Ồ, bạn vàng! Tôi bật dậy nghe. Ai chứ Trần Thế Tôn thì anh gọi tôi lúc nào cũng được. Hóa ra anh lại rủ tôi ngày mai đi thăm bạn cựu chiến binh (CCB) Phạm Duy Phục. Cách đây vài năm, nhà Phục có chuyện buồn nên anh rủ tôi đến an ủi, còn lần này thì như anh nói, Phục vừa trải qua trận ốm, chúng tôi cần đến động viên. Phục và tôi cùng nhập ngũ một ngày. Sau này, hai chúng tôi cùng làm báo nên quen Trần Thế Tôn trong một lần đoàn nhà báo ở Hà Nội xuống TP Nam Định tham quan Xí nghiệp Thương binh 202 Tân Quang do Trần Thế Tôn, Chi hội trưởng Chi hội Người mù thành phố kiêm Giám đốc. Đó là vào đầu năm 1983.

Ngày ấy, người thương binh hạng 1/4 Trần Thế Tôn nổi lên là tấm gương sáng, anh đã đứng ra lập một xí nghiệp gồm phần lớn thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ chuyên sản xuất ốc vít cho các công trường, nhà máy. Đơn vị sản xuất bán cơ giới “Xí nghiệp 202” này dưới sự chèo lái của người khiếm thị nhưng trí tuệ sáng láng Trần Thế Tôn đã trụ lại được nhiều năm trong thời kinh tế còn bao cấp đang rất khó khăn. Rồi đổi mới, mở cửa, anh tiếp tục làm chủ doanh nghiệp. Anh lúc nào cũng lăn lộn với công việc, thính nhạy với cơ chế thị trường, vừa tham gia lãnh đạo Chi hội Người mù TP Nam Định, vừa làm giám đốc một doanh nghiệp thương binh và người tàn tật, có lần gặp lại, tôi nói vui: Bọn tôi mắt sáng mà không thể rành đường đi nước bước bằng anh đâu đấy!

Giờ chúng tôi gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Phục bằng tuổi tôi, tóc anh bạc trắng, dẫu vừa trải qua trận ốm nhưng còn đi lại nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Anh vui vẻ bảo: “Tôi với ông đến hôm nay là 52 năm ngày nhập ngũ, hơn 40 năm chúng ta chơi với Trần Thế Tôn”.

 Nhanh thật, thời gian như bóng câu qua cửa sổ!

 Có một sự tình cờ thú vị là cả 3 chúng tôi đều nhập ngũ năm 1972, tôi và Phục ở Hà Nội, còn Tôn thì ở TP Nam Định, quê anh. Tôi và Phục về đơn vị huấn luyện thuộc Trung đoàn 1, Quân khu Hữu Ngạn, đóng ở Nho Quan, Ninh Bình. Trên thao trường, Phục bị thương trong lần tập đánh bộc phá, sau đó, anh xuất ngũ về lại cơ quan cũ, còn tôi, huấn luyện xong đã được phát quân trang vào chiến trường Quảng Trị thì có giấy gọi lại, trên điều về một đơn vị kỹ thuật thuộc Tổng cục Hậu cần, mấy năm sau lại chuyển tiếp sang nghề báo. Trong khi đó, chàng trai mới tốt nghiệp lớp 10 Trần Thế Tôn sau 3 tháng huấn luyện đi B, biên chế vào C19 bộ đội địa phương Quảng Nam (trước đấy một năm, anh có người anh trai bằng tuổi tôi hy sinh ở chiến trường Bình Định). Đến tháng 3-1974, trong một trận đánh ở phía Nam thị xã Tam Kỳ trên đường đi chiến dịch, hạ sĩ Trần Thế Tôn vấp mìn, quả mìn với sức công phá có thể làm đứt xích xe tăng đã hất vèo anh như chiếc lá khô, rách bươm, bụi đất, máu me đầy người. Anh được đưa về tuyến sau cấp cứu. Còn thở thoi thóp, tim đập rất khẽ và chậm.

