Một cách tiếp cận nghệ thuật
Phóng viên (PV): Chúc mừng anh với cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” vừa được trao giải Bạc, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023. Trước cuốn sách này, anh đã xuất bản một số công trình lý luận-phê bình nghệ thuật. Những tác phẩm này có mối liên hệ nào không?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” là sự tiếp nối mạch nghiên cứu từ những cuốn sách trước đây của tôi. Nó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các vấn đề chưa giải quyết được ở những cuốn sách trước, đồng thời đưa ra cách tiếp cận nghệ thuật toàn diện hơn.
Chẳng hạn, cuốn “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” (2018) tiếp cận nghệ thuật theo hướng Triết học cấu trúc luận. Tức là, cái đẹp luôn được thể hiện, diễn đạt và đánh giá trong một cấu trúc nhận thức hay đơn giản hơn là một quan niệm nào đó. Trong cuốn sách, tôi đã đề xuất cấu trúc Trường-Mạch, là một cấu trúc mở, kết nối nghệ thuật với không gian và thời gian. Cuốn “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền” (2019) thì tiếp cận nghệ thuật dưới góc nhìn nhân học, nôm na là con người và cộng đồng thế nào thì tạo ra nghệ thuật tương ứng. Ở cuốn sách này, tôi có đề xuất khái niệm “Mã gen nghệ thuật” dùng để nhận biết những đặc tính di truyền văn hóa trong một cộng đồng đã bộc lộ ra sao trong nghệ thuật, sau đó giới thiệu một số mã gen kiến trúc Việt Nam.
Còn ở “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”, tôi mở rộng hướng tiếp cận nghệ thuật đến nhiều lĩnh vực như: Tâm lý dân tộc, chính trị-xã hội, huyền thoại... Mục đích của cuốn sách là trả lời câu hỏi: Một nền nghệ thuật được nhận diện như thế nào?
PV: Câu hỏi đó đã được anh giải quyết thế nào trong cuốn sách này, nhất là liên hệ với nhận diện nền nghệ thuật Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Tôi đã đề xuất “Tam giác kiến tạo” để nhận diện một nền nghệ thuật, gồm 3 yếu tố: Cá tính tập thể, tự sự cộng đồng, huyền thoại.
Cá tính tập thể là tính cách (nghệ thuật) riêng của một tập thể phân biệt với các tập thể khác. Các cá thể cùng nhau sinh sống, làm việc trong cùng một môi trường tự nhiên và xã hội sẽ tạo ra ít nhiều tính cách giống nhau, từ đó hình thành nên tính cách tập thể của một vùng đất, một dân tộc. Như ca dao rằng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, “Vua xứ Thanh, thánh xứ Nghệ”... Trong sách, tôi đã giới thiệu một số cá tính nghệ thuật Việt Nam: Lai (tính chiết trung, lai ghép), tùy (tính linh hoạt, tùy biến), thực (tính chân thực, thuần chỉ), hòa (tính hài hòa), bỡn (tính xỏ xiên, hài hước), ngoa (tính khoác lác, ngoa dụ)...
Tự sự cộng đồng là cách thức một cộng đồng bày tỏ định vị “căn cước” của cộng đồng mình trong không gian tương tác với các cộng đồng khác. Chẳng hạn, nghệ thuật Việt Nam từng được định vị trong sự ảnh hưởng và đối chiếu với Trung Quốc (thời phong kiến), với châu Âu (thời Pháp thuộc), với khối các nước xã hội chủ nghĩa.
Huyền thoại, về căn bản là sáng tạo của trí tưởng tượng tập thể, phản ánh câu chuyện lịch sử hoặc các hiện tượng tự nhiên, xã hội bằng những biểu tượng mang tính siêu việt, thần thánh và có sự biến đổi khi tiếp nhận, tái tạo ở những không gian văn hóa, chính trị-xã hội khác nhau. Huyền thoại cho xã hội hiện tại luôn có sợi dây liên kết với những ý nghĩa tâm lý, tư tưởng từ các thời đại trước. Chẳng hạn, “Đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh” ở chân tường điện Kremlin ẩn giấu trong mình tô-tem thờ lửa hay bức tranh “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm ẩn chứa những huyền thoại quen thuộc của Việt Nam: Đất-nước, giao long, cây, trẻ thơ anh hùng.
