Phóng viên (PV): Thưa ông, sau một năm mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam đang phục hồi và phát triển ra sao?

Ông Phạm Văn Thủy: Hoạt động du lịch hiện đã sôi động trở lại trên phạm vi cả nước. Ngành du lịch bước vào giai đoạn đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển, từng bước tiến tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, thị trường du lịch năm 2022 đã dần khôi phục. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Năm 2023, chỉ riêng quý I, toàn ngành đã đón 2,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt hơn 1/3 kế hoạch cả năm, phục vụ 27,7 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhất là trong dịp nghỉ lễ. Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú đã chủ động chuẩn bị sản phẩm và điều kiện phục vụ trong việc mở cửa đón khách trở lại, đây là yếu tố thu hút đông đảo lượng khách du lịch nội địa. Doanh số bán các tour nội địa và tour đi nước ngoài đều ghi nhận tín hiệu khả quan.

Với việc các thị trường du lịch quốc tế truyền thống đã mở cửa trở lại hoàn toàn; các nút thắt, điểm nghẽn về chính sách tạo thuận lợi cho du lịch phát triển được Quốc hội, Chính phủ quan tâm tháo gỡ, toàn ngành du lịch cần phải nắm bắt, tận dụng tối đa những cơ hội để phát triển đột phá, khẳng định thương hiệu của điểm đến đẳng cấp, có uy tín, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao để từ đó hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

leftcenterrightdel
 Đại nội Huế là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Thừa Thiên Huế. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

PV: Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, một số đại biểu cho rằng du lịch Việt Nam “đi trước về chậm”, tỷ lệ phục hồi thấp, vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

Ông Phạm Văn Thủy: Nguyên nhân chủ yếu do thời gian mở cửa chưa phải mùa du lịch quốc tế (thường từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm); xung đột Nga-Ukraine tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga nên ảnh hưởng đến thị trường khách du lịch Nga; chính sách phòng, chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau khiến một số thị trường lớn ảnh hưởng, nhất là Trung Quốc chỉ vừa mới mở cửa vào ngày 8-1 và quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, từ ngày 15-3-2023. Mặt khác, một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng chọn điểm đến của khách châu Âu sau hai năm dịch Covid-19 thường là điểm gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á.

Cùng với đó, chính sách visa chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam. Thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần, đã làm giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Nhân lực ngành du lịch sau dịch bệnh vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và một phần lấy từ người địa phương chưa qua đào tạo nên chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. 

PV: Trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải ngừng hoạt động, nhân lực cho ngành cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông cần có sự hỗ trợ ra sao cho doanh nghiệp để cải thiện tình trạng này?

Ông Phạm Văn Thủy: Trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch đã chịu nhiều ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn; 95% cơ sở lưu trú du lịch bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, buộc phải cắt giảm nhân sự. Do vậy, khi mở cửa trở lại, ngành du lịch phải đối mặt với khó khăn lớn là thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì vậy, ngành du lịch đã tham mưu với Chính phủ, các ban, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch với mức 3.710.000 đồng/người với tổng số tiền hỗ trợ hơn 67,6 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030”, trong đó xác định các giải pháp hỗ trợ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

PV: Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nhưng vẫn thiếu những sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, hấp dẫn; mức chi tiêu của khách quốc tế khi đến Việt Nam chưa tương xứng, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Phạm Văn Thủy: Việt Nam có thế mạnh ở nền văn hóa giàu bản sắc, phong phú; với nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên, bãi biển, vịnh và hang động được đánh giá đẹp nhất thế giới. Những năm gần đây, hàng loạt giải thưởng danh giá về du lịch dành cho các điểm đến, di sản, sân golf, khách sạn, công ty lữ hành, hãng hàng không... của Việt Nam được các tổ chức uy tín thế giới trao tặng. Tại Giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á, qua đó khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo Niên giám thống kê 2021, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2011 là 105,7USD; năm 2019 đạt 117,8USD. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen chi tiêu của du khách đã thay đổi, hầu hết đều chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế-xã hội cùng sự bất ổn chính trị trên thế giới. Để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của du khách, cũng như nâng cao chi tiêu của du khách quốc tế tại Việt Nam, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp cụ thể. Có thể nói, du lịch Việt Nam hiện nay đang không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên có sẵn mà chúng ta đang từng bước định hướng, thu hút đầu tư du lịch, phát triển sản phẩm, xây dựng hạ tầng... một cách bài bản, hiện đại, phù hợp xu thế để cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phạm Văn Thủy. Ảnh: GIANG MINH

PV: Thưa ông, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không thể tách rời với lĩnh vực văn hóa-xã hội, môi trường... Vậy chúng ta cần quan tâm vấn đề gì để phát triển du lịch bền vững?

Ông Phạm Văn Thủy: Để bảo đảm cân bằng giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Đồng thời xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững bằng việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...

Thứ hai, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đây được coi là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); quan tâm, đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Thứ ba, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế đến và trở lại Việt Nam. Toàn ngành du lịch sẽ đầu tư cho điểm đến bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ... với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng cách tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, bảo đảm sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng.

Thứ năm, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia và triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch, thông qua việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. Đồng thời tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, địa phương, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm; tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để quản lý và phát triển du lịch...   

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)