Tác phẩm là tấm gương phản chiếu nhà báo

Phóng viên (PV): Những năm gần đây khán giả thường xuyên ấn tượng với những phim tài liệu mà anh đạo diễn, nhất là trong các chương trình VTV đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề báo?

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển Nam Định. Bố mẹ tôi là những người nông dân chân chất, chỉ biết cố gắng nuôi con học hành tốt nhất có thể, chứ cũng không có sự định hướng gì cho tương lai học hành hay nghề nghiệp của các con. Tôi cũng vậy, không ý thức được việc sau này sẽ làm nghề gì. Mãi khi các bạn đã thi trường nọ, trường kia rồi, tôi mới nghĩ đến việc này. Ngày ấy, khi xem phim trên truyền hình tôi thấy thích nhân vật phóng viên, quay phim. Thấy Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh bằng môn Văn học và năng khiếu, có vẻ hợp với sở trường của mình nên tôi đã đăng ký thi.

leftcenterrightdel

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Tôi luôn cho rằng, nền tảng gia đình rất quan trọng trong việc quyết định tới con đường tương lai của mỗi người. Chính bởi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, từ nhỏ đã được chứng kiến và trải qua cảnh lam lũ, vất vả của người nông dân miền biển, những ngày mùa giúp bố mẹ việc đồng áng, rồi chạy việc vặt ở chợ phụ mẹ kiếm thêm vài đồng mua sách vở... đã cho tôi những trải nghiệm, bài học thực tiễn quý giá mà sách vở nhiều khi không mang lại được. Rồi nhất là sau khi ra trường, được về Đài Truyền hình Việt Nam công tác, tôi lại có 5 năm làm chương trình "Vì người nghèo", được tiếp xúc với rất nhiều thân phận, mảnh đời, câu chuyện éo le trong cuộc sống và nghị lực vươn lên, là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt... Đến giờ, tôi càng thấy những trải nghiệm rất đời thường từ chính cuộc sống lao động, từ những người tôi gặp, đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ, con người tôi, giúp tôi nhiều trong quá trình làm việc.

PV: Đó có phải lý do mà các phim tài liệu anh đạo diễn thường chọn khai thác những câu chuyện rất đời thường, những thân phận éo le trong cuộc sống?

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Nhiều người từng hỏi sao tôi hay chọn làm về những phận đời éo le, phản ánh hơi thở cuộc sống gần gũi, chân thực đến thế...? Thực ra đâu đó cũng một phần ảnh hưởng bởi suy nghĩ, quan niệm bản thân được hình thành từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống và quá trình làm việc. Những vốn liếng đó thể hiện trong tác phẩm của tôi, dù là phim tài liệu hay phim về lịch sử. Cũng có thể nói, tác phẩm chính là tấm gương phản chiếu tính cách và con người mình.

PV: Còn nhớ năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, bộ phim tài liệu “Ranh giới” do anh đạo diễn, phát trên chương trình VTV đặc biệt đã tác động mạnh mẽ tới xã hội với những cảnh quay chân thực tới mức ám ảnh. Nhìn lại những phim tài liệu anh đã làm, có ý kiến cho rằng phim của anh đi vào nỗi đau của người khác trần trụi quá?

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Đúng là không phải chỉ “Ranh giới”, cả nhiều bộ phim khác như: “Hai đứa trẻ” về câu chuyện hai gia đình bị nhận nhầm con; “Miền đất hứa” về câu chuyện những người lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc); “Chông chênh” về thân phận những cô dâu Việt không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân ở Đài Loan; “Đường về” với câu chuyện về hành trình tìm con của hai người mẹ liệt sĩ... bên cạnh bao lời động viên, ghi nhận, tôi cũng nhận được cả những ý kiến không đồng tình, thậm chí cho rằng tôi đang lấy nỗi đau, bất hạnh của người khác để đạt mục tiêu của mình.

leftcenterrightdel
Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và nhân vật người mẹ liệt sĩ trong phim tài liệu "Đường về". Ảnh do nhân vật cung cấp

Quá trình thực hiện những tác phẩm cũng là thước đo để người làm phim, làm báo thể hiện góc nhìn báo chí và quan điểm nghề nghiệp. Tôi luôn nghĩ những điều gì không vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; không làm tổn hại người khác mà truyền đạt được thông điệp đúng, hiệu quả, tích cực thì làm. Tôi biết mình phải chọn hình thức thể hiện phù hợp để đạt mục tiêu tuyên truyền, vì xã hội, cộng đồng, vì đất nước lên hàng đầu. Quan điểm của tôi là, nếu mình không đi đến tận cùng câu chuyện, nỗi đau, thì sẽ không thể hiện đủ mạnh những thông điệp muốn gửi tới người xem. Với phim tài liệu, sự chân thật đắt giá và có tác dụng hơn bao giờ hết, cũng vì thế trong các phim của tôi thường không dùng lời bình, mà để nhân vật tự thể hiện câu chuyện. Và để làm điều đó, tôi và nhân vật đều có sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, thống nhất, đồng thuận để đạt được sự chân thật, gần gũi, đi đến tận cùng câu chuyện. Có những câu chuyện đau lòng, ám ảnh nhưng mang thông điệp rất nhân văn và đạt hiệu ứng tích cực với xã hội.

