Thơ Nguyễn Quang Thiều nguyên chất truyền thống trong xu hướng ráo riết tìm tòi đổi mới, dụng công mở rộng trường liên tưởng và kích hoạt tính vô tận của ngôn từ.

Thư gửi Mẹ

Hoàng hôn nào con cũng trở về

Cửa ngõ nhà mình không khép

Trong suốt tháng mười của Mẹ

Vầng mây tía bay qua

Con nghe thấy Mẹ gọi

 

Hoa mẫu đơn mỗi mùa nở nhiều hơn

Chỉ cải vàng đã tắt

Từ ngày Mẹ đi xa không còn ai gieo hạt

 

Con giờ đã là một ông già

Cô đơn theo cây mùa rụng lá

Một ông già lạc Mẹ

Trên lối mòn đầy bóng tối thời gian

 

Áo xưa Mẹ vẫn còn đây

Đêm đêm con mặc vào ký ức

Nhưng ký ức không lớn lên

Còn con thì già mãi

 

Và sau mỗi hoàng hôn Mẹ gọi

Con lại thấy mình bé đi

Bé cho đến một ngày

Được trở về nằm trong bụng Mẹ.

 

Tiếng gọi

Chuông điện thoại réo vang

lúc ba giờ sáng

Tôi tỉnh giấc ra khỏi giường

lần mò đi qua một thế giới đồ đạc

 

Thành phố câm lặng như tất cả

Đã bỏ đi từ đêm qua

Chỉ còn những đám mây khổng lồ

Bò trên những mái nhà cao tầng

 

Tôi mang cảm giác bị bỏ quên

Tất cả vội vã ra đi

Như bầy kiến tiên đoán cơn lụt lớn

Và không một ai nhớ

Để đánh thức tôi

 

Chuông điện thoại vẫn vang lên bền bỉ

Tôi nhấc ống nghe

Và từ đầu dây bên kia ở nơi nào xa lắc

Tôi lại nghe chính giọng nói của mình.

 

Những lá thư

Những lá thư tôi gửi mười năm trước

Như heo may xao xác trở về

Người nhận thư của mười năm trước

Đêm mơ nào cũng mở ra xem

 

Một lá thư mang cơn mưa chiều

Trên hải cảng xa xôi tháng Bảy

Người đàn ông đi giữa hai bờ chữ

Hai hàng cây gió gọi bời bời

 

Một lá thư tỉnh giấc gần sáng

Hỏi thăm một ngôi nhà có nhớ ai không

Một lá thư một người về rất muộn

Ngoái lại nhìn... cửa mở suốt trăm năm

 

Nhưng có một lá thư không gửi

Đi lang thang bên đám mây trời

Và những chữ ở ngoài trang giấy

Viết ngày ngày lên một đóa hoa trăng.

 

Tháng Tư và câu hát ấy

“Tiến về Sài Gòn giải phóng...” đồng đội ơi

Câu hát dài theo tháng năm đi đánh giặc

Chúng tôi nén trong mình một tháng Tư đỏ rực

Một tháng Tư mẹ khóc đón tôi về

 

Chúng tôi từng lo câu hát vơi đi

Mà phía ấy cứ thưa dần bóng mẹ

Cơn sốt rét và người đầy vết đạn

Chúng tôi vịn vào câu hát vượt rừng đêm

 

Chúng tôi đi có một tháng Tư

Chưa trọn vẹn nên vơi đầy phượng đỏ

Trường Sơn ơi, ve kêu khô rừng khộp

Phía Sài Gòn còn một cánh diều không?

 

Có lẽ nào đồng đội ơi lại để

Một tháng Tư góa bụa nữa trong đời

Có lẽ nào để cho câu hát

“tiến về Sài Gòn...” quay lại với rừng xanh

 

Đồng đội tôi bao người đã hy sinh

Sắc đỏ tháng Tư trào ra mặt đất

Tiếng đồng đội phút cuối cùng ngã xuống

Thành tín hiệu mở màn dông bão những đoàn quân

 

Và chúng tôi về thành phố tháng Tư ơi

Máu hòa máu, thịt da liền lại

Chúng tôi chạy như trẻ con trong tháng Tư đỏ rực

Trên những lá cờ đồng đội gọi tên nhau...

 

Đưa cháu về quê nội

Những cơn mưa đã rửa sạch con đường

Rửa sạch những vòm cây, những khu vườn

yên tĩnh

Mùa hạ mở, rộng chân trời cánh cửa

Những búp sen hồng thắp sáng ban mai

 

Đó là ngày tôi đưa cháu tôi về quê nội

Để cháu nhận ra dòng sông, dãy núi, cánh đồng

Nhận ra giọng làng Chùa nồng thơm mùa gặt

Nhận ra những mái nhà trầm mặc xuống suy tư

 

Nhận ra hoa, nở cả trong bóng tối

Nhận ra mây, bay trên những ưu phiền

Nhận ra gió tự do không bao giờ khuất phục

Nhận ra cuốn sách người-ngôn ngữ của lương tri

 

Và tôi bế cháu tôi lên dưới vừng dương rực rỡ

Người ban tặng cháu tôi những hạt giống vàng

Để gieo xuống cánh đồng người năm tháng

Những mùa màng nhân ái mãi lên xanh.

 

Mưa gần sáng

Hơi lạnh cơn mưa gần sáng

Con rắn nước trườn qua tôi

Giấc mơ còn đọng lại

Trên chiếc lá ký ức

Trong khu vườn thời gian

 

Nhớ mãi giấc mơ xa xôi

Những ngày mẹ còn sống

Tuổi thơ hoang hoang cánh đồng

Cậu bé đứng im lặng

Thời gian cũng ngừng trôi

 

Bông cúc vạn thọ lay nhẹ

Nghĩa địa vọng giọng người xưa

Mẹ lau nước mắt cho con

Trên biên giới mùa thu mây trắng

 

Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn

Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều.

 

Những con cá ướp

Tôi suy tưởng về đại dương

Những chiếc chum sành nửa bóng tối

Những con cá ướp.

Đã than thở, đã hát ca, đã xòe vây lộng lẫy

đã hoan hỉ ra đi, dòng trứng phun chảy như

nham thạch

những hải lưu ấm nóng và bất tận.

 

Giờ bên cạnh những hạt muối chứa đầy

ký ức biển

Những con cá bất động

Sự suy tưởng của tôi dội vang những đợt sóng

 

Chiếc chum sành lắc lư

những con cá ướp

phun chảy những dòng trứng

nở ra những con cá

trong dòng hải lưu suy tưởng bất tận của tôi.