Bàn về câu chuyện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc phỏng vấn nhà văn Lê Phương Liên, Ủy viên Hội đồng VHTN, Hội Nhà văn Việt Nam.

Đưa suy nghĩ người lớn nên khó tiếp cận được thiếu nhi

Phóng viên (PV): 19 tuổi, bà đã có cuốn sách đầu tiên về thiếu nhi, rồi viết cho thiếu nhi đến giờ. Công tác ở Nhà xuất bản Kim Đồng cũng là môi trường khiến bà gần gũi với VHTN. Bà nhận thấy dòng văn học này ở nước ta hiện nay ra sao?

Nhà văn Lê Phương Liên: VHTN Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển khá dài, từ những tác phẩm như “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, và hình thành rõ nét có thể tính từ khi Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, năm 1957. Giai đoạn đầu, VHTN thường phản ánh cuộc sống trẻ em trong chiến tranh, nhất là tinh thần yêu nước, xả thân vì dân tộc được đề cao trong các tác phẩm, như: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng), “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng“ (Xuân Sách)... Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng, tính nhân văn, quan tâm đến tâm hồn trẻ em trong VHTN ngay từ giai đoạn đầu vẫn rất rõ nét, điều đó lý giải việc nhiều tác phẩm qua thời gian dài đến nay vẫn đứng vững ở vị trí đặc biệt trong lòng độc giả.

Đất nước thống nhất, tính nhân văn, những vấn đề đời sống, tình cảm bạn bè, gia đình, đi sâu vào cuộc sống nội tâm của thiếu nhi... càng được quan tâm hơn, điển hình là sự xuất hiện các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, khuynh hướng văn học giả tưởng xuất hiện và phát triển với cách viết mở rộng trí tưởng tượng. Ở đó, cuộc sống của thiếu nhi đã không còn là hiện thực đơn thuần, mô tả một cách bằng phẳng tuyến tính nữa mà có thể đột nhiên bay lên trời hay xuống dưới đại dương trò chuyện với các nhân vật.

leftcenterrightdel

Nhà văn Lê Phương Liên. Ảnh: THU HÒA 

Thời gian này, tôi đang đọc những tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, thấy khuynh hướng sáng tác đó vẫn được đa số tác giả trẻ lựa chọn. Còn những cây bút cũ, có tuổi vẫn quan tâm, hướng đến đề tài truyền thống, như là viết về gương thiếu niên anh hùng hoặc những câu chuyện của trẻ em trong quá khứ.

Một khuynh hướng mà hiện nay các tác giả trẻ và có tuổi đều tham gia vào đó là truyện đồng thoại, với những câu chuyện về các con vật được nhân cách hóa, thể hiện tư tưởng con người. Khuynh hướng này hiện rất đa dạng và cũng bộc lộ nhiều vấn đề, chẳng hạn như một số tác giả viết hơi cứng, tưởng tượng chưa hoạt, đưa nhiều suy nghĩ người lớn... khó tiếp cận được các em. Ngược lại, nhiều người viết tưởng tượng quá đà, đôi khi vốn sống chưa đủ nên xử lý diễn biến câu chuyện chưa thành công, bạn đọc chưa chắc chấp nhận.

Với những khuynh hướng, đề tài đa dạng như hiện nay có thể khẳng định, các tác giả đang cố gắng tìm tòi sự đổi mới cho bản thân cũng như thúc đẩy sự phát triển của VHTN Việt Nam.

PV: Thời gian gần đây, việc có nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác với nhiều giải thưởng cho VHTN có thể coi là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực này không, thưa bà?

Nhà văn Lê Phương Liên: Hội Nhà văn Việt Nam đang cố gắng tạo chuyển biến về VHTN khi có giải thưởng riêng cho VHTN; mở trại sáng tác, nhất là cuộc vận động sáng tác dành cho VHTN hiện đang thu được nhiều bản thảo phong phú thể loại của các tác giả ở nhiều lứa tuổi, vùng miền. Bên cạnh đó còn có Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (Báo Thể thao và Văn hóa/Thông tấn xã Việt Nam), năm nay có 10 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, cũng thể hiện lực lượng viết hiện nay và sự quan tâm của đội ngũ tác giả với dòng văn học này. 

Bên cạnh đội ngũ viết thường thấy, hiện có một đội ngũ tác giả là các em thiếu nhi. Giải thưởng “Đóa hoa đồng thoại” mà Nhà xuất bản Kim Đồng đang đồng hành với các đơn vị, tổ chức đã thu hút ngày càng nhiều tác giả và tác phẩm dự thi, trong đó có rất nhiều tác giả ở hạng mục tiểu học, trung học cơ sở. Các em tiểu học có nhiều bài xuất sắc với cách nhìn nhân hậu, giàu nội tâm, sâu sắc mà người lớn cũng phải suy ngẫm. Lớn lên, có thể các em sẽ không theo con đường viết chuyên nghiệp. Nhưng tôi tin rằng khi tâm hồn, trái tim các em được tiếp xúc, bồi đắp bởi những giá trị văn chương thì dù làm nghề gì, ở lĩnh vực nào, cũng không làm việc phản nhân văn.

Đặc biệt, tôi nhận thấy hiện nay đang xuất hiện tầng lớp phụ huynh trí thức mới rất quan tâm tới việc đọc của con, họ tổ chức các câu lạc bộ, hội nhóm để giao lưu, trao đổi, hướng dẫn về sách cho trẻ. Không riêng ở những thành phố lớn mà các tủ sách dành cho thiếu nhi cũng được thành lập ở nhiều miền quê. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu tích cực, khi mà cuộc sống đang quá nhiều vấn đề phức tạp, con người ta cần những chỗ dựa tinh thần và sách vẫn là người bạn tốt, là chân trời mới rộng mở cho con trẻ.

