Lần đầu tôi gặp người đồng đội và cũng là đồng hương Hải Phòng Trần Đức Hưởng chính là hôm anh nhận quyết định lên đường làm nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Mỹ. Vóc người cao lớn, nước da rám nắng mạnh khỏe và giọng nói trầm, ngữ điệu ấm áp khi anh phát biểu và thể hiện sự quyết tâm trước thủ trưởng Bộ Quốc phòng khiến tôi vô cùng ấn tượng.
Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam (hiện đã nghỉ hưu) nói: “Đồng chí Trần Đức Hưởng là một trong những cán bộ tiêu biểu, đủ năng lực để giải quyết các vấn đề vì có kinh nghiệm thực tế, có kiến thức rộng. Đồng chí cũng là sĩ quan thứ hai của Quân đội ta trúng tuyển vào làm việc tại Phòng Kế hoạch quân sự của Cục Hoạt động hòa bình LHQ. Điều đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy hiệu quả quá trình Việt Nam tham gia hoạt động GGHB”.
Trò chuyện với Thượng tá Trần Đức Hưởng, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, khâm phục bởi quy trình thi tuyển vô cùng khắt khe, nghiêm túc của kỳ thi mà anh đã trải qua. Vị trí anh ứng tuyển có hơn 200 hồ sơ đề cử từ 193 quốc gia thành viên của LHQ. Bằng khả năng ngoại ngữ nhuần nhuyễn, những kiến thức quân sự vững vàng và kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm tham gia Phái bộ GGHB LHQ tại châu Phi, Thượng tá Trần Đức Hưởng đã xuất sắc vượt qua 3 vòng thi. Anh cũng cho biết, trong thời gian làm việc tại Phòng Kế hoạch quân sự, Cục Hoạt động hòa bình LHQ, bản thân đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt việc chuẩn bị và thực hiện kế hoạch quân sự cho các phái bộ.
|
|
Thượng tá Trần Đức Hưởng. |
Đồng thời cùng cộng sự soạn thảo, đánh giá cấp chiến lược và chiến dịch các kế hoạch hoạt động và quy ước giao tranh, giám sát tổ chức biên chế, trang bị và năng lực cho lực lượng quân sự, các đơn vị tại những điểm đóng quân ở các nước... Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc nắm được chủ trương, định hướng của LHQ, từ đó có được những chính sách, kế hoạch thích hợp trong các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng.
Để thực hiện được khối lượng công việc đồ sộ và đặc biệt quan trọng đó, có lẽ chàng sĩ quan Việt Nam mang mũ nồi xanh ấy đã phải trui rèn và quyết tâm cao độ. Người thanh niên từ đồng đất Tiên Lãng, Hải Phòng ấy đã trải qua một quá trình huấn luyện khắc nghiệt với xuất thân từ một chiến sĩ đặc công luôn phát huy tốt truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ-Anh dũng tuyệt vời-Mưu trí táo bạo-Đánh hiểm thắng lớn”. Tại Binh chủng Đặc công, Trần Đức Hưởng đã trưởng thành, trải qua nhiều cương vị chỉ huy-tham mưu và được lựa chọn trở thành cán bộ của Phòng Hợp tác quốc tế, Cục GGHB Việt Nam từ những ngày đầu thành lập.
Khát vọng cống hiến và sự cầu thị đã thôi thúc anh phấn đấu, được Quân đội tuyển chọn cử tham gia các khóa học quan trọng tại Học viện Lục quân Mỹ và tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Quân sự về nghiên cứu chiến lược tại Mỹ. Đó cũng là tiền đề để năm 2019, anh tham gia và hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ mũ nồi xanh tại Nam Sudan. Từ quê hương thân yêu, hành trang lên đường đến những vùng chiến sự nóng bỏng và người dân còn rất nhiều khó khăn của Trần Đức Hưởng không chỉ có những kiến thức quân sự khô khan mà còn là một trí tuệ nhạy bén, một nghị lực vượt khó và một trái tim biết rung cảm.
Thượng tá Vũ Hiệp, một đồng đội cùng làm nhiệm vụ với Thượng tá Trần Đức Hưởng tại Phái bộ Nam Sudan chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của hai người trên đất nước này. Không ít lực lượng làm nhiệm vụ tại đây bị người dân dò xét và trẻ con ném đá, thậm chí được “dằn mặt” bằng những loạt đạn. Nhưng đối với những quân nhân Việt Nam, người dân và các phe phái đối lập tỏ ra niềm nở hơn. Có nhiều tình huống “cân não” nguy hiểm đến tính mạng và có nguy cơ tạo xung đột vũ trang giữa các bên, đã được các anh xử lý hiệu quả, bảo đảm an toàn và vị thế của Phái bộ quân sự.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát viên quân sự, triển khai các hoạt động điều đình, thuyết phục và thiết lập cầu nối giữa LHQ với quân đội chính phủ và quân đối lập. Tuy nhiên những năm trước, việc này gần như không có kết quả do cả hai phía quân chính phủ và quân đối lập đều từ chối gặp mặt. Nhưng vào tháng 7-2019, khi đến đặt vấn đề với Sư đoàn 2, quân đội chính phủ, chúng tôi dù gặp tình thế bất hợp tác ấy nhưng đồng chí Trần Đức Hưởng đã khéo léo thuyết phục để được gặp chỉ huy của họ”-anh Vũ Hiệp nhớ lại.
