Vượt qua riêng tư thành phổ quát

Phóng viên (PV): Chúc mừng chị khi có thêm một tác phẩm đến với độc giả quốc tế. Cảm xúc của chị như thế nào khi đón nhận thông tin Nhà xuất bản Ukiyoto Canada vừa giới thiệu cuốn sách thơ bản Anh ngữ “Từ Hồng Hà tới Danube” (From Red River to Blue Danube)?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Phải nói là tột đỉnh hạnh phúc, bởi dường như một giấc mơ vừa trở thành hiện thực và tôi đã tự đẩy mình lên một cấp độ mới. Tiếng nói riêng vang lên trong tâm trí, trong tâm hồn và trái tim tôi mỗi ngày đã được thế giới lắng nghe. Ban đầu tôi nghĩ, nó là cái gì thế này? Tại sao cứ lặp đi lặp lại trong não mình? Và lại bằng một ngôn ngữ khác? Dường như mỗi buổi sáng, thức dậy lúc 5 giờ và tôi thấy mình đang đối thoại với một người bạn tri kỷ ở một quốc gia khác nên ngôn ngữ sử dụng trong cuộc đối thoại âm thầm đó lại không phải là tiếng mẹ đẻ, mà bằng ngôn ngữ Anh. Khi đó, tôi dừng việc đang làm lại, ghi nhanh vào bất cứ tờ giấy, cuốn sổ nào trước mặt. Tập thơ gồm 63 bài thơ do tác giả sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh sau chuyến thăm Budapest (thủ đô Hungary) lần thứ hai, năm 2022.

leftcenterrightdel
Bìa tập thơ Anh ngữ “Từ Hồng Hà tới Danube” (From Red River to Blue Danube) của tác giả Kiều Bích Hậu. 

PV: Paul Christiansen-nhà thơ, dịch giả, cây bút văn hóa nghệ thuật người Mỹ nhận xét: “Đó là những vần thơ đẹp, vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ, quyến rũ, giàu cảm xúc và tràn đầy trí tuệ với những suy tư thông thái...”. Chị có thể cho biết về chủ đề của tập thơ “Từ Hồng Hà tới Danube”?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi rất biết ơn Paul Christiansen khi anh dành thời gian hiệu đính cuốn sách thơ thứ hai của tôi. Ngoài những khao khát yêu đương trong cách xa, sự thăng hoa cảm xúc khi gặp lại và một tình yêu lạ lùng trong cách biệt, còn là những cảm xúc dị thường với ý niệm trái ngược về các mối quan hệ truyền thống, về lối sống trẻ, về ý nghĩa của tồn sinh và con đường đi của loài người... Dù “vóc dáng” của tập thơ là một tập thơ tình, nhưng sâu thẳm trong lớp vỏ chữ, lại là những trăn trở, suy tư và cả một miền giác ngộ lớn lao của việc sống, yêu và cống hiến. Tôi tin rằng, những độc giả đã sống đủ lâu, đi đủ dài, trải qua đủ chuyện, dám thực sự là mình trong mọi nhẽ, sẽ cảm thấy an yên, hạnh phúc khi nhâm nhi từng vần thơ trong tập “Từ Hồng Hà tới Danube”.

PV: Sông Hồng là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Sông Danube là sông dài thứ hai ở châu Âu, chảy qua nhiều nước Trung Âu, Đông Âu và đổ vào Biển Đen. Khi đặt tên tập thơ “Từ Hồng Hà tới Danube” chị gửi gắm ý tưởng, thông điệp gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi tưởng tượng rằng, Hồng Hà là một dòng sông màu hồng đầy tính nữ, dù trong thực tế nó cực kỳ dữ dội, mạnh mẽ, thậm chí hiểm nguy khó lường. Còn dòng Danube màu xanh thơ mộng, dịu dàng tinh tế, nhưng lại mang nét nam tính, dẻo dai, quyết liệt trong lặng thầm. Hai dòng sông là biểu tượng cho hai đất nước Việt Nam và Hungary. Dù rất xa nhau nhưng hai dòng chảy màu hồng và màu xanh này vẫn có thể hợp dòng để tạo nên một bản hòa tấu tuyệt đỉnh đẹp đẽ. Đó là những yếu tố cấu thành nên chủ đề của thơ ca trong tập “Từ Hồng Hà tới Danube”. Và đó cũng là lời nhắn nhủ rằng, bất cứ ai, dù bị trói buộc bởi cơm áo gạo tiền hay bất cứ điều gì, hãy dũng cảm dấn bước vào chuyến đi vĩ đại của cuộc đời mình, đón nhận bất cứ thử thách nào, gạt bỏ sự ổn định để trở thành người anh hùng, để yêu không điều kiện, để bài hát trong tâm hồn được vang lên...

PV: Chị đã có thông tin mới gì về sự đón nhận của độc giả nước ngoài?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Sách mới phát hành nên chưa có phản hồi nhiều, tôi mới chỉ nhận được lời đề nghị phỏng vấn của biên tập viên Nhà xuất bản Ukiyoto để độc giả nước ngoài biết thêm về hoàn cảnh sáng tác, lời chúc mừng từ đồng nghiệp Hungary và lời đề nghị triển lãm sách tại Hội chợ sách quốc tế Manila 2023 (Philippines).