Thách thức của người viết

PV: Trong một tọa đàm của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mới đây bàn về chất liệu nào cho VHTN, đã thu hút nhiều ý kiến của các tác giả về vấn đề này. Theo bà, đâu là chất liệu cho VHTN trong giai đoạn hiện nay?

Nhà văn Lê Phương Liên: Tôi cho rằng chúng ta không nên phân loại hay suy nghĩ phải dùng chất liệu nào cho văn học. Chất liệu chính là sự từng trải, vốn sống của tác giả. Phùng Quán viết được “Tuổi thơ dữ dội” là bởi ông đã sống qua chiến trận; hay Đoàn Giỏi thực sự sống ở Cà Mau mới có thể viết “Đất rừng phương Nam”. Tất nhiên với đề tài lịch sử thì tác giả hoàn toàn có thể đọc sách tìm hiểu để viết về câu chuyện hàng trăm năm trước nhưng phải trên cơ sở hiểu biết rất kỹ về bối cảnh lịch sử, nhân vật.

Dù chất liệu nào thì theo tôi, VHTN luôn cần những điều phi thường, dẫu cuộc sống có nhiều sự tầm thường, thậm chí xấu xa... Trẻ thơ đầy khát vọng, ước mơ, vẫn mong gặp được các nhân vật phi thường và đó là lý do vì sao tác phẩm “Không gia đình” (Hector Malot) trở thành tác phẩm VHTN bất hủ.

leftcenterrightdel

Nhà văn Lê Phương Liên giao lưu với học sinh Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Từng là nhà giáo nên giúp bà có thuận lợi khi tìm hiểu và viết về thiếu nhi, tuy nhiên trẻ em hôm nay sinh ra và lớn lên trong môi trường cuộc sống hiện đại, khoa học công nghệ phát triển, khác rất nhiều so với cách đây vài chục năm trước. Điều đó đặt ra thách thức gì cho người viết hôm nay, thưa bà?

Nhà văn Lê Phương Liên: Quả thật tôi nghĩ viết về cuộc sống bây giờ của các em thực sự là thách thức lớn. Ví như viết về tình thầy trò bây giờ như thế nào là rất khó bởi nó quá nhiều thay đổi so với trước đây, không có hình mẫu điển hình cho ta nương tựa vào để viết. Bởi ngay trong một ngõ phố, em học trường công, em học trường tư, em học trường quốc tế, với những chương trình, phương pháp, môi trường giáo dục khác nhau... Hay là, tết của trẻ em bây giờ như thế nào cũng là điều rất khó thể hiện... Những vấn đề của cuộc sống đương đại đôi khi quá phức tạp và vượt quá tầm của người viết hiện nay. Trong lúc đó, chúng ta còn nhiều hướng tiếp cận hơn, như là viết về quá khứ với những câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa, gần gũi với đời sống đương đại. Thách thức với người viết rõ ràng rất lớn nhưng tôi cho là điều quan trọng vẫn nằm ở cách viết và tình yêu của người viết với cái mình viết và độc giả chứ không hẳn đề tài. Nếu viết một cách thắm thiết, hết lòng thì tác phẩm sẽ chạm vào trái tim người đọc, dù ở thời đại nào.

Nâng cao tính chuyên nghiệp

PV: Dù có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để phát triển dòng văn học này, chúng ta cần quan tâm đến điều gì, thưa bà?

Nhà văn Lê Phương Liên: Nhìn chung nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam còn nghiệp dư. Người chuyên tâm viết cho thiếu nhi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều lần tôi đã nói và vẫn muốn nhắc lại rằng, vấn đề bức thiết bây giờ là nâng cao tính chuyên nghiệp cho VHTN, bằng việc phải bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia về VHTN. Chúng ta đang có tương đối phong phú hệ thống giải thưởng cho VHTN, thì trên mặt bằng phong phú ấy, việc chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất của các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác lại là sản phẩm của ban giám khảo. Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất, chuẩn mực chung cho sự đánh giá từ đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, có trình độ cao, thế nhưng hiện tại chúng ta lại đang thiếu trầm trọng.

PV: Ngay bây giờ bắt tay vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này thì ít nhất cũng mất từ 10 đến 15 năm nữa. Vậy trong lúc này, chúng ta làm thế nào để bảo đảm kết quả của các giải thưởng được đánh giá đúng, phản ánh được thực trạng cũng như khuyến khích sự phát triển cho VHTN?

Nhà văn Lê Phương Liên: Nếu như nhiều nước có học viện, viện nghiên cứu VHTN, thì chưa trường đại học nào ở nước ta có bộ môn, chuyên ngành VHTN. Đáng lẽ chúng ta phải có sự đào tạo ấy từ lâu rồi thì mới có người được đào tạo và trở thành những người nghiên cứu để có đội ngũ chuyên gia về VHTN. Hoặc là, nghiên cứu văn học dân gian với những truyện cổ tích-nền tảng cho VHTN Việt Nam để tạo bản sắc và phân biệt VHTN Việt Nam với VHTN thế giới.

Trong lúc này, chúng ta có thể huy động sự nhiệt tình, tự nguyện, tài năng của nhiều người, có thể các nhà nghiên cứu quan tâm đến VHTN, tác giả có quan tâm tới những vấn đề lý luận của VHTN, hay là nhà báo theo dõi sâu về lĩnh vực này. Thời điểm hiện tại, có lẽ đó là cách khả thi nhất cho việc vừa nói trên...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HOÀNG DƯƠNG (thực hiện)