Phóng viên (PV): Xin chúc mừng đạo diễn với Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho chùm phim tài liệu. Vậy, quan niệm về phim tài liệu của ông thế nào?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Phim tài liệu đối với tôi là một quá trình. Như bộ phim "Thang đá ngược ngàn" (2002), do ngày xưa mẹ tôi làm ở bệnh viện da liễu nên tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với những người bị bệnh phong. Từ bé tôi đã suy nghĩ về bệnh phong và những bệnh nhân phong. Khi đọc bài báo của Đỗ Doãn Hoàng về cô giáo Mùi, có nhân vật, câu chuyện có thể tải được suy nghĩ của mình nên tôi quyết định làm phim "Thang đá ngược ngàn".

Phim "Còn lại với thời gian" cũng là một đề tài tôi ấp ủ từ lâu. Ở gia đình tôi cũng có con của người bác hy sinh mà không để lại gì hết. Đó là điều tôi luôn quan tâm. Vì vậy, trong rất nhiều năm tôi đã thu thập những bức thư của các liệt sĩ và suy nghĩ về đề tài này.

Phim tài liệu là khi có điều kiện, xuất hiện một chuyện gì đó, có nhân vật, có truyện thì đó là cơ hội để tôi làm phim. Còn những suy nghĩ về vấn đề đó thường là suy nghĩ từ khá lâu. Các phim tài liệu khác, tôi phải đọc khá nhiều sách, tài liệu liên quan đến đề tài để nạp thông tin vào. Trong làm phim tài liệu, bạn phải biết rất rộng, rất sâu thì mới có thể làm được một bộ phim có chất lượng.

leftcenterrightdel

Đạo diễn Lê Hồng Chương 

PV: Ông bắt đầu đến với phim tài liệu ra sao? Ai là người ảnh hưởng đến sự nghiệp và tư duy làm phim của ông?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Lúc tôi học tại Trường VGIK (Liên Xô) thì tôi học làm phim truyện. Quá trình học tôi dần yêu thích phim tài liệu hơn. Vì thế, tôi chuyển sang làm phim tài liệu ngay từ bộ phim tốt nghiệp. Khi về Việt Nam, tôi quyết định làm việc tại Hãng phim Tài liệu và gắn bó với hãng trong suốt sự nghiệp của mình. Nếu bây giờ trở lại thuở ban đầu, tôi vẫn sẽ chọn tài liệu!

Một điều thuận lợi là bố tôi ngày trước làm ở Hãng phim Tài liệu nên tôi cũng được tiếp xúc với phim tài liệu từ bé. Vì vậy, làm phim tài liệu đối với tôi rất tự nhiên, như thể đã “ăn vào máu”, là sự đam mê của mình.

Thời kỳ của tôi vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều của cách làm phim truyền thống. Phong cách làm phim của tôi bị ảnh hưởng nhiều từ những thế hệ vàng của phim tài liệu, như: Nhà làm phim Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích... Tôi may mắn được làm việc trực tiếp với hầu hết những tên tuổi đó nên sức ảnh hưởng của họ đối với tôi rất lớn, trong ngôn ngữ thể hiện, trong cách làm phim. Đó là thế hệ mà tôi tiếp nối và trân trọng.

PV: Nói về phong cách làm phim của mình, ông có thể khái quát một vài điều gì?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Nghề làm phim tài liệu có khó khăn là không được làm giống người khác và cũng không được làm giống những gì mình đã làm. Nhưng nói cho cùng mình vẫn là mình nên vẫn có những ảnh hưởng, cách tiếp cận vấn đề... tất cả vẫn xuất phát từ suy nghĩ của mình, từ bản năng, thói quen của mình... Tôi ít khi phân tích phim của mình (việc đó dành cho các nhà lý luận) nhưng những câu chuyện tôi kể hay xuyên qua những số phận con người cụ thể. Bao giờ mình cũng gắn bó với những phim có nhân vật, có số phận và mình có thể kể câu chuyện của mình.

