Tôi tự hào khi mặc chiếc áo bộ đội
Sau rất nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có dịp gặp CCB, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường vào buổi chiều một ngày trung tuần tháng 7 năm 2023 tại khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake nằm bên hồ Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội). Đây là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội và chủ nhân của khách sạn này chính là ông Nguyễn Hữu Đường. Khác với những gì hình dung ban đầu, khi gặp ông Đường, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi là doanh nhân sở hữu khối tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ông không mặc trang phục đắt tiền mà giản dị với chiếc áo bộ đội bạc màu. Khuôn mặt hiền hậu, nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, nụ cười tươi của ông toát lên vẻ mộc mạc, gần gũi. Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, ông chân thành chia sẻ, từng là bộ đội và bây giờ là CCB nên ông rất tự hào khi được mặc chiếc áo bộ đội. Trong nhiều buổi làm việc hay tiếp đón các đối tác quốc tế ông vẫn thường mặc chiếc áo đó. Có người băn khoăn, ông giải thích rằng, ở Việt Nam, bộ đội từ nhân dân mà ra, được nhân dân yêu quý và kính trọng. Đây là nét văn hóa đặc sắc của Bộ đội Cụ Hồ mà không quốc gia nào trên thế giới có được.
|
|
Cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình.
|
Những năm tháng trong môi trường quân ngũ đã trui rèn cho ông bản lĩnh, ý chí, tinh thần vượt khó, khát vọng vươn lên trong cuộc sống và nhiều thói quen tốt, đặc biệt là thói quen đọc sách. Theo ông, sách giúp bồi đắp tâm hồn, nâng tầm hiểu biết; có những chuyện đọc từ sách giúp ích cho ông rất nhiều trong kinh doanh và cuộc sống hằng ngày.
Nói về chuyện đọc sách, ông Đường kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm. Năm 2015, khi phóng viên hãng thông tấn Reuters đến phỏng vấn, ông có nói rằng sau này khi rảnh rỗi, sẽ dành thời gian để đi nhiều nơi. Ông sẽ đến thăm nơi mà bà Emily Bronte đã viết nên tác phẩm "Đồi gió hú" để tìm hiểu vì sao một người phụ nữ mất năm 25 tuổi, chưa từng yêu ai lại có thể viết nên kiệt tác về tình yêu như vậy? đến Brazil để xem "Túp lều của bác Tôm" như thế nào? đến Nam Phi để xem "Con đường sấm sét" ở mũi Hảo Vọng...
Nghe ông Đường nói chuyện văn thơ như vậy, anh phóng viên Reuters bật cười sảng khoái. Trước khi đến phỏng vấn, anh ta đã tìm hiểu rất kỹ và biết ông Đường chỉ học hết lớp 8. Năm 1974, ông nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 239 (Binh chủng Công binh) và xuất ngũ năm 1979. Nhưng khi nghe ông Đường nói đến văn học thì anh ta rất nể. Anh ta rất ngạc nhiên khi gặp một thương gia không chỉ giỏi kinh doanh mà còn rất yêu mến và hiểu biết sâu sắc về văn học.
Khởi nghiệp từ đạp xích lô chở bia thuê
Khi mới xuất ngũ trở về địa phương, ông Đường đạp xích lô chở bia thuê. Mỗi ngày, ông được trả công bằng một thùng bia trị giá 60 đồng; hôm nào trời nóng, khan hiếm bia thì được trả 80 đồng. Năm 1987, với số vốn tích cóp được và vay mượn thêm, ông vận động một số đồng đội là thương binh, gồm: CCB Đỗ Hoàng Thuận, Nguyễn Đình Thông, Trần Gia Phương, Trần Việt Hùng, Thái Tiến Vượng... cùng tham gia thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình chuyên sản xuất bia và các loại nước giải khát cung cấp ra thị trường.
