QĐND - Điều đặc biệt gây ấn tượng cho chúng tôi khi đến thăm Nhà máy Z121, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lại là chuyện nằm bên ngoài khuôn viên nhà máy. Ở đây, qua thời gian, một địa danh có tên “Làng quân giới Z4” đã được hình thành và đời sống các công dân của làng được bảo đảm từ khi sinh ra đến lúc trở về với cát bụi. Để hiểu sâu thêm về câu chuyện làm văn hóa của “Làng quân giới Z4”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy Trần Thế Khanh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, chúng tôi đang có trong tay bản “Quy ước nếp sống văn hóa Làng quân giới Z4” với các chương, điều rõ ràng quy định về xây dựng nếp sống văn hóa yêu cầu các công dân của làng thực hiện. Đồng chí có thể nói rõ thêm về điều này?

Đại tá Trần Thế Khanh: Làng quân giới Z4 (nay là Z121) gồm 8 khu nằm trên xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Không giống với những làng quê khác, các công dân ở đây hầu hết là các thế hệ những người lính áo xanh không cùng dòng tộc, được sinh ra từ nhiều vùng quê khác nhau theo tiếng gọi của Tổ quốc hội tụ về. Sau 47 năm tạo lập, Làng quân giới Z4 trở thành một trong những thành viên đầy đủ của xã Phú Hộ, được pháp lý công nhận. Là làng nên nó mang mọi đặc điểm của làng quê Việt Nam; thực hiện mọi quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của công dân trước pháp luật và việc có một bản “hương ước” như vậy là tất yếu. Quy ước “Làng văn hóa quân giới Z4” là văn bản “dưới luật” để mọi người sinh sống trên địa bàn, mà hầu hết là cán bộ, sĩ quan, công nhân viên quốc phòng đang làm việc hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu thực hiện một cách dân chủ, bình đẳng phù hợp với điều kiện môi trường vùng miền, nghề nghiệp, phát huy tác dụng trong mọi hoạt động của làng. Nó cũng góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ buồn vui, đoàn kết, trách nhiệm, yên tâm “an cư-lạc nghiệp” tạo ra nhiều của cải vật chất cho mình và xã hội.

Trong phân xưởng sản xuất pháo hoa. Ảnh: Đức Long

PV: Và việc “an cư-lạc nghiệp” của cán bộ công nhân viên nhà máy những năm qua đã diễn ra như thế nào?

Đại tá Trần Thế Khanh: Thực tiễn đã chứng minh ở Z121 việc “an cư” và “lạc nghiệp” diễn ra đồng thời. Xưa “an cư” mới “lạc nghiệp”, ngày nay với đặc thù công nghiệp quốc phòng, chúng tôi đã “lạc nghiệp” đồng thời tổ chức “an cư”. Ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ công nhân viên Z121 đã tự tin “lạc nghiệp” mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, độc hại… Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thời gian qua, bên cạnh nhiệt huyết của mỗi người, cán bộ công nhân nhà máy đã tự tin vươn lên làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại của thế giới để làm ra sản phẩm với hàm lượng chất xám cao, chất lượng tốt. Từ đôi bàn tay vàng, khối óc trí tuệ, trái tim yêu thương gom góp xây dựng gia đình, xây dựng quê hương, đời sống của các hộ dân trong làng ngày một được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm. Điều này có thể dễ nhận thấy qua việc mọi công dân mới của làng khi sinh ra đã được hưởng ngay thành quả: Khi chào đời, đã có bệnh xá điểm toàn quân chăm lo. Các cháu đến tuổi vào lớp, học hành đã có Trường Mầm non Hoa Hồng (đạt chuẩn quốc gia mức độ II với số lượng 400 cháu). Các bậc học khác, nếu chưa có trường riêng thì các em cũng được học tập trong những điều kiện tốt nhất với sự đóng góp, hỗ trợ của nhà máy về cơ sở vật chất. Đến tuổi trưởng thành, nhiều cháu được tạo điều kiện trở thành công nhân. Con em công nhân theo học các trường đại học, cao đẳng hoặc cao hơn nếu có nguyện vọng trở về xây dựng nhà máy cũng được ưu tiên bố trí công việc phù hợp. Khi đến tuổi nghỉ hưu, đời sống của cán bộ công nhân viên không chỉ được bảo đảm vật chất mà tinh thần cũng luôn được coi trọng. Hiện ở các xóm, chúng tôi đều có nhà văn hóa, có sân tập thể thao, phòng đọc sách, báo… Khi mất đi, công nhân của nhà máy cũng được an nghỉ cùng đồng đội trong một nghĩa trang riêng…

Các công dân của làng được bảo đảm từ nhỏ, được giáo dục, trưởng thành trong không gian văn hóa, thấm đẫm tình người, tình đồng chí, tình hàng xóm láng giềng nên thế hệ trẻ của làng đều trở thành những công dân tốt. Ở làng không có tệ nạn xã hội, không xảy ra to tiếng, xích mích… Đây chính hậu phương vững chắc để công nhân nhà máy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, là yếu tố “an cư” bền vững cho mỗi người góp phần đưa nhà máy phát triển.