Tôi quan niệm làm phim là một quá trình khám phá, khám phá qua những nhân vật của mình. Mình phải đến gặp họ để tìm hiểu, trao đổi và những chi tiết trong phim luôn phải là của họ chứ không phải mình nghĩ ra để cho họ “diễn” lại. Ví như bộ phim "Thang đá ngược ngàn", tôi gặp cô giáo Mùi và những người bạn của cô. Bài báo là cái cớ để mình tiếp cận nhân vật, sau đó mình phải tìm hiểu xem người ta thích cái gì, người ta yêu cái gì, từng bài hát, bài thơ... Hồi đó còn chưa có email, chát như bây giờ, tôi chỉ viết thư cho họ thôi. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng thư và họ viết tất cả những điều họ suy nghĩ. Do đó hầu hết những lời trong kịch bản phim đều là lời thực trong các lá thư của nhân vật. Phim "Còn lại với thời gian" cũng vậy, cũng là những bức thư thực, nhân vật thực và họ tâm sự với mình những điều họ suy nghĩ thực. Nếu gọi đó là "phong cách" thì cũng đúng.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề kịch bản trong phim tài liệu?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Kịch bản chỉ là cái cớ để mình kể câu chuyện, mang theo một ý tưởng, thông điệp mình ấp ủ và định hướng. Tải thông điệp thế nào là cách của mỗi đạo diễn. Cũng một đề tài tôi có thể làm những thông điệp khác nhau, những vấn đề khác nhau. Và thông điệp là sự suy nghĩ của tác giả, của riêng người đạo diễn. Đó là mục tiêu, là cái đích để mình đi đến.

Phim của tôi thường có lời bình. Trong "Thang đá ngược ngàn", lời bình là tất cả những câu mà nhân vật viết trong thư. Tôi quan niệm trong điện ảnh thì đạo diễn là người nhạc trưởng. Mình không nên làm tất cả mọi việc. Mình có thể viết kịch bản, lời bình... Nhưng những việc đó tôi sẽ nhờ một người khác làm vì họ sẽ phát triển tốt hơn mình. Bên cạnh đó, bao giờ cũng có kiểm nghiệm. Chẳng hạn như phim "Còn lại với thời gian", tôi có trích những bức thư của các liệt sĩ và sau đó cho những người khác xem, đặc biệt là các bạn trẻ để xem họ phản ứng như thế nào.

leftcenterrightdel

Một số cảnh trong phim tài liệu "Thang đá ngược ngàn" của đạo diễn Lê Hồng Chương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghề làm phim tài liệu rất vui và hấp dẫn vì đó là sự khám phá, khám phá cho chính bản thân và cho những người xem phim. Nhân vật thì cố định, ý tưởng câu chuyện cũng có trước, cái đích của mình thì đặt ra từ đầu nhưng quá trình khám phá thì không bao giờ có sự cố định. Khi khám phá như vậy thì việc làm phim sẽ thú vị hơn rất nhiều. Phim tài liệu không thể đóng diễn được vì nó là hiện thực, không được quyền hư cấu. Vì thế bao giờ cũng phải chờ đợi để tìm cơ hội xuất hiện nhân vật, câu chuyện phù hợp, trúng với vấn đề mình quan tâm, có thể tải được những suy nghĩ của mình. Đồng thời, nhân vật phải thú vị. Vì phim tài liệu cũng như mọi loại hình nghệ thuật đòi hỏi phải có sự hấp dẫn, có cái để khán giả cùng khám phá.

PV: Theo ông, cách làm phim tài liệu của Việt Nam có gì khác với trên thế giới?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Thế hệ của chúng tôi làm phim rất gần với điện ảnh Xô viết. Chúng ta xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn bó với điện ảnh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Cách làm phim tài liệu thời kỳ trước chịu ảnh hưởng của các nhà điện ảnh Liên Xô nổi tiếng như Roman Carmen... Bây giờ thì cách làm phim đã khác xưa nhiều: Gần với hiện thực hơn, thoải mái hơn trong việc tiếp cận hiện thực và tạo một khoảng sân để khán giả cùng suy nghĩ. Phim của thế hệ tôi đã được định hướng và ảnh hưởng của tác giả rất mạnh, muốn đưa khán giả đến cái đích nhất định. Còn bây giờ, có lẽ do thế giới phẳng và tiếp cận thông tin rất dễ, người làm phim chỉ dẫn dắt người xem vào câu chuyện và để họ tự suy nghĩ, đưa ra nhận định của mình chứ không định một cái hướng cố định cho khán giả. Thế giới đang đi theo xu hướng làm phim tài liệu như vậy.