Bản lĩnh trước những “ranh giới”

PV: Có khi nào chính anh cũng phải tự đấu tranh khi đứng trước những “ranh giới” của người làm báo?

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Nhiều chứ! Có khi cảm xúc mạnh, nhân vật chia sẻ rất chân thật, hay là quá trình làm mảng điều tra, nhân vật tin tưởng mình nên chia sẻ nhiều điều mà nếu đưa vào phim chắc chắn sẽ đạt được hiệu ứng cao hơn, nhưng có thể lại là yếu tố bất lợi cho nhân vật, nhân chứng. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi bất chấp tất cả. Nó buộc tôi phải cân nhắc giữa mục đích tuyên truyền, hiệu ứng xã hội và những yếu tố có lợi, bất lợi cho nhân vật. Đâu là ranh giới, lựa chọn như nào, cũng luôn là cuộc đấu tranh căng thẳng của tôi từ lúc quay đến khi hậu kỳ. Không ít lần khi quay xong, về nhà tôi phải xóa ngay tư liệu vì sợ lúc nào đó ham nghề lại mang ra dùng để đạt được mục đích riêng cao hơn.

Cũng có khi đó là những ranh giới của sự dấn thân, trước những nguy hiểm. Khi làm phim “Miền đất hứa”, để tìm hiểu câu chuyện lao động bất hợp pháp, hay với phim “Chông chênh”, để tìm hiểu về đường dây làm quốc tịch giả, tôi đã thâm nhập thực tế để điều tra, tới vùng sâu, vùng xa, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm... Nhưng cũng chỉ khi làm báo, làm phim, tôi mới được cơ hội có những trải nghiệm như thế. Nghề báo mới giúp tôi qua mỗi nhân vật mình tiếp xúc được học hỏi, được tiến bộ, trưởng thành hơn mỗi ngày.

PV: Trong thời đại thế giới phẳng hiện nay, thông tin bùng nổ, đa dạng, đa chiều có thể tác động dễ dàng đến mỗi người, kể cả nhà báo. Theo anh, điều đó đòi hỏi ở những người làm báo điều gì?

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Bản lĩnh của người làm báo trước môi trường bùng nổ thông tin hiện nay cần hơn bao giờ hết. Báo chí có tác động sâu rộng tới xã hội, nếu chính người làm báo không đủ bản lĩnh, để thông tin lũng đoạn, chạy theo tin giật gân câu view, không kiểm chứng, sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều đó buộc chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo, khách quan, tinh tế, cẩn trọng, vừa phản ánh xã hội, nhưng với vai trò người làm báo phải có trách nhiệm định hướng, dẫn dắt thông tin theo hướng tích cực, nhân văn qua từng tác phẩm. Tôi nghĩ rằng, người làm báo dù ở lĩnh vực, đề tài, hình thức thể hiện như nào thì điều quan trọng, cốt lõi nhất là hướng đến mục tiêu tốt đẹp, vì cộng đồng, xã hội, vì lợi ích của dân tộc.

Khi tôi làm hai bộ phim tài liệu lịch sử “Hào khí Bạch Đằng giang”, “Bạch Đằng giang vang vọng đức Ngô Quyền”, tôi nhận thấy hiệu ứng xã hội tốt khi có những khán giả là giáo viên liên hệ xin làm tư liệu dạy môn Lịch sử cho học sinh. Bằng cách ấy, giáo viên sau đó đã phản hồi rằng thấy môn học cuốn hút học sinh hơn, lịch sử được lan tỏa rộng rãi hơn. Tôi nghĩ đây là một cách đưa lịch sử đến với thế hệ hôm nay rất gần gũi, dễ nhớ. Đó cũng là động lực để tôi tìm đến những người trân quý lịch sử và muốn câu chuyện lịch sử có sức sống mạnh mẽ hơn trong đời sống hiện nay để thực hiện bộ phim thứ ba “Đại Hành hoàng đế”. Nhiều người khích lệ, động viên, cũng có người chê bai, bảo làm không tới thì đừng có làm...

Là người trẻ làm phim về lịch sử, điện ảnh Việt cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về phim tài liệu lịch sử và tôi nghĩ nếu cứ đợi thì biết đến bao giờ mới làm tới, nếu không làm sao vỡ vạc ra được, nếu không đi thì sao thành đường! Vừa học vừa làm, va vấp, thiếu sót là điều không tránh khỏi, nhưng tôi biết mình không làm sai đạo đức, không xuyên tạc lịch sử dân tộc. Điều tôi mong muốn và hướng tới là hình ảnh hóa, bằng cách kể mới, chuyển tải câu chuyện lịch sử hấp dẫn hơn, lôi cuốn người xem, qua đó góp phần làm cho lịch sử được sống mãi, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu về giá trị nguồn cội dân tộc. Tôi nghĩ đâu đó mục tiêu tôi đặt ra đã đạt được ít nhiều và tôi vẫn sẽ nỗ lực theo đuổi những mục tiêu như thế.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)