PV: Và mô hình “Làng văn hóa quân giới Z4” đã tác động như thế nào đến Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”?

Đại tá Trần Thế Khanh: Chúng tôi luôn xác định hoạt động văn hóa phải có mục đích, yêu cầu nội dung sinh hoạt phù hợp để đem lại hiệu quả cao, trở thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng nhà máy phát triển. Làng văn hóa quân giới Z4 được xây dựng bởi những công dân có văn hóa. Đây cũng chính là nền móng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (CVĐ). Sự phối hợp chặt chẽ này đã tạo điều kiện thuận lợi góp phần cùng địa phương trên địa bàn đóng quân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, làm giảm sự mất cân đối giữa địa phương và đơn vị.

Giao lưu thi đấu bóng chuyền.

Để CVĐ thiết thực đi vào chiều sâu, những năm qua, chúng tôi đã triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, TCCT, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về việc chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước phòng, chống các tệ nạn xã hội. Nhà máy thường xuyên quan tâm chỉ đạo và chủ động đấu tranh với các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng của văn hóa xấu, độc hại vào đơn vị, xóm làng. Để làm tốt công tác xây dựng làng văn hóa mỗi thành viên trong làng đã và đang cùng nhau thực hiện tốt các nội dung công tác giáo dục: Giáo dục truyền thống (trong làng đã có nhiều hộ gia đình ông cha, con cháu nối nghiệp nhau); giáo dục pháp luật, kỷ luật; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và giáo dục về nhiệm vụ. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Bảng báo, bảng tin, tờ rơi, tranh, ảnh trực quan, băng đĩa hình, truyền thanh nội bộ, ống kính cộng tác viên đến từng khu, từng hộ gia đình… CVĐ đã đạt nhiều kết quả tốt. Các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nếu có biểu hiện vi phạm “hương ước” được kiểm điểm tại các khu… Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, địa phương trên địa bàn đóng quân có những biện pháp tuyên truyền, quản lý, theo dõi tình hình giải quyết nhanh gọn, kịp thời các phát sinh, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội. Kết quả đó đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị trong những năm qua.

PV: Và văn hóa đã tác động như thế nào đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Thế Khanh: Có thể khẳng định, việc tạo dựng một môi trường văn hóa ổn định, lành mạnh chính là cơ sở để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của nhà máy. Mặc dù cùng chịu chung tác động của suy thoái kinh tế trong nước, thị trường, thị phần hàng kinh tế bị thu hẹp nhưng những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy vẫn nỗ lực tìm kiếm, bảo đảm lo đủ công ăn, việc làm cho gần 3.500 cán bộ công nhân viên, duy trì thu nhập theo đầu người năm sau cao hơn năm trước (thu nhập bình quân hiện gần 9 triệu đồng/người/tháng) và mọi chế độ chính sách cho người lao động được bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Xuất phát từ những hoạt động thường nhật, hoạt động truyền thống mang đầy đủ các yếu tố văn hóa, khoa học công nghệ nhân văn, ý thức tự giác, ý thức cộng đồng, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đối với "Làng quân giới Z4" của mỗi cán bộ, công nhân viên được nâng lên rõ rệt. Có thể tự hào khẳng định, đến nay, mọi công dân của “Làng quân giới Z4” đều tin tưởng, yên tâm gắn bó và xây dựng nhà máy, xây dựng quê hương và nỗ lực góp phần cùng nhà máy giữ vững doanh thu hơn 1000 tỷ đồng. Với kết quả này, nhà máy sẽ chắc chân trong “bảng xếp hạng” đơn vị có doanh thu hàng đầu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và đi lên cùng nhiều sản phẩm mang thương hiệu “Z121” đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế như: Pháo hoa xuất khẩu, kíp nổ, dây nổ các loại…

Một lần nữa xin khẳng định, những gì Z121 và cộng đồng “Làng quân giới Z4” đang nỗ lực xây dựng đều hướng về mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng xã hội ngày càng phát triển gắn với sự phát triển chung của doanh nghiệp, của công nghiệp quốc phòng Việt Nam .

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ĐỨC NGHĨA (thực hiện)