Mấy tháng trời từ trạm CK-113 tiền phương, anh được đưa ra Bắc, về thẳng Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) điều trị. Sau bao ngày vật lộn với thần chết, anh tỉnh dậy, tập nói, tập ăn, tập đi... Nom bề ngoài khá lành lặn, nhưng anh đã mất 90% sức khỏe, đôi mắt vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng nữa. Với chàng trai 22 tuổi khi ấy, tưởng chừng như bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ lúc lên đường nhập ngũ đã tan vỡ. Buổi đầu không tránh được có những phút đau khổ, tuyệt vọng. Rồi có “đôi mắt sáng” dẫn đường, nâng giấc của cha mẹ, người thân, đồng đội, đặc biệt là của Nguyễn Thị Kim Thoa, người bạn gái xinh đẹp, thủy chung từ thời học phổ thông (sau khi anh ra trại an dưỡng, hai người đã tổ chức lễ thành hôn). Họ đã giúp anh lấy lại được ý chí, bản lĩnh để vượt lên số phận nghiệt ngã. Anh còn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ năm 1956, khi Người đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt (Hà Nội): "Các chú học chữ, học nghề để sau này phục vụ nhân dân được tốt hơn, như vậy các chú tàn nhưng không phế...".

Cuối năm 1975, từ Trại An dưỡng thương binh nặng của Quân khu Hữu Ngạn, anh xin về hẳn nhà, tự tìm việc làm. Trước hết, muốn trang bị cho mình kiến thức để lập nghiệp, giao tiếp, làm văn bản, giấy tờ, anh bắt buộc phải học đọc chữ nổi Braille. Thời phổ thông, anh vốn học giỏi, ham mê đọc sách báo, thế nhưng khi bập vào thứ chữ chỉ với 6 chấm tròn đục nổi trên mặt giấy mà biểu thị gần như tất cả mọi ngôn ngữ này thật hết sức khó khăn. Ngày qua ngày, anh dùng đầu ngón tay mò mẫm từng chấm nhỏ li ti như mũi kim được đục trên trang giấy để nhận biết chữ cái, con số, dấu, rồi ghép vần, nhẩm đọc... Mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, có lúc nản muốn bỏ cuộc nhưng lại nghĩ, mình từng vào sinh ra tử, cái chết còn vượt qua được cơ mà, thế rồi lại kiên trì, nhẫn nại. Cuối cùng, anh đã làm chủ, sử dụng được thành thạo hệ chữ nổi. Sau này, khi đã có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong quản lý sản xuất, kinh doanh, anh lại trở thành một chuyên gia chữ nổi Braille. 

Buổi đầu ở quê, anh xin vào làm trong một hợp tác xã nhỏ chuyên sửa chữa ô tô. Đã quen với nghề gia công các loại bu lông, ốc vít, đến khi được giao đảm nhiệm trọng trách Chi hội trưởng Hội Người mù TP Nam Định, rồi Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, anh không nề hà gánh vác các công việc hội, đoàn. Song điều anh vẫn canh cánh bấy lâu là làm sao tạo ra được việc làm, có thu nhập không chỉ cho mình mà còn cho những đồng đội cũng bị thương tật như mình. Có Kim Thoa làm đôi mắt sáng dẫn đường, anh đi lại nhiều nơi trong thành phố để tập hợp, thuyết phục các bạn CCB, phần nhiều trong số đó là thương binh, bệnh binh, mời họ về lập nên cơ sở sản xuất ốc vít theo mô hình Xí nghiệp Thương binh 202 Tân Quang, tức có 80% là thương binh và người tàn tật. Ở thời kỳ nào, cơ sở sản xuất do anh đứng đầu cũng lo đủ việc làm cho người lao động, trong đó có nhiều thương binh, bệnh binh và bộ đội xuất ngũ, về sau còn nhận cả con em bộ đội vào học nghề. Năm 1989, anh có thời gian về Hà Nội làm Giám đốc Xưởng In chữ nổi của Hội Người mù Việt Nam và được bầu vào Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, phụ trách công tác lao động sản xuất.