Lý luận-phê bình nghệ thuật đang thiếu và yếu
PV: Mặc dù mới bắt đầu viết mấy năm gần đây nhưng các cuốn sách của anh liên tiếp giành được nhiều Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, Giải thưởng Sách Quốc gia, tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Anh nghĩ điều gì ở các cuốn sách đã tạo nên những thành công đó?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Lý luận-phê bình nghệ thuật ở nước ta hiện nay đang là vùng trũng, vừa thiếu vừa yếu. Thị trường nghệ thuật đang thay đổi rất nhanh, sáng tác nghệ thuật ngày càng đa dạng, còn lý luận-phê bình thì hoặc là vẫn bám víu vào những nguyên lý cũ kỹ, hoặc “nói dựa” theo lý luận từ nước ngoài, vừa thiếu nền tảng chắc chắn, vừa chưa phù hợp với hoàn cảnh chính trị-xã hội-văn hóa nước ta. Có lẽ, những cuốn sách của tôi phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay về lý luận-phê bình nghệ thuật nên được giới chuyên môn đánh giá cao và trao giải.
PV: Ở Việt Nam, tác giả viết lý luận-phê bình nghệ thuật không nhiều. Sách ở lĩnh vực này cũng khá kén bạn đọc. Cơ duyên gì đưa anh đến con đường nghiên cứu, viết lách?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Đã là cái duyên thì tự nhiên nó đưa mình đi, trong người cứ thôi thúc là phải viết nên tôi viết thôi. Khi tôi học hết học kỳ 1 ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thì giành được học bổng ngành kiến trúc tại Trường Đại học Kiến trúc và Xây dựng Saint Petersburg (Liên bang Nga). Bảy năm sinh sống và học tập, nghiên cứu tại ngôi trường kiến trúc nổi tiếng lâu đời ở châu Âu này, tôi được trau dồi những kiến thức và trải nghiệm đáng quý. Tôi muốn viết, ban đầu chỉ là nhiều bài báo, các ghi chép về những điều mình tâm đắc, quan tâm... Lúc mới ra trường, tôi đi làm tư vấn thiết kế kiến trúc mấy năm, nhưng rồi nhận ra cái “tạng” của mình không phù hợp để lăn lộn trong những cuộc đấu thầu, những hợp đồng. Dần dà, tôi thấy việc viết lách và vẽ tranh hợp với mình hơn.
Tất nhiên, tôi biết sách lý luận nghệ thuật rất kén độc giả nên thù lao, nhuận bút có nhiều hạn chế so với các dòng sách khác và tất nhiên kém xa so với việc thiết kế kiến trúc. Nhưng đã chọn mình vào chỗ nào thì cố gắng làm tốt nhất có thể ở nơi đó, không đòi hỏi quá nhiều được.
|
|
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp. Ảnh: THU HÒA
|
PV: Trong 8 năm, anh đã xuất bản 6 cuốn sách về lý luận-phê bình nghệ thuật. Độc giả hạn chế, thù lao thấp, vậy động lực nào khiến anh làm được việc đó?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Sau mỗi cuốn sách, tôi lại thấy chưa thỏa mãn với những gì mình đã viết. Nghệ thuật bao la và bí ẩn lắm, mình cứ nghĩ về nó là lại thấy thêm vấn đề để viết. Một động lực khác để tôi luôn tìm kiếm những góc cạnh mới của nghệ thuật là vì hiện tượng “đạo”, “nhái” ý tưởng từ sách của mình. Tôi không rõ sự “đạo ý tưởng” đó là vô tình hay cố tình, nhưng nó thôi thúc mình phải viết và sáng tạo nhiều hơn nữa để người ta có “đạo” thì cũng không kịp “đạo” hết.
