Thương binh - liệt sĩ, đề tài được đặc biệt quan tâm 

PV: Bộ phim tài liệu “Niềm tin” của Điện ảnh QĐND thực hiện năm vừa qua, đã tạo hiệu ứng rộng rãi khi phát sóng. Đồng chí có thể giới thiệu khái quát về bộ phim?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Bộ phim tài liệu “Niềm tin” nói về hành trình của gia đình cùng các cơ quan chức năng tìm kiếm thông tin để công nhận liệt sĩ cho quân nhân Đặng Thành Tuấn, là con em gia đình có truyền thống cách mạng ở Bình Định, tập kết ra Bắc. Năm 1965, Đặng Thành Tuấn viết đơn nhập ngũ bằng máu và được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Đoàn 1360, Bộ tư lệnh Pháo binh. Đây cũng là thông tin cuối cùng về quân nhân Đặng Thành Tuấn mà gia đình nhận được.

Suốt 50 năm, gia đình cùng sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng vẫn không ngừng tìm kiếm với niềm tin không gì thay đổi là quân nhân Đặng Thành Tuấn đã ngã xuống trên đường quay về miền Nam chiến đấu. Đến năm 2018, thông tin qua website: kyvatkhangchien.com mà anh Lâm Hồng Tiên cung cấp, những manh mối về quân nhân Đặng Thành Tuấn đã xuất hiện, mở ra hy vọng mới trong hành trình đưa anh về với gia đình và hoàn thiện các thủ tục công nhận liệt sĩ.

Bộ phim tài liệu dài 30 phút, mang thông điệp về niềm tin vào những giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, niềm tin vào truyền thống yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.

PV: Tác phẩm về đề tài TB-LS được Điện ảnh QĐND quan tâm khai thác như thế nào thời gian qua, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Bên cạnh các đề tài về Quân đội với những nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hậu phương người lính, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng trong cuộc sống; thì đề tài CTCM, tôn vinh sự hy sinh, đóng góp trí tuệ, xương máu của thế hệ cha anh cho độc lập dân tộc và đề tài TB-LS, cũng như những vấn đề về hậu chiến luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc Điện ảnh QĐND đặc biệt quan tâm, định hướng cho đội ngũ biên kịch, biên tập viên triển khai sáng tác.

leftcenterrightdel

Hình ảnh trong phim tài liệu "Niềm tin" của Điện ảnh QĐND. Ảnh: MINH ĐỨC

Những năm qua, nhiều bộ phim về đề tài TB-LS được Điện ảnh QĐND khai thác và đưa vào sản xuất, như: Các phim truyện: “Hóa thổ” (năm 2017), “Nơi ta không thuộc về” (năm 2018); các phim tài liệu: “Ngày về” (năm 2017), “Chưtankra” (năm 2019), “Mầm xanh đất lửa” (năm 2020), “Phim đỏ” (năm 2020), “Nỗi đau da cam” (năm 2021), “Niềm tin” (2022). Năm 2023, Điện ảnh QĐND đang sản xuất tiền kỳ phim tài liệu “Suối nguồn”.

Các tác phẩm được đội ngũ biên kịch, đạo diễn khai thác dưới nhiều góc độ với mong muốn khắc họa trọn vẹn chân dung và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ: Chiến đấu anh dũng và luôn sẵn sàng hy sinh trong chiến tranh, đến khi hòa bình, họ trở thành những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay tiếp tục học tập, noi theo. Các bộ phim về đề tài TB-LS không chỉ hướng đến những dịp kỷ niệm, mà còn là sự tri ân, tưởng nhớ của cán bộ, nghệ sĩ Điện ảnh QĐND tới các thế hệ cha anh đã dành cả thanh xuân, sinh mạng của mình cho nền độc lập của nước nhà.

PV: Công tác TB-LS ở nước ta luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn những vấn đề cần sớm được giải quyết, nhất là khi có hàng chục nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Theo đồng chí, các bộ phim như thế có ý nghĩa, tác động thế nào đối với xã hội và thế hệ trẻ hôm nay?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Chiến tranh để lại bao vết thương khó lành cho đất nước chúng ta. Một trong những điều đau đáu nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta là còn nhiều liệt sĩ nằm lại ở các chiến trường mà chưa tìm được hài cốt, chưa thể xác định danh tính. Đây là câu chuyện cần sự nỗ lực và kiên trì phối hợp từ nhiều phía.

Trong phim “Niềm tin”, qua hành trình dài nhiều năm xác định rõ trường hợp hy sinh của người thân, các nhân vật luôn vững tin vào phẩm cách của quân nhân Đặng Thành Tuấn. Dù gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như không có hy vọng, họ vẫn không bỏ cuộc và cuối cùng đã mãn nguyện.

Bộ phim được thực hiện bằng tâm huyết của người nghệ sĩ với một hình tượng nghệ thuật đẹp; sự ngưỡng mộ và tri ân của người chiến sĩ-làm phim chúng tôi với tấm gương yêu nước của một đồng đội thế hệ cha anh. Đoàn làm phim đã dành nhiều tháng đồng hành với nhân vật, vừa ghi hình, vừa chia sẻ tâm tư, tình cảm. Sau khi bộ phim phát sóng, chúng tôi rất vui mừng được tin, ngày 8-9-2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1053/QĐ-TTg về việc công nhận quân nhân Đặng Thành Tuấn là liệt sĩ, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đặng Thành Tuấn, khép lại hành trình nửa thế kỷ gia đình tìm kiếm thông tin về quân nhân-liệt sĩ Đặng Thành Tuấn.

