Trong 8 bản của xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân thì bản Đục là xa nhất. Nơi đây có một tổ công tác của Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân. Từ đồn vào bản Đục phải vượt qua 20km đường đèo dốc.

Trong chuyến về Bát Mọt công tác, tôi được Thượng tá Lê Đình Quý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Mọt cùng Thượng tá Lê Huy Hiếu, Chính trị viên của Đồn giới thiệu vào bản Đục để tìm hiểu về những người dân tham gia bảo vệ cột mốc biên giới. Và cũng tại đây, tôi đã gặp một chiến sĩ biên phòng thầm lặng bám vùng biên. Câu chuyện về anh đã làm sáng lên trong tôi về hình ảnh người lính lặng lẽ với những việc làm giản dị, ẩn giấu những bản lĩnh kiên cường.

Trong căn nhà sàn của ông Lang Văn Chuẩn, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ, Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Bát Mọt giới thiệu với chúng tôi Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng tại bản Đục-Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông. Anh Vuông hẹn chúng tôi đến gia đình ông Lang Văn Chuẩn, một người tích cực tham gia bảo vệ cột mốc biên giới. Ông Lang Văn Chuẩn sinh năm 1964, là người tham gia bảo vệ các cột mốc 356, 357, 358 trên địa bàn bản Đục từ nhiều năm nay. Trong đó cột mốc 358 là cột phân giới giữa Thanh Hóa với Nghệ An, bên kia là đất Lào, khu vực giáp ranh nên các loại tội phạm thường hay lợi dụng.

Người dân trong bản Đục 100% là người dân tộc Thái. Bộ đội và nhân dân ở đây là một, nhất cử nhất động quân và dân đều đồng lòng nhất trí. Suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm của vùng đất này không khi nào vắng bóng các chiến sĩ biên phòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cả bộ đội và nhân dân, bám chân vào mảnh đất giáp biên và cận kề với tỉnh bạn, đến giờ là thế hệ những người như Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông và ông Lang Văn Chuẩn.

Anh Vũ Xuân Vuông được coi như người con của bản Đục. Năm nay anh đã gắn bó với xã Bát Mọt 21 năm. Những ngày đầu tiên lên với bản Đục của anh Vuông thật đáng nhớ.

Đầu thập niên 2000, tình hình biên giới tại bản Đục khi ấy báo hiệu những diễn biến phức tạp, phỉ có một số hành động quậy phá, khiêu khích. Trâu bò của người dân đi ăn qua khu vực biên giới bị bắn chết. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo kịp thời của trên, Đồn Biên phòng Bát Mọt cho triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình, lập 3 chốt để bảo vệ. Thời điểm đó anh Vuông vừa về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Bát Mọt thì được biên chế vào tổ công tác Na Tiêm đóng tại bản Đục. Tổ được trang bị máy vô tuyến, ngày hai lần báo cáo tình hình về Đồn. Dạo ấy, Vũ Xuân Vuông đã nằm trực chiến ở bản Đục 49 ngày mới về Đồn nên gắn bó rất thân thiết với ông Chuẩn. Kỷ niệm đầu đời lính ấy như một điểm nhấn trong suốt quãng đời quân ngũ của anh.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông (ngoài cùng, bên phải) luôn nặng lòng với mảnh đất biên cương. Ảnh: PHÚ HÒA 

Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông dáng người thanh mảnh, nổi bật với chiếc trán dô có phần bướng bỉnh. Khi chúng tôi đến nhà ông Lang Văn Chuẩn theo hẹn thì anh Vuông đang ngồi một mình bên cửa sổ tầng hai nhà sàn, điềm nhiên như chủ nhà. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với ông Chuẩn, một người dân tộc Thái kiệm lời, thi thoảng, anh Vuông vẫn nói đỡ hoặc diễn đạt cho rõ ý ông Chuẩn muốn nói.

Anh Vuông sinh năm 1979, quê ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). 20 tuổi, Vuông đăng ký thi vào Học viện Biên phòng, nhưng bị thiếu 1,5 điểm, không đủ điều kiện khoác lên vai đôi quân hàm học viên màu xanh. Không đạt nguyện vọng trở thành sĩ quan biên phòng, nhưng Vuông vẫn có mặt trong lực lượng biên phòng rất tình cờ.

Năm ấy, anh trai của Vuông có giấy gọi nhập ngũ nhưng lại đi làm ăn xa. Thế là Vuông xin được đi khám nghĩa vụ quân sự. Thấy có một chỉ tiêu nhập ngũ vào BĐBP, Vuông đã trình bày nguyện vọng với cán bộ tuyển quân và được toại nguyện.

Vào lực lượng biên phòng, Vuông được cử đi học Trường Trung cấp Pháp lý tỉnh Thanh Hóa, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Bát Mọt năm 2003. Năm 2005, Vuông cưới vợ. Hiện nay, vợ chồng anh ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Từ Đồn Biên phòng Bát Mọt xuống thị trấn huyện cũng 60km, còn nếu tính từ bản Đục nơi anh cắm chốt thì thêm 20km nữa.