leftcenterrightdel

Ông Trần Thế Tôn và vợ tại nhà riêng. Ảnh: THANH MINH 

Sau gần 20 năm tham gia Hội Người mù Việt Nam, năm 1994, anh chuyển hẳn về Hà Nội. Tại đây, nhận thấy nhu cầu xây dựng, mở rộng, phát triển các khu đô thị phía Tây thành phố ngày một tăng, anh cùng vợ đứng ra lập Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Tân Quang chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công trong lĩnh vực cơ khí. Tân Quang giờ đã khác xưa về quy mô cũng như ngành hàng. Không còn ưu đãi “202” nữa, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với mọi doanh nghiệp và không ngừng phát triển. Những năm đầu, Công ty đạt doanh thu khá cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều người lao động, trong đó có các CCB, với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng, vào loại khá trong số các doanh nghiệp tư nhân ngày ấy. Trong những năm kinh tế phát đạt, doanh nghiệp của anh vẫn không quên làm những việc nghĩa tình với đồng đội, bà con lao động nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam...

Gia đình anh có người anh ruột là Trung sĩ Trần Trung Thu, sinh năm 1948, hy sinh ngày 20-7-1971 ở chiến trường Bình Định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng gia đình không biết phần mộ liệt sĩ hiện nằm ở đâu. Sinh thời, cụ Trần Minh Phương-thân sinh của liệt sĩ-nói với Trần Thế Tôn thử tìm hỏi xem anh nằm ở đâu, nếu có điều kiện thì đưa về quê hương bản quán. Đến khi ông cụ qua đời, anh cứ canh cánh trong lòng chuyện ấy, rất muốn sớm thực hiện ý nguyện của bố. Thế rồi anh đăng tin, ảnh anh trai trong Chuyên mục “Tìm người thân và đồng đội” của Báo Quân đội nhân dân. Đợi một thời gian vẫn chưa có phản hồi như ý muốn, anh đi nhiều nơi để hỏi thông tin. Sau khi lục tìm trong nhiều sổ sách cũ, người sĩ quan phụ trách chính sách của đơn vị đã tìm ra phần mộ của liệt sĩ Trần Trung Thu đang ở Nghĩa trang xã Phú Phong, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Thế là ngay sau đó, anh Tôn đã vào Bình Định và thực hiện được ý nguyện của người thân là đưa hài cốt liệt sĩ Trần Trung Thu về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Chúng tôi ngồi nói chuyện hồi lâu. Bao kỷ niệm vui buồn của một thời hiện về. Việc Trần Thế Tôn chủ động đưa tôi đến thăm lại bạn cùng nhập ngũ đủ thấy nghĩa tình đồng đội lúc nào cũng sâu đậm trong anh. Tình bạn chân thành giống như chất rượu vang, càng ủ lâu càng ngon. Nhờ có anh mà giữa tôi và Phục thêm gắn bó. Đã có lần anh bảo với chúng tôi: “Ngày ấy, ở Tam Kỳ, quả mìn chống tăng phát nổ, mấy người đồng đội đi bên bắn về phía trước và hy sinh, còn mình thì bắn về phía sau. Thế là mình may mắn hơn các bạn ấy. Từ khi ra quân, trở về hậu phương, mình luôn cảm thấy còn nhiều lắm món nợ với những người bạn đã nằm lại chiến trường, phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với họ”.

Thời nay, trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng đã có những người khiếm thị vượt lên số phận một cách đáng khâm phục. Giám đốc, thương binh nặng Trần Thế Tôn-người bạn của tôi-có cuộc trường chinh bền bỉ suốt 40 năm qua. Hiện nay, anh đang làm Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Anh đi lại, giao dịch, thương thảo bằng ánh sáng đôi mắt của người bạn đời, của những người giúp việc; còn anh “nhìn” và điều hành công việc sản xuất, kinh doanh bằng nghị lực sống phi thường, bộ óc sáng suốt cùng đức tính chân thành, ngay thẳng của một người lính tràn đầy tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Và bấy lâu nay, anh đã làm theo đúng lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, trở thành người khiếm thị lập nghiệp hết sức thành công.

PHẠM QUANG ĐẨU