Ông Đường nhớ lại, ban đầu tổ hợp có 9 người, trong đó 7 người là thương binh nặng nên mục đích chính là tạo thêm thu nhập và để anh em gặp gỡ, giúp đỡ, chăm sóc nhau. Với sự nỗ lực không ngừng, từ tổ hợp ban đầu, ông Đường và các đồng đội từng bước xây dựng trở thành một tập đoàn lớn mạnh với các đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Đường Man (chuyên sản xuất malt chất lượng cao cung ứng cho Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn và nhiều công ty bia khác), Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ bảo vệ thương binh nặng Hòa Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất thép Hòa Bình, Công ty Liên doanh rượu Việt-Pháp... Các công ty này tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, với thu nhập ổn định.
Xuyên suốt trong câu chuyện kinh doanh của mình, ông Đường luôn tự hào về mô hình Trung tâm Thương mại V+ của Tập đoàn Hòa Bình, bởi các doanh nghiệp trong nước được thuê mặt bằng miễn phí tại Trung tâm. Ông Đường cho biết: “Thương hiệu V+ được tôi và các đồng nghiệp lặng lẽ thai nghén, phát triển với ước mơ khẳng định tên tuổi, chất lượng hàng hóa Việt Nam”.
Gần chục năm trôi qua nhưng câu chuyện Trung tâm Thương mại V+ vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Ông Đường phân tích, khi nghiên cứu thị trường, không khó để nhận ra yếu kém của doanh nghiệp Việt trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp phân phối lớn của nước ngoài; đặc biệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn như Metro, Lotte, Aeon, Big C... chiếm gần như hết thị phần trong nước. Đó là lo ngại trước nguy cơ doanh nghiệp ngoại sẽ chi phối lĩnh vực sản xuất trong nước.
Trăn trở như vậy nên ông Đường đã từ chối lời đề nghị thuê Trung tâm Thương mại V+ của Tập đoàn Big C với số tiền 330 tỷ đồng để mời các doanh nghiệp Việt đến mở cửa hàng miễn phí trên diện tích sàn 25.000m2 của Trung tâm, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.
Để được vào sử dụng miễn phí tại trung tâm thương mại, doanh nghiệp không cần điều kiện gì về tài chính, chỉ đơn giản là phải công bố trung thực chất lượng và giá thành sản phẩm. Tập đoàn Hòa Bình không thu tiền thuê mặt bằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam mà khách thuê chỉ phải trả những chi phí cơ bản để vận hành trung tâm thương mại như tiền điện, nước, an ninh, vệ sinh, quản lý... Thời gian miễn phí thuê mặt bằng của trung tâm tối thiểu 10 năm. Số tiền thuê mà Tập đoàn Hòa Bình miễn phí ước tính lên đến 400-500 tỷ đồng.
Ông Đường hào hứng cho rằng, việc miễn phí mặt bằng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giảm chi phí sản xuất. Từ đó, giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo việc làm cho người lao động. Cuối cùng, tất cả việc kinh doanh đều hướng tới đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết. Đến nay, khi chứng kiến Trung tâm Thương mại V+ đã và đang hoạt động hiệu quả, ông Đường tâm đắc, cho rằng đây là quyết định đúng đắn bởi nó hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Sau thành công của dự án Trung tâm Thương mại V+, ông Đường đang ấp ủ đề án xây dựng hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á ở Đông Anh (Hà Nội) với diện tích khoảng 620.000m2. Hệ thống trung tâm thương mại này có trách nhiệm tư vấn cho người dân sản xuất những sản phẩm mà xã hội thiếu, người dân cần, đồng thời bao tiêu các sản phẩm đó. Gian hàng của các doanh nghiệp tại trung tâm thương mại sẽ được thuê mặt bằng 10 năm với giá thuê 1.000 đồng/m2/năm, phí dịch vụ bằng 70% mức phí mà các trung tâm thương mại trong nước đang thu. Điều đó hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có mặt bằng tiêu thụ sản phẩm. Hàng hóa được bán tại đây phải có chất lượng và giá rẻ tạo đà cho doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và người dân có công việc và thu nhập ổn định.