Ngoài việc xa xôi, bản Đục cũng là một trong 3 bản nghèo của xã Bát Mọt. Ngồi trên sàn nhà ghép gỗ của ông Lang Văn Chuẩn, khi trời dần buông trên những thửa ruộng trải dài vào chân núi, tôi hỏi Vuông:

- Trong 21 năm gắn bó với Bát Mọt, việc đối mặt với các loại tội phạm có bao giờ khiến anh nản lòng, chùn bước?

Từ đầu câu chuyện Vuông nói năng dứt khoát, diễn đạt khúc chiết, mạnh mẽ, ngắt câu nhả chữ đúng chất nhà binh, đến lúc này mới có vẻ hạ tông giọng một chút, nhẹ nhàng hơn, bớt đi độ cương cường. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, Vuông bảo:

- Chắc các anh không biết tôi là thương binh...

Thế là câu chuyện tưởng như sắp khép lại mở sang một trang mới. Vuông kể cho chúng tôi nghe về lịch sử vết thương trên người anh.

Năm 2019, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa triển khai chuyên án ma túy tại bản Đục. Vuông là thành viên trong chuyên án ấy. Khi đang tiếp cận và khống chế các đối tượng vận chuyển ma túy tại khu vực cột mốc 358, đồng bọn giấu mặt của chúng từ bên kia biên giới bất ngờ nổ súng bắn xối xả vào các chiến sĩ biên phòng. Thiếu tá Vi Văn Nhất bị thương nặng nhất, đã hy sinh trên đường đi cấp cứu. Còn lại Vũ Xuân Vuông và Nguyễn Bình Minh được đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sau khi ra viện về Đồn, khi tổ chức hỏi về nguyện vọng, anh đã xin được tiếp tục về với bản Đục, ở với bà con vùng biên nơi góc trời biên giới. Vuông bảo rằng, sự cố khiến anh phải đóng 6 chiếc đinh trong mắt cá chân, cứ 6 tháng khám lại một lần, hiện vẫn còn 3 chiếc đinh chưa tháo. Anh bị mất 32% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Từ ngày đóng đinh, hai chân Vuông không đều nhau, chạy bộ tầm 10 phút là đau. Trước Vuông có thể chơi thể thao, bóng chuyền hay vận động mạnh, nhưng từ ngày bị thương, anh không dám chơi các môn như vậy nữa, chỉ tập nhẹ nhàng.

Thật lạ là khi chúng tôi làm việc với chỉ huy Đồn Biên phòng Bát Mọt, cả Đồn trưởng Lê Đình Quý và Chính trị viên Lê Huy Hiếu đều không nói gì đến câu chuyện của Vuông và đồng đội. Việc giới thiệu chúng tôi vào bản Đục cũng chỉ là để gặp những người dân đồng hành với BĐBP nơi vùng biên mà thôi. Có lẽ các anh coi việc trấn áp tội phạm, sự vất vả, hy sinh là cái lẽ đương nhiên của người lính, chẳng có gì phải quan tâm hay kể lể. Phía sau mỗi người lính biên phòng là gia đình, cha mẹ, vợ con họ. Mỗi biến cố xảy ra với bản thân họ sẽ tác động đến những người thân và những người thân cũng sẽ tác động lại họ. Những biến cố cũng giống như giấy quỳ thử bản lĩnh của mỗi người lính và gia đình.

Câu chuyện của anh Vuông khiến tôi nhớ đến câu đùa vui của Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Thanh Hóa khi nói về những người lính Biên phòng: "Họ cùng với gia đình bảo vệ biên giới”. Câu nói ấy thật thấm thía qua những trường hợp cụ thể như câu chuyện của Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông.

Kể lại chuyện đã xảy ra, lý giải thắc mắc của tôi về việc anh đã lựa chọn tiếp tục lên biên giới, gắn bó với đơn vị và bà con bản Đục, anh Vuông bảo:

- Tôi tiếp tục ở đây để chứng minh rằng, dù thế nào thì lực lượng biên phòng cũng luôn đi đầu, để bà con vùng biên yên tâm bởi luôn có BĐBP bên cạnh.

Câu nói của anh Vuông khiến tôi cảm động. Tôi nhận ra sự tin yêu mãnh liệt màu xanh biên phòng trong anh. Câu chuyện của anh như làm sáng lên vùng biên vốn ảo mờ sương khói. Giữa sương mờ bản Đục, người lính ấy đã lặng lẽ thắp lên ngọn lửa tin yêu trong nhân dân, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Ngồi trò chuyện với anh Vuông, tôi như quên thời gian. Chiều đã xuống rất thấp trên miền biên viễn, ngoài khung cửa nhà sàn, những ngọn núi đang chuyển dần sang màu lam hòa với màu trời. Chỉ nay mai thôi, cảnh sắc nơi đây sẽ náu vào biển sương mù dày đặc, náu vào mưa phùn gió bấc. Cũng thời gian ấy tội phạm ma túy rất hay lợi dụng để thực hiện những kế hoạch đen tối, những mưu đồ vận chuyển “cái chết trắng” qua biên giới. Những người lính như anh Vuông và đồng đội lại tiếp tục bám bản, bám dân, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy. Họ như những đôi mắt thức ẩn trong ma trận sương mù.

Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY