Cây vầu, cây luồng từ lâu đã gắn với vùng đất Quan Sơn (Thanh Hóa), còn với Lang Chánh nó vẫn đang còn là câu chuyện của thì hiện tại mang đậm tính thời sự. Đi hết đất Quan Sơn vốn được coi là thủ phủ của cây vầu Thanh Hóa, tôi nhận thấy màu xanh của vầu Quan Sơn đang lấn dần sang Lang Chánh. Đem chuyện này hỏi lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Yên Khương (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), tôi được giới thiệu gặp Trung tá Lò Văn Cần với lời “lobby” rất khêu, rằng đó là “người nắm giữ cổ tích về cây vầu trên đất Yên Khương”.
Đất Quan Sơn vốn là thủ phủ của cây luồng, cây vầu, cũng là nơi chàng trai Lò Văn Cần đã sinh ra và lớn lên. Năm lên 8 tuổi thì mẹ mất, Cần phải vào rừng chặt cây, róc lá, phất ngọn, kéo xuống tập kết bên bờ suối, rồi đóng thành bè xuôi suối Hạ ra sông Lò về thị trấn Quan Sơn bán cho thương lái. Đã bao lần Cần một mình xuôi bè đi bán vầu, luồng. Mỗi bè như thế đóng từ 120 cây đến 200 cây. Ngày ấy, đồng tiền còn có giá, cây vầu cũng rẻ, chỉ ở mức 1.000 đồng đến 1.200 đồng một cây. Cả bè vầu bán cũng chỉ được hơn 100.000 đồng dắt lưng.
Bán bè xong lại lóc cóc đi bộ từ thị trấn về, tiền đưa cho bố để lo cuộc sống của gia đình. Dù đồng tiền kiếm được khó khăn, vầu, luồng sẵn trong rừng, nhưng để chặt mang về bán được tiền là biết bao mồ hôi, công sức. Cây luồng, cây vầu đã nuôi những chàng trai như Lò Văn Cần trên đất Quan Sơn lớn lên. Từ tiền bán vầu, anh mua sách vở, học tập, ôn thi và đỗ vào Học viện Biên phòng. Năm 2008, tốt nghiệp ra trường, Lò Văn Cần được điều về nhận nhiệm vụ tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa.
Trải qua những vị trí công tác khác nhau, kể cả việc đi tăng cường cho tỉnh khác, năm 2014, Lò Văn Cần về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Yên Khương. Năm 2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thực hiện chủ trương đưa cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã vùng biên. Đang là Chính trị viên phó của Đồn, Cần được điều động về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Yên Khương. Địa bàn cũ, nhưng vai trò mới, nhiệm vụ mới, đòi hỏi anh phải mất thời gian làm quen. Trong rất nhiều công việc phải làm, phải đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương thì việc tìm bài toán phát triển kinh tế, đưa cuộc sống của bà con vùng biên thoát nghèo, có sinh kế bền vững là nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ ấy luôn là trăn trở của anh và lãnh đạo xã Yên Khương.
Nhận thấy thổ nhưỡng của Yên Khương cũng tương đồng với đất đai dưới Quan Sơn quê mình, Cần nghĩ đến thế mạnh của quê anh với nghề trồng và khai thác cây vầu, nhớ về những ngút ngàn màu xanh phủ bóng tuổi thơ. Cây vầu quê anh giờ đây đã mang một hình hài mới, sắc màu mới. Sau nhiều cân nhắc, tính toán, tham khảo, ý tưởng đưa cây vầu về Yên Khương hình thành trong đầu người cán bộ biên phòng, anh đưa ra bàn với lãnh đạo xã. Không phải người dân Yên Khương không biết trồng vầu. Trước đó, tại xã đã có những hộ trồng thử nghiệm nhưng không thành công, đồng chí Vi Văn Thu, Phó chủ tịch UBND xã Yên Khương là người bản địa cũng đã tìm tòi triển khai mô hình cây vầu để động viên bà con phát triển, nhưng có lẽ vì cách làm chưa phù hợp nên chưa mang lại hiệu quả. Cần đã đặt lại vấn đề này và bàn với lãnh đạo xã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội của Yên Khương.