Khi đó, dù bị từ chối nhưng Thượng tá Trần Đức Hưởng đã lại gần những người lính Nam Sudan và giới thiệu mình đến từ Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh kiên trì thuyết phục: “Đất nước tôi từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên thấu hiểu những gì người dân Nam Sudan đang phải gánh chịu. Tôi ở đây vì muốn hỗ trợ các bạn, muốn chứng kiến một Nam Sudan ổn định, hòa bình lâu dài. Chúng tôi, những người lính GGHB LHQ luôn công tâm, sẵn sàng làm cầu nối giữa quân chính phủ và quân đối lập”. Thật bất ngờ, phía họ đã báo cáo nhanh với chỉ huy và nhận được sự đồng ý gặp mặt, với điều kiện anh cùng một cộng sự phải đi bộ 3km đến tổng hành dinh mà không có lực lượng bảo vệ. Nhưng như vậy thì sẽ không bảo đảm an ninh theo quy định của LHQ, vì vậy, anh đã thuyết phục lực lượng bảo vệ của Phái bộ và cam kết sẽ không để xảy ra sự cố.
Sau thời gian gần 1 giờ đi bộ qua quãng đường 3km nắng chang chang không một bóng cây khiến tất cả mọi người đều thấp thỏm, sự căng thẳng của hai quan sát viên đã biến mất khi có tiếng cười sảng khoái cất lên chào đón. Vị chỉ huy trưởng Sư đoàn 2 lực lưỡng đứng trước sảnh hành dinh, cất lời khen: “Hai ông rất dũng cảm”. Đồng chí Trần Đức Hưởng đáp lời: “Chúng tôi ở đây vì hòa bình, vì bảo vệ tính mạng, an toàn của người dân nên không có lý do để sợ”. Sau câu nói này, hai bên đã có cuộc trao đổi thân thiện, chia sẻ thông tin an ninh, góp phần thúc đẩy việc thành lập Chính phủ lâm thời hợp nhất Nam Sudan, đồng thời giúp các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam kết nối và thiết lập được mối quan hệ tin cậy, thân thiết với một trong 10 sư đoàn quan trọng của Nam Sudan.
|
|
Ông Onanga‑Ayanga, Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ, Trưởng phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Cộng hòa Trung Phi trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình LHQ tặng đồng chí Trần Đức Hưởng (năm 2016). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Trên vùng đất lửa này, trái tim nồng ấm yêu thương và trách nhiệm trước người dân vô tội đã tạo động lực cho Trần Đức Hưởng cùng đồng đội có nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tinh thần bác ái. Do Nam Sudan thường xuyên xảy ra xung đột quân sự nên đặc thù nhiệm vụ của các sĩ quan Phái bộ là phải đến những vùng đất đang giao tranh hoặc thuộc sự quản lý của các phe nhóm khác nhau, nhiều lần các tổ công tác bị “kẹt giữa hai làn đạn”. Trong đó, kỷ niệm nhớ đời là một lần đường công tác bị nước lũ dâng cao, xe không kịp về căn cứ mà bị kẹt lại tại chiến địa giao tranh giữa đêm.
Đúng lúc này, tổ công tác gặp đoàn xe bán tải của quân chính phủ chở người bị thương đi ngang qua. Khi thấy người bị thương nghiêm trọng mà đoàn không có thiết bị cứu chữa, đồng chí Trần Đức Hưởng đã đề nghị quân y của Phái bộ đi cùng đoàn sơ cứu cho những người lính đang bị thương. Anh bộc bạch: “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ cứu người là trên hết, không phân biệt thường dân, quân đối lập hay quân chính phủ. Hôm sau, tôi và một đồng nghiệp qua bệnh viện của Quân đội giải phóng nhân dân Nam Sudan hỏi thăm thì được biết người lính bị thương nặng nhất đêm qua đã không còn nguy hiểm đến tính mạng. Quyết định cứu thương của chúng tôi đêm hôm trước đã cải thiện rất nhiều mối quan hệ giữa quân chính phủ và Phái bộ”.
Trong thời gian công tác ở Nam Sudan, Trần Đức Hưởng cũng thường chạnh buồn khi bắt gặp những ngôi làng im lìm thiếu sức sống, lớp học tường trát đất, mái lợp lá đơn sơ vang tiếng học bài của những đứa trẻ gầy guộc trên dọc đường công tác. Anh thường mang theo mình bánh kẹo, thực phẩm và những món đồ chơi nho nhỏ để tặng trẻ em khi gặp. Anh ân cần chăm lo cho các em từng cuốn vở, cây bút và những bộ quần áo mới, dạy các em học nói những câu tiếng Việt đơn giản, tặng giày, bóng và hướng dẫn trẻ chơi bóng... Thế là như thành lệ, mỗi khi thấy bóng những chiến sĩ mũ nồi xanh có dòng chữ Việt Nam đỏ thắm trên ngực, các em nhỏ lại ùa ra chào đón.
Những đóng góp của Thượng tá Trần Đức Hưởng đối với hoạt động GGHB LHQ đã được đơn vị chủ quản đánh giá cao. Đó thực sự là một hành trình đầy tự hào và nhiều thử thách. Còn tôi, luôn nhớ và tin tưởng vào lời hứa của anh trước khi rời Tổ quốc lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần lan tỏa khí chất và tấm lòng Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
ĐẶNG GIANG