Ở góc độ tiếp nhận của độc giả, về cơ bản có hai hướng viết sách: Hoặc là nghiên cứu hàn lâm dành cho giới chuyên môn, hoặc là phổ cập kiến thức nghệ thuật cho độc giả đại chúng. Có người bạn khuyên tôi nên tập trung xây dựng nền tảng lý luận hàn lâm theo hướng phù hợp với tình hình mới, vì ở nước ta đang rất thiếu và chất lượng chưa cao, chủ yếu là dịch và tổng thuật từ nước ngoài. Nhưng cũng có người bạn khác lại khuyên rằng, viết hướng hàn lâm thì chẳng mấy ai đọc, mà mức độ hiểu biết về nghệ thuật của người Việt còn nhiều hạn chế, phải nâng cao dân trí đại chúng trước đã.
Cá nhân tôi thì lựa chọn cách “đi dây” giữa hai hướng viết, đó là làm sao để chuyển tải những kiến thức hàn lâm, mới mẻ của thế giới một cách dễ hiểu, phù hợp với độc giả đại chúng Việt Nam. Điều đó cũng là một thử thách đối với người viết, phải lựa chọn đề tài, lối viết phù hợp với bản thân và đối tượng tiếp nhận.
Thách thức của người “đi dây”
PV: Vậy kỹ thuật “đi dây” của anh là gì?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Trước hết là việc kết hợp và đối chiếu tri thức dân gian Việt Nam với tri thức hàn lâm của thế giới. Tất nhiên, sự đối chiếu đó không phải lúc nào cũng tương thích. Bằng cách này, độc giả sẽ tiếp nhận những kiến thức mới dễ dàng hơn, đồng thời có cái nhìn thoáng mở và tự tin đối với những kinh nghiệm dân gian mà cha ông ta đã truyền lại.
Tiếp theo là việc sử dụng nhiều hình ảnh, ví dụ minh họa. Một bức tranh hay một công trình kiến trúc được chú giải một cách kỹ càng sẽ làm cho độc giả đại chúng tiếp nhận dễ hơn là những trang giấy đầy chữ. Có khi, độc giả chỉ nhìn tranh và chú thích là cũng hiểu được ít nhiều vấn đề. Nếu thích thú, sẽ đọc kỹ hơn phần lý thuyết để hiểu đầy đủ hơn.
Cuối cùng, càng ngày tôi càng thấy tầm quan trọng của truyền thông. Trước đây, mỗi khi ra sách, tôi chỉ giới thiệu trên các tạp chí chuyên ngành. Số lượng sách bán được rất hạn chế, mà người mua chỉ gói gọn trong giới nghiên cứu. Đến cuốn gần đây nhất là “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” thì lượng sách bán được nhiều hơn so với những cuốn trước, tỷ lệ độc giả đại chúng cũng tăng lên. Tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của độc giả đại chúng rằng sách khá dễ đọc, dễ hiểu và gần gũi.
PV: Như anh nói, ở Việt Nam, sách lý luận-phê bình nghệ thuật đang là vùng trũng, trong khi đời sống nghệ thuật sôi động và thay đổi nhanh chóng. Nhưng từ góc nhìn thị trường, đây không phải là dòng sách hiệu quả về mặt đầu tư. Theo anh, làm sao để khuyến khích dòng sách này?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Khi thực hiện xong bản thảo “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”, tôi đã liên hệ với một số nhà sách đang nổi có đầu tư mảng sách nghệ thuật. Mặc dù đây là một bản thảo khá kỳ công và tác giả đã nhận nhiều giải thưởng, nhưng họ đều từ chối. Còn trước đó thì tôi đã bị từ chối rất nhiều lần rồi. Rốt cuộc, tôi phải tự tìm nguồn tài trợ, tự tổ chức phát hành, truyền thông.
Theo tôi, để phát triển dòng sách lý luận-phê bình nghệ thuật, vai trò bảo trợ của Nhà nước là quan trọng nhất, sau đó là trách nhiệm xã hội của các cá nhân và doanh nghiệp. Sự bảo trợ của Nhà nước đối với nghệ thuật không chỉ mang tính chính thống, phong trào (thực tế cho thấy không mấy hiệu quả), mà còn có thể bằng nhiều cách gián tiếp, âm thầm, như thực tế đã và đang diễn ra ở các cường quốc nghệ thuật, qua đó củng cố, phát huy sức mạnh mềm của quốc gia, dân tộc.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
DƯƠNG THU (thực hiện)