“Hạt giống đỏ” của làng quân giới
Tôi biết kỹ sư cơ khí Nguyễn Tiến Hưng từ năm 2020, sau khi anh được bình chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân. Lúc đó tôi là thành viên của Hội đồng bình chọn “Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân”. Nhìn vào bảng thống kê sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Hưng lúc đó, nhiều thành viên của Hội đồng rất ấn tượng.
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Phó trưởng ban Công đoàn Quốc phòng, thành viên Hội đồng bình chọn và cũng là người nhiều năm gắn bó với Nhà máy Z121 còn cho biết thêm: Sáng kiến trong bản báo cáo thành tích chỉ là những sáng kiến mang lại giá trị kinh tế lớn, còn trên thực tế thì sáng kiến của Hưng nhiều lắm. Vì thế, cán bộ, công nhân Nhà máy Z121 mới gọi Hưng là “cây sáng kiến”.
Năm nay tôi gặp lại Hưng tại Lễ trao tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” lần thứ IV, năm 2023. Tại lễ trao giải thưởng cao nhất dành cho cán bộ, đoàn viên công đoàn toàn quốc lần này, Quân đội có 5 người được vinh danh, trong đó Nguyễn Tiến Hưng với thành tích nổi bật “7 sáng kiến, tổng giá trị làm lợi hơn 3 tỷ đồng”.
Khu dân cư quanh Nhà máy Z121 vẫn thường được gọi là “Làng quân giới Z121” được tin kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng giành Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, ai cũng mừng. Nhiều người nói với tôi rằng, Tiến Hưng là “hạt giống đỏ” của làng. Bố mẹ của Hưng đều là công nhân quân giới, gắn bó với Nhà máy Z121 và làng quân giới này từ lúc còn thanh niên cho đến khi nghỉ hưu. Vợ của Hưng cũng là công nhân cùng Xí nghiệp Hỏa cụ (Nhà máy Z121).
Chính “cái máu” quân giới của bố mẹ đã truyền cho Hưng từ lúc còn rất bé. Vì thế, sau khi học xong phổ thông, Hưng thi tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự để đến khi tốt nghiệp được về phục vụ tại nhà máy của bố mẹ. Để tạo điều kiện cho con trai nghiên cứu, sáng tạo, bố mẹ Hưng đã đón cháu nội về quê chăm sóc. Còn vợ của Hưng thì thường xuyên phải chấp nhận cảnh đợi chồng đến khuya mới được ăn cơm tối vì Hưng mải nghiên cứu, thí nghiệm...
Sáng tạo trong “trái tim của vũ khí”
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự (hệ đào tạo dân sự), kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng được tiếp nhận vào làm công nhân trực tiếp sản xuất tại Xí nghiệp Hỏa cụ (Nhà máy Z121). Xí nghiệp này là nơi làm ra các sản phẩm được ví “trái tim của vũ khí” như các loại ống nổ, hạt lửa, bạc cháy chậm... Các sản phẩm này tuy nhỏ bé nhưng có uy lực rất mạnh mẽ và yêu cầu đặc biệt cao về chất lượng, được tiến hành kiểm tra rất chặt chẽ, đồng thời phải nhồi nén thuốc hạt lửa có độ nhạy rất cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm.
Ngoài các sản phẩm quốc phòng, Xí nghiệp Hỏa cụ còn sản xuất nhiều sản phẩm kinh tế, như kíp vi sai an toàn, kíp nổ điện số 8 vỏ nhôm, kíp phi điện... Các sản phẩm đều có tính nhạy nổ cao vì vậy trong công nghệ vấn đề an toàn, chất lượng được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, ở Xí nghiệp Hỏa cụ có nhiều dây chuyền sản xuất đã cũ, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, năng suất không cao, nhiều công đoạn phải làm thủ công tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị.
