc đầu tiên là phải biết nguồn nước nào có nồng độ muối cao, nước bơm từ giếng sâu thường có muối lắng đọng, nồng độ cao nhưng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn, còn quan trọng vẫn là lấy nước biển vào ruộng. Vị trí ruộng muối phải chọn ở gò cao, dù không thuận tiện bơm dẫn nước bằng chỗ đất thấp nhưng lợi hơn vì dễ đón nhiều nắng gió, nước mau bốc hơi nên cho năng suất, chất lượng muối cao hơn. Ngoài kỹ thuật kết tinh muối từ ruộng trải bạt (còn gọi là kỹ thuật làm muối sạch), anh Hóa còn có kỹ thuật rải bùn trên nền đất rồi cho máy pha nhuyễn, quay trộn đều xong cho lăn đầm bề mặt ruộng (còn gọi là làm da). Với kỹ thuật này, muối kết tinh trong ruộng trắng tinh chẳng thua gì muối sạch.

Sau nhiều năm kiên trì cải tiến sản xuất, kinh tế gia đình anh đã có thu nhập ổn định hơn và tích lũy được ít vốn. Khoảng những năm 1995-1996, muối bắt đầu có giá cao, 1 tấn muối tương đương 1 chỉ vàng. Anh Hóa nhớ lại, hồi đó làm ra muối còn lẫn bùn nhưng thu hoạch bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu vì nhu cầu thị trường rất lớn. Tranh thủ thời cơ, với số vốn tiết kiệm có được cộng với tiền vay ngân hàng, anh đầu tư mở rộng diện tích sản xuất muối lên đến 4ha.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Bùi Hóa thu hoạch đống muối trắng đầu mùa. 

Từ vùng đất nghèo nhiễm mặn, qua nhiều năm chịu thương chịu khó làm ra hạt muối, gia đình anh Hóa trở thành hộ gia đình vào hạng khá giả trong làng. Hiện nay, sản lượng thu hoạch muối của gia đình anh trung bình khoảng 1.500 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 400 triệu đồng/năm. Theo anh Lê Văn Tự, Chủ tịch Hội CCB huyện Ninh Hải, điều đáng nói ở người CCB này là không chỉ làm giàu từ hạt muối quê hương mà quan trọng hơn, khi ăn nên làm ra, anh Hóa không quên đồng đội. Từ đồng muối của mình, anh Hóa giải quyết việc làm thường xuyên cho 15/19 hội viên Chi hội CCB thôn Khánh Tường với mức thù lao thường xuyên 350.000-400.000 đồng/ngày công và tạo công việc thời vụ cho khoảng 15-20 lao động trong làng.

Trước kia, để giảm bớt chi phí sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong thôn, anh Hóa áp dụng mô hình vần đổi công với 7 hộ gia đình làm muối. Từ năm 2010, để giúp đồng đội cũ có cơ sở làm ăn, anh thành lập tổ hợp tác sản xuất muối bằng hình thức khoán đất (trung bình 1 sào/người) cho hơn 10 hội viên. Mọi chi phí lớn trong sản xuất do anh bao hết, còn chi phí lặt vặt tự mỗi người nhận khoán chịu. Sản phẩm làm ra ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận (thường là 5/5). Mô hình hợp tác này giúp một số hội viên CCB trong làng như anh Bùi Ngọc, Bùi Hòa ổn định cuộc sống gia đình, dành dụm được vốn để tạo ruộng muối riêng.

Ngoài ra, anh Hóa còn tận tình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm có được trong quá trình sản xuất cho anh em hội viên CCB và người dân trong làng để cùng nhau áp dụng cải thiện mô hình sản xuất, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Anh Lê Lượm, Nguyễn Nhỏ-những hội viên CCB gần gũi với anh Hóa chia sẻ: “Trước đây không có đất, nhờ anh Hóa giao đất phần trăm mà chúng tôi có việc làm ổn định, giúp vợ con thoát nghèo”. Anh Nguyễn Khắc Hữu, Chủ tịch Hội CCB xã Tri Hải cho biết: “Không chỉ sống nghĩa tình với đồng đội, CCB Bùi Hóa còn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng tham gia đóng góp cho các cuộc vận động quyên góp của xã, thôn”.

Nhận thức được trách nhiệm của người lính trở về, anh Hóa thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên CCB gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Riêng anh đi đầu đóng góp vào các chương trình như: Lắp bóng đèn điện năng lượng mặt trời thắp sáng đường quê, xây dựng tuyến đường hoa kiểu mẫu, tuyến đường cờ... Anh còn tích cực tham gia phong trào giữ gìn an ninh trật tự, các hoạt động xã hội trong thôn. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn xã Tri Hải, với trách nhiệm Tổ phó tổ bầu cử số 9, anh đã tham gia nhiệt tình, xuyên suốt trước, trong và sau cuộc bầu cử, được Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải tặng Giấy khen.

Với hoạt động sản xuất muối và đóng góp trong công tác xã hội, đặc biệt là hỗ trợ tạo việc làm thắm tình đồng đội, hằng năm, anh được bình chọn là hội viên CCB làm kinh tế giỏi cấp huyện và tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, anh được Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và Hội CCB huyện Ninh Hải tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc thực hiện 5 năm Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lần thứ V. 

Theo ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng ban Xây dựng hội (Hội CCB tỉnh Ninh Thuận), anh Hóa đang là thành viên Câu lạc bộ CCB-cựu quân nhân làm kinh tế tỉnh Ninh Thuận, với chức danh Chi hội phó Chi hội 2 của câu lạc bộ. Cuối tháng 8-2023, anh được Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong 5 năm (2019-2023) xây dựng và hoạt động của câu lạc bộ trên. Cũng trong thời gian này, anh là hội viên duy nhất ở cơ sở được mời tham gia đoàn cán bộ Hội CCB tỉnh Ninh Thuận đi dự Tọa đàm “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025” tổ chức tại Đà Nẵng.

Trở về từ chiến trường, vươn lên nhờ vượt khó, nghĩa tình với đồng đội, CCB Bùi Hóa luôn được coi là tấm gương tiêu biểu giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ ở địa phương. 

Bài và ảnh: BẠCH THƯƠNG