Phóng viên (PV): Thưa ông, có nhiều nhận định cho rằng văn học Việt Nam trong giai đoạn gần đây thiếu những tác phẩm lớn, chưa tạo được những tác phẩm mang tầm thời đại. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ văn học Việt Nam trong suốt một thế kỷ nay vẫn phát triển không ngừng. Nhiều hơn các nhà văn xuất hiện trong đời sống xã hội với nhiều hơn các tác phẩm được xuất bản, số lượng nhà xuất bản và các nhà sách cũng tăng lên. Nếu tính số đầu sách được xuất bản lấy mốc năm 1954 so với bây giờ, năm 2022, thì là một con số khác biệt rất lớn. Tổng số sách xuất bản trong giai đoạn kháng chiến 1945-1954 là 8.574.400 bản, còn riêng năm 2021 đã xuất bản hơn 400 triệu bản sách. Và trong hàng trăm triệu bản sách đó, có không ít tác phẩm văn học đoạt những giải thưởng uy tín của các hội nghề nghiệp, tạo được dư luận trong bạn đọc. Nhiều hơn các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra thế giới và nhiều nhà văn đã giành được những giải thưởng uy tín của các tổ chức văn chương thế giới...

Tất cả số liệu trên cho thấy sự phát triển lớn mạnh của văn học Việt Nam. Nhưng bạn đọc vẫn luôn đòi hỏi những tác phẩm văn học tạo ra được sự bùng nổ và bước ngoặt lớn cho nền văn học nước nhà. Năm 2021, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi thư cho tôi đề nghị đề cử cho Giải Nobel Văn học. Điều đó cho thấy, sự hiện diện của văn học Việt Nam đã có những tác động không nhỏ tới cách nhìn nhận của một tổ chức văn chương uy tín hàng đầu thế giới là Ủy ban Nobel, Viện Hàn lâm Thụy Điển. Tôi nghĩ, chúng ta phải kiên nhẫn đợi chờ các nhà văn.

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

PV: Thưa ông, chúng ta hay nghe đến cụm từ “tác phẩm mang tầm thời đại”, ông có thể lý giải cụm từ này?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Theo cách nhìn của tôi, một tác phẩm mang tầm thời đại là một tác phẩm đáp ứng được sự chờ đợi của bạn đọc. Đó là một tác phẩm tạo ra một thi pháp mới và hiện đại, tạo ra được một mỹ học mới, mang tính tư tưởng và tạo ra những vẻ đẹp mới của chủ nghĩa nhân văn và của sự sáng tạo ngôn từ. Tác phẩm đó phải có khả năng khai mở bạn đọc, thay đổi bạn đọc. Nhưng tôi cũng phải nói rằng, những tác phẩm như vậy không phải ngay lập tức làm cho tất cả đều nhận ra. Chúng ta đã có những tác phẩm chạm vào những điều ấy.

PV: Có ý kiến cho rằng, học vấn, trình độ của nhà văn tác động rất lớn và trực tiếp tới việc định hình “tầm” của nền văn học. Ông nghĩ thế nào về ý kiến đó và học vấn có tầm quan trọng như thế nào đối với một nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Học vấn là năng lượng để nhà văn có thể biến cảm xúc, tư tưởng của mình thành một tác phẩm nghệ thuật nhất và có chiều sâu triết lý nhất. Để có được học vấn, nhà văn có thể làm nhiều cách khác nhau: Học, đọc, sống và suy ngẫm. Nguồn để cung cấp học vấn cho nhà văn có từ mọi phía chứ không chỉ là những kiến thức đã học được và kiến thức từ đời sống. Nhưng với tôi, đời sống là một nguồn cung cấp cảm xúc và trí tuệ vô cùng dồi dào. Cảm xúc chỉ là một yếu tố mang tính khởi đầu. Tư duy có tính triết học sẽ mở rộng chiều kích của một hiện tượng, một câu chuyện diễn ra trong đời sống mà ai cũng có thể chứng kiến. Học vấn sẽ cho nhà văn nhận ra chiều sâu và tính tư tưởng từ các hiện tượng và câu chuyện của đời sống. Nó giúp nhà văn chuyển hóa cảm xúc lý tính thành những năng lượng cho tư duy. Và nhà văn muốn đi xa hơn, muốn tạo ra sự rộng lớn của tác phẩm thì học vấn là một năng lượng đẩy vô cùng quan trọng.

Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Bởi vậy, việc học, việc đọc và trau dồi những kiến thức nền tảng về triết học, mỹ học, xã hội học, ngôn ngữ học... chưa thật sự trọn vẹn. Nhưng các thế hệ nhà văn sau chiến tranh, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đã và đang được cải thiện rất tốt. Không ít nhà văn trẻ có học vấn cao. Điều này vô cùng cần thiết đối với nhà văn. Nhưng học vấn đó phải được chuyển hóa vào cảm xúc, vào niềm đam mê sáng tạo và vào tình thương yêu con người thì nó mới làm cho tác phẩm mang giá trị nhân văn cao cả.

PV: Là người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều phát biểu của ông trên báo chí, tôi thấy ông luôn đặt niềm tin vào các nhà văn Việt Nam. Những yếu tố nào mang lại cho ông niềm tin đó?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hy vọng sẽ quyết định cảm hứng và ý chí cho sự sáng tạo. Tôi lấy hy vọng từ chính niềm hy vọng và khát vọng của các nhà văn Việt Nam. Chưa bao giờ các nhà văn Việt Nam được tự do sáng tác như bây giờ. Hiện thực cuộc sống của thời đại 4.0 đã tạo cho nhà văn Việt Nam một nguồn hiện thực vô cùng phong phú và đa dạng. Các cuộc giao lưu với những nhà văn tên tuổi trên thế giới đã tạo ra sự học hỏi và tương tác hữu hiệu cho những suy ngẫm, cảm hứng sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Các nhà văn Việt Nam được tiếp cận với những tác phẩm lớn của thế giới càng ngày càng đầy đủ và cập nhật... Đấy là những yếu tố cơ bản để tôi và bạn đọc tin tưởng nhà văn Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những tác phẩm đột phá.

PV: Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ mới có sự quan tâm đặc biệt với những người viết trẻ. Đó có phải là sự chuẩn bị của Hội cho một thế hệ nhà văn mới có thể tạo ra một bước ngoặt của văn học Việt Nam, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hoàn toàn là như vậy. Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất thành công. Nguyễn Bình là một trong những tác giả nhận Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất với tác phẩm dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Anh để quảng bá cho thế giới một kiệt tác của văn học Việt Nam. Qua tác phẩm của các nhà văn trẻ được giải, qua tư duy và những dự án của Nguyễn Bình, tôi nhìn thấy tư thế và tâm thế cũng như kiến thức đáng nể của một thế hệ nhà văn mới. Họ làm cho cá nhân tôi háo hức và tin tưởng.

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong một buổi ra mắt sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: DƯƠNG THU

Không chỉ văn học mà mọi lĩnh vực của đất nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khoa học cho thế hệ trẻ. Chỉ 15 đến 20 năm nữa, thế hệ nhà văn trẻ hôm nay sẽ là chủ nhân của nền văn học Việt Nam cho dù muốn hay không. Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 và Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022, theo quan sát của tôi, đã mang lại những tín hiệu rất hy vọng. Thế hệ nhà văn trẻ hiện nay so với thế hệ nhà văn chúng tôi hồi tuổi đó có một khoảng cách khá lớn. Họ đọc được nhiều tác phẩm lớn trên thế giới hơn chúng tôi. Họ có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới hơn chúng tôi. Họ giỏi ngoại ngữ hơn chúng tôi. Họ tự tin hơn chúng tôi. Và họ thấm đẫm nhân văn được hiển lộ theo một cách khác chúng tôi trong các văn bản nghệ thuật của mình. Đấy chính là những yếu tố quan trọng làm nên một đội ngũ nhà văn có khả năng sinh ra những tác phẩm tầm vóc. Văn học không có tính mùa vụ, con đường của văn học giống cách các dòng sông bồi đắp phù sa cho những cánh đồng. Đó là sự kiên nhẫn, bền bỉ và không ngưng nghỉ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

DƯƠNG THU (thực hiện)