Được sự chỉ bảo và hướng dẫn của các đồng nghiệp kỹ thuật đi trước, kết hợp với kiến thức thu được từ Học viện Kỹ thuật Quân sự và thực tiễn trong quá trình sản xuất, kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng đã sớm làm chủ được công nghệ, đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, sáng tạo lắp đặt thiết bị cải tiến thay thế.
|
|
Kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (bên trái) hướng dẫn công nhân khắc phục sự cố kỹ thuật tại Nhà máy Z121. Ảnh: TIẾN ĐẠT
|
Các đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Hưng đều xuất phát từ chính những nhu cầu thực tế trong sản xuất, những ý tưởng được hình thành ngay trong quá trình giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc kỹ thuật, với tiêu chí “nâng cao an toàn, bảo đảm chất lượng và hợp lý hóa sản xuất góp phần tăng năng suất lao động”. Tiêu biểu là công trình: “Thiết kế, chế tạo thiết bị đẩy đệm giấy ép tạm hạt lửa nhằm nâng cao năng lực sản xuất hạt lửa SK”. Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý xi lanh khí nén không phát sinh tia lửa nên tuyệt đối an toàn trong sản xuất, hoạt động tự động thay thế hoàn toàn cho thao tác thủ công của con người.
Nhờ thiết bị cải tiến này mà năng suất sản xuất hạt lửa ướt SK (hàng đặc thù quốc phòng) tăng gấp 2,5 lần, góp phần đáp ứng kế hoạch sản xuất hàng quốc phòng của nhà máy và làm lợi cho đơn vị mỗi năm khoảng 1,1 tỷ đồng.
Công trình “Thiết kế chế tạo máy tháo và lau bụi thuốc kíp nổ đốt các loại nhằm bảo đảm an toàn và tăng năng suất lao động, thay thế cho thao tác thủ công” của Tiến Hưng cũng được thực hiện đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để thay thế 12 người lau loại bỏ bụi thuốc bám trên vỏ ống nổ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Sáng kiến này của Hưng đã làm lợi cho nhà máy mỗi năm khoảng 1,6 tỷ đồng.
Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị tháo hạt lửa bằng phương pháp sử dụng khí nén” thay thế hoàn toàn cho thao tác thủ công nên năng suất tăng 2,5 lần và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người vận hành. Sáng kiến tưởng như nhỏ này của Tiến Hưng đã làm lợi cho nhà máy khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.
Bí thư chi đoàn đầy nhiệt huyết và năng động
Năm 2017, kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng được đồng nghiệp trẻ trong cơ quan tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn khối cơ quan Xí nghiệp Hỏa cụ và liên tục đảm nhiệm chức danh này cho đến nay. Tiến Hưng còn là Đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật trẻ của Xí nghiệp Hỏa cụ.
Để phát huy được lực lượng trẻ của xí nghiệp trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo, kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng đã vận động, thuyết phục đồng nghiệp tìm tòi cải tiến kỹ thuật trong từng công đoạn sản phẩm, thay thế cách làm truyền thống bằng cách làm mới ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để bảo đảm an toàn và tăng năng suất lao động.
Mặc dù kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên môn dày đặc nhưng Nguyễn Tiến Hưng luôn sắp xếp và dành thời gian ưu tiên để tổ chức hoạt động và duy trì nền nếp sinh hoạt chi đoàn. Trong các buổi sinh hoạt, anh thường xuyên chú trọng tuyên truyền, giáo dục quán triệt đoàn viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ chính trị của đơn vị và vấn đề an toàn, phòng, chống cháy, nổ. Những bài học xương máu về công tác an toàn trong nhà máy chế tạo “trái tim vũ khí” thường xuyên được Nguyễn Tiến Hưng kể lại đã có tác dụng thiết thực làm chuyển biến trong từng hành động của các đoàn viên, thanh niên ở đây.
Từ yêu cầu nhiệm vụ của người chỉ huy đơn vị và công việc hằng ngày, Bí thư chi đoàn Nguyễn Tiến Hưng đã phát động chi đoàn tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư nâng cao năng lực công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm mới theo hướng đồng bộ và hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, trọng tâm là công tác quản lý vật tư và tài chính. Nghiêm chỉnh chấp hành quy trình, quy định, làm việc chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn. Trong 6 năm vừa qua, chi đoàn do Hưng làm bí thư không có đoàn viên vi phạm tệ nạn xã hội, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, thể thao và luôn đạt danh hiệu Chi đoàn xuất sắc.
Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Nhà máy Z121 nhận xét: “Đại úy QNCN Nguyễn Tiến Hưng là một trong những kỹ sư giỏi, cán bộ đoàn năng động của Nhà máy Z121. Sự đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của Tiến Hưng đã truyền cảm hứng cho cán bộ, công nhân trẻ của nhà máy tiến quân vào khoa học kỹ thuật góp phần đưa nhà máy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao”.
ĐỖ PHÚ THỌ