PV: Với kinh nghiệm của người làm quản lý lâu năm, qua những chức vụ quan trọng của ngành điện ảnh, ông có suy nghĩ gì về những vấn đề của điện ảnh Việt Nam, nhất là phim tài liệu hiện nay?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Từ xưa đến nay, định hướng về đề tài, tư tưởng cho phim tài liệu chúng ta vẫn giữ vững và làm tốt. Chúng ta đều muốn xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó, để lôi cuốn được khán giả xem phim tài liệu? Làm thế nào để phim chúng ta có thể đi xa, đến với khán giả quốc tế và tham dự những giải thưởng, liên hoan phim lớn trên thế giới? Điện ảnh không thể chỉ dừng ở phạm vi một đất nước. Sức mạnh của văn hóa đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ngay với khán giả trong nước, hiện nay họ cũng có rất nhiều lựa chọn, do đó làm thế nào để hấp dẫn được người xem luôn là bài toán được đặt ra. 

PV: Theo ông, làm sao để phim tài liệu có thể bứt phá lên?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Tôi là người đã tham gia đưa hầu hết các khóa đào tạo phim tài liệu của nước ngoài vào Việt Nam như khóa học Varan, lớp của Robert Kamer... Khóa học của Varan đã tạo thành một nhóm nhà làm phim tài liệu độc lập, hình thành nên một trào lưu với những phim thành công gần đây như: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (Nguyễn Thị Thắm), “Đi tìm Phong” (Trần Phương Thảo), “Những đứa trẻ trong sương” (Hà Lệ Diễm)... Điều đó phải có một quá trình mười mấy năm chứ không thể một lúc mà thay đổi được. Chúng ta vẫn phải làm điện ảnh của chúng ta chứ không phải bắt chước ai đó. Không thể thoát khỏi ngôn ngữ, bản sắc dân tộc. Phải dần dần tiếp nhận một cách nhuần nhuyễn với ngôn ngữ mới, cách tiếp cận mới để hấp dẫn khán giả đại chúng. Đồng thời để khán giả nước ngoài có thể hiểu và cảm nhận được, đó là cả một quá trình. Nghệ sĩ phải xem, nghệ sĩ phải học, nghệ sĩ phải thấm ngôn ngữ mới. Điện ảnh không thể sản xuất hàng loạt như một sản phẩm công nghiệp mà phải đến từ con người, từ nghệ sĩ.

Tôi rất muốn có Quỹ Điện ảnh để hỗ trợ các nhà làm phim trẻ. Nó sẽ tạo ra một không gian cho sản xuất phim tài liệu rộng rãi hơn, được xã hội hóa một cách đúng đắn (tránh bị thương mại hóa). Cần phải có quỹ để thúc đẩy những ngôn ngữ thể hiện mới trong điện ảnh-điều không dễ làm được ngay. Đó cũng là động lực cho các nhà làm phim trẻ phát triển như trường hợp Hà Lệ Diễm-lọt top 15 phim tài liệu hay nhất được đề cử tranh giải Oscar vừa qua.

PV: Ông đã và đang giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Điều ông luôn nhắn nhủ đến các sinh viên điện ảnh là gì?

Đạo diễn Lê Hồng Chương: Điều quan trọng nhất tôi yêu cầu các bạn trẻ là sự đam mê. Nếu chỉ học để lấy cái bằng thì không thể trở thành nghệ sĩ được. Tôi có thể dạy những điều rất cơ bản, nhưng văn hóa, lòng đam mê thì tôi không dạy được. Đam mê, tìm tòi nghiêm túc là điều quyết định sự thành công trong nghề này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG DẠ VŨ (thực hiện)