Không để nghị quyết nằm trên giấy, Trung tá Lò Văn Cần trực tiếp xắn tay đồng hành với địa phương để cải thiện tình hình. Anh về quê tìm hiểu lại một cách có hệ thống việc trồng và phát triển cây vầu. Sau đó anh bắt đầu lập hai vườn ươm cây giống, một vườn ngay tại nhà mình ở xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn quê anh, một vườn tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh nơi anh công tác. Hạt vầu từ những bụi vầu được thu hái để ươm trong các bầu. Ươm và chăm tưới theo kỹ thuật khoảng 15 đến 20 ngày, hạt vầu sẽ nảy mầm. Tiếp tục chăm sóc sau 4 tháng thì cây non phát triển thành cây giống có thể đem đi trồng được. Kỹ thuật làm đất, vào bầu, gieo hạt, chăm tưới được Cần học hỏi từ bà con địa phương và qua tài liệu xin của Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn. Số tiền đầu tư cho hai vườn ươm vào khoảng 40-50 triệu đồng đều từ nguồn tài chính cá nhân của Lò Văn Cần. Sản phẩm vầu giống làm ra một phần Cần xuất ra thị trường bán với mức giá 8.000 đồng một mầm, một phần Cần để hỗ trợ dự án phát triển cây vầu của Yên Khương với giá hữu nghị cho bà con 5.000-6.000 đồng một mầm để thu lại phí đầu tư, trong khi giá cây vầu giống trên thị trường tự do có nơi bán đến 20.000 đồng một cây.
|
|
Trung tá Lò Văn Cần (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn bà con kỹ thuật khai thác cây vầu. Ảnh: ĐÌNH TÚ
|
Xã lập dự án phát triển cây vầu tại Yên Khương, tổ chức vận động các hộ dân tham gia. Toàn bộ các thôn của Yên Khương đều được triển khai việc trồng vầu với mức hỗ trợ giống quy ra tiền là 15 triệu đồng một thôn, bản từ nguồn vốn của dự án. Việc trồng mới được bắt đầu từ 24 hộ với 22ha vầu giống mới. Khắp các thôn, bản của Yên Khương, bà con nhộn nhịp bàn tán về việc trồng vầu. Toàn vùng biên Yên Khương như được thổi luồng sinh khí mới.
Quyết tâm mang lại sức sống mới cho cây vầu tại Yên Khương, dưới sự kết nối của Trung tá Lò Văn Cần, xã đã tổ chức cho một số hộ nông dân về Quan Sơn tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, theo tinh thần cán bộ đi trước, làng nước theo sau, chính gia đình Phó chủ tịch UBND xã Vi Văn Thu đã tiên phong trồng mới 5ha vầu ngay ở thời điểm năm 2018. Gia đình Phó bí thư thường trực Lò Thanh Chung cũng triển khai trồng 3ha. Dần dần phong trào đã lan tỏa đến các hộ dân trong xã. Không chỉ trồng vầu từ nguồn giống hỗ trợ của xã, một số hộ dân Yên Khương còn tự học hỏi cách ươm giống câu vầu cung cấp cho thị trường. Từ đó, ở Yên Khương xuất hiện một thị trường xoay quanh cây vầu, từ vật tư, ươm trồng cây giống đến hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Có gia đình đã trồng vầu trên diện tích lớn như gia đình ông Hà Văn Quỳnh ở bản Chí Lý với 4ha; có gia đình lại mạnh về ươm cây giống xuất ra thị trường không chỉ cho bà con trong xã như gia đình chị Lữ Thị Bảy ở bản Bôn. Ngoài 4ha rừng vầu, chị Bảy còn tổ chức vườn ươm giống vầu, mỗi lứa xuất bán khoảng 3.000 cây giống.
Ở thời điểm cây vầu xuất nguyên liệu tốt đã cho người dân thu nhập 70-80 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, giá vầu hạ hơn thì mỗi hộ trồng vầu cũng thu về 50-60 triệu đồng/ha vầu trưởng thành trong một năm. Nhờ cây vầu, người dân Yên Khương cơ bản đã thoát nghèo. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của Yên Khương chỉ ở mức 8 triệu đồng/người/năm thì hiện nay, con số đã được nâng lên gần 40 triệu đồng/người/năm. Thu nhập nâng lên đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, đời sống nhân dân được cải thiện và ổn định. Một điều đáng mừng là sau những nỗ lực kết nối của chính quyền huyện Lang Chánh và tỉnh Thanh Hóa, một cơ sở sản xuất sản phẩm tre, luồng, vầu đã được xây dựng tại thị trấn Lang Chánh, góp phần giải quyết đầu ra cho cây vầu. Nhà máy sản xuất sản phẩm từ cây họ tre ứng dụng công nghệ cao cho xuất khẩu đã được Công ty Cổ phần Bamboo King Vina đầu tư xây dựng, hiện đang đi vào hoạt động như một bảo đảm cho vùng nguyên liệu rộng lớn còn nhiều tiềm năng tại huyện Lang Chánh, trong đó có vùng vầu Yên Khương.
Sau khi người dân gieo trồng, Trung tá Lò Văn Cần lại tiến hành hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc và khai thác hiệu quả rừng vầu. Cây vầu từ năm thứ ba mới trưởng thành, trong khoảng ấy sẽ sinh sản, đẻ măng, cần một thời gian để rừng vầu khép tán. Khi vầu cho khai thác, anh cũng hướng dẫn các hộ dân chỉ chặt, tỉa cây trưởng thành, để lại cây non nhằm bảo đảm sản phẩm đầu ra đạt chất lượng và cây non tiếp tục đẻ măng sinh cây mới. Cùng với việc trồng mới là công tác phục tráng rừng vầu tự nhiên trong xã, có những giải pháp hợp lý để tạo điều kiện, hỗ trợ cho cây vầu phát triển tốt nhất. Ở Quan Sơn quê anh, những vùng rừng tạp không mang lại hiệu quả, người dân đều cải tạo chặt, tỉa cây tạp trồng vầu thay thế, giờ mô hình ấy cũng được tuyên truyền thực hiện ở huyện Lang Chánh.
Câu chuyện của gia đình chị Lò Thị Năm là một ví dụ điển hình. Trước đây, nhà chị có 2ha keo, loại cây này mất 4-5 năm mới cho thu hoạch. Mỗi héc-ta thu được khoảng 40 triệu đồng, nhưng khai thác xong lại phải trồng mới quay vòng, tính ra thu nhập rất thấp, trong khi cũng diện tích ấy nếu trồng vầu cũng sau 4-5 năm là bắt đầu cho khai thác, thu nhập giá trị lớn hơn keo khoảng 1,5 lần. Và quan trọng là vầu có thể chặt, tỉa đều đặn hằng năm mà vẫn bảo tồn được gốc, mỗi gốc lại liên tục có thêm cây mới mọc thành bụi có vòng đời lên đến 60 năm mới phải trồng lại. Được anh Cần tư vấn và giải thích, chị Năm đã thay thế 2ha trồng keo sang trồng vầu để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Sau 3 năm, rồi 5 năm, màu xanh từ những rừng vầu đã dần lan rộng phủ bóng trên đất rừng Yên Khương. Từ 22ha đầu tiên được trồng năm 2018, diện tích trồng vầu ở Yên Khương đã tăng lên theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Đến nay, toàn Yên Khương đã có hơn 400ha vầu và còn tiếp tục tăng nữa. Dự kiến năm 2025, diện tích vầu ở Yên Khương sẽ đạt 600ha. Cổ tích về một vùng xanh biên cương đã rõ hình hài. Để cải tạo cảnh quan trong xã, thay vì trồng đường hoa, cây cảnh, Trung tá Lò Văn Cần bàn với lãnh đạo địa phương triển khai cung đường vầu dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới. Tới đây, khi rặng vầu này lên xanh, Yên Khương sẽ có một con đường vầu như một biểu tượng mới nơi biên thùy.
Dọc tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc quốc gia mà tôi có mặt, trùng điệp là những ngọn vầu đang trong quá trình sinh trưởng, từng ngọn uốn cong như trăm ngàn chiếc cần câu in trên nền trời. Chiếc cần câu là hình ảnh người ta hay dùng trong câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho bà con nông dân tại các vùng quê còn nhiều khó khăn để minh họa cho luận thuyết họ cần được trao chiếc cần câu thay vì con cá. Vâng! Chiếc “cần câu cơm” của người dân vùng biên Lang Chánh đã được nhìn thấy từ sớm, từ xa như thế. Miền cổ tích xanh nơi biên cương này cũng đã được bắt đầu như thế. Và ở nơi biên cương ấy, bà con các dân tộc luôn có những chiến sĩ biên phòng sát cánh như Trung tá Lò Văn Cần.
Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY