- Thưa ông, nhiều người nói rằng họ không bất ngờ với việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới, vì đó là điều họ kỳ vọng và dự đoán. Vậy với riêng cá nhân ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi luôn cảm thấy mình hợp với công việc sáng tác văn học, vẽ tranh, chơi nhạc dân tộc và chơi với cháu nội, cháu ngoại của mình. Khi biết đại hội này mong muốn, đòi hỏi gì ở người đại diện cũng như nắm bắt ý chí của các hội viên, tôi nghĩ rằng hội viên sẽ chọn người có thể đồng hành cùng họ thực thi những yêu cầu ấy. Bởi vậy, khi được đại hội tín nhiệm bầu vào BCH khóa mới với số phiếu cao và được BCH bầu làm Chủ tịch, tôi có phần bất ngờ. Tuy nhiên, khi đã bước đến vị trí mà các hội viên tin tưởng, tôi không còn con đường nào khác ngoài việc phải tiếp tục tiến lên phía trước.

 - Có ý kiến cho rằng đại hội lần này rất thành công về tổ chức, nhưng chưa thành công về chuyên môn, vì thiếu vắng những thảo luận về công việc sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu lý luận-phê bình... và những hoạt động hỗ trợ cho những công việc trên đây để góp phần thúc đẩy văn học phát triển. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vấn đề này đã được đề cập trong hầu hết các đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam trước đây mà tôi được biết. Nhưng chúng ta phải hiểu một điều rằng: Thời gian, tâm lý, không khí... của đại hội 5 năm một lần thì việc để bàn tới những vấn đề văn học sẽ không thể chuyên sâu được. Có người phê phán đại hội chỉ lo bầu bán. Nhưng đấy chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi đại hội. Bởi nếu đại hội chọn được một BCH tốt thì những vấn đề bàn luận về văn học sẽ được thực hiện và thực hiện một cách chuyên sâu thông qua những hội thảo, những diễn đàn mang tính chuyên môn cao và được tập trung trong suốt thời gian đến đại hội sau. Thậm chí những vấn đề chuyên môn có thể được bàn luận kéo dài trên các phương tiện như báo, tạp chí, trang web... của hội. Bởi thế, sự chọn lựa hay nói nôm na là bầu bán là vô cùng quan trọng trong bất cứ đại hội nào, cùng với đó là cơ hội để các nhà văn gặp gỡ nhau. Nếu đại hội không nghiên cứu, bàn luận về nhân sự mà chọn sai một BCH thì mọi hoạt động của hội trong suốt nhiệm kỳ sẽ có nhiều nguy cơ thất bại.

 - Theo ông, thành tựu nổi bật nhất, nét khởi sắc đáng mừng nhất của văn học nước ta trong thời gian gần đây, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi thấy thành tựu nổi bật nhất, đáng nói nhất, đó là những bước đi của dân chủ trong sáng tạo. Những bước đi dân chủ này thể hiện trong tính đa dạng của đề tài, sự phong phú của thi pháp, sự mở rộng của những “vùng” mà lâu nay cả nhà văn và người quản lý đều ngại chạm tới và thái độ của nhà văn trước những vấn đề của xã hội và đất nước. Từ đó tiềm năng còn ẩn chứa đâu đó trong nhà văn sẽ được khai mở một cách tốt nhất. Chỉ như thế, những tác phẩm có tư tưởng, mới mẻ, bất ngờ... mới có khả năng xuất hiện.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX (thứ sáu, từ phải sang) tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành khóa X. Ảnh: Hữu Việt

Một thành tựu khác tôi muốn đề cập thêm là sự quan tâm đặc biệt của BCH khóa IX đối với các nhà văn trẻ. Chưa bao giờ các nhà văn trẻ được kết nạp vào hội nhiều như 5 năm qua. Cũng chưa bao giờ so với vài nhiệm kỳ trước đó, các nhà văn trẻ lại có cảm hứng với việc tham gia vào Hội Nhà văn như vậy. Điều đó đã mang lại một tinh thần mới với nhiều cảm hứng cho hoạt động của hội.

- Trong bài phát biểu chào mừng và chỉ đạo đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có nói: “Tôi mong sau mỗi kỳ đại hội, các nhà văn lại viết hay hơn và đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm hay hơn đại hội trước”. Ông suy nghĩ như thế nào về yêu cầu trên đây của Đảng và Nhà nước?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Yêu cầu đó của Đảng và Nhà nước tương đồng với yêu cầu tự thân của mỗi nhà văn trong và ngoài hội. Sau mỗi một tác phẩm được viết đêm qua, các nhà văn lại muốn một tác phẩm viết đêm nay sẽ mới mẻ hơn, độc đáo hơn và khác biệt hơn. Hầu hết các nhà văn đều mang một suy nghĩ và một niềm tin rằng: Tác phẩm sau của mình sẽ là một tác phẩm hay hơn, lớn hơn tác phẩm trước. Đấy cũng là khát vọng của mọi BCH và mọi đại hội. Bởi nếu không có khát vọng đó, nhà văn sẽ rơi vào sự thỏa mãn và như vậy bản thân cá nhân một nhà văn sẽ chẳng còn cảm hứng sáng tạo nữa.