PV: Hình như chị có tình cảm với đất nước Hungary. Tôi nhớ chị từng xuất bản tiểu thuyết “Lời thề Budapest” với câu chuyện tình yêu tuyệt đối tự do, xuyên biên giới và rất đẹp. Tiểu thuyết này có được dịch ra tiếng Anh hay tiếng Hungary?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Người Hungary và người Việt có điểm tương đồng là hiếu khách, ấm áp tình cảm, hài hước và đôi khi láu lỉnh. Họ không xuê xoa và ngoại giao bề mặt. Họ chỉn chu trong mọi chi tiết, đòi hỏi cao về chất lượng, sống chìm sâu nội tâm và luôn dũng cảm lên tiếng dù khác biệt với số đông.

Tiểu thuyết “Lời thề Budapest” đã được dịch giả Gabor Pap và Laura D (người Hungary) dịch ra tiếng Hungary, sẽ xuất bản tại Hungary trong thời gian tới. Bản dịch tiếng Anh cũng đang được Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh (đang giảng dạy tại Khoa Văn học Anh-Mỹ, Trường Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ) hoàn tất và chọn nhà xuất bản phù hợp. 

Thêm một ngoại ngữ là được sống thêm một cuộc đời

PV: Được biết tháng 3 vừa qua, hai nhà thơ Hungary đã sang thăm Việt Nam và có nhiều cuộc giao lưu. Các nhà thơ Hàn Quốc cũng từng có nhiều hoạt động, do chị và cộng sự kết nối. Làm sao để công chúng, nhất là người trẻ có nhiều điều kiện được thụ hưởng văn học, tiếp xúc với các nền văn học lớn trên thế giới?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi nghĩ, khó khăn nhất vẫn là vốn ngoại ngữ của tác giả Việt Nam. Các tác giả lứa 7X trở về trước thì số người biết ngoại ngữ quá ít nên bỏ lỡ cơ hội trò chuyện, kết nối trực tiếp với đồng nghiệp nước ngoài, để hỗ trợ nhau trong kỹ năng sáng tác, quảng bá tác phẩm và tiếp cận thông tin từ cộng đồng tác giả, cũng như các giải thưởng quốc tế hay các sự kiện văn học quốc tế. Các tác giả trẻ, có vốn ngoại ngữ thì hầu hết chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên lại không được mời đến dự sự kiện quốc tế.

Tôi cho rằng, trong các cuộc giao lưu với bạn văn quốc tế, không chỉ Hội Nhà văn Việt Nam hay hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố tổ chức, mà mở rộng ra các đơn vị tổ chức sự kiện và đối tượng mời đến dự cũng nên mở rộng, là những người viết văn, yêu văn chương, không nhất thiết phải là hội viên.

leftcenterrightdel

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu. 

PV: Theo chị, nhìn vào thế hệ nhà văn trẻ 9X, 10X hiện nay, chúng ta có thể lạc quan hơn? Là một dịch giả, chị có lời khuyên gì?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Thực sự, việc có thêm một ngoại ngữ là điều may mắn, là ta sống thêm một cuộc đời. Ta hoàn toàn không chắc có kiếp sau hay không, nhưng việc sống thêm một cuộc đời khác là có thể, với việc ta rành một ngoại ngữ khác như tiếng mẹ đẻ. Thời hội nhập, việc nhà văn biết ngoại ngữ đủ để đọc hiểu văn bản gốc của tác giả nước khác là điều bắt buộc, là kỹ năng cần có để nâng tầm hiểu biết, tư duy và năng lực đo thế giới. Có vậy, mình mới có thể ngang hàng đối thoại với đồng nghiệp nước khác.

PV: Sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng của người dùng, đã và đang đặt ra thách thức lớn cho văn hóa đọc Việt Nam. Là người đi nhiều nước, chị thấy sách in truyền thống được đón nhận như thế nào? Tương lai nào cho sách in trước áp lực sách số?

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Thực tế, thế hệ 9X, 10X chỉ dùng điện thoại thông minh là chủ yếu, họ thậm chí ngủ cùng điện thoại, cho nên sách điện tử là một xu hướng mạnh. Các nhà văn thế giới cũng đã dịch chuyển với sách số, tích hợp phần đọc với phần xem (phim trong sách), phần nghe (bản audio từng phần) để đáp ứng lứa độc giả mới. Còn độc giả truyền thống thì vẫn thích cầm cuốn sách in mà nhâm nhi và tưởng tượng.

Sách in vẫn tồn tại trong tương lai, nhưng số lượng sẽ ít hơn. Tôi nghĩ, mặc dù xuất bản sách điện tử có lợi thế về phát hành và thu nhập cho tác giả hơn, nhưng tác giả Việt vẫn không thích.

PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

NGÔ ĐỨC HÀNH (thực hiện)