Sức lan tỏa từ một cuộc thi

Phóng viên (PV): Là thành viên Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết lần thứ 14, đồng chí có đánh giá gì về cuộc thi năm nay?

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi: Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2022-2023 thu được hàng trăm bài viết của các tác giả chuyên, không chuyên. Với nhiều thể loại báo chí: Phóng sự, bút ký, ghi chép, bài phản ánh; ngôn ngữ giản dị, trong sáng và những câu chuyện sinh động, chân thực, các bài viết đã giới thiệu, tôn vinh, lan tỏa hàng trăm tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác, lao động, cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là một cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiên phong chống tiêu cực; một già làng nửa thế kỷ ngày đêm bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; một phụ nữ tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên diễn đàn quốc tế; là những cán bộ, chiến sĩ LLVT sẵn sàng đương đầu với nguy nan, gian khó, xông vào vùng tâm dịch, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ bình yên cuộc sống, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội; là người thầy miệt mài giúp đỡ, truyền cảm hứng cho các em học sinh; là nữ sĩ quan Việt Nam dạy học cho trẻ em bản địa khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; có thể là những ông lão, thanh niên, doanh nhân nặng lòng với công tác xã hội; hay các cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của dân... Họ là bao con người bình dị, bằng những việc làm cao quý, thiết thực đã, đang cống hiến, đóng góp tích cực cho xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Càng ý nghĩa hơn khi Cuộc thi viết lần thứ 14 được tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chào mừng 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Năm nay, sau hai vòng tổ chức chấm sơ khảo và chung khảo hết sức chặt chẽ, khách quan, Ban tổ chức đã lựa chọn 21 tác phẩm tiêu biểu của các tác giả, nhóm tác giả để trao giải.

PV: Báo chí cách mạng luôn thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh với cái xấu, tiêu cực; tích cực phát hiện, cổ vũ, lan tỏa các điển hình tiên tiến; tuyên truyền thành tựu của đất nước cũng như đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... Vậy, Cuộc thi viết do Báo QĐND tổ chức có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi: Có thể nói, 14 lần tổ chức là chặng đường đủ để minh chứng sinh động, thuyết phục cho sức sống, ý nghĩa, sức lan tỏa từ một cuộc thi. Qua 14 năm, cuộc thi đã phát hiện, tôn vinh hàng nghìn cá nhân, tập thể là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước. Tôi cho rằng, hàng nghìn nhân vật, hàng nghìn câu chuyện ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn người tốt, việc tốt đang hiển hiện hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc thi viết góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời khái quát, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý báu trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ, giáo dục, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: VIỆT CƯỜNG

Trong dòng chảy và thành tựu của Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Quân đội, trong đó có Báo QĐND đã tham gia tích cực, hiệu quả việc đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo QĐND cũng là cơ quan báo chí tích cực, kịp thời phát hiện, tôn vinh, lan tỏa nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; tuyên truyền những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thực tế, cùng với đấu tranh trực diện phê phán cái xấu thì việc tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt luôn có tác dụng to lớn để nhân lên bao điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi cho rằng, Cuộc thi viết đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường "xây" để "chống"

PV: Nhiều người cho rằng, viết đúng về cái xấu đã khó, viết đúng về người tốt, việc tốt cũng rất khó, đồng chí có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi: Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn đặc biệt quan tâm tới những tấm gương người tốt, việc tốt được các báo phản ánh. Người chỉ ra rằng, viết về người tốt, việc tốt chính là nêu gương đạo đức; đó là những đức tính tốt đẹp về đoàn kết, tình yêu thương, đức hy sinh, tấm lòng vì mọi người, không tham lam, không làm điều ác... mà con người ở thời đại nào, xã hội nào cũng cần phải có. 

