Đời sống mới, diện mạo mới

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau 3 năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam năm nay diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động trên khắp cả nước. Một nội dung được nhiều người quan tâm là tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì tại Hoàng thành Thăng Long. Thơ hôm nay đang ra sao, thưa ông?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Khi bàn về câu chuyện “Thơ hiện nay với hôm nay”, tôi chợt nhớ, cách đây 20 năm, trang Văn học thứ sáu của Báo Quân đội nhân dân từng có cuộc tọa đàm mang tên “Thơ đi về đâu?”. Cuộc tọa đàm này có sự tham gia của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng thuộc thế hệ cầm bút sau năm 1975; nội dung gần giống với vấn đề hôm nay chúng ta đặt ra, đó là thực trạng của thơ và mong muốn tìm lời giải cho con đường đi của thơ. Cuộc tọa đàm của Báo Quân đội nhân dân khi ấy đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc cả nước.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Trần Anh Thái. Ảnh: THU HÒA 

Bàn về thơ là câu chuyện muôn thuở. Hàng nghìn năm trước, các thi sĩ, triết gia đã đau đáu trăn trở về thơ. Công bằng mà nói, thơ ca nhiều năm gần đây đã có một đời sống mới, diện mạo mới. Bằng chứng là nó đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn quan niệm nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, các phong cách sáng tác khác nhau. Nói một cách chính xác, thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng cách thể hiện cũ-mới, quen-lạ, vừa giống vừa không giống ai... Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Có lẽ không một nhà thơ nào lại không viết hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, những vấn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người đang hiện diện trong đời sống hôm nay...

Đó là thành tựu và cũng là sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ trong nhiều năm vừa qua.

Không ít lo lắng, băn khoăn

PV: Mới đây thôi, công chúng xôn xao chuyện nữ nhà thơ với danh xưng "hoành tráng" và những bài thơ lạ lùng. Chẳng phải khi đời sống thơ ca ngày càng phong phú, nhất là với sự phát triển của công nghệ cũng khiến người ta dễ dàng thấy cả cái dở của thơ và không khỏi lo lắng cho thơ sao, thưa ông?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Thơ là thế, người bàn cứ bàn, người phê phán cứ phê phán, thơ ca bất chấp mọi khen-chê vẫn hiển nhiên tồn tại. Nó tồn tại như nó vốn thế, như thần thánh, như tự nhiên sinh ra, không khuất phục ý chí chủ quan của con người. Nói như vậy không có nghĩa là để mặc kệ cho thơ muốn ra sao thì ra, hay-dở, tốt-xấu, lẫn lộn như trường hợp tự danh xưng nhà thơ mà bạn vừa nói đến, mới xảy ra ở Quảng Ninh vừa qua. Đó thực sự là điều không hay, là nỗi lo lắng, băn khoăn của thơ. Băn khoăn bởi: Đội ngũ người làm thơ rất đông, không phải một ngàn mà có lẽ hàng chục ngàn người. Thơ có mặt ở mọi nơi từ làng xóm, khu phố... đến mạng xã hội... nơi nào có người là có thơ, câu lạc bộ thơ. Hàng trăm, hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu, tùy thích. Mỗi năm, các nhà xuất bản in cả ngàn tập thơ. Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở. Không ít người cho rằng: Thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật-giả, đúng-sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp tràn lan; giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng.

Hiện nay, thơ non yếu đang chiếm lĩnh. Nhưng suy cho cùng, cái non yếu của thơ cũng không hại gì. Điều đáng ngại là người làm thơ đông, thơ in ra nhiều nhưng người đọc lại không đọc thơ. Bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Dù tôn trọng thơ, yêu thơ đến mấy, chúng ta cũng phải buồn bã thừa nhận đó là sự thất bại của thơ.

Lỗi do bạn đọc hay nhà thơ?

PV: Phải chăng, thơ thất bại là do bạn đọc, thưa ông?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Bạn đọc thì muôn năm vẫn thế. Thấy hay, thấy thích thì vui. Không hay, không thích thì bỏ đi tìm sân chơi khác, vô thưởng vô phạt. Nói đúng ra là bạn đọc chẳng tội lỗi cũng chẳng sai trái gì.

PV: Vậy nghĩa là lỗi tại nhà thơ rồi?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Lỗi không ở bạn đọc thì lẽ đương nhiên phải thuộc về nhà thơ. Nói rộng hơn nữa là cả những người làm công việc liên quan đến thơ như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản xuất bản thơ, các nhà quản lý về văn hóa-nghệ thuật, rồi cơ chế, chính sách cũng góp phần đến cái hay, cái dở của thơ.

Nói cho công bằng, thơ chất lượng thấp thời nào mà chẳng có, và nó cũng chẳng phương hại đến ai. Mọi kỹ nghệ tô son đánh bóng, mọi hư danh hão huyền, nếu không được hô ứng, tự nó sẽ bị thời gian vùi lấp. Nó không có khả năng tồn tại nếu sinh ra trong một môi trường văn hóa lành mạnh, một đời sống văn hóa đủ tự trọng để chối bỏ sự dung tục, tầm thường.