- Trong diễn văn bế mạc đại hội, ông phát biểu: “Việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi-của các hội viên, của Đảng, Chính phủ và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công!”. Ông có thể diễn giải cụ thể hơn về điều xác quyết trên đây?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Điều xác quyết này không phải của riêng cá nhân tôi mà nó ở trong mỗi hội viên tham dự đại hội hay không tham dự đại hội và đương nhiên nằm trong mỗi thành viên của BCH. Đó là một khát vọng, một ý chí. Đặc biệt, khi một thế hệ khác đã nhận sứ mệnh của toàn thể hội viên giao phó, thì nghĩa là họ đã nhận một niềm tin. Điều này vô cùng quan trọng. Khi đại hội đặt niềm tin vào BCH mới thì nghĩa là họ đã đồng hành cùng BCH. Như thế, công việc của hội không chỉ là của 11 người trong BCH gánh vác mà là tất cả hội viên cũng như xã hội. Một điều hiện nay đang “đe dọa” những nhà văn và cả người đọc là cảm hứng sống và cảm hứng sáng tác đang ít nhiều nguội đi. Khi người viết và người đọc mang cảm giác “hững hờ” với các tác phẩm văn học nghệ thuật thì làm sao chúng ta làm ra một đời sống văn học thực sự được. Sự chuyển giao thế hệ trong công việc điều hành hội đã thực sự bắt đầu tạo nên một cảm hứng mới. Chỉ có một cảm hứng mới mãnh liệt thì những tác phẩm hay mới có cơ hội ra đời.

- Theo ông, BCH khóa X hiện nay là trẻ hay “già”?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: BCH khóa X không phải là một BCH trẻ. Một phần ba số ủy viên BCH đã là những người già thực sự như nhà văn Khuất Quang Thụy 70 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa 62 tuổi và tôi 63 tuổi. BCH khóa X chỉ có một điều khác là gần như tất cả ủy viên ở một thế hệ khác mà thôi. Tôi làm Chủ tịch Hội Nhà văn khi đã 63 tuổi, khi mà mỗi sáng thức dậy vẫn có một câu hỏi vang lên: Tại sao ở tuổi này mình vẫn còn phải đi làm? Ở tuổi đó, có biết bao nhiêu điều tuyệt vời của tuổi 50, 40, 30... đã và đang rời xa mình. Nếu nhìn lại lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam thì chúng ta thấy những ủy viên BCH và các tổng thư ký (sau này là chủ tịch) khi nhận nhiệm vụ còn rất trẻ. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tiếp theo, các ủy viên BCH sẽ xuất hiện những người trẻ đúng nghĩa.

- Lâu nay trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, thường nhận định rằng chúng ta chưa có những tác phẩm lớn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa IX của Hội Nhà văn Việt Nam cũng nói: Đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và công cuộc đổi mới đất nước. Nhân dân và công chúng văn học đang trông chờ vào BCH khóa X, thưa ông?

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mong đợi đó là sự chính đáng. Tôi muốn nói thêm đó là sự đòi hỏi chính đáng! Nhưng bản chất của vấn đề lại khác. BCH cho dù siêu việt đến đâu cũng không thể giúp nhà văn làm ra tác phẩm lớn. Chỉ cá nhân nhà văn mới quyết định được điều đó. Sẽ có người hỏi: Vậy BCH làm gì? Xin thưa: Một trong những nhiệm vụ của BCH cùng với các hội viên của mình là phát hiện ra những tác phẩm hay, rồi bảo vệ những tác phẩm đó, rồi công bằng trong đánh giá với tác phẩm đó, rồi tôn vinh và truyền bá những tác phẩm đó... Có những nhà văn không tham gia Hội Nhà văn nhưng họ vẫn viết những tác phẩm hay!

- Ông là tác giả của những tập thơ và truyện ngắn viết về những đề tài truyền thống, với thi pháp truyền thống, được công chúng yêu thích, được nhiều giải thưởng cao. Hiện nay, ông là một trong những tác giả được coi là thành công trong nỗ lực đổi mới thơ Việt đương đại theo hướng hiện đại. Ông quan niệm như thế nào về “cũ” và mới, truyền thống và hiện đại... của văn học?

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi xin chưa trả lời câu hỏi này, vì đây là một vấn đề học thuật cần được nghiên cứu, bàn thảo, trao đổi... kỹ và sâu.

- Cảm ơn ông về những trao đổi hôm nay. Chúc ông sức khỏe và tiếp tục thành công trong sáng tác và quản lý!

TUYÊN HÓA (thực hiện)