Nỗi niềm tri ân
Chia sẻ với chúng tôi về triết lý kinh doanh của mình, ông Đường cho rằng, trong kinh doanh, lợi nhuận là vấn đề quyết định, nhưng lợi nhuận đó làm giàu cho đất nước, có lợi cho người dân mới đáng quý, đáng trân trọng. Và đôi khi để đạt được mục đích ích nước, lợi dân, doanh nghiệp phải biết cho đi. Đó là nỗi niềm, là văn hóa tri ân.
Câu chuyện tới đây, chúng tôi chợt nhớ lại lời phát biểu xúc động của ông Đường tại Lễ khai trương Trung tâm Thương mại V+ của Hòa Bình Green City năm 2015. Ông Đường nói rằng, hoạt động này để tri ân đồng chí, đồng đội và những anh hùng liệt sĩ. Ông và đồng đội trở về từ cuộc chiến tranh phải làm điều gì đó để sự hy sinh của đồng đội không lãng phí, góp một phần công sức dựng xây Tổ quốc xứng đáng với xương máu của những người đã ngã xuống...
- Việc ông tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được ký hợp đồng thuê mặt bằng miễn phí tại Trung tâm Thương mại V+ của Hòa Bình Green City có phải là nghĩa cử tri ân?
Nghe chúng tôi hỏi, nét mặt ông Đường thoáng trầm lặng, ánh mắt nhìn xa xa, rồi nhẹ nhàng nói: “Đúng như vậy! Môi trường quân ngũ dạy cho tôi biết bao bài học quý giá. Một người đồng đội cố gắng cõng bạn mình bị thương ra khỏi vùng lửa đạn khi địch đang tập kích thì bị mảnh bom phạt ngang người và hy sinh. Người đồng đội bị thương được bạn cõng sau đó được cứu sống. Đó là hình ảnh xúc động và ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội đối với tôi. Là một CCB, tôi luôn tâm niệm phải xây dựng cho mình một định hướng kinh doanh rõ ràng, có hiệu quả kinh tế cao, đứng vững trên đôi chân của chính mình và tính đến việc hỗ trợ, giúp đỡ các đồng đội”.
Sau hàng giờ say sưa trò chuyện đầy nhiệt huyết về những nỗi niềm và khát vọng cống hiến, tri ân. Chợt ông Đường xúc động khi nhắc đến đồng đội. Với tấm lòng thành kính của người chiến sĩ trong chiến đấu, doanh nhân trong thời bình, ông tự nhủ với bản thân và nguyện cầu trước hương hồn đồng đội sẽ quyết tâm phát triển kinh tế, dựng xây đất nước, đồng thời tích cực làm các công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân với đồng đội và những người có công.
Nhiều năm qua, bên cạnh công việc kinh doanh bận rộn và gian truân, ông Đường vẫn rất chú trọng đến hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bằng những hành động thiết thực như xây tặng hai trung tâm đón tiếp gia đình liệt sĩ rất khang trang ở Đông Hà (Quảng Trị). Năm 2007, ông tổ chức đúc tượng Bác Hồ dâng lên Khu di tích Định Hóa (Thái Nguyên). Năm 2014, ông bỏ tiền để đúc hai quả chuông đồng, trọng lượng mỗi quả 1 tấn đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ông cũng dành tiền của mình, đồng thời quyên góp xây 102 nhà tình nghĩa tại Hà Nội và một số địa phương...
Cứ vào dịp lễ Vu Lan hằng năm, dù bận nhiều công việc, CCB Nguyễn Hữu Đường đều dành thời gian đến thắp hương cho các đồng đội của mình. Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, ông Đường luôn tâm nguyện đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN- HẢI LÝ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.