Nhưng ở đây tại nhà thơ là bởi chính những người viết tự bằng lòng. Lại thêm không ít tờ báo, nhà xuất bản, các cơ quan quản lý văn hóa dễ dãi, nuông chiều thơ non yếu mà không sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ dở, gạt bỏ cái ấu trĩ, tầm thường ra khỏi đời sống thơ ca lành mạnh. Chính vì vậy mà thơ chất lượng thấp có cơ hội lên ngôi, và đương nhiên, một đất nước thơ ca như chúng ta, đâu đâu cũng gặp “nhà thơ”, đâu đâu cũng có giải thưởng, danh hiệu thơ... thế thì thơ không bị bạn đọc lạnh nhạt mới là chuyện lạ.

PV: Điều đó rất đúng, nhưng hình như chưa đủ là lý do khiến bạn đọc lạnh nhạt với thơ, thưa ông. Còn có nguyên nhân nào khác từ chính chất lượng của tác phẩm thơ?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Đúng là còn nguyên nhân nữa, rằng đã rất lâu rồi, trên văn đàn chưa thấy xuất hiện những tập thơ vừa mới vừa hay. Thơ in nhiều nhưng đa số chỉ bình bình, trên trung bình cũng có nhưng không nhiều. Đặc biệt thiếu vắng những tác phẩm độc đáo, xuất sắc. Các nhà thơ viết về thân phận con người, về dân tộc mình và nhiều lĩnh vực khác, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mặt ngoài cuộc sống, trong khi bạn đọc rất cần những tác phẩm viết ở tầng sâu, tầng tận cùng thân phận con người. Bởi chỉ có sự tự do hoàn toàn, người viết mới thực sự là chính mình. Bạn đọc cũng rất cần những tác phẩm phê bình, phản tỉnh; những tác phẩm chống lại sự mơn trớn của vật chất và quyền lực. Bạn đọc càng khao khát được thưởng thức những tác phẩm viết ở chiều sâu nhân tính bao nhiêu thì trớ trêu thay, những tác phẩm như thế lại vô cùng hiếm.

leftcenterrightdel

Hoạt động Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 tại Đắk Lắk với chủ đề "Thành phố cà phê chung "Nhịp điệu mới". Ảnh: NIÊ THANH MAI 

Việc đổi mới và cách tân của thơ chưa bao giờ tự do, sôi động như ngày nay, và thật sự nó rất cần được khuyến khích. Thế nhưng, nếu sự cách tân không bắt đầu từ một nền tảng văn hóa vững chắc thì chỉ sinh ra những tác phẩm là lạ, quái quái, vừa thấp kém về chất lượng và thẩm mỹ, vừa đi ngược lại truyền thống đạo đức luân lý của dân tộc. Điều này cũng làm cho bạn đọc quay lưng lại với thơ.

Đương nhiên, thơ không được bạn đọc đón nhận còn do nhiều nguyên nhân khác nữa, như sự phát triển của khoa học-công nghệ mang lại nhiều mặt rất tích cực, song nó cũng phần nào “nhấn chìm” văn hóa đọc, hoặc chí ít cũng lấy đi khá nhiều thời gian của cả nhà thơ và bạn đọc.

Thơ chất lượng, bạn đọc sẽ tự tìm đến

PV: Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ, Ngày Thơ Việt Nam 2023 có chủ đề “Nhịp điệu mới” với ước vọng mới, khí thế và niềm tin mới. Thơ sẽ phải làm sao để đạt được tới ước vọng, niềm tin mới, thưa ông?

Nhà thơ Trần Anh Thái: Thực ra, ngay cả với những mặt tốt và chưa tốt của thơ hôm nay, như tôi đã nói ở trên, cũng không làm chúng ta quá phiền lòng. Bởi lẽ, thơ vẫn như chính nó, tồn tại và có sức sống lâu bền, bất chấp mọi sự khen-chê, mọi sự thờ ơ, lạnh nhạt của người đọc. Tuy nhiên để thơ đạt tới một chất lượng cao hơn, có tính phổ quát hơn, chỉ cần người viết được tạo điều kiện tối đa cho tự do sáng tác, chỉ cần các tờ báo, các nhà xuất bản, các nhà thơ không bằng lòng chiều chuộng thơ chất lượng thấp, những danh hiệu, giải thưởng tràn lan...

Tác phẩm văn học viết ra là để tự nhận thức lại mình. Nếu chúng ta có nhiều tác phẩm đạt tới tầng sâu nhân tính; những tác phẩm có khả năng soi rọi tận cùng những mặt trái, mặt yếu kém trong cuộc sống; những tác phẩm mổ xẻ được những giằng xé, mâu thuẫn trong đời sống nội tại của con người; những tác phẩm viết với một cái nhìn sâu sắc, kỹ lưỡng, tinh tường; phản ánh một cách chân thực và chính xác bản chất của con người, của cuộc sống; chống lại sự nông cạn, hời hợt, tự ru ngủ bản thân, ngạo mạn, hoang tưởng hoặc bị cuốn vào cơn lốc quyền lực và vật chất... thì sáng tạo mới thăng hoa, mới có tác phẩm hay. Khi đó, thơ chẳng phải làm gì, bạn đọc cũng tự tìm đến thưởng thức, và cũng chẳng cần lo lắng thơ dở bởi tự nó sẽ phải rút khỏi đời sống tinh thần lành mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trần Anh Thái!

DƯƠNG THU (thực hiện)