Tôi nghĩ “Niềm tin” là một minh chứng cho ý nghĩa, tác động của bộ phim tới xã hội. Qua đó cũng lan tỏa thông điệp tới xã hội rằng hãy luôn vững tin vào những giá trị cao đẹp của dân tộc, của người lính và thế hệ sau luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Và dù còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng chúng ta hãy vững tin rằng, công tác xác minh, quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ đạt được những kết quả thiết thực, ý nghĩa nếu chúng ta nỗ lực và quyết tâm thực hiện.

Hướng đến những bộ phim hấp dẫn, chất lượng

PV: Không chỉ những bộ phim về đề tài TB-LS, những năm gần đây, phim về đề tài LLVT và CTCM nói chung thường được Điện ảnh QĐND khai thác mang hơi thở đương đại, gắn với cuộc sống hôm nay. Đó có phải là một cách để Điện ảnh QĐND làm cho phim tài liệu hấp dẫn, đời hơn không, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Đề tài LLVT và CTCM, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là đề tài mang đến nhiều cảm xúc đối với văn học-nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điện ảnh nói riêng.

Trải qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn, bảo vệ nền hòa bình, thống nhất đất nước, người lính với sự anh dũng, quả cảm, không nề hà gian khổ, hy sinh là hình tượng trung tâm, là nguồn cảm hứng và chất liệu vô tận cho điện ảnh. Trong thời bình, bộ đội vẫn là lực lượng xông pha nơi tuyến đầu, ở biên giới, hải đảo, những nơi khó khăn gian khổ nhất, tham gia vào tất cả lĩnh vực để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Hình tượng bộ đội thời bình cũng là chất liệu đa dạng và phong phú để các nhà làm phim xây dựng nên các tác phẩm nghệ thuật.

leftcenterrightdel

Thượng tá Nguyễn Thu Dung. Ảnh: DUY HỒNG

Thời gian gần đây, Điện ảnh QĐND cũng chú trọng tập trung khai thác nhiều về người lính của ngày hôm nay song song với các bộ phim mang đề tài CTCM. Chúng tôi luôn khuyến khích và đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo, đổi mới về thủ pháp nghệ thuật đối với đội ngũ sáng tác, sao cho từ hiện thực đời sống, các bộ phim vẫn giữ vững định hướng chính trị, đồng thời thể hiện được chân thực hơi thở đương đại; kết hợp với phương pháp tư duy đa chiều, tìm ra hướng khai thác mới cho các đề tài tưởng như đã cũ, bắt kịp với xu hướng làm phim, thưởng thức phim hiện đại. Dù là ở đề tài nào, chúng tôi cũng luôn mong muốn tìm được hướng khai thác, một góc nhìn mới để cho các bộ phim ngày một hay hơn, hấp dẫn hơn, đến gần với quý khán giả hơn.

PV: Chiến tranh ngày càng lùi xa, những người làm phim của Điện ảnh QĐND cũng dần thuộc lớp sinh ra sau chiến tranh; điều đó đặt ra những yêu cầu và thách thức gì cho Điện ảnh QĐND trong việc khai thác đề tài CTCM, hậu chiến để có các tác phẩm chất lượng cao, ý nghĩa, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Mỗi thế hệ đều gánh vác một sứ mệnh với thời đại của mình. Các TB-LS đã hoàn thành trách nhiệm thế hệ họ, là đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Thế hệ hôm nay có sứ mệnh bảo vệ môi trường hòa bình, xây dựng dân tộc đoàn kết, làm cho đất nước giàu mạnh. Nhiệm vụ lịch sử khác nhau nhưng các thế hệ có chung những giá trị tốt đẹp được thừa hưởng từ tổ tiên ngàn đời, đó là lòng yêu nước và tinh thần, ý chí, khát vọng vươn lên... Tôi nghĩ nhiệm vụ của người làm phim Điện ảnh QĐND là phản ánh, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc, những phẩm chất cao đẹp của người lính, tiếp thêm động lực cho thế hệ hôm nay và mai sau hăng hái phụng sự đất nước và dân tộc.

Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu đối với Điện ảnh QĐND phải xây dựng, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác nghệ thuật có kiến thức, nhận thức đúng đắn, sâu sắc về lịch sử và trách nhiệm của mình với việc tạo nên các tác phẩm chất lượng tôn vinh những giá trị truyền thống, những phẩm chất cao đẹp của người lính; đồng thời luôn trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu hình thức thể hiện mới, sáng tạo, theo kịp sự phát triển của thẩm mỹ người xem.  

Thách thức và khó khăn của chúng tôi không ít. Về con người, đội ngũ cán bộ làm công tác sáng tác của chúng tôi hầu hết có tuổi đời và tuổi nghề chưa cao; kinh nghiệm, vốn sống và vốn kiến thức còn nhiều mặt phải bổ túc. Công nghệ điện ảnh đang phát triển với tốc độ nhanh, trang thiết bị ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, khán giả ngày nay tương đối am hiểu về điện ảnh và có tiêu chí thẩm mỹ ngày càng cao, đa dạng... Những yếu tố đó đặt ra yêu cầu làm phim về lịch sử CTCM sao cho hấp dẫn, cũng là một thử thách lớn với chúng tôi.

Tuy vậy, chúng tôi có được những thuận lợi cơ bản, trước hết đó là sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đối với công tác làm phim; truyền thống lâu đời của Điện ảnh QĐND và nhiệt huyết, lòng yêu nghề của đội ngũ cán bộ, người làm phim trong đơn vị. Vì thế, tôi tin tưởng, chúng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm tốt nhiệm vụ của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG THU (thực hiện)