Theo dõi Cuộc thi viết trên Báo QĐND, tôi thấy rằng, cuộc thi đã thu hút lực lượng tác giả rất phong phú, có cả người viết chuyên nghiệp, không chuyên ở nhiều ngành nghề, công việc khác nhau. Với cách viết giản dị, mộc mạc, các tác giả đã khắc họa, tôn vinh nhiều nhân vật tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là cách làm hiệu quả để phát huy ý nghĩa tốt đẹp vốn có của cuộc thi. Bởi người tốt, việc tốt thường không phô trương; họ ở ngay xung quanh chúng ta, với những việc làm bình dị, nhỏ bé nhưng lại hết sức thiết thực, ý nghĩa. Nếu người viết không có sự hiểu biết sâu sắc về nhân vật, viết không tới hoặc ca ngợi thái quá, thổi phồng thành tích thì sẽ phản tác dụng. Điều đó đòi hỏi người viết cần tìm hiểu kỹ, phát hiện, tôn vinh đúng người, đúng việc. Nếu hời hợt, không sâu sát, báo chí sẽ dễ sa vào phản ánh bề nổi mà không thấy được bản chất, khó thuyết phục được độc giả và xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường khiến một số người chạy theo lối sống hình thức, "làm màu" hoặc lợi dụng làm việc thiện để trục lợi. Sự vận động không ngừng của đời sống xã hội nên cái tốt cũng xuất hiện muôn hình, nhiều vẻ hơn. Nhưng dù thể hiện thế nào, phản ánh ra sao thì cái gốc chúng ta cần quan tâm tôn vinh vẫn là đạo đức, cái thiện bên trong mỗi nhân vật, chứ không chỉ là ở những việc làm chúng ta thấy.

PV: Hiện nay xuất hiện tình trạng một số người làm báo thiếu trách nhiệm với nghề, đưa thông tin giật gân câu khách, phản ánh tiêu cực một màu... Điều đó đặt ra những yêu cầu gì cho người làm báo hôm nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi: Phải khẳng định rằng, việc xây dựng và phát triển nền Báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong tiến trình phát triển, báo chí cách mạng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hiện tượng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích; vẫn có những người làm báo không giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chạy theo những cám dỗ vật chất... nên đánh mất giá trị tốt đẹp vốn có của báo chí.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu sắc, toàn diện, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ và sự bùng nổ thông tin trong thế giới phẳng đã đặt ra không ít thách thức cho người làm báo để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc. Điều đó đòi hỏi phải phát huy vai trò, trách nhiệm cao cả của báo chí trong việc thông tin, định hướng dư luận xã hội bằng cái nhìn tích cực, khách quan, mang tính xây dựng. Báo chí phải tiên phong để lan tỏa trong xã hội những giá trị nhân ái, nhân văn mà con người hướng tới. Phê phán nhưng không cực đoan, tiêu cực; phê phán, phản biện phải đi kèm với tính nhân văn, tinh thần xây dựng, tìm giải pháp khắc phục. Đấu tranh chống cái xấu nhưng không miệt thị, bôi đen; không tạo ra năng lượng xấu, trào lưu xấu làm cản trở sự phát triển của xã hội. Thông tin kịp thời nhưng không chạy theo trào lưu tầm thường, vì mục đích cá nhân... Về vấn đề này, tôi cho rằng Báo QĐND thời gian qua đã làm rất tốt. Bởi ngoài việc cập nhật những thông tin thời sự, Báo QĐND còn tổ chức hiệu quả, cân đối giữa các bài viết phê bình, chống tiêu cực và nêu gương, tôn vinh người tốt, việc tốt, tăng cường “xây” để “chống”. Báo có các chuyên mục, cuộc thi tạo được uy tín với bạn đọc, như: Cùng bàn luận; chân dung người lính; người tốt-việc tốt; phòng, chống "diễn biến hòa bình"; Cuộc thi báo chí "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới"...

PV: Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 sẽ được phát động với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”. Đồng chí có suy nghĩ gì về chủ đề này?

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi: Đây là chủ đề rất ý nghĩa và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cũng biết rằng, không chỉ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, mà ngay trong thời bình, Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng có những cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... qua đó tiếp tục cống hiến, tô thắm, làm tỏa sáng phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Họ cần được tôn vinh, lan tỏa trong đời sống xã hội. Đó là trách nhiệm của báo chí. Tôi tin, Cuộc thi viết sẽ tiếp tục để lại dấu ấn tốt đẹp!

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 (từ ngày 1-5-2022 đến ngày 30-4-2023) đã nhận được hơn 200 tác phẩm ở nhiều thể loại báo chí của các tác giả chuyên và không chuyên; trong đó hơn 150 tác phẩm đã đăng tải trên Báo QĐND. Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 21 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả để trao giải, gồm: 01 giải nhất, 03 giải nhì, 07 giải ba, 10 giải khuyến khích. Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 14 (năm 2022-2023) và phát động Cuộc thi viết lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình” sẽ diễn ra vào 9 giờ ngày 8-6-2023 tại Tòa soạn Báo QĐND, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

 

THU HÒA (thực hiện)